Tâm Việt
Đã không ít người khóc khi được tin Đỗ Thị Minh Hạnh được CS thả ra
hôm 26/6 vừa qua. Ca Dao ở Pháp cũng khóc, chị Hương ở Houston, TX, cũng
khóc, và Chương-trình VanhoaNBLV (Văn-hóa Nhân-bản Lạc Việt) phỏng vấn
một số người ở Cali, cũng có người như Nguyên Dung khóc.
Mà không khóc sao được! Ta hãy nghe Ca Dao nói về trường-hợp gặp Hạnh
với [Nguyễn Hoàng Quốc] Hùng như thế nào: “Năm 2009, khi tiếp xúc với
công nhân bên Mã Lai, tôi thấy họ tội nghiệp quá, ngây thơ quá, họ như
thân nhọng phơi mình trước nỗi bất công của xã hội, giữa đàn áp của bọn
chủ ác ôn. Và gặp Hạnh với Hùng. Cô cho tôi xem những tấm hình cô và
Hùng lên tận Bauxit Tây Nguyên chụp về, cô kể về những buổi tối đi gặp
dân oan… Sự nhiệt tình và lòng thương người của cô bé ấy đã làm tôi xấu
hổ. Tôi sống an nhiên trong cái tháp ngà của mình trong khi quê hương
còn bao nỗi!!! Kể từ đó, tôi quyết định ở lại với Lao Động Việt.”
Thế rồi Đỗ Thị Minh Hạnh, cô bé 25 tuổi, trở về VN lao mình vào Phong
trào Lao Động Việt, làm việc với công-nhân VN để tạo được một cuộc đình
công thuộc hàng lớn nhất ở VN, tới 10 nghìn người ở hãng giầy Mỹ Phong,
Trà Vinh, đòi được một số quyền lợi như tăng lương và cải tiến các điều
kiện làm việc. Nhưng rồi Hạnh và Hùng và Đoàn Huy Chương đã phải trả
giá cho sự thành công của mình: sau khi bị bắt, Hùng đã lãnh án 9 năm tù
giam, Chương và Hạnh mỗi người 7 năm.
Cả thế-giới lên tiếng
Chính-quyền CS tưởng đã bẻ gẫy được ý-chí của Hạnh. Ra tòa, Hạnh
không chỉ hiên-ngang, khi tòa tuyên án, Hạnh đã cất tiếng hát và nói:
“Để em hát cho hai anh nghe!” Vào tù, bị đưa vào sống chung với những
người tù hình-sự có bệnh HIV-AIDS và dù bị quản-giáo xúi giục những
người kia đánh Hạnh, Hạnh vẫn một lòng rộng lượng chia xẻ cơm quà cho
họ, và tuy nhỏ người Hạnh vẫn tìm cách bảo bọc cho bà Mai Thị Dung, một
tín-đồ Hòa Hảo bất khuất. Chuyện về Hạnh, kể không hết được. Vì được
những bạn tù khác thương yêu, Hạnh đã viết được một bức thư dài trên 10
trang gửi về cho ba Hạnh kể hết những chuyện gì đã xảy ra cho Hạnh. Khi
Hạnh từ chối lao-động cưỡng bức (bóc hột điều để phải phỏng các ngón
tay), Hạnh bị chúng đánh đến điếc một bên tai. Khi Hạnh thấy có u ở
ngực, các quản giáo cũng không cho Hạnh đi khám bác-sĩ. Những chuyện xảy
ra cho Hạnh biến người mẹ hiền lành, sợ sệt là bà Trần thị Ngọc Minh,
trở thành một con hổ dữ, một con hùm mẹ quyết trốn khỏi VN để đi khắp
thế-giới cầu cứu cho con. Sau khi được Ba-lan cung-cấp giấy tờ tỵ nạn,
bà đã sang Mỹ, Canada, Úc-châu, Đức, đến đâu bà cũng không ngần ngại ra
trước Quốc-hội các nước nói lên tiếng nói bênh vực cho Chương-Hùng-Hạnh.
