Trần Vũ
Cho đến giữa thế kỷ 19, sức mạnh của quân đội Nhật xây dựng duy nhất
trên kiếm pháp của giai cấp võ sĩ đạo. Tương tự Đại Nam, tinh thần ái
quốc và lòng can đảm làm nên sức mạnh duy nhất của quân đội này. Tiến
trình canh tân Nhật Bản do vậy khởi điểm từ lưỡi kiếm samourai trên một
mặt bằng nông nghiệp lạc hậu. Dưới triều Minh Trị, tiến trình này nhanh
cấp kỳ.
Các sử gia hầu hết đều chuẩn thuận hai thời điểm: 1868 khởi đầu canh
tân và 1894 hoàn tất hiện đại hóa quân đội Nhật. Vì sao hai niên lịch
này? Vì trước 1868, Nhật Bản chưa sở hữu hạm đội viễn dương và đến 1894
thiên hoàng Minh Trị đủ sức khai chiến với Mãn Thanh giành lấy Cao Ly,
Lữ Thuận khẩu và bán đảo Liêu Đông. Rồi vài năm sau, tranh chấp Mãn Châu
với Nga hoàng. Cả hai xung đột đều kết thúc bằng chiến thắng vang dội
của Hải quân Hoàng gia Nhật, đánh chìm Hạm đội Bắc dương của Đinh Nhữ
Xương tại Hoàng hải, và đánh đắm hoàn toàn Hạm đội Bắc hải của đô đốc
Rojetsvensky tại eo biển Đối Mã. Canh tân Nhật Bản là một thành tựu rực
rỡ ― đã thực hiện trong vòng 25 năm.
Vì sao Nhật Bản, một đảo quốc với 42 triệu dân đã dám tuyên chiến với
Đại Thanh quốc, một lục địa với 350 triệu dân ở cuối thế kỷ 19, và dám
tuyên chiến với đế chế Nga, một đế quốc trải dài từ Thái Bình dương qua
hết Bắc Băng dương ở đầu thế kỷ 20 ? Rất khác quân đội Phổ, một tập thể
công dân, quân đội Nhật vẫn là một tập thể thần dân. Nhưng tập thể quân
nhân thần dân này, một cách trái nghịch đã tập hợp lại trong một quân
đội quốc gia, mà cho đến 1868 chưa hiện hữu. Trước, vương quốc Nhật Bản
mang dáng dấp của một cung đình vua Lê, chúa Trịnh. Quyền hành trong tay
Mạc phủ, với các lãnh chúa địa phương mà mỗi lãnh chúa thuê mướn các võ
sĩ dùng làm quân đội riêng. Vương quốc Nhật, như thế, bao gộp nhiều
quân đội tư nhân hay hoàng phái, khi kết hợp, khi đánh lẫn nhau, khi
liên kết từng phần để tranh giành quyền bính với Mạc phủ, hoặc giúp Mạc
phủ. Những quân đội này không mang sứ mệnh quốc gia vì ăn lộc chúa. Sứ
mệnh của các võ sĩ samourai là bảo vệ lãnh chúa của mình. Canh tân trước
tiên của Minh Trị Mutsu-Hito nhằm thống nhất quốc gia, tức thống nhất
hành chánh và quân đội. Sức mạnh chính của Minh Trị là đã biết cải tổ
toàn phần cơ cấu xã hội dựa trên tinh thần Đại hòa của vương quốc Yamato
― Vương quốc Đại Hòa xưa cũ. Đại Hòa dân tộc là tinh thần cổ xưa của
Nhật Bản.
Kể từ thế kỷ 12, xã tắc Nhật Bản không thay đổi. So với Đại Nam đứng
dừng từ thế kỷ 15, tổ chức triều chính Nhật Bản bất động lâu hơn nữa.
