China reveals rare videos of its South China Sea territorial battle
GMA News (11/07/2014)
Michaela Del Callar
Người dịch: Huỳnh Phan
“Chúng tôi ở đây! Đảo Hoàng Nham đây! Quốc kỳ trương lên rồi!”
một nhà báo Trung Quốc (TQ) kêu lên sau khi đắc thắng giương lá cờ đỏ
của TQ trên một hòn đá san hô nhô lên ở vùng biển khơi phía tây bắc
Philippines.
Chỉ ngay ngoài khơi Malaysia, thuỷ thủ TQ
thực hiện buổi chào cờ trên boong tàu để biểu thị sự kiểm soát của Bắc
Kinh đối với bãi ngầm James đang có tranh chấp, cách bờ biển Malaysia
khoảng 80 km. Trong một diễn biến nguy hiểm hơn, một tàu khảo sát TQ đâm
vào một tàu nhỏ Việt Nam trong vùng biển tranh chấp.
Những cảnh phim hấp dẫn, bao gồm cả cảnh
nhiều người chưa từng thấy, được chọn lọc từ một phim tài liệu truyền
hình 8 phần mang tên “Hành trình trên biển Nam Hải” đã được đài truyền
hình trung ương TQ CCTV 4 phát sóng từ ngày 24 đến 31 tháng 12 năm
ngoái. Với tường thuật bằng tiếng Trung và phụ đề tiếng Anh, phim tài
liệu này cũng đã được đăng tải trên trang web của CCTV để cả thế giới
vào xem.
Trong một nước cộng sản Châu Á đầy bí mật,
bộ phim tài liệu hơn ba giờ cung cấp một cái nhìn hiếm hoi về cách TQ
hoạt động trong bóng tối để củng cố yêu sách chủ quyền ở vùng biển chiến
lược, bí mật theo dõi đối thủ, và từng bước hình thành một sự hiện diện
vũ trang để ngăn chặn những đối thủ nào thách thức yêu sách xa xưa và
việc bành trướng hiện nay của họ.
Toàn bộ câu chuyện được thuật theo cái
nhìn của các phóng viên CCTV, tháp tùng riêng biệt với các nhân viên hải
giám TQ, tuần tra biển, thi hành luật pháp, ngư dân và các chuyên gia
biển trong các chuyến đi xuyên vùng biển lộn xộn này.
‘Một thông báo ớn lạnh’
Carl Thayer, chuyên gia nổi tiếng về tranh
chấp biển Đông, nói rằng đoạn video nhắm vào nhiều loại khán giả. Sự
kiện nó bằng tiếng Trung với phụ đề tiếng Anh, cho thấy rằng đối tượng
chính của nó là trong nước, nhưng cũng có nghĩa là để phục vụ như một
lời cảnh báo cho các chính phủ đối địch, ông nói.
“Đoạn video là một hình thức bảo đảm rằng
chính phủ TQ đang ở tuyến đầu trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của
TQ ở biển Đông”, ông Thayer nói với GMA News Online.
Ông nói thêm rằng video này cũng là “một
thông điệp ớn lạnh cho các nước có tranh chấp rằng TQ sẽ dùng sức mạnh
‘cơ bắp’ như đâm tàu để thực thi ‘quyền chủ quyền’.”
“Từ khi có video này, bằng chứng rộ lên về
việc Cảnh sát biển TQ đã đưa chuyện đâm tàu vào tàu thành một mục trong
chiến thuật của họ”, ông Thayer nói.
Đi kèm với nền nhạc êm dịu, bộ phim tài
liệu dài đưa ra những hình ảnh toàn cảnh vùng nước màu ngọc lam này mà
họ nói là chứa đựng nhiều tài nguyên dầu khi và sinh vật biển tươi tốt,
cùng các đảo lớn nhỏ xa xôi với những bãi cát trắng xoá. Bộ phim tài
liệu này rõ ràng được thiết kế để thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc trong các
khán giả TQ và lôi kéo cả nướcvề tính cấp bách của việc bảo vệ lãnh thổ
rộng lớn ngoài khơi bên ngoài đảo Hải Nam cực Nam của TQ.