Và kết-quả thì như ta đã thấy, theo blog của Phạm Chí Dũng ở Sài-gòn:
“Được biết hồ sơ Đỗ Thị Minh Hạnh được nêu ra trong quá trình thương
thuyết gia nhập Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Hoa Kỳ và
Việt Nam. Đỗ Thị Minh Hạnh được biết tới như một nhà đấu tranh bảo vệ
quyền lợi của người công nhân tại Việt Nam. Cô bị bắt năm 2010, khi đó
mới 25 tuổi, với cáo buộc “xúi giục” công nhân của một công ty giày da
tỉnh Trà Vinh tổ chức đình công. Cô bị xử 7 năm tù giam với tội danh
“phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân” theo điều
89 Bộ luật Hình sự, vì đã rải truyền đơn kích động công nhân biểu tình,
đình công.
“Đây là một điều đáng mỉa mai, vì Đảng CSVN – đại diện trung thành
cho lợi ích của giai cấp lao động – là người người bắt giữ Đỗ Thị Minh
Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương. Trong khi chính phủ Hoa
Kỳ, đại diện cho chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản bóc lột người
lao động, lại là người can thiệp để Việt Nam phải trả tự do cho Hạnh và
đòi hỏi một hệ thống công đoàn thực sự độc lập và thực sự vì quyền lợi
của người công nhân được thiết lập ở Việt Nam.
“Trong 4 năm bị giam cầm, Hạnh vẫn tiếp tục đấu tranh phản kháng sự
áp bức bóc lột sức lao động của các tù nhân từ công an trại giam. Vì lý
do này cô đã bị đối xử tàn tệ, bị đánh đập và chuyển trại ra miền Bắc –
xa gia đình, rất khó khăn cho việc thăm nuôi. Sức khỏe của Hạnh cũng suy
yếu nhiều, dù năm nay cô mới 29 tuổi.
“Hai tuần trước đã có tin Hạnh sẽ được trả tự do, nhưng cuối cùng
điều đó đã không thành sự thật vì Hạnh từ chối ký giấy tờ cơ quan công
an ép cô ký. Chúng tôi mong rằng lần này Hạnh sẽ được trả tự do thực sự,
và xin gửi lời chúc mừng tới Hạnh và gia đình!
“Không còn là tin đồn nữa. Khi chính một nữ cựu tù nhân lương tâm còn
trong vòng quản chế như Phạm Thanh Nghiên nghẹn ngào cho tôi biết, và
chính anh Đỗ Ty – cha của Hạnh – xác nhận qua điện thoại, thì mọi ngờ
vực đều tan biến.
“Chiều muộn ngày 27/06/2014, Đỗ Thị Minh Hạnh – cánh chim báo bão
những năm về trước – đã làm cộng đồng dân chủ trong nước và hải ngoại
tràn ngập một niềm vui khó tả: cô vừa được tự do!
“Hạnh đang trên đường về nhà!
“Hầu tương tự như trường hợp của “người tù xuyên thế kỷ” Nguyễn Hữu
Cầu, những tin tức đầu tiên về việc Minh Hạnh có thể được “cho về” đã
xuất hiện cách thời điểm trả tự do khoảng một tháng. Và trong khoảng
thời gian một tháng ấy, “họ cố ép tôi ký bản nhận tội, nhưng tôi nói rõ với họ là tôi không ký vì tôi không có tội gì hết!” – tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Cầu thản nhiên thuật lại và còn ngâm nga bài thơ “Con bò kéo xe” của ông.
“Cách đây chưa đầy một tuần, những thông tin từ gia đình Đỗ Thị Minh
Hạnh và người mẹ vận động không mệt mỏi cho cô như đã cảnh báo về ý đồ
“giấy nhận tội”. Lẽ đương nhiên, ai cũng hiểu đó là quán tính của một
chính thể chưa thể quen với quán tính bắt buộc phải thừa nhận sai lầm
khi bắt người, nhất là khi người đó lại chỉ đấu tranh cho quyền lợi của
công nhân Việt Nam chứ chẳng hề nhắm tới động cơ lật đổ chế độ hiện
hành.
“Vào buổi sơ khai của phong trào đấu tranh công nhân, hành động chính
quyền bắt ba người tranh đấu Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương và
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng cũng tràn sắt máu nguyên thủy. Không một ai được
thanh minh, cũng chưa từng có một dấu hiệu thỏa hiệp nào của Nhà nước
Việt Nam với nhu cầu công đoàn độc lập quá sức bức bối.”
