Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

Vẫn loay hoay

Hôm qua ngồi loay hoay đọc mấy bản văn kiện hội thảo của Đảng CS trong kỳ họp sắp tới, loay hoay copy mấy đoạn trò chuyện "than thở thảo luận bàn cãi "của các trí thức đầu não của đảng, thấy họ nói chuyện "cù nhầy" quá, ai cũng bảo biết hết những khó khăn bất cập, cần thay đổi, thế mà có ai dũng mãnh nói thẳng là thay đổi tận gốc ngay lập tức, cứ lòng vòng không khá được.  Tính để copy hết những đoạn "hay ho" rồi ghi chú cẩn thận tên người nói, nhưng mà hôm đọc một hồi chán quá, post đại vào đây vài đoạn, ai thích tìm hiểu thêm thì tìm đọc sau, chứ có khi mình chỉ loay hoay làm toàn chuyện tào lao bởi cũng chẳng ai thích đọc mấy điều họ đã đều biết.  Vả lại có bài của Kami nói về thằng Bờm vác tre ngang ở dưới đã tóm tắt đủ hết cả rồi, cho nên khỏi phải loay hoay vớ vẩn nữa.

Đại để vài đoạn như sau:

"Cái thứ hai là vấn đề thể chế, nếu đấy cho là đột phá thì tôi cũng tán thành thôi. Nhưng thể chế ở đây không chỉ là chung quanh cái thể chế thị trường mà nó là thể chế quản trị quốc gia. Hay là chúng ta cũng nói đơn giản ra là thể chế chính trị. Thì trong cái thể chế chính trị này thì nó cũng mênh mông lắm. Thì tôi chia sẻ ý kiến của anh Nguyễn Trung là làm sao thôi cố nói mãi rồi, mấy chục năm nay rồi, là làm sao cụ thể hóa ra, thể chế hóa nó ra, Đảng lãnh đạo được thế nào? Đến đâu? Như thế nào? Nhà nước quản lý thế nào? Và nhân dân làm chủ thế nào? Cái này đưa ra khái niệm tù lù mù thế thôi. Nhưng mà cũng chưa rõ. Thành ra thể chế đây không chỉ là vấn đề kinh tế.

Tôi nhìn quanh quanh, tôi dự không biết bao nhiêu hội thảo lại vẫn ngần ấy ông này thôi. Tức là chúng ta nói với nhau, cứ loãnh quanh với nhau xôi chấm xôi thế thôi. Chứ người dân tôi không biết người ta tiếp cận cái này thế nào, chứ tôi tiếp cận rất nhiều người dân, thanh niên, có ai biết đâu. Dài ngoằng ngoằng này ai đọc, ai hiểu biết gì đâu. Chả ai hiểu biết gì? Cái người mà người ta bàn ấy, người ta không hiểu biết. Không biết làm thế nào đây? Người ta không đọc vì nó dài quá, mình đọc còn nhức đầu nữa là người dân bình thường. Thế nhưng ông giải thích lại còn dài hơn.

Trên báo nhân dân các đồng chí xem những bài giải thích của đồng chí ở Nguyễn Ái Quốc ý, một ý là các ông làm một trang. Trời ơi, thế làm sao người dân hiểu được. Và những hiệu quả của những câu chuyện ấy ra làm sao?"

========

"Chính vì thế cho nên á, là làm thế nào có hai chuyện chủ yếu về chính trị. Một, là tách bạch cái sự lãnh đạo của Đảng với sự quản lý của nhà nước. Đảng đừng can thiệp vào việc của nhà nước. Vì thực tế là can thiệp nhiều, nhưng mà không chịu trách nhiệm. Ấy, nó “hay” ở chỗ đó. Can thiệp nhiều, ra nhiều quyết định nhưng không chịu trách nhiệm. Đó là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai, nhà nước không nên can thiệp vào hoạt động của thị trường, hoạt động doanh nghiệp, mà nhà nước làm cái gì mà nhà nước cần thì thôi. Đó là vấn đề thứ nhất tôi xin phát biểu.

