Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Những bất cập trong hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về báo chí

Nguyễn Minh Thuyết
20111005163732_gsnguyenminhthuyet.jpg
Gs Nguyễn Minh Thuyết
1. Theo Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XII, năm 2008, Chính phủ đã chuẩn bị dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã hoàn thành Báo cáo kết quả giám sát việc thi hành Luật Báo chí và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí để trình ra Quốc hội.
Tuy nhiên, do Chương trình thay đổi, các văn bản nói trên không được trình, mặc dù sau nhiều năm thực hiện, Luật Báo chí và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về báo chí nói chung đã bộc lộ nhiều bất cập so với tình hình mới.
Báo cáo này trình bày về những bất cập đó để làm rõ nhu cầu sửa đổi Luật Báo chí.
2. Bất cập cần được quan tâm trước tiên là các QPPL về báo chí được quy định trong quá nhiều văn bản.
Luật Báo chí hiện hành chỉ điều chỉnh hành vi của cơ quan báo chí và nhà báo Việt Nam, còn hoạt động thông tin - báo chí của cơ quan báo chí nước ngoài và phóng viên nước ngoài được quy định bằng một nghị định độc lập (thường gọi là “nghị định không đầu”) của Chính phủ.
Những hiện tượng mới xuất hiện như trang tin điện tử và những hình thức thông tin khác trên mạng; hoạt động liên kết giữa cơ quan báo chí với tổ chức khác để sản xuất chương trình phát thanh - truyền hình; dịch vụ truyền hình trả tiền v.v… cũng do các nghị định độc lập của Chính phủ hoặc thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông, thông tư liên Bộ quy định.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có tới 50 VBQPPL trong lĩnh vực này. Đó là chưa kể các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương và VBQPPL, văn bản chỉ đạo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hầu hết các VBQPPL về báo chí đều đã được kiểm nghiệm qua thực tế áp dụng, nay có thể xem xét để hợp nhất vào Luật Báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà quản lý, nhà báo và người dân theo dõi và thi hành pháp luật.
Văn bản có thời gian kiểm nghiệm thực tế lâu nhất, tới gần 20 năm, là Quy chế quản lý hoạt động thông tin, báo chí của phóng viên nước ngoài, các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam được ban hành theo Thông tư liên bộ số 84-TTLB-BVHTT-BNG ngày 31/12/1996 và được thay thế bằng Nghị định 88/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 với nội dung tương tự. Các quy định này nên được đưa thành một bộ phận của Luật Báo chí, vì chỉ trừ quy định phóng viên nước ngoài phải có giấy phép hoạt động thông tin - báo chí và thẻ phóng viên nước ngoài do Bộ Ngoại giao cấp, quyền tác nghiệp của phóng viên nước ngoài về cơ bản không khác so với nhà báo Việt Nam. Thậm chí, họ còn được những quyền mà một nhà báo Việt Nam bình thường khó có được, như quyền quy định ở khoản 2 Điều 13: “Đối với các yêu cầu tiếp xúc, phỏng vấn lãnh đạo các Bộ, ban, ngành của Việt Nam, Văn phòng thường trú gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị trực tiếp, qua bưu điện hoặc fax đến các Bộ, ban, ngành liên quan, đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị, các Bộ, ban, ngành có trách nhiệm trả lời Văn phòng thường trú bằng văn bản.” Trong quan hệ quốc tế thời hội nhập, chúng ta không nên giữ mãi tình trạng phân biệt nhà báo Việt Nam, nhà báo nước ngoài bằng những VBQPPL khác nhau. Vả lại, VBQPPL chỉ điều chỉnh được hành vi của văn phòng đại diện và phóng viên thường trú, phóng viên không thường trú, phóng viên tháp tùng đoàn đại biểu nước ngoài trên lãnh thồ Việt Nam, không điều chỉnh được những hoạt động xuyên biên giới bằng các phương tiện truyền thông như phỏng vấn qua điện thoại, thư điện tử và các hình thức truyền hình trên mạng internet.
