Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Những câu chuyện về tô phở 35 đô

Hà Văn Thịnh - Chuyện tô phở và lương giảng viên, công an

Hà Văn Thịnh 
 
Sự dối trá không phải tìm ở đâu xa – nó diễn ra ngay trước mắt chúng ta, xung quanh chúng ta. Tại sao lương công an cao vòi vọi còn lương của trí thức thì thấp lè tè, thấp hơn cả cái lai quần chị Dậu? Hỏi là đã trả lời vì nó minh bạch hóa một thực tế phũ phàng rằng coi trọng trí thức, phát triển giáo dục chỉ mãi là những khẩu hiệu rối rắm mà thôi. Nói “thương” (tội nghiệp) cho trí thức cũng chẳng khác gì chuyện dân gian: Một người vợ nghèo, đi làm về, đói bụng, ăn một tô phở xong, thương chồng quá nên mua cho anh ta hai củ khoai.
image_thumb32.png


Đọc BBC, 21.1.2011, bài của Alastair Leithead, viết về chuyện ông ấy đi ăn tô phở có giá 35USD (tức gần 800.000 đồng) ở Hà Nội xong, tôi choáng váng và tự thề với chính mình rằng kể từ nay, phải lập thiền để minh định chính xác là mình còn chưa bằng con cóc ngồi đáy giếng, thực ra mình chẳng biết khu trời, đít bụt ở đâu, thành thử, lâu nay, về cơ bản, là chẳng hiểu chút chi chuyện đời, cứ nói như gã đang ăn ốc và… mò!
Alastair Leihead kể rằng ông “quyết tâm” đi ăn bằng được tô phở đắt nhất Việt Nam (có khi là cả thế giới) vì ông không nghĩ nó có nguyên liệu là thịt bò Kobe (Nhật Bản) nên đắt mà ông muốn biết ai có đủ tiền để ăn, tiền đâu mà ăn?… Câu chuyện kể tiếp rằng một nhân viên chính phủ thấy mình có lỗi khi ăn tô phở đắt chừng ấy và một Ủy viên Trung ương Đảng vội vàng chui vào chiếc xe Mercedes bóng lộn sau khi phát hiện có phóng viên nước ngoài nhìn thấy.
Cái tài của các nhà báo phương Tây là họ luôn phát hiện những vấn đề lớn từ những câu chuyện nhỏ. Phở thì bác Nguyễn Tuân đã bàn từ cái thời anh Ba D. chưa đi mẫu giáo nhưng từ cái chuyện phở để rồi xót xa, nước mắt giàn giụa không phải vì ớt cay thì có lẽ bác Nguyễn phải gọi Leihead là bậc thượng thừa.
Trường đại học nơi tôi công tác, nhận giảng viên (những người giỏi nhất) vào để đi dạy nhằm phát huy nền tảng dân trí, dân khí của nước nhà với lương khởi điểm là 1.290.000 đồng! Chỉ có trời mới biết được giảng viên làm sao sống nổi khi tiền thuê một căn phòng nhỏ nhất có thể là 500.000 đồng, chưa kể tiền xăng xe, tiền ăn… Làm sao đọc sách cho yên, giảng bài cho tốt khi cái bụng cứ réo những câu khẩu hiệu nhàm chán, nhọc nhằn như có thực mới vực được đạo, cơm ăn một bát sao no? Một cựu sinh viện của tôi, được giữ lại trường hơn 10 năm, lương bây giờ là 2,4 triệu đồng. Thằng bạn cùng lớp với nó, học dốt thì đạt đến cỡ âu thâu rầu (ôi thôi rồi), vào làm công an, nay đeo lon thượng úy, lương hơn 4 triệu đồng – tức là bằng lương của tôi, người đã có 34 năm đứng trên bục giảng đại học!
Sự dối trá không phải tìm ở đâu xa – nó diễn ra ngay trước mắt chúng ta, xung quanh chúng ta. Tại sao lương công an cao vòi vọi còn lương của trí thức thì thấp lè tè, thấp hơn cả cái lai quần chị Dậu? Hỏi là đã trả lời vì nó minh bạch hóa một thực tế phũ phàng rằng coi trọng trí thức, phát triển giáo dục chỉ mãi là những khẩu hiệu rối rắm mà thôi. Nói “thương” (tội nghiệp) cho trí thức cũng chẳng khác gì chuyện dân gian: Một người vợ nghèo, đi làm về, đói bụng, ăn một tô phở xong, thương chồng quá nên mua cho anh ta hai củ khoai.
Chống tham nhũng ở đâu trong khi tại sao không đến quán phở 35USD để lườm ngang một chút? Những lời nói có cánh như bèo dạt, mây trôi, dân đen chúng tôi nghe quen và quá đủ rồi. Ban chống tham nhũng ở tất cả các địa phương trên cả nước có dám công khai tài sản cá nhân, có dám chứng minh rằng lương của một giảng viên đại học chỉ bằng số tiền trả cho một Ủy viên Trung ương ăn một tô phở rưỡi (trong trường hợp BBC không sai)? Tại sao có thể bịp bợm chương hồi, lì lợm khó tả và dối trá thì bền vững đến mức phải bàng hoàng?
Người dân biết nhiều lắm chứ không phải u mê như các ngài vẫn tưởng. Hãy đừng thay đổi bằng mồm mà, trước hết, hãy bắt đầu từ tô phở 35 USD. Bảo đảm rằng ngay cả người giàu khi ăn tô phở như thế cũng phải đắn đo nhiều lắm. Thế nhưng, các quan chức của ta, họ dễ ăn, dễ mặt dày mày hợm lắm, vì tiền của dân đóng góp, các vị cứ vơ vào và tiêu pha có cần phải tính toán gì đâu…
Huế, 24.1.2011.
H. V. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sao lại một ý kiến về lá thư của GS Hà Văn Thịnh ở trên từ Dân Luận