Cho đến khi đề đốc Perry tái xuất hiện ở vịnh Yédo vào tháng 3-1854, với
250 đại bác trí trên các thuyền chiến Hoa Kỳ, xã hội nhật Bản vẫn là
một xã hội phong kiến nhiều giai cấp, với các lãnh chúa cát cứ có quyền
đúc tiền riêng và quân đội riêng: Các lãnh chúa daimio khiêm nhượng có
trên 200 võ sĩ, trong lúc các lãnh chúa ngự trị nhiều địa phương có đến
hàng vạn samourai. Toàn xứ Nhật chia làm 276 lãnh địa do 276 lãnh chúa
cai quản, toàn quyền sinh sát, tức toàn quyền sắp đặt công lý cá nhân,
với nhiều đơn vị tiền khác nhau mà đứng đầu là sứ quân Chôgoun ― một
chúa Trịnh của thiên hoàng. Tổng số samourai lên đến 500 ngàn. Chỉ có
các võ sĩ có quyền mang kiếm, không phải lao động, không đóng thuế, và
không bị áp dụng hình luật phổ thông, thậm chí có quyền "thế thiên hành
đạo" nếu bị giai cấp thứ dân rônin bất kính. Sứ quân Tokugawa sở hữu ¼
tổng số đất của đảo Bản châu, đảo lớn nhất chiếm 60% diện tích nước
Nhật, và chiêu tập dưới trướng 50 ngàn võ sĩ. Thiên hoàng chỉ là một vua
Lê mờ nhạt, với các hoàng thân tạo ra giai cấp quý tộc kugé chỉ chiếm
giữ một số ít đất đai. Trong suốt tám thế kỷ, Mạc phủ ngăn cấm thiên
hoàng tiếp xúc với các lãnh chúa, ngược lại các lãnh chúa không được
quyền lên đế đô Kyoto gặp thiên hoàng, tất cả phải thông qua sứ quân.
Trong suốt tám thế kỷ, thiên hoàng không biểu trưng quốc gia Nhật Bản mà
duy nhất làm một hình bóng dòng dõi thần linh theo truyền thuyết.
Ngay sau khi đăng quang vào năm 1868, Minh Trị hiểu ra tức khắc,
không thể hiện đại hóa quân đội mà không cải cách toàn diện xã hội. Sáng
suốt của thiên hoàng Mục Nhân là đã ý thức trong bất kỳ mọi cải cách
sâu rộng, sẽ xảy ra thiệt hại cho một hay nhiều giai cấp, vì phải tước
đặc quyền của một bộ phận dân chúng để trao cho nhiều bộ phận dân chúng.
Nguy cơ lật đổ là khả dĩ. Nếu trầm trọng sẽ trở thành nội chiến, hay ít
hơn, tạo ra bất mãn ly khai và thụ động làm suy giảm tiềm lực đất nước.
Giải pháp Đại Hòa, xây dựng trên tinh thần Đại Hòa truyền thống của
vương quốc Yamato từng hiện hữu cho đến thế kỷ 12, sẽ được Minh Trị áp
dụng.
Công thức canh tân của Mitsu-Hito có thể tóm lược vào một nguyên tắc: San hòa đồng đều quyền lợi và hy sinh.
Với Đại Hiến chương ban hành ngày 6 tháng 4-1868, còn gọi Khế ước 5 điểm,
Minh Trị hiệu triệu quốc dân và cam kết: 1/ Xóa bỏ thể chế phong kiến.
2/ Thâu thập tri thức của toàn thế giới. 3/ Thực hiện ý nguyện chính
đáng của mọi tầng lớp. 4/ Sự tham gia của quần chúng vào việc nước làm
nền tảng của thể chế mới. 5/ Toàn dân bình đẳng.
Không còn sứ quân chôgoun, lãnh chúa daimio, quý tộc kugé, võ sĩ
samourai hay cùng đinh rônin. Minh Trị trao trả tất cả đất đai của sứ
quân và lãnh chúa cho nông dân, mà cho đến khi đó cày ruộng thuê cho
lãnh chúa, phải giao nộp tất cả thóc lúa đổi lấy tiền công. Tất cả nông
dân, ai đang cày thuê bao nhiêu sào ruộng thì trở thành chủ điền của các
sào ruộng ấy, thay vì nộp toàn bộ hoa lợi cho lãnh chúa, được giữ lại
và chỉ đóng thuế thu nhập theo gặt hái và thuế thổ trạch. Với tiền thuế
này, Minh Trị bồi hoàn đất đai cho lãnh chúa, thu hồi cung điện, lâu đài
làm dinh thự chính phủ, trợ cấp hàng tháng đủ bảo đảm phú quý cho lãnh
chúa với điều kiện phải rời khỏi địa phương để lên sống ở Kyoto. Giải
thể các võ sĩ, cho về quê, hưởng phụ cấp để sinh sống. Biện pháp đối với
giai cấp quý tộc hoàng phái không khác. Trên mặt tài chánh, đồng yen,
đơn vị tiền tệ quốc gia ra đời; trên mặt giáo dục, tiểu học bắt buộc cho
cả hai giới tính, bắt buộc nam giới lên đến trung học; trên mặt truyền
thông, báo chí tư nhân phát hành đầu tiên năm 1871, bốn năm sau trên 100
nhật trình và tập san định kỳ.