Thì chính cái đó gây cho nhân doanh chúng ta một cái gọi là mặc cảm và lo ngại. Ông nói thế thôi, ông vỗ béo tôi chúng em rồi ông ăn thịt đấy … thì rất nguy hiểm, làm thế nào phát huy sức mạnh dân tộc được? Làm thế nào phát huy sức mạnh toàn dân làm kinh tế được? Thế thì muốn xóa bỏ cái bất bình đẳng trong kinh doanh đó, giữa các doanh nghiệp thì chúng ta đã có luật doanh nghiệp năm 2005 rồi. Nhưng mà trong tư duy, trong thực tế mà nói thì vẫn còn rất nhiều bất bình đẳng.

Chính vì thế cho nên theo tôi là phải hạ ưu thế bớt cái đầu tư của nhà nước vào phát triển, khuyến khích mạnh hơn nữa cái đầu tư của tư nhân của dân vào phát triển. Và trong thực tế xóa bỏ tất cả những bất bình đẳng trong kinh doanh để mà các thành phần kinh tế tự do kinh doanh và tự do cạnh tranh. Nếu còn không bình đẳng thì làm gì có cạnh tranh. Xin hết!"

========

"Thứ nhất chúng ta đều biết đó là định hướng XHCN, nói thế thôi nhưng mà XHCN này chưa được định nghĩa cho rõ được bởi vì nó gắn với cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Thế còn định hướng XHCN mà nó gắn với thị trường là không rõ. Mà cho đến bây giờ chúng ta bàn cứ né tránh cái chuyện bàn (…) trong điều kiện bình thường, là cũng ngại bàn lắm. Về mặt chính thức là ngại bàn lắm. Các nhà khoa học cấp tiến là muốn xông vào bàn nhưng mà cũng không được. Cái thứ hai gắn với định hướng XHCN có một khái niệm nó rất thiết thân mà chúng ta bàn rất nhiều. Đấy là thế nào là một lực lượng kinh tế chủ đạo trong điều kiện thị trường.

Thứ nhất chúng ta đều biết đó là định hướng XHCN, nói thế thôi nhưng mà XHCN này chưa được định nghĩa cho rõ được bởi vì nó gắn với cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Thế còn định hướng XHCN mà nó gắn với thị trường là không rõ. Mà cho đến bây giờ chúng ta bàn cứ né tránh cái chuyện bàn (…) trong điều kiện bình thường, là cũng ngại bàn lắm. Về mặt chính thức là ngại bàn lắm. Các nhà khoa học cấp tiến là muốn xông vào bàn nhưng mà cũng không được. Cái thứ hai gắn với định hướng XHCN có một khái niệm nó rất thiết thân mà chúng ta bàn rất nhiều. Đấy là thế nào là một lực lượng kinh tế chủ đạo trong điều kiện thị trường.

Bây giờ thời đại 100 năm mới có cuộc khủng hoảng, nó đảo lộn cả thế giới, CNTB còn có như ngày xưa không? Phải nhìn nhận cho nó rõ chứ, CNXH nó đã có như thế rồi, chúng ta cứ cố gắng vớt vát lại, theo nghĩa như vậy. Chúng ta phải đổi mới cách nghĩ về chính CNXH chứ không phải giữ cái cách nghĩ ngày xưa. Cái thời kỳ quá độ, cái khái niệm quá độ có thể vẫn là quá độ nhưng không phải quá độ như ngày xưa. Ta không làm cái việc đó, rồi là cục diện của thế giới nó thay đổi đến tôi nghĩ là làm chiến lược là phải tính đến cục diện.

Trong cái khoản chiến lược thì tôi có nói với anh Lược cuộc đời này cuối cùng nó tóm có mấy dòng thế này thế này, bối cảnh thời đại, không rõ cục diện là thế nào cả. Mà cái cục diện đó nó hiện nay đặt ra vô cùng nhiều vấn đề với sự sống còn cho sự phát triển của đất nước này. Bàn chiến lược mấy cái câu như thế gọi là tính mô phạm như thế chứ không phải là tính định hướng. Cho một cái sự lựa chọn, một cơ hội phát triển. Thì như thế là khó.