Ngoài Quy chế quản lý hoạt động thông tin, báo chí của phóng viên nước ngoài, các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, các VBQPPL khác trong lĩnh vực báo chí - thông tin - internet cũng đã được ít nhiều kiểm nghiệm trong thực tế. Quy định về việc liên kết trong hoạt động sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình được ban hành từ ngày 28/5/2009 theo Thông tư số 19/2009/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các văn bản khác đa phần được ban hành trong năm 2011, ví dụ: Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền được ban hành từ ngày 24/3/20011 và được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 18a/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/3/2013; Quy định chi tiết việc cấp giấy phép hoạt động báo chí điện tử, giấy phép chuyên trang báo chí điện tử được ban hành theo Thông tư số 33/2011/TT-BTTTT ngày 1/11/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo tôi, cũng đã đến lúc hợp nhất những quy định đó vào Luật Báo chí.
Theo Chương trình xây dựng pháp luật năm 2015 của Quốc hội, Chính phủ đang chuẩn bị dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (hợp nhất, sửa đổi). Theo dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ ban hành pháp lệnh, nghị quyết trong trường hợp được Quốc hội ủy quyền. Trên tinh thần đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ chỉ ban hành các VBQPPL hướng dẫn thi hành những điều được giao trong luật, không ban hành các nghị định độc lập nữa. Nếu vậy thì việc hợp nhất các QPPL tại các nghị định độc lập vào Luật Báo chí càng trở nên cần thiết.
3. Bất cập thứ hai là quy định trong một số VBQPPL về báo chí chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí. Cụ thể như sau:
3.1. Để thực hiện quy định về nhiệm vụ và quyền của báo chí tại Điều 6 Luật Báo chí, đặc biệt là “thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”, “đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác”, báo chí phải được quyền tiếp cận thông tin một cách kịp thời, đầy đủ và chính xác. Điều 7 của Luật quy định: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.” Từ quy định có tính nguyên tắc của Luật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/05/2007). Theo Quy chế này, cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí, Đồng thời, “người phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp […] xảy ra vụ việc cần có ngay ý kiến ban đầu của cơ quan hành chính thì người phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là hai (02) ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra […]; khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề của cơ quan, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan được nêu trên báo chí.” (Điều 4 Quy chế).
Tuy nhiên, trên thực tế, việc báo chí tiếp cận thông tin, tiếp cận với người phát ngôn thường gặp nhiều khó khăn. Trước hết, vì người phát ngôn có thể lấy lý do những điều báo chí hỏi là “vấn đề thuộc bí mật nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn” hoặc là “văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội” (khoản 3 Điều 5) để từ chối phát ngôn hoặc cung cấp thông tin. Thứ hai, người phát ngôn thường là thủ trưởng cơ quan hoặc giữ trọng trách trong cơ quan nên bận họp hành, đi công tác, báo chí tiếp cận không dễ dàng. Không hiếm trường hợp người phát ngôn chỉ nắm được những thông tin chung chung nên cũng không giúp làm sáng tỏ sự việc được bao nhiêu. Những người khác am hiểu sự việc không dám phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí vì sợ trách nhiệm được quy định rất nghiêm khắc tại khoản 4 Điều 2: “Các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước không được giao nhiệm vụ phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí thì không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật, không trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí.”
