Đã có thời thậm chí rỉ tai nhau chúng ta cũng không dám! Bây giờ thì
chúng ta viết và đọc sách báo chui, và thỉnh thoảng có tới Viện Khoa Học
hút thuốc gặp nhau thì cũng thành thật mà phàn nàn với nhau rằng: Chúng
đang giở trò gì đây? Chúng còn xỏ mũi ta tới đâu nữa? Quê hương vừa
nghèo vừa điêu tàn mà chúng cứ huyênh hoang khoe nhau những thành tựu
trên vũ trụ. Chúng ôm mấy cái chế độ cai trị lạc hậu và dã man, rồi thổi
cho lửa nội chiến bùng lên. Chúng rút ruột để nuôi Mao Trạch Đông một
cách vô tội vạ – rồi tống cổ chúng ta ra chiến trường đánh nhau với hắn,
mà chúng ta phải đi. Trốn sao cho thoát? Chúng thích đưa ai ra tòa thì
đưa, chúng nhốt người tỉnh táo vào nhà thương điên – chúng nó luôn giở
những trò đó, còn chúng ta thì bất lực.
Mọi thứ sắp rớt xuống đáy cùng. Tinh thần chúng ta đã chết hết, còn
thân xác chúng ta và cả con cái chúng ta nữa, cũng sắp bị ném vào lửa
cháy rụi. Thế mà chúng ta vẫn bình chân như vại, cứ nhếch mép cười một
cách tiểu nhân, và lưỡi không bị ngọng mà vẫn lúng búng trong miệng.
Nhưng chúng ta biết làm gì mà ngăn nó cho được? Hay là chúng ta không đủ
sức?
Chúng ta bị tước đoạt nhân tính một cách tàn bạo tới mức chỉ vì miếng
cơm manh áo qua ngày thôi mà chúng ta sẵn sàng vứt bỏ mọi nguyên tắc và
linh hồn của mình, mọi nỗ lực của tiền nhân và mọi cơ hội của hậu thế –
miễn sao đừng đụng tới sự tồn tại mong manh của mình là được. Chúng ta
không có khí phách, không có tự trọng, không có nhiệt tình. Vũ khí hạch
tâm, thế chiến thứ ba chúng ta không sợ. Chúng ta đã nấp kĩ trong hang
rồi. Chúng ta chỉ sợ làm người công dân có dũng khí.
Chúng ta chỉ sợ tụt lại phía sau đàn và phải bước đi một mình và đột
nhiên thấy mình không có bánh mì ăn, không có lò sưởi ấm và không có một
đăng ký hộ khẩu Moscow. Chúng tai đã được tuyên truyền trong các khóa
học chính trị, và theo cùng một cách giống hệt nhau, đã được bồi dưỡng
các ý tưởng sống yên thân, và mọi thứ sẽ tốt đẹp trong phần còn lại của
cuộc đời. Bạn không thể thoát khỏi môi trường và điều kiện xã hội. Cuộc
sống hàng ngày định hình ý thức. Cái đó có liên quan gì với chúng ta?
Chúng ta có thể làm gì với nó?
Được chứ, được tất cả là đàng khác. Nhưng chúng ta dối lòng mình để
an thân. Đừng trách bọn chúng, có trách thì trách chúng ta đi. Có người
vặn hỏi: thì ông muốn nghĩ gì mà chẳng được. Chúng đã dém miệng chúng
ta. Có ai chịu nghe chúng ta, có ai thèm đoái hoài chúng ta. Làm sao mà
bắt chúng nghe chúng ta nói được? Không thể nào thay đổi được não trạng
của chúng.
Tất nhiên là có thể đầu phiếu để loại bọn chúng, nhưng mà đất nước
này làm gì có tuyển cử. Ở phương Tây người ta có bãi công và biểu tình
phản đối, còn chúng ta thì bị đàn áp thẳng tay, có những cảnh mới nghĩ
tới đã thấy rùng mình: ai dám thình lình bỏ việc mà xuống đường? Song
le, những con đường chết chóc mà dân tộc Nga đã mò mẫm trong đau khổ
suốt thế kỉ qua không phải dành cho chúng ta, mà quả thật chúng ta không
cần đi lại những con đường như vậy.
Bây giờ cái rìu đã làm xong việc, hạt giống gieo xuống đã nảy mầm,
chúng ta có thể thấy là những kẻ còn trẻ tuổi mà cuồng vọng, cho là có
thể dùng khủng bố, cách mạng đẫm máu và nội chiến để mang lại bình đẳng
và hạnh phúc cho đất nước chúng ta, chính họ là những kẻ lạc lối. Thế đủ
rồi, xin cảm ơn các vị giác ngộ cách mạng tiên phong! Bây giờ chúng ta
mới biết phương pháp xú uế tất sinh kết quả xú uế. Hãy để cho tay của
chú
Cái vòng trói buộc này đã đóng chặt rồi sao? Không còn lối thoát? Và
chúng ta chỉ còn một đường duy nhất thôi, là khoanh tay đợi? Đợi cho tới
khi có biến? Chừng nào mỗi ngày chúng ta đều thừa nhận, ca ngợi, và
nuôi dưỡng – chứ không tự mình chém phăng đi một điều không ai không
thấy, là sự dối trá – thì đừng mong có chuyện gì xảy ra.
