Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Điểm sách "Trần Đức Thảo - Những Lời Trăng Trối " của Tri Vũ Phan Ngọc Khuê

Hoàng Nhất Phương

Mặc dù chỉ là quyển sách ghi chép lại từ những cuộc đàm thoại được thu âm, nhưng "Trần Đức Thảo - Những Lời Trăng Trối" được xem là tài liệu đặc biệt của Giáo Sư Trần Đức Thảo nói về con người của Hồ Chí Minh "một Tào Tháo muôn mặt của muôn đời," [1] và "là một con khủng long ba đầu, chín đuôi." [1] Giáo Sư Trần Đức Thảo khẳng định:
"Nếu không dám khui ra những sai trái lịch sử của 'ông cụ,' không dám đưa ra ánh sáng tội lỗi của Marx thì không bao giờ thoát ra được tình trạng bế tắc chính trị độc hại như hiện nay ở nước ta." [1]
Dưới cái nhìn của Giáo Sư Trần Đức Thảo, Mao Trạch Đông và Trung Cộng trực tiếp điều khiển "ông cụ" [2] vì muốn nhuộm đỏ Việt Nam. Cộng Sản Việt Nam tôn sùng Trung Quốc, chọn lý thuyết của Marx xây dựng chế độ, chọn chiến tranh xóa hiệp định hòa bình, để phát triển xã hội chủ nghĩa và thống nhất đất nước. Khi bị Đệ Tam Quốc Tế là Liên Xô đuổi về Viễn Đông, "ông cụ" đã vào làm việc cho Bát Lộ Quân, tuyên thệ gia nhập đảng Cộng Sản Trung Quốc, được Mao Trạch Đông ưu ái. "Ông cụ" dùng mọi thủ đoạn loại bỏ các đối thủ như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ…, trở thành Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch nước vào năm 1945.

Theo đánh giá của Giáo Sư Trần Đức Thảo, các nhà nghiên cứu nước ngoài khi viết về Hồ Chí Minh đã bị hào quang huyền thoại của bộ máy tuyên truyền làm chói mắt, không thể nhận biết mặt thật của ông ta. "Chương 12: Giải Mã Lãnh Tụ" [từ trang 258 đến trang 328] trong quyển "Trần Đức Thảo - Những Lời Trăng Trối" ghi chép lại ba lần Giáo Sư Trần Đức Thảo trực tiếp gặp "ông cụ." Những lần gặp gỡ này giúp Giáo Sư Trần Đức Thảo nhận biết "ông cụ" là người có "cuồng vọng làm lãnh tụ." [1] Di chuyển và sinh sống khắp mọi nơi ở hải ngoại, "ông cụ" có hàng trăm tên và bí danh khác nhau. Đây chính là điểm then chốt để nhận ra tham vọng của "ông cụ" - người không từ bỏ bất cứ một thủ đoạn nào, miễn là đạt được mục đích riêng.
Giáo Sư Trần Đức Thảo nhận xét:
"Ông cụ" là một con người cực kỳ vị kỷ, mang mặc cảm tự tôn tuyệt đối… "Ông cụ" còn có tính đa nghi như Tào Tháo ấy… Anh phải biết là cho tới nay, những ai đã từng coi thường "Người," từng tỏ ra ngang hàng với "Người," thì sau đều đã vĩnh viễn bị loại ra khỏi tầm nhìn của "Người." Không ít người đã mất mạng, mất cả xác vì dám có ứng xử tay ngang như thế đấy… Người ta ưa kể cho nhau nghe rằng: Tạ Thu Thâu đã chết mất xác vì câu nói: "Ngoài Bắc có Cụ, trong Nam có… tôi" …!"[3]
Vì thần phục thiên triều phương Bắc,"ông cụ" sao y bổn chánh chủ trương khủng bố tàn bạo của Trung Cộng vào Việt Nam, điển hình là chiến dịch Chỉnh Huấn, Cải Cách Ruộng Đất…Đảng Cộng Sản Việt Nam của "ông cụ" đã có rất nhiều hành động sai lầm. Lỗi lầm kinh hoàng đẫm máu nhất là cuộc Cải Cách Ruộng Đất; đây không không chỉ là cuộc thảm sát hàng chục ngàn người dân vô tội, mà còn khiến luân thường đạo lý trong xã hội sụp đổ, bởi vì Việt Cộng dùng chính sách đấu tố buộc người thân quen phải đứng ra chỉ chứng, vu cáo những người vô tội trong thân tộc, trong xóm làng.
Giáo Sư Trần Đức Thảo tìm cách thuyết phục giới lãnh đạo cộng sản "không nên chọn chiến tranh, mà phải dồn mọi năng lực vào việc xây dựng hòa bình…," [3] nhưng không thành, bởi vì từ Hồ Chí Minh đến Trường Chinh, Lê Duẫn…đều hiếu chiến, khát máu. Chính vì thế họ đã phát động chiến dịch xâm chiếm Miền Nam, không hề nghĩ đến cái giá phải trả. Hậu quả trước mắt cho thấy, dù chiến tranh đã kết thúc, xã hội Việt Nam vẫn không thể nào khôi phục được truyền thống đạo đức và nhân bản của tiền nhân - những giá trị tinh thần này đã bị vùi chôn trong biển lửa, trong màu cờ đỏ nhuộm máu hằng muôn ngàn người vô tội.