Cục diện là không rõ, Trung Quốc, Ấn Độ nổi lên là cái tình thế phát triển Việt Nam đến đây, tôi cho rằng là chúng ta cứ nói là bí mật nhiều quá cho nên bàn nó khó lắm.

Đấy là cái điểm thứ hai mà tôi muốn nói, đã là những cái lúc bàn đến cái vấn đề lớn như thế này thì những cái chuyện đó phải bàn rất là rõ ràng, minh bạch."


Các cụ xưa có câu “Thứ nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” để khuyên dạy con cháu sống ở đời thì phải cố có một cái nghề, nghề gì cũng được nhưng phải giỏi tay nghề mới thành công, có thế thì mới có cơ hội vinh thân và thành đạt. Bởi là lẽ thường, con người ta ở bất kỳ công việc gì cũng thế, khi có nghề đã giỏi thì làm việc gì cũng dễ dàng thành công trong một thời gian hợp lý hơn so với những người không có tay nghề. Ngược lại, thì có không ít những người kém cỏi về cả tay nghề, trình độ và nhận thức thì với họ làm gì cũng khó, làm gì cũng phải làm đi thử lại loay hoay mãi mà không xong việc.
Người không có tài hay không lành nghề làm gì cũng khó, cũng phải loay hoay mãi nhiều khi cũng không xong, theo từ điển tiếng Việt thì từ loay hoay là động từ có nghĩa từ gợi tả dáng vẻ cặm cụi của một người thử đi thử lại hết cách này đến cách khác để cố làm cho được một việc gì đó cho thành công. Thông thường người tay nghề chưa cao thì hay mắc phải lỗi như vậy, nếu người không dấu dốt thì họ sẵn sàng hỏi thầy hỏi thợ để biết cách, khá hơn là họ dùng các kinh nghiệm của những người đi trước để vận dụng cho mình. Ngược lại kẻ dấu dốt hoặc trục lợi thì cứ loay hoay mãi không xong, nhưng kẻ dấu dốt khác với thằng trục lợi ở chỗ thằng trục lợi nó lại nghĩ kiểu khôn vặt chả có gì mà họ phải thiệt, đôi khi nó làm được như giả vờ như không biết để làm bộ loay hoay kéo dài thời gian kiểu mấy ông thợ sửa TV xấu tính hay dùng để moi tiền khách hàng mà ta thường gặp.

Chuyện thằng Bờm vác cây tre

Chuyện rằng thằng Bờm nhà nghèo, phải đi ở cho ông chủ. Một hôm ông chủ bảo nó đi ra bờ sông chặt mấy cây tre về sửa cái chuồng trâu, từ nhà ra bờ sông không xa đi một tẹo là tới, làm nhanh thì hai ba tiếng đồng hồ là xong xuôi. Vậy mà nửa ngày cũng không thấy Bờm vác tre về, gần xế chiều ông chủ sốt ruột mới đi tìm. Tới bờ sông thì thấy thằng Bờm đang vác ngang cây tre trên vai, nó loay hoay mãi cũng không nhúc nhích được bởi nó tiến cũng không được, mà lui cũng không xong vì cây tre nó vác nằm ngang vướng mọi thứ hai bên đường. Thấy vậy, ông chủ mới quát bảo rằng “Bờm, vác tre thì phải vác dọc nó mới đỡ vướng thì mới đi được, ai bảo mày vác ngang cây tre như vậy? Thằng Bờm cãi bướng lại rằng vác ngang vì là cách vác gia truyền của Bác Bờm đã chọn cho cả dòng họ, nên nó phải kiên định nên nó mới không vác như người ta. Điên tiết với thằng Bờm vừa ngu vừà bảo thủ, ông chủ của Bờm đá đít cho một phát và bắt Bờm vác dọc cây tre, quả nhiên một tý là xong xuôi.

