Lê Minh Vũ - Vụ Cù Huy Hà Vũ: Ai đang thắng thế?
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, phiên toà xét xử tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ (CHHV) sẽ diễn ra trước tết Nguyên Đán (tức còn khoảng một tháng nữa). Như để tránh “đêm dài lắm mộng”, tránh sự đàm tiếu của người dân trong cũng như ngoài nước, chính quyền Việt Nam đang muốn “đánh nhanh, thắng nhanh”. Thế nhưng, chúng ta hãy phân tích cục diện “trận đấu” giữa chính quyền và gia đình dòng họ Cù, từ khi CHHV bị bắt cho đến nay, để thấy bên nào đang thắng thế?
Cù Huy Hà Vũ – dưới mọi góc nhìn
Trước hết, chúng ta hãy nhìn CHHV là người như thế nào? Có rất nhiều bài viết của các tác giả có tâm huyết cũng như công kích, đã nhận xét CHHV từ nhiều góc độ khác nhau, với nhiều quan điểm trái chiều tạo ra làn sóng âm hưởng dữ dội.
Đánh giá một con người là chuyện quá khó, đánh giá một người hoạt động chính trị càng khó hơn bội phần. Ở đây, tôi chỉ đưa ra một số suy nghĩ về ông.
Ông là người trí thức, có học vấn cao: Điều này chắc chắn đúng, vì ít nhất ở Việt Nam mọi người vẫn hay gọi ông là “Tiến sĩ luật”. Ông có bằng thạc sĩ văn chương, tiến sĩ luật tại Pháp; đồng thời tốt nghiệp Học viện Quốc tế hành chính công của Pháp. Tiếp thụ được những kiến thức tinh hoa nơi xứ người, điều này rất cần thiết cho sự đi lên của dân tộc.
Ông là người có tầm ảnh hưởng: điều này khá đúng vì ông đã làm nhiều việc gây “chấn động” trong cũng như ngoài nước, gây “khó chịu” đối với nhà cầm quyền. Từ việc kiện Thủ tướng đến việc đòi xoá bỏ điều 4 Hiến pháp, từ việc tố cáo ông Vũ Hải Triều đến các sai phạm của ông Lê Thanh Hải… các vụ bảo vệ dân oan hay là các câu phát biểu bày tỏ chính kiến “gây sốc” của cá nhân trên các phương tiện báo chí không trực thuộc Cục Báo chí – Bộ thông tin và Truyền thông.
Nói ông là một người không có tầm ảnh hưởng gì cũng không sai, bởi vì, theo những thông tin chính thống, ông không phải là thành viên của tổ chức nào cả, ông chỉ mở một văn phòng luật sư tại Hà Nội do vợ đứng tên, để hành nghề kiếm sống. Ông cũng không có liên hệ “cụ thể” nào với các tổ chức chính trị trị tại nước ngoài. Ông có một thân thế xuất thân rất đáng tự hào, ít ra những tác phẩm của cha Cù Huy Cận và cha nuôi Xuân Diệu của ông vẫn là những “áng thơ chính thống” trong chương trình giáo dục phổ cập tại Việt Nam.
Nhưng nói ông là một con người “tầm thường” cũng không sai trái ở chỗ nào. Thế hệ đi trước, người mà ông có thể dựa hơi đều đã không còn. Ông không còn người quen nào đang tại chức đủ uy quyền để “chống lưng” vào lúc mà ông đang ở trạng thái “ngã ngựa” như hiện nay. Và có lẽ ông cũng không muốn làm điều đó, nếu được, vì theo quan điểm của một nhà báo trong nước, ông quá “ngông cuồng”. Ông là người “ăn cháo đá bát”: điều này cũng chẳng sai. Bởi vì ông không chịu cung phụng chế độ đã truyền thụ cho ông những kiến thức “tân tiến”, những tư tưởng thời đại và các chủ nghĩa “tiến bộ” trên thế giới, ví dụ như Chủ nghĩa Mác- Lê Nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, hay tác phong của “Vị cha già dân tộc – Hồ Chí Minh”. Và ông cũng không chịu đóng góp vào con đường đi lên CNXH mà đã được Đảng và Nhà Nước đề ra làm kim chỉ nam cho toàn thể dân tộc Việt Nam.
