Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Ngày 27/07 & nghĩa vụ - trách nhiệm thế hệ

LMHT
Cứ mỗi năm, vào dịp tháng 7 thì những ngọn nến, nén nhang lại được thắp lên đồng loạt tại hàng trăm vạn ngôi mộ có tên hoặc không tên trên mảnh đất hình chữ S này.
Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, có quá nhiều điều để nói, có quá nhiều nỗi đau còn chưa nguôi.
Nhớ về nó là nhớ về thời đạn bom khói lửa, là sự sợ hãi thường trực trong mỗi thời khắc. Là những cái chết chỉ kịp vùi xuống đất để rồi qua bao năm tháng bị đánh mất cả tên tuổi, địa danh.
Dòng sông Thạch Hãn thời bình vẫn gợn sóng đỏ ngầu, vì tình yêu hay vì lứa tuổi của lớp lớp thế hệ thanh niên đã ngã xuống tại đây?
Chỉ biết rằng, nỗi đau về sự mất mát vẫn chưa hề nguôi ngoai. Vì cả vết thương chiến tranh lẫn vết thương về mặt xã hội ngày hôm nay gây ra.
Tôi còn nhớ lời một người cựu chiến binh, ngày ngày đọc báo và ngày ngày nhận thấy nhiều những vụ tham nhũng, vụ gian trá học đường, vụ lạm quyền… đã ngậm ngùi:
- Thế hệ tụi tao là đấu tranh bảo vệ Tổ Quốc và thống nhứt cái đất nước này. Còn đấu tranh cái xấu, xây dựng cái đất, cái nước này trở nên giàu mạnh là nhiệm vụ của thế hệ trẻ tụi mày.
Lúc đó tôi chỉ muốn hét lên:
- Sao bác lại nói thế, trách nhiệm xây dựng tổ quốc là trách nhiệm chung của mỗi người công dân chứ đâu phải…
Nhưng ý nghĩ đó thoáng qua để không bật thành lời. Về sau này, khi ngẫm lại, tôi nhận thấy lời nói đó của người cựu chiến binh là đúng.

Thế hệ trước đã vì lý tưởng, nhưng lý tưởng cao nhất là vì Tổ Quốc, gần gũi hơn là bảo vệ xóm làng, con đê, nương dâu… họ trả giá cả cuộc đời thanh xuân, một phần hoặc cả sự sống vào trong nhiệm vụ đấu tranh thống nhất quốc gia đó. Chúng ta không thể đòi hỏi họ phải làm thế này – thế nọ trong thời điểm hiện nay & cả mai sau nữa.
Những tệ nạn, tiêu cực và cả những di hại mà chế độ hiện nay đem lại cho giống nòi, quốc gia không thể trách họ được, không thể tiếp tục bắt họ gánh lấy những tiêu cực mà khi họ đi đầu quân chiến đấu hay làm công tác hậu phương, họ không nhìn ra được. Đơn giản – họ là những người nông dân, công nhân hay thậm chí là trí thức, nhưng họ buộc phải cầm súng bảo vệ xóm làng, họ không phải là những nhà chính trị với lắm những mưa toan. Điều đó khiến những người lính đó không hề nhận biết CNXH là gì – XHCN là cái chi và nó gây ra sự què quặt của đất nước sau những ngày chiến như thế nào…
Chúng ta vì thế không trách móc họ - không nguyền rủa họ - không đả phá họ. Thế hệ những người đấu tranh thời chiến đã làm rất tốt & hoàn thành nghĩa vụ - trách nhiệm của họ. Đó là thống nhất quốc gia này.
Do đó, chúng ta có quyền đả phá những kẻ làm chính trị mưa toan, trong đó bao gồm cả những nước lớn tham gia trong cuộc chiến tại Việt Nam. Chúng ta có quyền trách móc, nguyền rủa những kẻ cho đến thời điểm hiện nay vì quyền lực cá nhân, lý tưởng cá nhân đã bất chấp tất cả để khiến cho cả quốc gia – dân tộc này ngày một đi lùi trong phát triển kinh tế - chính trị - xã hội so với các quốc gia tiên tiến khác trong khu vực và thế giới.
Chúng ta không có quyền trách móc các chiến binh, liệt sĩ vì nền xã hội – chính trị như ngày hôm nay.
Và điều đó cũng có nghĩa, chúng ta – thế hệ đang sống ngày nay, sinh ra sau cuộc chiến đó phải & sẽ phải gánh lấy trách nhiệm – nghĩa vụ lớn lao. Đó là đứng lên, tập hợp chống lại các tiêu cực xã hội, đòi hỏi những quyền & nhu cầu cơ bản để xã hội đó tốt lên, chống lại các bất công của nền chính trị hiện tại. Chống lại những lợ ích nhóm, những cá nhân tư bản đỏ đang ngày đêm nhân danh Nhân Dân, chống lại thế lực của một nhóm người có chức quyền nhằm vét tài nguyên quốc gia để làm lợi cá nhân – gia đình họ.
Có nghĩa là thế hệ chúng ta sẽ đấu tranh tiếp cho 2 mục tiêu: Tự do & Hạnh phúc
Làm sao và làm sao đó để hạnh phúc & tự do không còn là khẩu hiệu. Để mỗi một người có thể nhận thức được những quyền tự do, thực hiện mưa cầu căn bản của mình mà không phải lạy lục van xin. Và đơn giản hơn, để trẻ em có thể được uống sữa rẻ hơn bia hay thuốc lá, ăn thực phẩm an toàn thay vì là sản phẩm được chăm chút bởi thuốc tư thương, quản lý thị trường và thuốc của sự ngu dốt của những kẻ làm chính trị kim tiền.
Đó là nhiệm vụ, đó là trách nhiệm, đó là bổn phẩn của thế hệ hiện nay nếu muốn xã hội cho thế hệ sau tốt hơn.
Đừng để những y tá, những quân nhân hay con cháu các vị quân nhân, nhà chính trị ngày xưa đạp lên xác đồng đội – cha anh mình để bòn rút và tiếp tục làm suy kiệt quốc gia – dân tộc này. Phản bội lại mục tiêu cao đẹp nhất, lý tưởng cao đẹp nhất của thế hệ thời chiến là: Độc lập – thống nhất – tự do – hạnh phúc…
Đó cũng là cách để đền đáp công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập – thống nhất của quốc gia Việt Nam này.
Tổ quốc và trường ca bi tráng vẫn tiếp diễn với sự đấu tranh của các thế hệ.
Đơn giản vì, đất nước này là đất nước của những người chưa bao giờ khuất.
Tôi đang làm vậy, và tôi tin thế hệ trước tôi, thế hệ tôi và thế hệ sau tôi sẽ như vậy.
Dù rằng con đường đó chứa đựng những cạm bẫy, đe dọa, tù đày của những kẻ đang cố bám víu và duy trì một quyền lực chính trị - kinh tế độc đoán.
Quảng Trị, 26/07

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"