Kiên định con đường vác tre ngang…

Nội dung câu chuyện dạy người ta làm gì thì cứ làm theo cách nhiều người khác vần thường làm, đừng bảo thủ hay vì một lý do khác mà hỏng việc. Chuyện thằng Bờm chắc có lâu lắm rồi để răn dạy mọi người chúng ta làm gì cũng phải tuân theo cái mà bây giờ chúng ta gọi là quy luật khách quan của người đi trước, hàng ngàn năm nay có mấy ai vác cây tre đi ngang như thằng Bờm mà về tới nhà được. Nói là mấy ai, bởi bây giờ cũng có không phải một mà là một nhóm người có quyền lực ở xứ Việt nam ta lại đang vác cây tre đi ngang với hy vọng hòng đón đầu (như họ nói) để đưa cả dân tộc tới đích “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”.

Kiên định đưa đất nước đi theo Chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Marx-Lenin phải chăng là vác cây tre đi ngang?

Người ta hay có câu “Trăm nghe không bằng một thấy”, có thử thì mới biết tốt hay xấu, giá như việc đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin là phát kiến mới của những người cộng sản, mà họ tự nhận rằng họ là đỉnh cao trí tuệ của loài người là cái mà chưa từng ai thử làm thì đã đành, nếu đúng thế chúng ta nên và sẵn sàng kiên nhẫn để cho họ thử nghiệm để dùng thực tế để kiểm chứng.

Nhưng mà ở thời đại xã hội văn minh ngày nay, thời đại của cách mạng thông tin đã bùng nổ, khi mà một sự việc bên kia bán cầu chỉ sau tích tắc là người bên này bán cầu đã biết, thì do đó những thông tin liên quan tới sự sụp đổ của phe XHCN từ những thập kỷ trước cho thấy các quốc đã từng theo đuổi chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Marx-Lenin đều buộc phải bỏ dở khi nhận ra sự ấu trĩ và những sai lầm, như tại Liên xô quê hương của học thuyết phi thực tế ấy và các nước XHCN Đông Âu khác cuối cùng sau hơn bảy chục năm kiên định theo đuổi. Không những chỉ có thế, khi mà còn hai quốc gia XHCN còn ngoan cố bám lấy cái ảo tưởng xây dựng một xã hội mà chỉ cho phép sở hữu duy nhất về tư liệu sản xuất là sở hữu toàn dân như Cu ba và Bắc Triều tiên. Đối với Bắc Triều tiên thì không nên nhắc tới, bởi nó là một xã hội có mô hình quái dị nhất trong lịch sử, không giống ai, là sự pha trộn của chế độ phong kiến gia đình trị nhưng áp dụng phương thức kinh tế tập trung XHCN. Còn Cu ba, vốn mệnh danh là tiền đồn của phe XHCN bên kia tây bán cầu dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro kiên định theo mô hình chủ nghĩa xã hội, sau 20 năm ngoan cố đã buộc phải thú nhận khi tuyên bố rằng “Mô hình Cuba không còn phù hợp ngay cả đối với chúng tôi”.

Điều đó cho thấy hành động khẳng định đã, đang và sẽ tiếp tục kiên định đi theo con đường CNXH của chủ nghĩa Marx-Lenin mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn cho dân tộc Việt nam của đảng Cộng sản Việt nam là một hành động phản quy luật và phi thực tế. Hành động đó không khác gì hành động ngu ngốc của thằng Bờm khi vác cây tre đi ngang, thay vì ai ai khi vác cây tre cũng phải vác dọc. Cũng như tôn trọng và chấp nhận nền kinh tế thị trường tự do và một thể chế chính trị tự do dân chủ của hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đã và đang áp dụng là thực tiễn sinh động để đưa các quốc gia đó tới một xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh mà đảng Cộng sản Việt nam cũng đang mong muốn hướng tới.