Bô phim thấm đượm lòng yêu nước và cảm xúc.
Một lính TQ trong bộ đồng phục ngụy trang
trên một rạn san hô xa nói rằng anh bảo vệ mảnh đất lãnh thổ tranh chấp
nằm chỗ hư không này trong 16 năm. Nhiệm vụ lạ thường của anh sắp kết
thúc, anh nói và bật khóc.
“Sau khi kết thúc nhiệm vụ, tôi có thể
không có cơ hội nào khác để đến Nam Sa”, người lính tuyệt vọng nói, dùng
tên tiếng Trung cho quần đảo được quốc tế biết đến với tên quần đảo
Spratly (Trường Sa).
Chuỗi các đảo lớn nhỏ, rạn san hô và đảo
san hô hầu hết đều cằn cỗi này đang có tranh chấp giữa TQ, Đài Loan,
Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei. Các đảo/đá này được cho là
giàu trữ lượng dầu khí và nằm gần các tuyến đường biển quốc tế lớn.
“Tôi làm nhiệm vụ hết mình tới giây phút
cuối cùng, tôi nghĩ thế. Tôi tới đây khi 18 tuổi, tràn đầy tuổi xuân.
Sau khi chúng tôi rời khỏi nơi này, chỉ có 16 năm này mới đáng nhớ”, anh
nói, giải thích rằng sự hy sinh của mình là một cách biểu lộ lòng yêu
nước.
“Tiền là vô dụng ở đây. Các quan hệ rất đơn giản. Động cơ đến đây cũng đơn giản. Đó chỉ là để đáp đền”.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, trong một cảnh
quay ngày 13 tháng 4 năm 2013, cho thấy đang chào đón một chiếc ghe chở
ngư dân nhìn có vẻ mệt mỏi thuộc cộng đồng Đàm Môn ven biển Hải Nam sau
một đợt đánh cá dài ngày. “Chúc mừng các bạn trở về về an toàn!” Tập Cận
Bình mỉm cười nói.
“Chúc các bạn một vụ thu hoạch tốt mỗi khi
đánh cá trên biển,” ông nói, và sau đó chụp chung với những ngư dân sạm
nắng này một ảnh lưu niệm. Sau đó, như dự đoán, nhà lãnh đạo TQ và các
ngư dân vỗ tay hoan nghênh ngay đúng cùng một lúc trước máy quay thu
cảnh tượng hân quan này.
Bị Hoa Kỳ cùng các đồng minh phương Tây và
châu Á chỉ trích về việc xâm lược lãnh thổ, TQ sử dụng bộ phim tài liệu
để phát sóng về lập trường của họ với thế giới.
“Kể từ thời Tây Hán, về cơ bản, các khu vực biển Đông là một phần lãnh thổ của TQ”, một chuyên gia bản đồ TQ nói với CCTV.
Bản đồ xưa của TQ được chiếu lên màn hình,
với người dẫn chuyện nói rằng biển Đông luôn luôn là một phần của tất
cả các địa giới lãnh thổ “không có ngoại lệ”.
“Dựa trên một số lượng lớn các tài liệu
lịch sử cũng như rất nhiều các nghiên cứu văn bản nghiêm túc và khắt
khe, các đảo trên biển Đông thuộc về TQ. Không thể phủ nhận, đó là một
sự kiện lịch sử cơ bản”, một nhà phân tích TQ nói.
Thành phố Tam Sa
Trong một nỗ lực để tuyên truyền rằng TQ
đã có quyền kiểm soát chính trị và hành chính đối với các vùng lãnh thổ
tranh chấp, bộ phim tài liệu này tô đậm sự xuất hiện của thành phố Tam
Sa, được thành lập vào năm 2012 với cơ sở chính tại quần đảo Hoàng Sa,
hay Tây Sa theo tiếng Trung. Mặc dù do TQ kiểm soát, cụm đảo lớn nhỏ và
các rạn san hô đang có tranh chấp với Việt Nam và Đài Loan.
Vùng đất lớn nhất của Tây Sa, đảo Vĩnh
Hưng (Phú Lâm), được mô tả như những mảnh bất động sản phát triển nhất
tại khu vực tranh chấp này, giống như một thành phố nhỏ.