3.2. Ở nước ta, báo chí không chỉ là “cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội” mà còn là “diễn đàn của nhân dân” (Điều 1 Luật Báo chí). Để báo chí thực hiện vai trò “diễn đàn của nhân dân”, Điều 5 Luật Báo chí quy định: “Cơ quan báo chí có trách nhiệm: 1. Đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nêu rõ lý do; 2. Trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến.”. Thực tế cho thấy quy định này không có tính khả thi và hầu như cơ quan báo chí nào cũng vi phạm. Báo chí không thể đăng hoặc phát sóng mọi tác phẩm, ý kiến của công dân, đồng thời cũng không có khả năng trả lời từng công dân và nêu rõ lý do không đăng hoặc phát sóng tác phẩm, ý kiến của họ. Nói riêng về đơn thư khiếu nại, tố cáo thì hiện nay, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến các báo là rất lớn. Người dân thường phô tô các đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi cho nhiều cơ quan báo chí cùng một lúc. Nếu các cơ quan báo chí không chọn lọc mà đăng tải hoặc phát sóng toàn bộ thì vừa trùng lặp thông tin vừa làm tăng trang báo, tăng thời lượng phát sóng một cách không hợp lý. Vả lại, báo chí cũng không thể đăng hoặc phát sóng các ý kiến khiếu nại, tố cáo chưa qua điều tra, xác minh. Trong khi đó, cơ quan báo chí không có đủ biên chế và điều kiện để điều tra, xác minh vụ việc theo đơn thư của tất cả công dân. Thông thường, cơ quan báo chí chỉ có thể làm công văn chuyển đơn của công dân đến cơ quan hữu quan xử lý.
3.3. Một trong những điểm được đánh giá cao trong Luật Báo chí hiện hành là quy định cơ quan báo chí phải cải chính, xin lỗi khi “thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”; “lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả và lời phát biểu của tổ chức, cá nhân […] phải được đăng, phát sóng tương xứng với thông tin do báo chí đã đưa ra” (Điều 9 Luật Báo chí). Tuy nhiên, quy định cụ thể tại Khoản 4 Điều 3 Quy chế cải chính trên báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BVHTT ngày 07 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin: “Thông tin cải chính, xin lỗi, văn bản kết luận, ý kiến phát biểu phải được đăng, phát đúng vị trí, đúng chuyên mục, đúng số trang với cùng một kiểu, cỡ chữ (đối với báo in, báo điện tử), đúng chuyên mục, giờ phát sóng, số lần phát sóng (đối với báo nói, báo hình) mà báo chí đã đăng, phát thông tin.” rất khó thực hiện. Vả lại, trừ tổ chức, cá nhân bị đưa tin sai, bị xúc phạm quan tâm đến việc này, độc giả nói chung ít có điều kiện theo dõi liên tục để biết sự việc đã được báo chí cải chính, tổ chức, cá nhân bị xúc phạm đã được báo chí xin lỗi. Theo kinh nghiệm của Vương quốc Anh, nhiều báo in ở nước này dành hẳn 1 trang hoặc phần của trang báo cố định để chuyên đăng tải những lời cải chính, xin lỗi. Một số báo lớn có hẳn biên tập viên đảm nhiệm vai trò quan hệ công chúng để xử lý toàn bộ thư khiếu nại của độc giả, kết luận thông tin báo đã đưa là đúng hay sai và cải chính, xin lỗi khi thông tin sai sự thật hoặc xúc phạm tổ chức, cá nhân. Biên tập viên quan hệ công chúng này làm việc độc lập, chịu trách nhiệm về kết luận của mình, bài đăng kết luận đó không cần thông qua tổng biên tập và được dành hẳn một trang riêng cho độc giả dễ theo dõi. Bên cạnh đó, từ sáng kiến của một số chủ báo lớn, các báo in còn thống nhất lập ra Ủy ban Khiếu nại báo chí làm trọng tài giải quyết khiếu nại của độc giả. Kết luận của Ủy ban được các báo tự nguyện đăng tải và thực hiện. Trong trường hợp này, sự tự quản của tổ chức xã hội dân sự tỏ ra hiệu quả, vì các báo cũng không muốn Nghị viện hoặc Chính phủ phải can thiệp bằng pháp luật. Đối với hệ thống phát thanh, truyền hình, cơ quan xử lý khiếu nại thuộc Nhà nước, vì quyền lựa chọn của thính giả, khán giả trong lĩnh vực này hạn chế hơn là trong lĩnh vực báo in (độc giả thích thì mua báo, không thì thôi), Nhà nước phải đứng ra bảo vệ quyền lợi của người dân. Đây là một số kinh nghiệm nên được tham khảo khi sửa đổi Luật Báo chí.
