Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Một ý kiến

Chép lại một comment trong bài viết sau vì thấy giống như ý kiến của một người quen về VN nhận định tình hình VN, ông nói VN sự mất đạo đức đã hết thuốc chữa, bây giờ chỉ còn mong có tôn giáo mới "chữa" được cho thế hệ tương lai, nhưng tôn giáo thì hiện nay lại đang bị trù dập nặng hơn, liệu những người CS có thể làm gì để cứu cho đạo đức của thế hệ tương lai? Hay là cứ nhồi nhét kiểu "học tập tư tưởng HCM" đang làm cho thế hệ tương lai chán?
  
Xin chào tất cả các quý vị và các bạn!
Tôi đọc bài viết này gồm cả rất nhiều tranh luận khá thẳng thắn và thật sự bổ ích cho một diễn đàn mở cổ xuý cho dân chủ như DL. Tôi không ngạc nhiên vì có những ý kiến trái chiều và tôi cho rằng, chính những ý kiến có vẻ không hợp lý đó lại là cơ hội để những ý kiến được coi là hợp lý và được nhiều người đồng tình hơn khẳng định sự hợp lý, sự khoa học, sự logic trong từng vấn đề bằng những ý kiến và dẫn chứng thuyết phục.
Tôi thấy ở tất cả các ý kiến của các quý vị và các bạn đều ít nhiều toát lên được mong muốn về một đất nước tự do và dân chủ hơn, đây là điều đáng mừng, mặc dù có không ít ý kiến tỏ ra bi quan và thận trọng, có những ý kiến tỏ ra nôn nóng và muốn làm ngay một điều gì đó để thoả được sự tức giận của bản thân, có ý kiến phản bác sự dấn thân hay ủng hộ sự dấn thân của các bậc tiền nhân. Theo suy nghĩ của tôi thì người dân Việt Nam đa phần còn chưa hề có ý niệm về tự do và dân chủ, đây là một thực tế đáng buồn mà chúng ta phải thừa nhận. Mặc dù vậy thì việc dấn thân một cách ôn hoà có thể nói là thực sự cần thiết và chúng ta có quyền mong ước cho một xã hội dân chủ trong tương lai trong những ngày còn mù mịt này.

Vừa qua, tôi về quê thì tôi nhận thấy hầu như chưa có một sự chuyển biến nào đáng kể về nhận thức của những người dân làm nông nghiệp ở các địa phương. Qua trò chuyện thì tôi thấy khá nhiều người dân kêu ca về vấn đề chạy việc cho con em phải chi rất nhiều tiền và bất cứ xin việc gì cũng phải chi tiền bên cạnh sự nhờ vả hay quen biết (ví dụ xin một suất dạy môn chính trị ở trường cấp 3 tốn 70 triệu, dạy toán văn thì trên dưới 100 triệu). Bản thân anh cả tôi làm viện trưởng viện kiểm sát ở huyện mà còn phải than rằng: "bây giờ xã hội đã hư hết rồi em ạ, mình ko hư thì con mình ko có việc làm".

Ở tại thành thị thì người dân chủ yếu cũng lo làm ăn nhưng đã có khá nhiều người nhận thức được sự tham nhũng của các quan chức, cách nhà tôi một căn có một anh nhân viên vật tư công ty may còn tỏ ra khá tức giận về tình trạng tham nhũng mặc dù anh ít khi đọc báo đặc biệt là báo “lề trái” thì chưa bao giờ.

Trong giới có học vấn cao hơn, nhìn chung đa số cũng còn khá mơ hồ về những vấn đề dân chủ và phần lớn họ tỏ ra e ngại khi nói đến những từ như dân chủ, nhân quyền, đa nguyên, đa đảng.v.v…tuy nhiên khi tranh luận về những vấn đề về kinh tế xã hội thì có khá nhiều người tỏ ra bức xúc và họ cho rằng, cần đa nguyên đa đảng mới có lối thoát cho VN nhưng đa phần trong đó không đưa ra được một phương hướng khả dĩ và khá nhiều ý kiến cho rằng, nếu đa nguyên đa đảng lúc này có thể gây ra bạo loạn như Thái Lan và cũng khá nhiều người còn cho rằng, đa nguyên đa đảng chưa hẳn đã tốt hơn theo như những gì họ tiếp thu qua báo chí chính thống.v.v…