Nó có một siêu thị, một ngân hàng, một bưu
điện, một cơ sở lọc muối cho nước uống, các tòa nhà thấp, và một đường
chính được gọi là đường Bắc Kinh. Có điện thoại di động, kết nối
Internet, truyền hình cáp với 52 kênh, và một đài phát thanh gọi là
“Tiếng nói biển Nam Hải” liên tục phát đi các bản tin thời tiết cho ngư
dân. Một ảnh chụp từ trên không cho thấy đường băng dài của Vĩnh Hưng.
Trên đảo Vĩnh Hưng của Tây Sa, khoảng 70 ngư dân TQ nhận được 500 nhân dân tệ trợ cấp hàng tháng.
Lực lượng Quân đội Giải phóng nhân dân
được chiếu đang khua súng trường và tiến hành các cuộc tập trận chiến
đấu ở Vĩnh Hưng nhưng an ninh tổng thể của khu vực tranh chấp đã được
giao cho lực lượng cảnh sát được gọi là chi đội Công an biên phòng Quỳnh
Hải. Chi đội Quỳnh Hải giám sát 110 “trạm dịch vụ báo động” để theo dõi
và đáp ứng với các ngư dân gặp nạn bất cứ nơi nào trong khu vực.
Với sự phát triển ở Tam Sa, các chuyên gia
trẻ và sinh viên vừa ra trường đang đến sống và làm việc ở thành phố dù
ở xa xôi này. Khách du lịch TQ cũng đã bắt đầu đến tham quan, theo
CCTV.
Cuộc chiến để kiểm soát biển Đông
Bộ phim tài liệu nhắm vào những nỗ lực của
TQ để tăng cường sự nắm giữ của họ trên vùng biển rộng lớn mà họ nó nói
rằng Bắc Kinh đã mất 42 đảo vào tay các nước tranh chấp khác. Một hệ
thống tuần tra và giám sát đã được thành hình trên biển Đông và các căn
cứ triển khai-phía trước đã được thành lập để bảo vệ chủ quyền TQ.
Để phô diễn hỏa lực, CCTV cho thấy nhân
viên hải giám TQ trên boong của một con tàu, chỉa súng về phía một mục
tiêu tưởng tượng trong một cuộc diễn tập chiến đấu. Dù vậy, không có
việc phô diễn lực lượng quân sự, phản ánh chiến lược lực lượng dân sư và
bán quân dân sự ở tuyến trước thay vì Quân đội Giải phóng khổng lồ, để
tránh cho quân đội Mỹ và lực lượng đồng minh có chỗ biện minh cho việc
can thiệp quân sự trong khu vực của TQ.
Trong khi tung ra khả năng hỏa lực của
mình, TQ xua tan nỗi sợ hãi, thường bị Washington lên tiếng rằng sự hiện
diện ngày càng tăng của họ cuối cùng sẽ đe dọa tự do hàng hải trong khu
vực. Họ nói nền kinh tế khổng lồ của mình phát triển mạnh trong những
tuyến đường biển mở mà 60% hàng hóa ngoại thương và 80 % dầu nhập khẩu
của họ đi ngang qua đó.
Thay vì là một mối đe dọa, TQ được tô vẽ
như là “thiên thần giám hộ” của vùng biển tranh chấp, nơi mà TQ đã tổ
chức nhiệm vụ cứu hộ thậm chí cho các thủy thủ nước ngoài. Theo bộ phim
này từ năm 2007 đến năm 2012, tuần tra TQ đã cứu 18 000 người.
Nhưng bộ phim tài liệu gửi một thông điệp rõ ràng rằng TQ sẽ không ngần ngại hành động khi lợi ích của họ bị đe dọa.
Trong một cảnh quay về cuộc đụng độ năm
2007 tại quần đảo Hoàng Sa, một chiếc tàu thực thi luật biển của TQ đã
được lệnh đâm vào một tàu nhỏ Việt Nam bị cáo buộc là cố phá hoại một
cuộc khảo sát dầu của Bắc Kinh.