Ai đang thắng thế?
Chiều 17/12, VKSND Hà Nội ra cáo trạng truy tố CHHV về hành vi tuyên truyền chống nhà nước. Với tội danh bị cáo buộc, vị tiến sĩ luật sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 3 đến 12 năm tù (khoản 1, điều 88 Bộ luật hình sự).
Như vậy có thể nói, đến người lạc quan nhất cũng phải ngầm hiểu rằng: một bản án dành cho CHHV đã được toà án sẵn sàng tuyên. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất có thể thấy rằng, việc toà án muốn “gán tội” cho CHHV không phải là việc dễ dàng như họ tưởng.
Từ khi bị bắt (ngày 4-11) đến nay, đã không biết bao nhiêu lá đơn kiện được gửi đi từ phía gia đình họ Cù, tới các cơ quan báo chí cho đến Chủ tịch nước. Thế nhưng mọi việc vẫn “bặt vô âm tính”. Có lẽ chính quyền đang dùng thủ đoạn 3 không – “không thấy, không biết, không nghe”.
Thế nhưng, sau khi CHHV đã gửi đơn đề nghị đến chủ tịch Nguyễn Minh Triết, đài VOA, RFA, Bà Trâm Oanh – PV báo Không biên giới, mời tham gia phiên toà với tư cách là người bảo vệ cho nguyên cáo, bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Thì “gió đã xoay chiều”.
Có vẻ như chính quyền Việt Nam đã không thể ngờ được “ngón đòn” quyết định được tiến sĩ tung ra, khi đã hoàn toàn nắm trong thế “cá nằm trên thớt”.
Không giống như các vụ án có yếu tố chính trị đã được xét xử trước đây ở Việt Nam. Vụ CHHV khá đặc biệt, bởi những chứng cứ do phía Viện kiểm sát đưa ra để kết tội ông, đều là những tài liệu nổi “lềnh bềnh” trên các phương tiện thông tin đại chúng, có uy tín hàng đầu như VOA, BBC, RFA… Cho nên về phía “lý”, ông CHHV đang thắng. Đây là điều chắc chắn.
Thế nhưng về “thế”, lâu nay chính quyền Việt Nam vẫn dùng thế lực của mình, để đàn áp thẳng tay những người “bất đồng chính kiến” trong nước qua các phiên toà gây phẫn nổ trong dư luận quốc tế. Điển hình mới đây nhất là phiên toà xử Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long.
Nhưng trong vụ CHHV này, thế đứng của CHHV lại khác. Chúng ta hãy cùng phân tích những “thế” của CHHV khi ra toà.
Thứ nhất:
Cáo trạng nêu rõ, tháng 10/2010, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội có công văn gửi Công an TP Hà Nội đề nghị làm rõ việc cơ quan này phát hiện trên mạng Internet có một số bài trả lời phỏng vấn của người tự xưng danh là Cù Huy Hà Vũ có nội dung chống phá Nhà nước, đòi xóa bỏ Điều 4 – Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xuyên tạc cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam. Sau khi vào cuộc điều tra, cơ quan công an làm rõ, khoảng thời gian từ năm 2009 đến tháng 10/2010, ông Vũ đã có nhiều bài viết, bài trả lời phỏng vấn đăng tải trên mạng Internet với nội dung xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền và thể chế, bôi nhọ cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Câu hỏi cần đặt ra, với nội dung “đề nghị làm rõ…” cho chúng ta thấy, Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội đang làm công việc tố cáo – một hành vi – mà quý Sở cho là có hại đối với Nhà nước CHXHCNVN xuất phát từ những bài trả lời phỏng vấn – của một công dân tự xưng danh là Cù Huy Hà Vũ.