Khác hẳn với giờ đây…
“Giờ đây, gần 1.000 cuộc đình công của công nhân diễn ra hàng năm tại
nhiều vùng ở Việt Nam đã đủ chứng minh cho tính “ưu việt” đến thế nào
của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam – một cơ quan công quyền nhưng
trung gian để trực tiếp hưởng 2% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp và
cũng ăn vào công sức lao động của công nhân, một tổ chức “đại diện cho
quyền lợi của công nhân” song đã chưa từng chấp nhận bất kỳ một cuộc
đình công nào trên toàn quốc, ngược hẳn với mối giao hảo chung chịu của
họ với giới chủ doanh nghiệp.
“Giờ đây và khác hẳn với thời kỳ làn sóng công nhân tranh đấu bị đàn
áp, chính thể cầm quyền ở Việt Nam đang phải dần chấp nhận đòi hỏi về
định chế công đoàn độc lập do người Mỹ và phương Tây đặt lên bàn đàm
phán Hiệp định TPP. Không phải vô cớ mà cũng vào tháng Sáu này, hơn 150
dân biểu quốc hội Mỹ đã đồng gửi thư kiến nghị cho Đại diện thương mại
Hoa Kỳ về “không TPP nếu không có công đoàn độc lập” và “Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Đỗ Thị Minh Hạnh”.
“Cũng không phải vô cớ mà kịch bản cánh chim báo bão Đỗ Thị Minh Hạnh
được trả tự do vô điều kiện không chỉ là niềm vui bất ngờ của cô và gia
đình, mà còn khiến bật lên một tia hy vọng lớn lao hơn nhiều: đã có tín
hiệu về một khả năng nào đó tổ chức công đoàn độc lập được chính quyền
“thí điểm” ở Việt Nam trong vài năm tới.
“Hãy khóc…
“Nếu có thể nhớ lại, hãy nên so sánh những bước chân của Hạnh bần
thần ra khỏi phòng giam với không khí òa vỡ của đám đông vào tháng
8/2013, khi nữ sinh áo trắng Phương Uyên đột ngột được phóng thích ngay
tại tòa Long An. Để sau tháng Tám ấy là một sự chuyển mùa dân chủ ở Việt
Nam, nơi mà tiếng chim hót dân sự đã không còn bị vùi dập quá tàn nhẫn.
“Cánh chim báo bão Minh Hạnh hẳn cũng như vậy thôi. Phía trước không
chỉ là bầu trời tự do với riêng cô, mà một chân trời mới đang hé rạng
cho các tổ chức xã hội dân sự ở đất nước đầy cam go này, nơi mà mới đây
16 tổ chức dân sự đã tiếp bước Hạnh để ra một tuyên bố về sự cần kíp xây
dựng tổ chức công đoàn độc lập cho 5 triệu công nhân Việt Nam.
“Hạnh hãy khóc đi, những giọt nước mắt siết bao ơn nghĩa với Người Mẹ và Dân Tộc…”
Và cuối cùng, để kết, chúng tôi xin cho in lại như một thứ phụ-lục
bản Thông Cáo Báo Chí của Lao Động Việt tổng-kết tất cả những nỗ lực của
người Việt hải-ngoại trong thời-gian Đỗ Thị Minh Hạnh bị cầm tù, để
thấy rằng chúng ta là một cộng-đồng thật đoàn-kết khi chúng ta có những
gương sáng như Đỗ Thị Minh Hạnh và Chương-Hùng soi con đường đi tới của
tuổi trẻ Việt-nam.
Thông Cáo Báo Chí của Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do ( Lao Động Việt) về việc
nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam buộc phải trả tự do cho
thành viên Lao Động Việt Đỗ Thị Minh Hạnh
Ngày hôm nay, 28 tháng 6 năm 2014, sau hơn 4 năm 4 tháng bị cầm tù
trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, Đỗ Thị Minh Hạnh, một trong những
người sáng lập „Phong Trào Lao Động Việt“, thành viên Lao Động Việt đã
được về tới nhà sau khi đượctrả tự do từ trại tù ở miền Bắc.
Đây là kết quả của cuộc tranh đấu kiên quyết, không ngừng của rất
nhiều tổ chức, cá nhân có uy tín quốc tế; của rất nhiều tổ chức, cá nhân
trong cộng đồng người Việt trong nước và hải ngoại, ngay sau khi Đỗ Thị
Minh Hạnh bị bắt và bị kết án tù cùng hai người bạn là Đoàn Huy Chương
và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng.