“Chúng tôi không khoan nhượng đối với tàu
thuyền của bất kỳ bên nào tham gia vào các hành vi cố tình phá hoại. Khi
nào mà chỉ huy ra lệnh, có thể là ủi, đâm hoặc đụng, chúng tôi sẽ kiên
quyết thực hiện nhiệm vụ của mình”, Đại úy Yong Zhong của tàu Hải giám
84 từng tham gia vào việc đối chọi với Việt Nam nói.
Bộ phim tài liệu cũng nói tới cuộc đụng độ với Việt Nam năm 1974 làm chết 18 thủy thủ TQ.
Chỉ ngay ngoài khơi của Malaysia, thuỷ thủ
TQ đã được cho thấy trong một đoạn video đang tổ chức một buổi lễ chào
cờ vào ngày 23 tháng 4 năm 2013 để khẳng định tượng trưng quyền sở hữu
và kiểm soát của TQ đối với bãi ngầm James. Các quan chức Malaysia đã
tức giận bởi hành động của TQ và kể từ đó đã triển khai tàu hải quân để
bảo vệ bãi ngầm James khỏi việc mà họ gọi là sự xâm nhập của TQ vào khu
vực tranh chấp rất gần bờ biển của họ.
Ở bãi cạn Scarborough (Panatag Shoal), mà
TQ gọi là đảo Hoàng Nham, đoàn của CCTV quay phim cách họ treo cờ TQ lên
trên một khối san hô hồi tháng 11 năm 2012. “Chúng tôi đã có một bảng
hiệu ở đây”, một nhân viên thực thi pháp luật TQ cho biết. “Philippines
nhổ nó lên. Họ đặt một bảng hiệu và chúng tôi nhổ nó đi.” Một cuộc giằng
co trong quá khứ ở bãi cạn nầy cũng được mô tả, cho thấy một tàu thực
thi pháp luật TQ bảo vệ ngư dân TQ trước một tàu khu trục nhỏ “nước
ngoài”.
TQ cũng tiết lộ một hoạt động “tối mật” mà
họ tổ chức tháng 8 năm 1994 để xây dựng các công trình kiến trúc ở đá
Vành Khăn (Mischief Reef). Trái ngược với sự bảo đảm của TQ vào lúc đó
là họ chỉ xây dựng nơi trú ẩn cho ngư dân, TQ đã thừa nhận trong bộ phim
tài liệu này rằng các công trình kiến trúc đó có ý để dùng như là một
kho tiếp liệu và bây giờ là một tiền đồn quân sự được trang bị với các
đĩa vệ tinh và các chức năng như một căn cứ quân sự tuyến trước của TQ
trong quần đảo Trường Sa.
Ba mục tiêu
Tuần tra của TQ trong khu vực tranh chấp
có ba mục tiêu: Xác lập sự hiện diện để ngăn chặn, thực hiện giám sát
đối với các bên yêu sách khác, và khẳng định quyền kiểm soát lãnh thổ
của TQ, theo Chen Huabei, Phó tổng giám đốc Cục quản lý hải dương quốc
gia Nam Hải.
“Chỉ thông qua thực thi pháp luật làm cho
thấy sự xuất hiện của mình bằng cách tuần tra trong vùng biển mà chúng
tôi xác định thẩm quyền, chúng tôi mới có thể tuyên bố chủ quyền tốt
nhất đối với các vùng biển này,” Chen nói.
Các tàu tuần tra của TQ được quay đang bí
mật theo dõi các tiền đồn quân sự của Việt Nam và Philippines trong quần
đảo Trường Sa năm ngoái.
Ngoài khơi một đảo do Việt Nam chiếm đóng ở
Trường Sa, một nhân viên giám sát TQ ghi nhận những cải tiến và xây
dựng mới do VN thực hiện. Họ cũng theo dõi các lính Philippines ở đảo
Bình Nguyên (Flat Shoal), được Philippines gọi là Patag.
“Người này đang lấy nước,” một viên chức
TQ nói, chỉ vào một lính Phi Luật Tân trên một màn hình giám sát. “Người
này chỉ mới đến bằng một chiếc thuyền nhỏ,” một nhân viên thứ hai nói
thêm.