3.4. Cho đến nay, các văn bản chỉ đạo của Đảng cũng như các VBQPPL của Nhà nước đều không thừa nhận báo chí tư nhân. Chỉ thị số 37 CP ngày 29/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ còn khẳng định: "Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong một nền kinh tế chuyển đổi từ mô hình tập trung sang mô hình thị trường, quy định này rất khó thực hiện.
Do thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, một số cơ quan cấp tổng cục đã chuyển thành tập đoàn kinh tế hoạt động theo mô hình doanh nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Hàng không dân dụng Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam,…. Những doanh nghiệp này cho đến nay vẫn tiếp tục xuất bản những ấn phẩm báo chí chuyên ngành của cơ quan nhà nước trước đây.
Một số cơ quan báo chí như Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Báo điện tử VNMedia và Báo điện tử VietNamNet thực chất do các doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam thành lập. Thậm chí VnExpress do một doanh nghiệp tư nhân là FPT thành lập, hiện thuộc sự quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, hiện có hơn 80 trường đại học tư thục, trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài và hàng chục viện, trung tâm nghiên cứu do tư nhân thành lập. Các đơn vị này đều có nhu cầu ra tạp chí, tập san để thông tin về hoạt động của mình, công bố và trao đổi về kết quả nghiên cứu của mình. Việc không cho phép các đơn vị đó ra tạp chí, tập san vừa không phù hợp với thông lệ quốc tế vừa không tạo điều kiện khuyến khích sáng tạo khoa học - công nghệ.
Nhưng có một thực tế đáng quan tâm nhất đang diễn ra hiện nay là ngày càng có nhiều cơ quan báo chí liên kết với tổ chức, cá nhân ra các ấn phẩm phụ của báo in, sản xuất các chương trình, kênh giải trí trên đài phát thanh, truyền hình. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 19/2009/TT-BTTTT ngày 28/5/2009 ngày 28/5/2009 để điều chỉnh việc liên kết này, nhưng Thông tư 19 mới chỉ điều chỉnh hoạt động sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, chưa điều chỉnh được các hoạt động liên kết khác.
Luật Báo chí hiện hành cũng bỏ qua một hiện thực là hiện có hàng nghìn trang tin điện tử của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện,… và một số lượng lớn blog cá nhân trên website không kiểm soát được. Nhiều trang tin điện tử, blog không chỉ đưa lên mạng những thông tin riêng của tổ chức, cá nhân sở hữu chúng mà còn cung cấp cho người đọc tin tức từ nhiều nguồn khác nhau và trình bày quan điểm riêng về nhiều vấn đề thời sự không khác gì một tờ báo điện tử. Với xu hướng hội tụ các loại hình thông tin trên hệ thống mạng hiện nay, để xem chương trình truyền hình, truy cập các trang tin điện tử, blog và thụ hưởng các loại dịch vụ có nội dung được số hóa khác, người ta chỉ cần một chiếc máy vi tính, thậm chí một máy điện thoại di động. Hội tụ thông tin cùng với những biến đổi về tâm lý xã hội đã làm thay đổi mô hình thông tin truyền thống, thay đổi sự phân bố số lượng độc giả - thính giả - khán giả theo hướng ngày càng ít người đọc báo in, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình “nhà nước”, số người đọc, viết blog, giao lưu trên các mạng xã hội ngày càng tăng lên. Tình hình này đang đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết trong hoạt động quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông. Đã đến lúc chúng ta phải có cách ứng xử thích hợp hơn là khăng khăng không chấp nhận báo chí tư nhân và đặt mọi hoạt động thông tin không do báo chí “nhà nước” thực hiện ra ngoài Luật Báo chí.