Như vậy, hành vi Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội gởi công văn cho Công an TP Hà Nội là hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng. Thực vậy, chiếu theo Luật khiếu nại tố cáo (2), ta thấy:
Điều 1 khoản 2 và Điều 2 khoản 2 quy định như sau: Điều 1 khoản 2:
Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Điều 2 khoản 2:
"Tố cáo" là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Vậy theo phần trích dẫn trên, người dân hoàn toàn biết được Luật khiếu nại tố cáo là bộ luật chỉ dành cho công dân để làm công việc mà Nhà nước quy định nhằm để nhân dân thực thi quyền làm chủ.
Do vậy hoàn toàn có thể kết luận rằng: Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã lạm dụng bộ luật không dành cho các cơ quan Nhà nước!
Thứ hai:
Cứ tạm cho là công dân CHHV “đòi” xóa bỏ điều 4 đi chăng nữa thì việc xóa hay không xóa đó là quyền của Quốc hội Việt Nam, đâu phải ông Vũ “đòi là được” (!).
Không hiểu là vô tình hay cố ý mà Viện Kiểm sát Hà Nội lại đánh giá quá thấp Quốc hội Việt Nam, cũng như gán tội “đòi” cho ông Vũ, vì vốn dĩ “đòi” là nhu cầu không phải tội lỗi(!!!)
Song song đó, Hiến pháp Việt Nam cũng đang được cân nhắc để sửa đổi toàn diện, vậy tại sao không nghĩ cái gọi là “đòi” của công dân CHHV chỉ là một “đề nghị” của một công dân cho trách nhiệm với đất nước?
Thứ ba:
Việc CHHV yêu cầu Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tham gia phiên toà, rất có thể sẽ bị từ chối, vì Toà chỉ cần “mượn” Viện Kiệm Sát là người đại diện cho quyền lợi Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Nhưng lời yêu cầu đài VOA, RFA, báo Không biên giới, tham gia phiên toà với tư cách quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Chúng ta đều biết, những cơ quan truyền thông trên đều không phải là một cơ quan truyền thông thông thường. Đài VOA là một cơ quan truyền thông của Mỹ, đại diện cho nước Mỹ và thể hiện chính sách của Chính quyền Mỹ. Còn RFA là của tư nhân, được sự tài trợ của Quốc Hội Hoa Kỳ.
Giả sử như Tòa án tuyên án ông Cù Huy Hà Vũ vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình sự, và như vậy là đã gián tiếp tuyên bố đài VOA hay RFA hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam, cũng có nghĩa là đấy là tuyên bố Chính quyền Mỹ hay Quốc hội Mỹ có chính sách tuyên truyền chống lại Nhà nước Việt Nam.
Liệu một phán quyết của Tòa án như vậy có thể coi là một “tuyên bố chiến tranh” được không? Người ta có thể nói bên này tuyên truyền chống bên kia, nhưng một phán quyết của Tòa án là một vấn đề không đơn giản.
Chắc chắn Toà án Việt Nam sẽ không cho phép VOA hay RFA tham gia phiên toà? Nhưng nếu từ chối thì không biết đưa ra lý do gì? Vì cáo trạng cáo buộc CHHV trả lời Phỏng vấn các đài trên.
Và cuối cùng, liệu Toà án Hà Nội có thể ra một phán quyết mà nội dung của nó gián tiếp khẳng định rằng Mỹ đang tuyên truyền chống Việt Nam? Nếu như vậy thì sao Bộ Ngoại giao Việt Nam không lên tiếng phản đối đài VOA đang tuyên truyền chống Việt Nam ngay từ khi bài phỏng vấn được phát sóng? Đâu là quan điểm chính thức của Nhà nước Việt Nam?
Lời kết
Với những phân tích ở trên, có thể thấy được rằng chính quyền CS Việt Nam đang trong thế “trên đe dưới búa”. Tiến cũng rất khó, mà lùi thì chẳng xong.
Cộng với sự ủng hộ đông đảo của người dân trong cũng như ngoài nước. Công dân CHHV đang thắng thế trong cuộc chiến chống lại nhà nước Việt Nam?
Lê Minh Vũ
Hà Nội, ngày 3 tháng 1 năm 2011
Gửi cho Tiếng Nói Dân Chủ