Bạo động len lỏi vào cuộc sống an bình, cái mặt nó toát ra vẻ ngạo
mạn, y như đang khoác một ngọn cờ và hô to: “Bạo động đây. Tránh ra,
nhường đường cho tao, không tao nghiến nát tụi bay.” Nhưng mà bạo động
mau già. Rồi nó mất hết tự tín, và để giữ cho cái mặt ra vẻ khả kính nó
rước thằng dối tra về làm đồng minh – vì không phải ngày nào nó cũng thò
bàn tay thô bạo của nó ra được, mà thò ra được cũng bất tất chụp hết
mọi người. Nó chỉ cần chúng ta ngoan ngoãn phục tùng dối trá và hàng
ngày thực hành dối trá – đây chính là yếu huyệt của mọi sự trung thành.
Cái chìa khóa đơn giản nhất và dễ làm nhất mở ra cánh cửa tự do, tự
do mà bấy lâu nay chúng ta lãng quên, là: mỗi người cùng tẩy chay dối
trá. Mặc dù dối trá che giấu tất cả, mặc dù dối trá phủ lấy tất cả,
nhưng tôi tuyệt không nhúng tay.
Làm vậy tức là mở một lối thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn hoang
tưởng do chúng ta khoanh tay đứng nhìn mà ra. Cách đó vừa dễ làm nhất
vừa tiêu diệt dối trá mau nhất. Vì rũ bỏ dối trá, tức là cắt đứt đường
sống của nó. Dối trá giống như bệnh dịch, chỉ có thể sống bám vào một
sinh vật.
Chúng ta không cần phải ám thị mình. Chúng ta chưa đủ già dặn để tiến
vào các quảng trường mà gào lên sự thật hay biểu hiện tư tưởng của
mình. Chưa tới lúc phải làm thế. Nguy hiểm nữa. Chỉ cần điều gì mình
không nghĩ thì chúng ta từ chối đừng nói là được.
Đó là con đường của chúng ta, con đường dễ nhất ai cũng làm được, con
đường đã chiếu cố sự hèn nhát thâm căn cố đế của chúng ta. Nó dễ hơn
phương pháp công dân bất phục tùng của Gandhi xiển dương – dễ tới mức
viết những lời này còn nguy hiểm hơn.
Con đường của chúng ta là tránh xa chỗ thối nát. Nếu chúng ta đừng
ghép đống xương tàn và lớp vảy khô của ý thức hệ lại với nhau, nếu chúng
ta đừng mất công vá lại mớ giẻ rách, thì chúng ta sẽ ngạc nhiên thấy là
sự dối trá sẽ hóa ra bất lực và tiêu ma nhanh chóng. Lúc đó, cái gì cần
lột trần mới thực phơi ra trước cả và thiên hạ.
Vì thế, dù có dè dặt, mỗi chúng ta hãy lựa cho mình: hoặc là, cam tâm
làm nô lệ cho hư ngụy – tất nhiên chúng ta nuôi dưỡng con cái mình
trong tinh thần dối trá không phải vì đó là bản tính của chúng ta, mà
chẳng qua là để kiếm ăn nuôi gia đình – hoặc là rũ sạch mọi sự dối trá
làm một người lương thiện xứng đáng được con cái và người đồng thời kính
trọng.
Con đường của chúng ta là không tự nguyện ủng hộ bất kì sự dối trá
nào. Khi chúng ta đã biết bản chất của hư ngụy ở đâu, thì chúng ta mỗi
người sẽ biết cách nhìn ra đâu là dối, đâu là thật.
Và từ đó trở đi chúng ta sẽ:
• bằng mọi cách không viết, kí, hay in một lời nào chúng ta cho là bóp méo sự thật;
• không nói những lời như thế, dù là nói chuyện riêng hay nói trước
đông người, tự ý mình hay theo ý người khác, dù làm công tác cỗ vũ, dạy
học, giáo dục hay đóng trò trên sân khấu;
• không mô tả, cổ vũ, hay truyền đi một ý tưởng nào chúng ta thấy rõ
ràng là sai hay bóp méo sự thật, dù bằng hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh,
khoa học kỹ thuật hay âm nhạc;
• không trích lời người khác nói hoặc viết mà không đặt lời trích vào
ngữ cảnh, để lấy lòng ai đó, hay để lót đường cho mình, hay để thành
công trong công việc nếu mình không hoàn toàn đồng ý với ý tưởng trích
dẫn, hoặc nếu ý trích dẫn đó không phản ánh chân thực bản chất vấn đề;
• không để cho mình bị ép phải dự những cuộc biểu dương hay hội họp
nào trái với sở thích hay ý nguyện mình, không cầm hoặc giương lên những
tiêu ngữ hay biểu ngữ nào mình không hoàn toàn chấp nhận;
• không giơ tay biểu đồng tình cho một đề xuất mà ta không thành thật
tán đồng, không bầu cho người mình cho không xứng đáng hay đáng ngờ về
tài năng, dù bầu công khai hay bí mật;
• không để cho mình bị lôi tới những cuộc họp mà mình đoán người ta sẽ bức mình thảo luận hoặc bóp méo một vấn đề;
• lập tức bước ra khỏi những cuộc họp, hội nghị, thuyết trình, biểu
diễn, chiếu phim nếu nghe thấy diễn giả nói láo, rêu rao những rác rưởi ý
thức hệ, hoặc những lời tuyên truyền lố bịch;
• không đóng góp hoặc mua những báo chí bóp méo thông tin hoặc giấu giếm những sự thật hiển nhiên.