Theo quan sát của tôi, ở các nước phát triển, báo chí chủ yếu là của tư nhân, tuy rất đa dạng về quan điểm, phong cách nhưng đều tuân thủ các quy định của pháp luật, trước hết là quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Dân sự. Những hành vi đưa tin sai sự thật, xúc phạm tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật có thể dẫn đến những án phạt rất nặng, thậm chí dẫn đến phá sản là điều mà không một nhà báo hay chủ báo nào không sợ. Chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn về kinh nghiệm quản lý báo chí của các nước này để giải quyết đúng đắn vấn đề báo chí tư nhân, không để nước ta luôn bị coi là một trong số ít nước thiếu cởi mở với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Về cơ sở pháp lý, thực ra, việc thừa nhận báo chí tư nhân không những không trái mà còn phù hợp với quy định tại Điều 1 Luật Báo chí hiện hành: “Báo chí ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội ; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (dưới đây gọi chung là tổ chức) ; là diễn đàn của nhân dân.” Với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được quy định trong Hiến pháp và trong Luật Báo chí, công dân có quyền lập diễn đàn của mình dưới nhiều hình thức – hoặc tham gia trao đổi các vấn đề kinh tế - xã hội trên các cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, hoặc thành lập diễn đàn của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của diễn đàn. Trước một việc sớm muộn cũng diễn ra, chủ động nghiên cứu, ban hành QPPL để điều chỉnh sẽ tốt hơn là ứng phó một cách thụ động.
3.5. Trong khi giữ thái độ dè dặt, chỉ chấp nhận sự tham gia của tư nhân vào hoạt động báo chí dưới hình thức liên kết với cơ quan báo chí “nhà nước”, Luật Báo chí và các VBQPPL về báo chí lại mở cửa khá rộng với cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội các cấp. Theo Báo cáo số 44/BC-TTTT ngày 26/7/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 31/12/2013, cả nước đã có 838 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo in, 639 tạp chí, với 1111 ấn phẩm. Riêng về báo chí điện từ có 90 cơ quan báo điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan báo chí. Về phát thanh, truyền hình, cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình, trong đó nhiều “đài” có đủ các loại hình báo nói, báo hình, báo in, tạp chí, báo điện tử. Một số địa phương còn tổ chức đài phát thanh - truyền hình cấp huyện.
Sự phát triển của báo chí thể hiện tác động tích cực của Luật Báo chí trong cuộc sống. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh số lượng cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo trong khi vẫn duy trì chế độ bao cấp về xuất bản và phát hành đang đặt ra những vấn đề bức xúc cần được điều chỉnh kịp thời. Đại bộ phận báo, đài hiện nay vẫn được Nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc một phần về nhân sự, trụ sở, trang thiết bị, chi phí in ấn và được phát hành tới các đơn vị hành chính, các tổ chức chính trị, xã hội cũng bằng ngân sách nhà nước; số cơ quan báo chí tự cân đối thu chi chỉ vào khoảng trên dưới 10 đơn vị và cũng chỉ đối với khoảng vài chục ấn phẩm báo chí; chỉ một vài đài phát thanh - truyền hình có thính giả, khán giả thường xuyên. Có thể nói đây là hậu quả của chính sách bao cấp tràn lan, thiếu quy hoạch hợp lý trong một thời gian dài, gây lãng phí lớn về thời gian, công sức và tiền của, cần sớm được khắc phục.
