Tuấn Khanh
Trong một bài thơ đọc ở buổi tốt nghiệp tại đại học UC Davis, Mỹ,
sinh viên Fong Trần đã làm nhiều người xôn xao khi anh mô tả trong đó
một chặng đường dài những suy nghĩ về tính cách của cộng đồng Việt Nam.
Bài thơ có tên Tôi ghét làm người Việt Nam. Fong Trần là một nhà thơ trẻ
được nhiều người biết đến, và cũng từng được báo Sacramento Bee,
California giới thiệu. Fong Trần viết trong bài thơ của mình anh phải
mất nhiều thời gian lắm để vượt qua nỗi cay đắng tại sao mình là người
Việt, và rất vất vả mới lấy lại được niềm tin về nguồn cội.
Không phải chỉ riêng Fong Trần, sự chán nản với tính cách của người
Việt Nam ngay trong nước cũng bộc lộ ngày càng nhiều, qua việc nhìn thấy
các câu chuyện trên internet, qua những điều được vẽ nên trên báo chí
truyền hình…
Một người bạn hay sử dụng internet nói với tôi rằng, chưa bao giờ ông
thấy việc nhắc lại, đăng lại, gửi cho nhau… những hình ảnh của Việt Nam
xưa nhiều như lúc này. Những bức ảnh ghi lại từng con phố, dáng người,
địa danh… kèm theo những câu tấm tắc chứa đầy những điều đáng suy nghĩ
“người Việt xưa của mình sao hay quá vậy”. Ẩn trong những câu nói đó, có
lẽ là một sự nuối tiếc đăng đẳng.
Fong Trần nói trong bài thơ rằng anh chán ghét người Việt khi còn bé,
vì người Việt hay nhậu nhẹt, người Việt hay bỏ bê con cái… và anh mất
một thời gian dài để tự cứu mình không mất đi ý thức chủng tộc khi tìm
ra rằng quá khứ của người Việt rất đẹp, và người Việt vẫn có những điều
sâu xa níu giữ anh, trước khi anh quá ngao ngán những biểu hiện hằng
ngày trong cộng đồng. Fong Trần nói vì ở quá xa quê hương nên cú sốc đó
đã xảy ra trước khi anh tìm về lại được cội nguồn trong tâm thức.
Sách xưa Quốc văn giáo khoa thư có dạy rằng đi ngang đám tang nhớ
nhường đường và cúi chào người đã khuất. Lúc còn bé, tôi vẫn nhớ những
khi mẹ tôi giằng tay tôi lại khi đi đường và nhắc nhường đường cho một
đám tang. Tôi mang sự tử tế được khắc ghi từ thế hệ trước vào lòng mình
và sửng sốt ở ngày nhìn thấy đám thanh niên đi trên xe hơi, bóp kèn đi
qua một đám tang, thậm chí có người còn thò đầu ra văng tục. Tôi và
những thanh niên đó chắc ít khi nào viết sai chính tả, thậm chí tiện
nghi và hưởng thụ hơn thế hệ trước biết bao lần. Chính bản thân tôi cũng
đã phải ngẫm nghĩ nhiều về chuyện thân phận người Việt của mình. Mẹ
tôi, một người phụ nữ Sài Gòn viết đầy những lỗi chính tả và ít hiểu
biết về loài người, nhưng phải chăng bà đã có một đời sống đáng tự hào
hơn trong một thế hệ Việt Nam bị phai nhạt, so với tôi bây giờ?
Cũng trên các trang báo, tôi nhìn thấy câu chuyện ở Phú Yên, với bốn
công an viên đánh đập đến chết một người vô tội, mà các trang báo ghi
lại rằng họ bất chấp lời van xin của nạn nhân. Lòng tôi quặn thắt khi
nhìn thấy đứa con gái nhỏ hôn lên di ảnh của ba mình. Trái tim Việt Nam
hồn nhiên đã rạn nứt ngay từ khi thơ dại. Cũng trên các trang báo, tôi
nhìn thấy ở Gia Lai hình ảnh một người phụ nữ uất ức quỳ lạy xin hai chữ
công tâm trước cửa toà án, cho một vụ án oan. Dáng người phụ nữ đó
không khác gì một người mẹ của tôi, hay của bạn vậy. Những chuyện như
vậy dường như qua nhanh trong tâm trí người Việt, không gây được quan
tâm bằng chuyện một nữ diễn viên bước ra đường quên mặc áo lót.
Tôi đọc đâu đó, người ta lý giải rằng người Việt hôm nay giận dữ vì
sự phân hoá giàu nghèo đã quá lớn, hoặc đã điên cuồng vì duy vật chất.
Đời sống xa hoa của một lớp người bày ra trước mắt đám đông nghẹn ngào
từng bữa khó khăn đang là bóng đen tiềm ẩn, xô con người vào những hỗn
loạn không thể kiềm chế. Nhưng có phải vậy không? Lịch sử người Việt đã
trải qua bao khốn khó, kể cả chiến tranh, hận thù… nhưng có là lạ lùng
như hôm nay?
Câu hỏi tự tôi không thể đủ sức trả lời. Tôi chỉ muốn sẻ chia một suy
nghĩ, về nước Việt và người Việt tôi mến yêu trong kiếp sống không có
quyền chọn lựa này.
Tuấn Khanh