Giáo viên, giai cấp vô sản mới trong xã hội định hướng XHCN ở Việt Nam?
Sẽ có người bảo rằng tôi chỉ là kẻ bông đùa, hay xa hơn, nói láo, nói sai với cái tựa đề này. Làm gì có cái chuyện giáo viên thay thế vai trò của giai cấp vô sản trong sự định hướng của một xã hội đang tìm đường tiến lên CNXH, như đang được hô hào ở Việt Nam.
Nhớ những ngày giải phóng, tôi không có may mắn đu càng trực thăng hoặc lên thuyền vượt biển. Ở lại, ngồi trên ghế giảng đường đại học tôi cũng đã mất một năm học để miệt mài với nào là chủ nghĩa Marx-Lenin, nào là lịch sử Đảng, nào là lao động đào kênh thủy lợi, nào là ra biên giới Tây Nam cắm chông chống Pôn Pốt,…
Cái vốn kiến thức nhỏ nhoi về CNXH còn sót lại đã nhắc tôi rằng, giáo viên chỉ là tầng lớp tiểu tư sản trí thức, không bao giờ có thể là một lực lượng nòng cốt trong việc tiến lên CNXH. Vâng, có thể tôi chỉ là một kẻ nói quá lời.
Giáo viên, người ở đâu trong xã hội hiện nay?
Giải phóng được vài năm, tôi ra trường và được chuyển về dạy ở một trường trung học đệ nhị cấp khá nổi tiếng của Sài Gòn xưa. Nhớ những năm tháng khi đứng trên bục, bài giảng chưa xong mà tai đã nghe vang vọng tiếng loa trường nhắc giáo viên xuống văn phòng nhận nhu yếu phẩm hàng tháng. Nửa ký đường, một hộp sữa, vài gram bột ngọt, nửa ký thịt, vài con cá và thoảng khi là một ít vải may quần, áo mỗi năm… Lương giáo viên mới ra trường, theo tiền mới đổi, vào khoảng 75 đồng, tính ra cũng được 30-40 tô phở lúc đó. Thế mà, lúc đó giáo viên ai cũng hỉ hả nghĩ rằng có được tiêu chuẩn hàng tháng như mình đã là một may mắn. Nhìn ra ngoài xã hội thấy ai cũng nghèo, hình như chỉ có tầng lớp cán bộ cao cấp mới được hưởng nhiều hơn thế.
Hơn ba mươi năm đã qua, tình cờ khi đọc bài viết về lương giáo viên hiện nay trong nước tôi mới nhẩm tính rằng lương giáo viên mới ra trường hiện nay vào khoảng 1.800.000 đồng. Cứ cho là một tô phở bình dân khoảng 30.000-40.000 đồng /tô thì không đường, không sữa, không thịt, không quần áo… lương của các gíao viên hiện nay chỉ vào khoảng 45-60 tô phở! Nghĩa là có thể mỗi ngày ăn từ 1-2 tô phở để làm việc!
Ba mươi lăm năm đã trôi qua, nếu ai đi xa có dịp về thăm đất nước một lần chắc chắn sẽ thấy quá nhiều thay đổi. Những con đường mở rộng đầy ắp xe hơi đắt tiền, những tòa nhà cao ngất với những bảng hiệu quảng cáo của các công ty ngoại quốc, những cửa hàng may sắm thời trang cao cấp không thiếu những mặt hàng thời trang nhất của thế giới… dễ làm người ta choáng ngợp. Sự hào nhoáng, dù chỉ mới le lói xuất hiện, cũng đủ làm cho người ta có cái cảm giác về một xã hội đang trên đà thịnh vượng.