Lao Động Việt xin chân thành cảm ơn quý vị đã đồng hành, chia sẻ
những khó khăn với LĐV trong thời gian qua và xin quý vị tiếp tục hỗ trợ
các nhóm thành viên trong liên minh Lao Động Việt tranh đấu cho Chương,
Hùng, cùng các tù nhân lương tâm khác và cho quyền nghiệp đoàn của
người Việt tại Việt Nam.
Danh sách rất dài, không thể liệt kê đầy đủ, LĐV chỉ xin nêu những tổ
chức, cá nhân và những hoạt động điển hình trong nỗ lực tranh đấu cho
Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng trong hơn 4
năm qua.
NĂM 2010
Chỉ vài ngày sau khi Chương-Hùng-Hạnh bị bắt, các ông Tony Sheldon,
Paul Howes, và Barry Tubner đã huy động các nghiệp đoàn của họ ở Úc (vận
tải TWU, xưởng máy AWU, may mặc TCFUA) cũng như vận động với các liên
đoàn thế giới ITF, IMF,
v.v… Từ đó đến nay, họ tiếp tục giúp đỡ các nhóm thành viên trong Lao
Động Việt để tranh đấu cho Chương-Hùng-Hạnh. Họ cũng hỗ trợ LĐV để một
số công nhân VN tại Mã Lai thành lập được một số nghiệp đoàn hoặc gia
nhập nghiệp đoàn của Mã Lai – đó cũng là ý muốn của Hạnh khi cô đến Mã
Lai năm 2009.
Ông Joe De Bruyn, TTK, huy động nghiệp đoàn SDA ở Úc của ông, vận
động với liên đoàn thế giới ngành bán lẻ UNI, và lên tiếng với Ngoại
Trưởng Úc.
Đức Tổng Giám Mục George Pell ở Sydney lên tiếng với ngoại trưởng Úc
sau khi ngài được thông báo bởi ông Paul Howes và ông Andrew Casey, viên
chức AWU.
Nhóm LabourStart tung ra chiến dịch online năm 2010, và trong đại hội ở Sydney của họ năm 2012 cũng nhắc lại trường hợp Chương-Hùng-Hạnh.
Hưởng ứng chiến dịch online của LabourStart, 4.189 người ký tên trong
thư chung, và 2.533 người ghi danh trên Facebook Cause của LS. Họ là
thành viên hoặc viên chức các nghiệp đoàn khắp thế giới (New Zealand, Do Thái, Hong Kong, v.v.).
Human Rights Watch và Amnesty International, các tổ chức này lên tiếng nhiều lần bằng thông cáo, bản tường trình, hoặc khi vận động với QH các nước.
Tổng Liên Đoàn ACTU của Úc chính thức ra Nghị Quyết, vận động với chính quyền Úc, với ITUC, hỗ trợ chiến dịch của LabourStart, và muốn gởi phái đoàn ACTU đến VN để thăm 3 gia đình, nhưng Hà Nội không cấp chiếu khán.
Cuối năm này, Anh Đoàn Huy Chương được Mạng Lưới Nhân Quyền VN trao Giải Nhân Quyền năm 2010.
Chính quyền Úc bắt đầu lên tiếng với Hà Nội. Năm 2013, sau khi đích thân lên tiếng trong cuộc họp riêng với CSVN, Ngoại Trưởng Bob Carr viết tweet trên Twitter để lên tiếng trên công luận, việc này rất hiếm khi xảy ra.
NĂM 2011
Liên đoàn thế giới ngành vận tải (ITF), ngành xưởng máy (IMF), và tổng liên đoàn thế giới ITUC (Intenational Trade Union Confederation) lên tiếng, qua các bản báo 2010 và 2011 của ITUC, qua thư gởi Hà Nội, hoặc trong các bản tin nội bộ.
Nghiệp đoàn xưởng máy của Nhật, IMF-JC, một thành viên của liên nghiệp đoàn IMF, gởi viên chức Shinya Iwai đến VN thăm 3 gia đình. Sau khi về Nhật, ông báo cáo trong tờ báo nội bộ của IMF-JC.
Cuối năm, Đỗ Thị Minh Hạnh đã được trao Giải Nhân Quyền của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam ở Úc.