Giáo Sư Triết Học Trần Đức Thảo [1917 – 1993] đậu Thủ Khoa bằng Thạc Sĩ Triết Học (Arégation de Philosopie) tại Pháp năm 1942 lúc mới 26 tuổi. Ông từng thay mặt sinh viên và trí thức Việt Nam du học tại Pháp viết thư gửi về Tổ Quốc, bày tỏ tình yêu nước khi Việt Nam giành độc lập vào tháng 8 năm 1945.
*. Năm 1952: Trần Đức Thảo về chiến khu Việt Bắc. Tham gia kháng chiến chống Pháp năm1952.
*. Năm 1955: Trần Đức Thảo trở thành Giáo Sư Triết Học, và là Phó Giám Đốc Đại Học Sư Phạm Văn Khoa, Chủ Nhiệm Khoa Lịch Sử Đại Học Tổng Hợp Hà Nội - nay là Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn.
Giáo Sư Trần Đức Thảo bị kết tội dính líu đến phong trào Nhân Văn Giai Phẩm khi công bố hai bài báo liên quan đến một số vấn đề về tự do, dân chủ. Sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, ông bị mất chức Phó Giám Đốc Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội, bị cấm giảng dạy, bị chặt đứt mọi liên hệ với thế giới bên ngoài, bị cô lập ngay giữa đồng bào của ông. Giáo Sư Trần Đức Thảo phải dịch thuật để mưu sinh, phải bán những bộ tự điển để có tiền chi dùng, cuộc sống vô cùng khốn khó. Năm 1991 ông sang Pháp chữa bệnh, qua đời tại Paris. Thi hài được đưa về nước, an táng tại Nghĩa Trang Văn Điển, Hà Nội.
Khác với Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường - tác giả quyển hồi ký viết bằng Tiếng Pháp "Un Excommunie," bản dịch Việt Ngữ "Kẻ Bị Khai Trừ" của Nguyễn Quốc Vĩ, do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương phát hành năm 2011 - Giáo Sư Trần Đức Thảo không để lại một quyển sách nào kể về cuộc đời đau khổ đầy sóng gió của ông, trong suốt 40 năm sống dưới chế độ Cộng Sản. Quyển sách "Trần Đức Thảo - Những Lời Trăng Trối" dày 427 trang gồm 16 phần, và một phần Phụ Lục, do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ phát hành năm 2014, là công trình ghi chép của ký giả Tri Vũ Phan Ngọc Khuê, từ những cuốn băng ghi âm lời nói chuyện của Giáo Sư Trần Đức Thảo với những người bạn thân, trong thời gian ông ở Pháp năm 1991. "Trần Đức Thảo - Những Lời Trăng Trối" là tiếng nói duy nhất của Giáo Sư Trần Đức Thảo, nhờ đó người đọc có thể hiểu và cảm thương quãng đời bị cô lập của ông. "Trần Đức Thảo - Những Lời Trăng Trối" còn là di ngôn trung thực của người trí thức Trần Đức Thảo kể về "ông cụ," - một kẻ đầy tham vọng làm lãnh tụ, hiếu chiến, khát máu, đáng bị lịch sử lên án.
Hoàng Nhất Phương
8:24pm Chủ Nhật ngày 6 tháng 7 năm 2014
[1]. Trích từ "Trần Đức Thảo - Những Lời Trăng Trối."
[2]. Chữ dùng của Giáo Sư Trần Đức Thảo.
[3]. Chương 12: Giải Mã Lãnh Tụ.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"