Thực tế đã cho thấy, đa số các quốc gia đi theo kinh tế thị trường và có nền chính trị tự do dân chủ như các nước phát triển như Thụy điển, Anh, Pháp, Nhật bản, Hàn quốc, Sigapore, Australia, Newzeland v.v… họ đã đạt tới những điều đó. Chắc chắn một điều đi theo con đường đó của các quốc gia nói trên là con đường đúng đắn nhất và tốn ít thời gian nhất để đến đích. Còn cái thứ chủ nghĩa Marx-Lênin, hay nói cách khác là con đường cộng sản đã được nhân loại đúc kết rằng nó là con đường đầy máu và nước mắt và dài nhất để tiến tới một xã hội tư bản. Vậy sao đảng Cộng sản Việt nam và các lãnh tụ của họ vẫn cứ loay hoay trong việc đi chọn lựa con đường cho đất nước?

Cũng xin nhắc ai đó còn đang mộng du, nghĩ rằng đảng Cộng sản Việt nam sẽ phát kiến ra một con đường tắt ngắn hơn, nhanh hơn để đến đích dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh trước thì hãy xem lại bản thống kê hàng năm các chỉ số về kinh tế, xã hội, nhân quyền, tự do v.v… của các tổ chức phi chính phủ để thấy ta luôn đang đứng trong nhóm đội sổ ở hầu hết các bảng xếp hạng. Như vậy thì đảng ta chỉ có tài đưa loại người đi về nghèo nàn và lạc hậu mà thôi?

Biết sai nhưng cố tình giả ngây ngô không biết!

Từ năm 1986, trước nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế Kinh tế tập trung theo mô hình chủ nghĩa Marx-Lenin đã buộc đảng Cộng sản Việt nam phải tiến hành công cuộc đổi mới cải cách về kinh tế bằng cách xóa bỏ nền Kinh tế tập trung – bao cấp. Gọi là đổi mới nhưng thực ra nó chỉ là việc trở lại với quy luật kinh tế tự nhiên, chấp nhận sự điều tiết của cung và cầu của thị trường mà gần như tất cả các quốc gia khác trên thế giới đã đang áp dụng thành công. Bằng sự đổi mới kinh tế đã tạo ra bước ngoặt về kinh tế của Việt nam, điều đó cũng khẳng định rằng tăng trưởng kinh tế ở một quốc gia đang phát triển ở mức độ thấp như Việt nam không khó khăn gì nếu nền kinh tế đó tôn trọng quy luật trị trường. Cũng cần phải khẳng định điểm mấu chốt nhất của chủ nghĩa Marx-Lenin về vấn đề kinh tế là chế độ sở hữu duy nhất là sở hữu nhà nhà nước, nghĩa là các quốc gia như Việt nam, Trung quốc, Cu ba … hiện nay đã hoàn toàn từ bỏ luận điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Marx-Lenin về vấn đề kinh tế thông qua việc chấp nhận sở hữu đa thành phần.

Duy nhất chỉ còn về mặt chính trị thì các quốc gia này vẫn cố bám vào học thuyết Marx-Lenin để khẳng định vị thế độc tôn chính trị để độc quyền lãnh đạo xã hội. Cũng phải thừa nhận, điều này phần nào cũng tạo ra sự ổn định xã hội ở mức độ nhất định, nhưng đồng thời nó cũng gây ra các bất cập lớn đặc biệt là hạn chế các quyền tự do dân chủ của công dân được Hiến pháp quy định. Điều nguy hiểm nhất là với sự độc quyền chính trị này đã tạo ra cơ chế vô trách nhiệm, do thiếu sự kiểm soát dẫn tới mất dần thế cạnh tranh để vươn lên của đảng cầm quyền. Dẫn tới tình trạng đảng cầm quyền liên tiếp vi phạm hiến pháp, pháp luật gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế mà hoàn toàn không bị xử lý và nghiêm trọng hơn chính vì sự độc quyền chính trị nó hủy hoại cơ chế kiểm tra kiểm soát minh bạch rõ ràng thiết phải có của một tổ chức nhà nước mà không kịp thời chấn chỉnh.