NĂM 2012
Tuần lễ từ 17 đến 24 tháng Sáu 2012, Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động
Việt họp Đại Hội lần thứ ba ở Mỹ. Trong thời gian Ủy Ban có mặt ở
Washington (19 đến 24/6), Ủy Ban đã đi vận động ráo riết cho
Chương-Hùng-Hạnh, như gặp Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Human Rights Watch,
Amnesty International U.S.A., và nhất là tổ chức Freedom Now. Các luật
sư thiện nguyện của Freedom Now sau đó đã nộp hồ sơ lên WGAD (Working
Group on Arbitrary Detention – Nhóm Đặc Trách về Giam Vô Cớ của LHQ) về
trường hợp của Chương-Hùng-Hạnh, FN cũng ráo riết vận động với Quốc Hội
và hành pháp Hoa Kỳ.
Khối 1706 và đài Việt Nam Sydney Radio
cấp tốc tổ chức cuộc biểu tình ngay khi biết tin phái đoàn CSVN đến xin
ACTU viện trợ, trưng hình của 3 người này, và qua đó đã thông tin cho
nhiều viên chức nghiệp đoàn ở Sydney về Chương-Hùng-Hạnh.
NĂM 2013
Dân Biểu Chris Hayes ở Úc lên tiếng, và từ đó đến nay không ngừng nghỉ.
Trả lời đơn của Freedom Now, đầu năm 2013 WGAD ra bản Tuyên Bố bác bỏ lời bào chữa của Hà Nội, đòi trả tự do vô điều kiện, và đòi bồi thường cho Hùng-Hạnh-Chương.
Chủ Tịch Thượng viện Borusiewic của Cộng Hòa Ba Lan đòi trả tự do cho Hùng Hạnh Chương khi một phái đoàn CSVN do Chủ Tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến viếng thăm.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, họp ở Paris, trao Giải thưởng Nhân Quyền năm 2013 cho Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, bạn của Hạnh.
NĂM 2014
Một số DB Mỹ – Frank Wolf, James McGovern, Michael Honda,
Randall Hultgren, Zoe Lofgren, Loretta Sanchez, Christopher Smith,
Sheila Jackson Lee, Chris Van Hollen, Alan Lowenthal, George Miller – ký
thư chung. Bản tin của Freedom Now nói 11 DB đã nêu đích danh Chương-Hùng-Hạnh, đòi CSVN trả tự do cho họ.
BPSOS vận động với lập pháp và hành pháp Mỹ, tạo ra nhiều kết quả, trong đó có DB Chris Van Hollen đã đỡ đầu cho Hạnh sau khi nghe bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của Hạnh, điều trần về tình trạng của Chương-Hùng-Hạnh.
Tháng 4- 2014, tổ chức VETO tại Cộng Hòa Liên Bang Ðức ðã cùng bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của Hạnh, vận động tại QH Đức. Nữ dân biểu Sabine Bätzing-Lichtenthäler nhận đỡ đầu cho Hạnh.
Cuối tháng 5 năm 2014 , 153 dân biểu Mỹ đồng ký tên vào lá thư gởi cho đại diện thương mại Hoa Kỳ yêu cầu lên tiếng đòi trả tự do cho nhà hoạt động công đoàn trẻ tuổi này.
Khối 8406 ở Úc đã tổ chức chuyến đi vòng quanh nước Úc cho bà Trần
Thị Ngọc Minh, mẹ của Hạnh. Hàng ngàn đồng hương đã tham dự và hỗ trợ.
Dân Biểu Luke Donnellan cùng 6 DB khác thuộc Nghị Viện Victoria của Úc viết thư chung đến Hà Nội đòi thả Đỗ Thị Minh Hạnh.
VP Melbourne của Ân Xá Quốc Tế cho hay rằng VP trung ương tại Luân
Đôn đang chuẩn bị để tung ra chiến dịch tranh đấu cho Hùng – Hạnh –
Chương.
Một lần nữa, Lao Động Việt cám ơn tất cả những hội đoàn, các cơ quan
truyền thông, các cá nhân đã âm thầm vận động và giúp đỡ cho Hạnh về
tinh thần cũng như vật chất.
LAO ĐÔNG VIÊT
Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (gọi tắt: Lao Động Việt, web: laodongViet.org)
là liên minh của một số tổ chức lao động trong và ngoài nước gồm: Phong
Trào Lao Động Việt, Công Đoàn Độc Lập, và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động
Việt Nam.