“Hãy nhìn vào lá cờ. Đó là lá cờ của
Philippines,” nhân viên đầu thêm vào. “Ôi một căn nhà tệ hại” bạn đồng
hành của anh ta châm biếm khi nhìn vào căn lều dột nát của quân đội
Philippines.
Tại bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal),
Philippines gọi là Ayungin TQ gọi là Re’nai (Nhân Ái), một sĩ quan TQ
nhận thấy có thứ gì trông giống như một mảnh mới của bức tường ở phía
hông tàu Hải quân Philippine BRP Sierra Madre mắc cạn với một ít thủy
quân lục chiến Philippines đang trú đóng trên đó.
“Cái này được xây dựng sau khi con tàu bị
mắc cạn,” một viên chức TQ cho biết. “Nó giống như khu nhà ở của họ”,
một viên chức hải giám nói thêm.
Logic của tất cả mọi thứ: dầu, khí đốt, tài nguyên, lãnh thổ và an ninh của TQ
Bộ phim tài liệu mô tả vùng biển tranh
chấp này là vùng biển lớn nhất của TQ rất quan trọng đối với an ninh và
là một biên giới then chốt cho nhiên liệu và thực phẩm.
Bộ phim tiết lộ rằng TQ đã bắt tay thực
hiện nhiều thăm dò dầu khí lớn nhưng không nói ở đâu. Thay vào đó, nó
cho thấy hai mỏ dầu ngoài khơi đã phát triển được trang bị với thiết bị
hiện đại.
TQ ước tính có khoảng 23-30 tỉ thùng dầu
và khối lượng lớn khí tự nhiên nằm dưới biển Đông Hàng chục ngàn tấn kim
loại quý và khoáng chất đã được phát hiện, bao gồm mangan, niken, đồng
và coban. Ngoài ra, một lượng lớn thứ mà họ gọi là “băng cháy”
(combustible ice) đã được tìm thấy và có thể được TQ phát triển như là
một nguồn năng lượng thay thế.
Ít nhất 1 500 loài cá và sinh vật biển
được tìm thấy ở vùng biển tranh chấp, bao gồm cả đuối khổng lồ, rùa
khổng lồ, cá vẹt, cá bay. Vùng biển này tràn ngập khoảng 2,81 triệu tấn
cá, trong đó có 500 000 tấn trong quần đảo Trường Sa.
TQ bắt đầu những nghiên cứu khoa học đầu
tiên về dự trữ dầu khí tiềm năng ở quần đảo Trường Sa vào năm 1984, trên
38 rạn san hô, trong một nghiên cứu được gọi là Điều tra khoa học tích
hợp Nam Sa. Theo bộ phim này, sau khi đã trở nên rõ ràng rằng các vùng
nước rộng lớn này có thể chứa nhiều mỏ dầu và khí đốt khổng lồ, các nước
đối thủ bắt đầu cướp lấy lãnh thổ của TQ, làm dấy lên các cuộc xung
đột.
Với tất cả thứ vàng đó, TQ đã và sẽ sử
dụng sức mạnh của mình để khẳng định quyền kiểm soát các khu vực tranh
chấp, các nhà phân tích nói.
“Tôi nghĩ rằng hành động của TQ cho thấy
rằng họ quyết tâm sử dụng các nguồn lực của biển Đông, bất chấp các
tranh chấp pháp lý,” chuyên gia phân tích đóng ở Singapore Parag Khanna,
giáo sư tại trường Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu) Đại học Quốc gia
Singapore, nói với GMA News Online.
Sáu tháng sau khi bộ phim tài liệu của TQ
công bố, phản ứng từ cộng đồng quốc tế “là một sự im lặng cùng khắp,”
phản ánh sự miễn cưỡng của nhiều nước trong việc đối mặt với TQ, nhà
phân tích Thayer nói. Nhưng toàn bộ khu vực, không phải chỉ có những kẻ
thù về lãnh thổ hiện nay của TQ mới phải chú ý tới những lá cờ đỏ trong
video này, Thayer cảnh báo.
“Về mặt tư riêng, video này phải được xem
như là phiền toái không chỉ đối với nước tranh chấp chính, Việt Nam và
Philippines mà còn với các nước đi biển khác ở Đông Nam Á”, ông nói.
KG/RSJ, GMA Tin tức