Tình trạng này kéo dài dẫn tới nhà nước thờ ơ, không hoặc ít quan tâm tới vấn đề an sinh xã hội cần thiết để ngày càng cải thiện đời sống của đại đa số dân chúng, mặt khác nó cũng là lỗ hổng tạo nên tình trạng người lãnh đạo có quyền lực nhưng không đi đôi với trách nhiệm, do đó dẫn tới tình trạng tham nhũng là phổ biến và kéo dài không bị kiểm soát và xử lý.

Những vấn đề nêu trên cũng chính là câu trả lời vì sao đảng cộng sản Việt nam vẫn ngoan cố bám giữ cái gọi là học thuyết Marx-Lenin để độc quyền chính trị lãnh đạo nhà nước và xã hội. Điều nguy hiểm nhất là những người đã và đang cầm quyền trong bộ máy nhà nước của đảng Cộng sản Việt nam hoàn toàn biết việc họ đang làm là phản quy luật, không phù hợp như đã thấy trong các ý kiến góp ý với các văn kiện dự thảo của Đại hội đảng lần thứ XI. Đó chính là hành động mang tính trục lợi của cá nhân, là biểu hiện khôn vặt của một nhóm người khi đặt quyền lợi của cá nhân họ lên trên quyền lợi của đất nước và dân tộc kể cả việc họ cản trở sự phát triển của đất nước.

Không những thế, họ đã bằng mọi cách để cố tình giả ngây giả ngô, vờ đóng kịch ngu ngốc để bảo vệ cho hành động bảo thủ như họ đang làm được ví như vác cây tre đi ngang như thằng Bờm trong chuyện cổ tích, coi đó là sự lựa chọn đúng đắn mà Bác Bờm đã lựa chọn cho dân tộc, bất chấp điều đó hiển hiên là hành động trái quy luật tự nhiên và xã hội. Chưa đủ, bọn họ còn sẵn sàng thẳng tay trừng trị, đàn áp, bỏ tù những ai dám lên tiếng, nói thẳng, nói thật hay phản đối hành động kiểu vác cây tre đi ngang là sai lầm và chụp cho họ cái tội mang động cơ xấu, lợi dụng việc góp ý để hoạt động chống đối, phá hoại.

Kết:

Chúng ta có thể khẳng định việc cố tình bám víu vào cái chủ nghĩa Marx-Lênin là một sự hoàn toàn sai trái phản quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội của đảng Cộng sản Việt nam. Đáng tiếc vì do ham muốn có sự đặc quyền về các lợi ích vật chất khác và đặc biệt là quyền lực của một số nhỏ trong đảng Cộng sản Việt nam, họ đã cố tình theo đuổi một chủ thuyết phản động, phản quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội. Nguy hiểm hơn là họ thừa biết những cái đó là sai trái, là sự cản trở cho sự phát triển của đất nước và dân tộc nhưng vì quyền lợi cá nhân của nhóm họ họ sẵn sàng làm mọi thứ có thể để duy trì quyền lực. Kể cả việc vẫn tiếp tục kiên định theo con đường của chủ nghĩa Marx-Lenin của Bác Bờm đã chọn thực chất cũng chỉ là sự loay hoay giả vờ có chú ý để câu giờ hòng kéo dài quyền lực để hòng trục lợi cho các nhân và lợi ích nhóm, quên đi lợi ích của dân tộc và đất nước.

Do đó mỗi người Việt nam chúng ta càng không thể chấp nhận để mặc cho các hành động ngang ngược đó tồn tại. Quy luật của muôn đời của tự nhiên luôn luôn là cái thiện phải chiến thắng cái ác, cái đúng đắn phù hợp quy luật chắc chắn sẽ chiến thắng sự sai trái và sai lầm và những kẻ cố tình kìm hãm vòng quay của bánh xe lịch sử thì lũ chúng sẽ bị chính bánh xe lịch sử nghiền nát. Nhanh hay chậm là do mỗi chúng ta, tất cả chúng ta đều phải bằng sự dũng cảm để lên tiếng bảo vệ cho lẽ phải và cộng với sự đồng lòng của toàn dân với một vị nhạc trưởng tài năng thì nhất định chúng ta sẽ thành công.

Khai bút đầu năm, ngày 02/01/2011

© Kami 2011

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"