Cao Thoại Châu
Từng là một giáo viên có thâm niên 35 năm dạy môn Sử Địa dưới hai chế
độ giáo dục khác nhau, tôi không có gì để phải chọn một cái tựa “giật
gân” như trên, nhưng thật sự tôi nghĩ môn học gọi là “lịch sử” hiện nay
chưa phải đích thực môn học theo đúng nghĩa một khoa học về quá khứ với
những quy luật riêng mà nó phải có.
Khoa học lịch sử ngay cả khi nó được thể hiện thành bài giáo khoa cho
học sinh cũng nhất thiết phải mang các đặc điểm : chân thực, khái quát,
khách quan và những sự kiện lịch sử phải mở ra cho người đọc, người học
óc suy luận theo logique tư duy nguyên nhân – kết quả (cũng phải khách
quan). Có sự thật là, thời kỳ trước 1975 ở miền Nam tuy môn lịch sử cũng
được coi là môn phụ nhưng học sinh học rất thích thú, chúng hiểu rằng
môn lịch sử (cùng với văn, ngoại ngữ…) là môn học học cung cấp kiến thức
phổ thông (bên cạnh các môn tự nhiên cung cấp tri thức chuyên biệt) để
khi lớn lên thành người trí thức cân đối.
Trở lại với môn lịch sử hiện nay, trước hết học sinh phải thuộc lòng
là chính những con số mà có lẽ thiếu nó cũng “chẳng ảnh hưởng gì đến
tình hình thế giới”, chẳng hạn kết thúc một trận đánh mà đếm có bao
nhiêu xác chết, thu bao nhiêu súng. Có vẻ là tủn mủn chưa nói lên được
cái lớn lao của một chiến thắng. Hơn nữa, đó lại chỉ là những tổn thất
của đối phương làm cho học sinh thắc mắc mà không dám hỏi về tổn thất
của ta, tức là bài học thiếu khách quan! Suy nghĩ này làm phát sinh một
suy nghĩ khác rằng đã có sự biên tập theo một ý đồ quá rõ dễ nhận ra.
Lịch sử thành ra chuyện đơn thuần của các trận đánh, lịch sử chiến
tranh! Còn nữa, ngay cả khi đánh giá một sự kiện cũng lại được dọn sẵn
và học sinh phải thuộc lòng một cách thụ động những gì đã được “áp đặt”
chứ không phải những gì đã suy luận tìm ra! Thụ động làm cho ngán, ngán
miết thành ra chán! Không có cái chán, ngán này ở những môn khoa học tự
nhiên hay ngoại ngữ! Xin được thố lộ, 20 năm dạy sử tôi nhiều lần “chạy
trời không khỏi nắng” trước những cặp mắt…không phục thầy nhưng không
dám nói ra của học trò mình!
Trong một góc nhìn khác, dường như có sự nhầm lẫn giữa thời sự và sự
kiện lịch sử, một thứ vừa xảy ra, thứ sau đã được sàng lọc, đánh giá bởi
thời gian trở thành sụ kiện của quá khứ. Tôi còn nhớ, khoảng thời gian
bên Liên Xô xảy ra cuộc đảo chánh dưới thời ông Gorbachov. Hôm ấy chúng
tôi đang được triển khai bồi dưỡng sách giáo khoa mới, trong đó đề cao
những gì Gorbachov làm được, tất nhiên lại là khen hết mình. Đùng một
cái, chính ông GĐ Sở GD đi xe tới với khuôn mặt khá hớt hải, ông vào
phòng nói “Ngưng lại các đồng chí ạ, “nó” bị lật đổ rồi”. Học viên chúng
tôi hiểu ông GĐ nhận lệnh từ đâu, hôm sau “nó” không sao cả và chúng
tôi lại tiếp tục được triển khai sách mới! Thật ra thì trong môn lịch sử
không thể không có chính trị nhưng hàm lượng chính trị làm thống soái
thì môn học không còn tính khách quan nữa, nó thành môn học khác và học
sinh không thể không nhìn ra điều này, chúng chán học là…may cho xã hội
bởi lớp trẻ mà không biết phán đoán cứ nhắm mắt nghe người lớn thì đó là
con đường đi xuống!
Tôi nghĩ, qua các môn xã hội chúng ta có ảo tưởng muốn đào tạo ra
những công dân theo một mô thức đồng loạt (và đồng phục?) thay vì ra
những con người có tư duy độc lập, và môn lịch sử phải gánh trên vai nó
gánh nặng oằn lưng này. Người gánh còn là đội ngũ thầy cô giáo bộ môn.
Chương trình ấy, sách giao khoa ấy và cách ra đề thi chấm điểm ấy, làm
sao thầy cô dạy theo phương pháp rèn luyện tư duy? Họ đứng giữa cái ranh
giới khoa học và lợi ích của học sinh trong thi cử và đành phải chọn
học sinh mình thôi! Và khó có cách nào khác hơn là nhồi nhét, trước ngày
thi gọi là bồi dưỡng nhưng thực tế là thầy cô cứ “khảo” bài theo Đề
cương ôn tập, Chuẩn kiến thức của Bộ bởi đề thi, đáp án nằm trong đấy!
Kỷ niệm “rùng mình” của thời đi học là bị nhồi nhét thuộc lòng, cho
nên như đã xảy ra trong vài năm gần đây với môn lịch sử. Điểm thi môn Sử
thấp đến tệ hại trong cả thi TNPT lẫn đại học và năm nay, khi quy chế
thi chì có 2 môn bắt buộc là văn- toán, 2 môn còn lại thí sinh tự chọn
thì câu trả lời đang xảy ra của học sinh không khác gì cuộc bỏ thăm bất
tín nhiệm với môn học gọi là lịch sử hiện nay!
Thiết nghĩ đã tới lúc nhìn lại môn Sử một cách căn cơ, không nên quy
trách nhiệm cho phương pháp dạy của thầy, cũng không nên đổ cho học sinh
thực dụng chọn môn dễ có điểm cao, mà nên nhìn nhận lại nội dung môn
học, quan điểm sử dụng môn lịch sử trong giáo dục con người hoàn chỉnh.
Chữa gốc sẽ chẳng lo gì mà không có ngày học sinh của chúng ta quay trở
lại yêu thích môn học rất thích thú này. Trả lịch sử vào đúng chỗ của nó
và như nó có là cách cần làm để lấy lại lòng ham thích cuả học sinh với
môn học và quá đó nâng cao hiệu quả giáo dục của môn học.
Lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc là một tình cảm thiêng liêng và
không thể không có trong mỗi con người, mỗi thể hệ, chính vì thế giáo
dục lòng yêu nước không thể hời hợt bằng một mệnh lệnh!