Tất nhiên là chúng ta chưa liệt kê hết mọi biến thái hư ngụy cần phải
liệt kê. Nhưng người nào thanh luyện mình sẽ nhờ lương tâm trong sạch
mà phân biệt được chân ngụy.
Những người chọn con đường này ban đầu cuộc sống sẽ rất thay đổi. Có
người bị mất việc. Những người trẻ muốn sống chân thật, thì những việc
như thế này sẽ làm cho đời thanh xuân của họ ra phức tạp, vì khóa học
bắt buộc nào cũng nhét toàn dối trá, không thể không chọn lọc.
Nhưng không có lối đi nào dễ dãi hơn cho người muốn làm người lương
thiện. Ngày nào chúng ta cũng có người phải đối diện ít nhất là một
trong những tình huống trên, cho dù là trong những ngành khoa học kĩ
thuật vô thưởng vô phạt dễ tìm được chỗ nương náu nhất. Hoặc là chân
thật, hoặc là hư ngụy: một đường đi tới tự do tinh thần, một đường đi
tới nô lệ tinh thần.
Còn những kẻ không đủ dũng khí bảo vệ linh hồn mình– các người chớ
vin vào mấy quan điểm ‘tiến bộ’ của mình mà kiêu ngạo, chớ huyênh hoang
mình là hàn lâm học sĩ, là nghệ sĩ nhân dân, là yếu nhân có nhiều công
trạng, hay là đại tướng – các người hãy tự nói với mình: Mình thà ở lại
đàn làm một thằng hèn. Sao cũng được, miễn no bụng ấm lưng thì thôi.
Lối phản kháng này tuy nhu nhược nhất trong mọi lối phản kháng cũng
không phải là dễ. Tất nhiên là dễ hơn tự thiêu hay tuyệt thực: lửa sẽ
không dìm thân anh, mắt anh không bị nung cho nổ ra, và gia đình anh sẽ
không lúc nào thiếu cơm ăn nước uống.
Một dân tộc vĩ đại ở châu Âu, dân Tiệp Khắc, họ bị chúng ta phản bội
và lừa dối, chẳng là họ đã cho chúng ta thấy nếu trong lồng ngực có một
trái tim cao thượng thì tấm ngực mỏng manh kia có thể đứng lên chống lại
xe thiết giáp đấy sao?
Anh bảo làm thế không dễ? Nhưng trong mọi cách thì cách đó là dễ
nhất. Cách đó có thể nguy tới tánh mạng, nhưng muốn cứu linh hồn thì
không còn cách nào khác. Phải, con đường đó không phải là con đường dễ
đi. Nhưng mà có nhiều người, rất nhiều nữa là khác, năm này qua năm nọ
đã theo đuổi lí tưởng ấy, chỉ vì họ lấy chân thật làm lẽ sống.
Cho nên anh không phải là người đầu tiên chọn đi đường này, anh chỉ
gia nhập dòng người đã dấn thân vào đó. Nếu chúng ta nâng đỡ nhau và sát
cánh nhau thì con đường này sẽ dễ đi và ngắn bớt lại. Nếu chúng ta đông
tới hàng ngàn người thì bọn chúng sẽ không làm gì được chúng ta. Nếu
chúng ta lên tới hàng vạn người thì đất nước này sẽ khoác bộ mặt mới đến
mức chúng ta không còn nhận ra nữa. Nếu chúng ta khiếp nhược quá, thì
đừng trách người ta đàn áp mình mãi.
Chính chúng ta đang tự mình đàn áp mình đấy. Lúc đó thì hãy khom lưng
xuống nữa, hãy rên xiết nữa, và đợi tới ngày những người anh em của
chúng ta, các nhà sinh học, tìm ra cách đọc được tư tưởng của chúng ta,
một thứ tư tưởng vô giá trị và tuyệt vọng.
Và nếu thậm chí đã chọn con đường yên thân mà chúng ta vẫn rơi vào
chỗ cùng khốn, thì chúng ta đúng là đồ bỏ đi, không còn cách gì cứu vớt
được. Lúc đó, chúng ta đáng dành cho những lời khinh bỉ này của Pushkin:
“Đồ súc sinh thì làm gì có tự do. Muôn đời di sản của nó chỉ là ách nặng và roi vọt.”
Thái Phục Nhĩ dịch
Alexander Solzhenitsyn, The Washington Post
Alexander Solzhenitsyn, The Washington Post
Nguồn: Tạp chí Phía Trước