Tôi ủng hộ ý kiến trong Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ là, trong tương lai, trừ một số ít cơ quan báo chí chủ chốt, các cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình sự nghiệp có thu cần đảm bảo cân đối thu chi; các cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện cần thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các doanh nghiệp khác. Trước sức ép về tài chính, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức,... sẽ phải sắp xếp lại cơ quan báo chí của mình phù hợp với yêu cầu và khả năng của mình, mà không cần một quy hoạch sau hàng chục năm xây dựng đến nay vẫn chưa ban hành được và giả sử có được ban hành cũng là đã muộn và khó tránh khỏi áp đặt chủ quan. Bên cạnh đó, Luật Báo chí (sửa đổi) cũng nên quy định về hoạt động của tổ chức truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình, điện tử để tách bộ phận này khỏi các đài phát thanh - truyền hình địa phương không có tiềm lực kinh tế mạnh, thu gọn đầu mối, tránh tình trạng lãng phí do các đài chồng lấn sóng và đài nào cũng phải liên tục nâng cấp trang thiết bị như hiện nay.
3.6. Trong lần sửa đổi Luật Báo chí tới đây, cũng cần xem xét lại quy định về lưu chiểu. Theo quy định tại khoản 1, Điều 40, báo in phải nộp lưu chiểu trước 2 giờ kể từ thời điểm phát hành. Quy định này rất khó thực hiện vì báo thường phát hành từ sáng sớm, cơ quan nhận lưu chiểu không có điều kiện nhận báo đúng thời gian theo luật định và cũng không thể tổ chức đọc trước khi báo phát hành.
4. Bất cập thứ tư là Luật Báo chí và VBQPPL về báo chí hiện hành dù đã bao quát được khá đầy đủ các nội dung quản lý nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa được quy định hoặc quy định thiếu cụ thể, cần được bổ sung trong lần sửa đổi này: 4.1. Trước hết, cần bổ sung những quy định liên quan đến tổ chức báo chí như hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập cơ quan báo chí; thủ tục giải thể cơ quan báo chí; hoạt động xã hội của cơ quan báo chí.
4.2. Tiếp theo, cần bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có chức vụ trả lời trên báo chí về các vấn đề báo chí nêu và trả lời đơn, thư của công dân do cơ quan báo chỉ chuyển đến, tránh tình trạng để nhiều vụ việc rơi vào im lặng.
4.3. Thứ ba là bổ sung những quy định liên quan đến báo điện tử. Báo điện tử không xuất bản theo số mà cập nhật tin, bài đến từng phút; khi phát hiện sai sót, có thể chỉnh sửa hoặc tự gỡ bỏ từng phần, thậm chí gỡ bỏ cả bài ra khỏi trang báo. Do vậy, rất khó xác định bản nào được coi là bản gốc để lưu chiểu, lưu trữ cũng như khó có căn cứ để khởi kiện hoặc buộc cải chính khi báo có sai phạm. Một đặc điểm đáng chú ý nữa của báo điện tử là khả năng tương tác tức thời với độc giả. Báo có thể nhận được ngay ý kiến phản hồi đối với từng bài báo hoặc tổ chức các diễn đàn trực tuyến, thu hút công chúng tham gia, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Bản thân các báo điện tử cũng luôn có nguy cơ bị kẻ xấu chèn thông tin không lành mạnh, ngoài ý muốn, làm ảnh hưởng đến uy tín của báo và gây nhiễu loạn thông tin. Đây là những điểm cần chú ý điều chỉnh trong luật.
4.4. Thứ tư, Luật Báo chí cần bổ sung quy định về văn phòng đại diện và phóng viên thường trú của cơ quan báo chí cho đầy đủ hơn.
Điều 19a Luật Báo chí chỉ có một khoản quy định nguyên tắc chung về việc thành lập cơ quan đại diện và cử phóng viên thường trú ở các địa phương trong nước của cơ quan báo chí. Luật chưa quy định cụ thể và cũng không giao Chính phủ quy định cụ thể điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất của văn phòng đại diện và tiêu chuẩn phóng viên thường trú. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng một số cơ quan báo chí cử trưởng văn phòng đại diện không có nghiệp vụ báo chí hoặc sử dụng cả những người có sai phạm, bị kỷ luật từ cơ quan báo chí khác làm phóng viên thường trú. Nhiều văn phòng đại diện thành lập chủ yếu để giao dịch về quảng cáo. Mối quan hệ công tác giữa các văn phòng đại diện với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương lỏng lẻo, cơ chế phối hợp chưa rõ ràng, vì vậy địa phương rất khó quản lý. Trong lần sửa đổi này, Luật Báo chí cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn lãnh đạo cơ quan báo chí, lãnh đạo văn phòng đại diện, tiêu chuẩn phóng viên thường trú, số nhân sự tối thiểu của văn phòng, hồ sơ và thủ tục đề nghị cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện, chức năng và nhiệm vụ của văn phòng đại diện, cơ chế quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương đối với các văn phòng đại diện.