Sự giàu sang, phú qúi của một số tầng lớp trong xã hội là có thật. Không thiếu những ngôi nhà triệu đô của ca sĩ, người mẫu, giám đốc, đại gia,… ở những thành phố lớn của cả nước. Đâu đâu người ta cũng nói đến cách làm giàu, đổ xô tìm mọi cách để làm giàu bên cạnh những kiểu cách làm sang, làm dáng trí thức của một xã hội đang khát khao bằng cấp và tiếng tăm. Mỉa mai thay, trong một xã hội mà người ta được khuyến khích và chạy đua làm giàu bằng mọi cách như thế thì với vốn liếng và khả năng của mình, người giáo viên xoay xở thế nào trong cuộc chạy đua này để không bị bỏ lại trong tầng lớp nghèo hèn nhất của xã hội?
Giai cấp vô sản mới?
Có nhiều tầng lớp mới, thuộc giai cấp vô sản trong xã hội Việt Nam hiện nay. Trong lý thuyết của chủ nghĩa xã hội, ngoài công nhân luôn luôn là tiên phong của giai cấp vô sản, chúng ta có thể bổ sung vào giai cấp này một thành phần mới xuất hiện: giáo viên.
Ba mươi lăm năm trôi qua mà cuộc sống của người giáo viên chỉ quanh quẩn trong mức lương khoảng 60 tô phở /tháng, trong khi những thành phần tiểu tư sản khác đang vươn lên giàu sụ. Nếu phải gọi tên cho hiện tượng xã hội này, chúng ta không thể gọi khác đi ngoại trừ: “vô sản hóa” tầng lớp giáo viên.
Như vậy giáo viên là những người đã, đang và (chắc) sẽ là những người vô sản mới của xã hội Việt Nam hiện nay. Họ có gì để làm giàu ngoài những kiến thức và khả năng truyền đạt cho thế hệ sau? Dĩ nhiên, cũng có một số rất nhỏ giáo viên trở nên khá giả nhờ kiến thức và khả năng truyền đạt của mình được “đắc địa” trong những lớp dạy thêm ngoài giờ. Con số tiểu tư sản trí thức đó là rất nhỏ. Đại đa số sẽ không biết sống ra sao nếu không bám vào trường, lớp.
CNCS, hay thấp hơn là CNXH dễ tiếp cận lòng người vì những khái niệm có dính tới miếng cơm, manh áo, mang tính đối kháng như “bóc lột”, và vì con người vốn đa số bị bóc lột hoặc tưởng rằng mình đang bị bóc lột.
Những khái niệm “dân chủ, tự do, đa nguyên, đa đảng” khó đi vào lòng người hơn, vì những khái niệm này “bay bổng, trừu tượng”, và ít mang tính đối kháng?
Những người bạn giáo viên trung học hoặc đại học (thành phần trí thức của xã hội) của tôi hiện nay, khi nghe những chuyện như Cù Huy Hà Vũ… có người không hề biết hoặc cho là “rách việc”. Họ chỉ muốn yên thân để kiếm cơm hoặc làm giàu.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"