Các sử gia đặt câu hỏi vì sao sứ quân và các lãnh chúa đã đầu hàng
nhanh chóng như vậy, sau tám thế kỷ ngự trị? Các sử gia cùng tìm ra câu
trả lời: Sự suy vi của Mạc phủ Tokugawa, vì không giải quyết được nạn
đói 1837 và hoàn toàn bất lực nhục nhã trước sự khiêu chiến của Âu Mỹ,
đã đưa đến khinh thường rồi bất phục tòng của các lãnh chúa là một
nguyên nhân. Lòng trung quân của một số lãnh chúa phê phán sứ quân
chuyên quyền là một nguyên nhân khác. Nhưng nguyên nhân chính nằm trong
sự phân rã của giai cấp lãnh chúa, khiến các lãnh chúa khiêm nhượng muốn
quay về với thiên hoàng trước nguy cơ sẽ bị các lãnh chúa mạnh hơn tiêu
diệt, các lãnh chúa cấp trung bình thiếu đoàn kết không cùng phù trợ
một lãnh chúa mạnh nào để tạo ra thế lực đối kháng. Sau cùng, vì giữa
các lãnh chúa mạnh thường trực kình chống nhau, không ai muốn đối thủ
trở thành sứ quân thay thế Mạc phủ. Trên tổng số 276 lãnh chúa, duy nhất
17 lãnh chúa chống lại thiên hoàng.
Với giai cấp võ sĩ, mà tiền phụ cấp quá ít, cũng như đặc quyền mang
gươm biến mất, Minh Trị nhanh chóng nhận ra phải vận dụng, thay vì lãng
quên. Các samourai được mời gọi gia nhập quân đội hoàng gia, cảnh sát,
hành chánh, kỹ nghệ mà với truyền thống võ sĩ đạo tinh tuyền, cùng khả
năng được tôi luyện, giai cấp này nhanh chóng chiếm lĩnh các chức vụ chỉ
huy trong tân quân đội Nhật Bản, và ở các ban ngành khác, đặc biệt
trong kỹ thuật. Một cách gián tiếp, Minh Trị đã chuyển hóa giai cấp võ
sĩ thành một giai cấp kỹ trị. Các samourai mà truyền thống hiến thân, xả
thân, xem trọng danh dự, khinh thường cái chết, sẽ từ bất mãn vì quyền
lợi thâu hẹp, sang phục vụ và trở thành nhân tố thực hiện canh tân vì đã
tìm lại được vị trí trong xã hội.
Đối với giai cấp thứ dân rônin, quyền sở hữu đất đai hơn một ân huệ,
một thức tỉnh đất đai thuộc về quốc gia mà quốc gia thuộc về dân, không
thuộc một thiểu số nào. Các nông dân khi tham gia quân đội, ý thức đang
tham gia bảo vệ chính quyền lợi đất đai, quyền thụ hưởng một công lý
minh bạch duy nhất, và vị thế bình đẳng của bản thân, gia đình mình. Cải
cách sâu đậm này của Minh Trị khiến hình ảnh thiên hoàng trở nên biểu
tượng quốc gia vì biểu trưng cho quyền lợi chung. Vẫn còn là thần dân
trong một quân đội hoàng gia, nhưng việc quân đội này phụng sự thiên
hoàng trở nên tương đồng với việc phụng sự quốc gia. Một bước đi vĩ đại
trong lịch sử Nhật Bản đã thoát ra khỏi thời kỳ Mạc phủ.
Các tóm lược trên, nằm trong chính sách “San hòa quyền lợi”. Còn sự “San hòa hy sinh” vì canh tân?
Để thủy sư đô đốc Ito Sukeyuki có thể chỉ huy một hạm đội hiện đại
vào năm 1894, tiến vào biển Hoàng hải giao chiến với hạm đội Mãn Thanh,
dân Nhật đã phải hy sinh rất nhiều. Vào năm 1893, khi Bộ Hải quân quyết
định mua thêm hai tuần dương hạm nặng 12 ngàn tấn của Anh, Bộ Tài chánh
đã từ chối với sự đồng ý của thủ tướng Hirobumi Ito vì lý do ngân khố
sắp cạn. Quốc hội Kokkai, với Hạ viện Shugi-in và Thượng viện Sangi-in,
và kể cả Hội đồng Trưởng lão Genro chuẩn y.