Tổng hợp lại thì thấy rằng, nhận thức về chính trị xã hội của người dân là còn thấp và nhận thức về tự do, dân chủ…thì còn thấp hơn nhiều, điều này hoàn toàn dễ hiểu vì trong một xã hội bị ràng buộc bởi một hệ tư tưởng chưa minh chứng được sự đúng đắn của nó và các hệ tư tưởng, lý luận, triết học, tôn giáo…khác nhau nằm ngoài CN Marx – Lê Nin gần như là con số không đối với hầu hết người dân và tất cả đều nhồi nhét một thứ duy nhất, không có điều kiện để trao đổi, so sánh, bác bỏ, thừa nhận…những thuyết lý khác nhau thì chỉ có thể tạo nên những sản phẩm như vậy. Mặt khác, các nguồn thông tin từ bên ngoài có thể giúp một số người thâu lượm để bồi bổ nhận thức của họ đều bị che đậy bằng hàng rào kỹ thuật nên có thể nói một cách chính xác là trình độ dân trí thực sự của người dân VN là rất thấp và những lời kêu gọi xuống đường biểu tình hay làm một việc gì đấy cho phong trào dân chủ vào lúc này là chưa phù hợp và nguy hiểm.

Để đưa đất nước vượt qua khó khăn và phát triển theo con đường dân chủ có thể là mong muốn của nhiều người biết lo âu và cảm thấy cần có trách nhiệm với đất nước kể cả những người thuộc tầng lớp lãnh đạo nhưng để làm được điều này một cách tốt đẹp thì cần phải nâng cao dân trí, ít nhất cũng từ tầng lớp có học vấn cao, để tầng lớp này trở thành tầng lớp trí thức thực thụ, đây chính là rường cột cho một xã hội dân chủ sau này và cũng là tầng lớp hạt nhân cho phong trào dân chủ trước khi có một sự chuyển đổi có thể diễn ra.
Vì vậy, có những ý kiến của quý vị và các bạn đã nhìn thấy vấn đề nhưng phương cách để nâng cao dân trí thực sự là nan giải nếu như chúng ta không tự tìm tòi, dấn thân và đấu tranh vì điều này chính quyền không bao giờ tự họ làm vì dân trí cao sẽ gây nên áp lực cho bất cứ một chính quyền độc tài nào nhưng cũng có thể nhận thấy rằng nếu ko nâng cao dân trí thì cũng đồng nghĩa với việc chính quyền sẽ phải đối diện với một cuộc bạo loạn trong tương lai vì điều này là ko thể tránh khỏi và như vậy, con đường đi tới dân chủ có thể phải trả một giá rất đắt và chính quyền sẽ phải chất thêm nợ trên đôi vai của mình.

Nếu quý vị và các bạn thật sự có lòng yêu nước thì cần phải nâng cao nhận thức của bản thân, cần góp ý để xây dựng một nền dân chủ bằng những gì đang có, bằng sự quyết tâm trong ôn hoà và lấy sự thông minh và khéo léo để thu phục nhân tâm vì nếu chúng ta chỉ biết đòi hỏi và chỉ trích thì câu chuyện dân chủ sẽ không có hồi kết.
Tất cả chúng ta, ai cũng sẽ khó tránh khỏi những bức xúc nhưng nếu từ bức xúc, chúng ta nhìn ra kẻ thù đích thị của mình chính là cái thể chế độc đảng Marxit gây nên sẽ làm cho việc tiếp cận với tất cả mọi người trở nên dễ dàng hơn để chúng ta trở thành những hạt nhân cho một cuộc mở mang dân trí trong thời gian tới. Thiết nghĩ, chúng ta tranh luận với nhau là rất tốt nhưng nếu cuộc tranh luận nhằm nâng cao nhận thức và đóng góp xây dựng, ko thù hận, hằn học, ko ăn thua với nhau thì con đường dân chủ sẽ trở nên ngắn hơn và đó cũng chính là một điều cần có cho một xã hội dân chủ và văn minh sau này.

Đó là những ý kiến chân tình của tôi, mong quý vị và các bạn đừng hiểu là tôi đang dạy dỗ người khác. Nếu các bạn có ý kiến khác thì xin đóng góp để tôi được tiếp thu.
Trân trọng!
Hồng Lạc

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"