4.5. Thứ năm là bổ sung quy định về quan hệ quốc tế trong hoạt động của báo chí Việt Nam.
Trong những năm qua, các cơ quan báo chí trong nước đã đặt quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực thông tin - truyền thông để trao đổi thông tin, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tham gia hội nghị, hội thảo, hợp tác xây dựng chương trình, phát sóng các chương trình trong nước ra nước ngoài và biên tập các chương trình nước ngoài, đặt văn phòng đại diện, phóng viên thường trú ở nước ngoài,.... Nhu cầu đặt văn phòng đại diện và cử phóng viên đi tác nghiệp ở nước ngoài là rất lớn. Tuy nhiên, thủ tục giải quyết các việc này còn khá cồng kềnh, phức tạp.
Sự mở rộng quan hệ quốc tế cũng đặt ra nhiều vấn đề khác cần giải quyết như: sự điều chỉnh của Luật Báo chí Việt Nam và các văn bản dưới luật đối với hành vi tác nghiệp của cơ quan báo chí và phóng viên Việt Nam ở nước ngoài, việc mua bản quyền măng-sét và nội dung của báo chí nước ngoài để xuất bản trong nước, việc bán bản quyền măng-sét và nội dung của báo chí trong nước để xuất bản ở nước ngoài,... Đây là những nội dung cần sớm được quy định để đảm bảo cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác quốc tế.
Trên thế giới hiện nay không nhiều nước có Luật Báo chí. Phần lớn các nước điều chỉnh hoạt động báo chí bằng Bộ luật Dân sự và một số luật có liên quan.
Ở nước ta, chỉ hơn 6 tháng sau ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41/SL ngày 29/3/1946 quy định chế độ tạm thời về báo chí. Sau hòa bình lập lại trên miền Bắc, quy định về chế độ báo chí được hoàn thiện và ban hành theo Sắc lệnh số 282?SL của Chủ tịch nước ngày 14/12/1956. Đạo luật đầu tiên về báo chí ở nước ta được gọi là Luật về chế độ báo chí do Quốc hội khóa I ban hành ngày 20/5/10957. Từ đó đến nay, đạo luật về báo chí đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần.
Việc ban hành Luật Báo chí năm 1989 được đánh giá là một bước tiến, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau 10 năm áp dụng, Luật Báo chí đã được sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Tới nay, sự phát triển của thực tiễn, đặc biệt là sự phát triển có tính chất bước ngoặt của công nghệ thông tin và truyền thông, đòi hỏi Luật phải được sửa đổi một cách căn bản nhằm bao quát được đầy đủ các loại hình báo chí và mô hình hoạt động báo chí mới xuất hiện, chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực, tạo điều kiện cho báo chí tiếp tục phát triển lành mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc chậm sửa đổi Luật Báo chí trong lúc Luật Báo chí hiện hành và việc thi hành Luật bộc lộ nhiều bất cập một mặt có thể gây trở ngại cho sự phát triển của báo chí và công tác quản lý báo chí, mặt khác sẽ dẫn đến tình trạng một số quy định trong Luật mất tác dụng điều chỉnh thực tế, làm giảm tính tôn nghiêm của pháp luật.
Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, tháng 7/2014
Tác giả gửi Quê Choa

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"