Thiên hoàng Minh Trị đã can thiệp tức khắc, bằng đạo dụ ngày 10 tháng 2-1893: "Nếu
chúng ta phạm bất kỳ một sai lầm nào trong an ninh quốc phòng, sai lầm
này sẽ đè nặng lên dân tộc chúng ta trong suốt một thế kỷ." [*]
Minh Trị quyết định cắt lương công chức, tỷ lệ thuận với mức lương và
chức vụ. Số lương tiết kiệm dùng thanh toán phí tổn của hai tuần dương
hạm. Vẫn giữ vững tinh thần Đại Hòa, Minh Trị xuống chiếu cho phép tất
cả con em công chức bị trừ lương được ưu tiên thi vào các trường trung
học, đại học, học viện quân sự, cũng như cao học hành chánh hay công sở
và ưu tiên được chọn ban, ngành, binh chủng. Ưu tiên, không có nghĩa
đương nhiên thâu nhận mà không qua thi tuyển, ngược lại vẫn phải hội đủ
sức khoẻ, khả năng, trình độ và trí thông minh, tuy nhiên mỗi con em gia
đình đã đóng góp cho hai tuần dương hạm của đất nước sẽ được tăng thêm
điểm, xem như quốc gia cộng cả công lao của cha mẹ vào điểm học vấn.
Việc ưu tiên cứu xét còn cho phép các gia đình công chức cấp thấp một cơ
may thăng tiến xã hội ở thế hệ thứ nhì. Đây chỉ là một chi tiết, nhìn
rộng ra, tất cả nguồn vốn đầu tư của nước ngoài và cả vay mượn của chánh
phủ đều dùng cho mục đích canh tân mà không tiêu xài cho mục đích tiện
nghi. Nhật Bản không cải tạo đường sá, ngoài các quốc lộ chính dẫn đến
hải cảng; không xây các đô thị nhà ở cao cấp, dân Nhật vẫn tiếp tục sống
trong những ngôi nhà gỗ, cửa giấy, chật hẹp. Bốn công trình lớn: mỏ
than Chikouho trên đảo Cửu châu, đường hỏa xa, điện lực, dẫn thủy canh
nông - lâm thủy sản, dù đem đến thêm chút tiện ích và lương thực cho dân
Nhật, vẫn không ra ngoài mục đích xây dựng quân đội mạnh. Tuyến đường
xe hỏa nhằm vận chuyển khí cụ, nguyên vật liệu, điều phối các đơn vị
quân đội; điện lực và than đá cần thiết để phát triển công nghiệp; khai
thác quy mô canh nông - lâm thủy sản nhằm gia tăng dự trữ lương thảo của
quân đội, tránh nạn đói trong quá khứ giúp tăng dân số để tăng quân, và
sau hết khuếch trương xuất cảng trả vốn vay ngân hàng.
Năm 1878, chính phủ ra luật trái phiếu, bắt buộc dân Nhật phải mua
công khố phiếu dài hạn với lãi suất thấp nhằm tài trợ tuyến đường xe hỏa
Tokyo-Kobé, là một hình thức bắt buộc hy sinh ― để xây dựng hạ tầng cơ
sở. Tuy khá gần với khái niệm "dân quyền" và "nghĩa vụ" của Gneisenau,
sự hy sinh của dân chúng Nhật cao hơn mức ghi trong hiến pháp. Tiêu biểu
là để có quyền chọn dân biểu của mình, mỗi cử tri phải mua lá phiếu với
giá 15 yen để bỏ vào thùng phiếu. Cử tri có nghĩa vụ phải đến phòng
phiếu nhưng muốn có dân quyền phải góp thêm tài chánh.
Sự san hòa hy sinh này vừa mang tính chất lý tưởng, vừa cụ thể, vừa áp đặt từ quyết tâm của thượng tầng.
Một khía cạnh khác của tinh thần Đại hòa còn nằm trong cách Minh Trị
đã ân xá phó tổng tài hải quân Takeaki Enomoto, người đã theo sứ quân
sau cùng Tokugawa Yoshinobu làm phản. Sau khi dẹp yên, Minh Trị đã trao
cho Enomoto chức phó đô đốc rồi bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản. Vì khả
năng tổ chức của Enomoto, mà cũng vì muốn tránh phân ly, cần hợp sức của
toàn dân.
Đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam, tinh thần Đại Hòa có thể hiểu
giản dị là đi tìm đồng thuận xã hội để đạt sức mạnh hiệp nhất. Để có sự
đồng thuận này, một chính quyền không nghiễm nhiên vĩnh viễn cai trị đất
nước mà phải do toàn dân bầu phiếu là bắt buộc. Bài học canh
tân Nhật Bản là bài học phải cải tổ cấu trúc - thể chế - xã hội để có
thể cải cách toàn diện. Canh tân, trước nhất, là canh tân chính trị.
----------------------
[*]Meiji Mutsu-Hito, Rescrit du 10 février 1893, dẫn theo sử gia Pierre
Renouvin, trong tập Câu hỏi Viễn Đông,; chương Mâu thuẫn Hoa-Nhật
1894-1895, trang 142, Nxb Librairie Hachette, 1947