Thật khổ cho trí thức Việt Nam, họ cứ phải ráo riết năn nỉ ỉ ôi mấy ông làm lãnh đạo về hưu sớm cho dân nhờ, Hàn, Thái hay Nhật là các nước Á Châu không nhiều thì ít cũng bị ảnh hưởng văn hoá "sĩ diện", khi làm không được việc thì họ xấu hổ lui về, còn nước ta cũng có văn hoá ấy nhưng mà là "sĩ diện" có... định huớng, làm sai thì sửa sai, tự kiểm điểm, cố gắng phấn đấu để vươn lên. Phải làm gì chứ cứ năn nỉ ỉ ôi... thì cứ tha hồ tốn giấy mực. Đến khổ!!!
Hà Văn Thịnh - Xem Thủ tướng trả lời Quốc hội
Xem, nghe, nhìn, đọc về việc Thủ tướng đăng đàn trả lời trước Quốc hội, cuối cùng tôi ngộ ra rằng từng ấy thứ vẫn chưa đủ cho cái sự nghĩ, vì quả thật, theo tôi, nếu tin vào cái đúng của lẽ đời, cái cần có của một người biết “thấu tình men lá rượu ngô trong” (thơ Trần Đăng Tuấn), cái dũng khí của lòng tự trọng, thì 4 trang báo Tuổi trẻ mà tôi có trên tay nên rút gọn thành hai từ thôi: từ chức!
1. Thủ tướng đã tự phủ định mình, khi cho rằng cái “lỗi” để cho ông Phạm Thanh Bình vừa là Chủ tịch HĐQT, vừa là Tổng giám đốc (sai luật, phủ định chính cái văn bản mà Thủ tướng đã ký – bắt buộc tất cả các doanh nghiệp cả nước phải tuân thủ, trừ Vinashin) là có nguồn gốc từ thời ông Phan Văn Khải (Vietnamnet, 24.11.2010)? Ông Khải sai là điều cần phải phê phán, nhưng cứ tiếp tục cái sai đó nhùng nhằng, dây dưa hết năm này sang năm khác thì là can cớ sao đây? Làm như thế có khác gì thừa nhận, dung túng cho một nhóm lợi ích có đặc quyền bất chấp luật pháp, bất chấp trật tự, kỷ cương, phép nước?
2. Thủ tướng “kiểm điểm” không thành khẩn, khi tự mâu thuẫn với chính mình bằng tuyên bố “là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém của chính phủ. Thủ tướng, Phó thủ tướng và các thành viên liên quan tiến hành kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm”. Về mặt thực tiễn lịch sử, nói như thế gần như bằng… không! Xin nhận trách nhiệm xong, rồi kéo theo cả một đoàn “thành viên liên quan” là bao nhiêu người không ai biết, thì đến bao giờ mới kiểm điểm xong?! Kiểm điểm như thế nào, kiểm điểm bao lâu không nói rõ mà chỉ cho Đại biểu biết là “chúng tôi sẽ công khai” (?). Người dân đã biết rõ cái chuyện kiểm điểm PMU 18: Vụ án bùng ra trước Đại hội X nay sắp Đại hội XI mà vẫn chưa xong! Ông cha ta đã từng nhắc nhở rằng một trong những “nguyên tắc phi thường” của người Việt là cứ đủng đỉnh, từ từ, làm cho sự việc rối tung lên rồi tự khắc câu trả lời có sẵn: Để lâu cứt trâu hóa bùn!
3. Thủ tướng đã bật đèn xanh cho sự xuê xoa, khi chính Đại biểu Vũ Hoàng Hà đã nói rằng “các Bộ trưởng có liên quan trả lời trước Quốc hội không ai nhận thiếu sót, khuyết điểm” (Tuổi trẻ, 25.11.2010, tr.2). Rõ ràng cho đến lúc này mà vẫn chưa có ai nhận khuyết điểm hoặc nhận theo kiểu đánh bùn sang ao thì ai cũng rõ là việc “kiểm điểm” sẽ bế tắc như thế nào! Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Hồng Phúc còn cho Quốc hội biết là Bộ Công thương không có quyền, vì Vinashin thuộc quyền quản lý trực tiếp của Chính phủ. Nếu Bộ trưởng Công thương đúng thì cần gì phải kiểm điểm X người nữa?
Thủ tướng nghĩ sao về trả lời của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu rằng, việc bệnh nhân phải nằm ghép hai ba bệnh nhân một giường trong 3 năm, 5 năm hay 10 năm nữa là tùy vào các… bệnh viện? Nếu đúng thế, sinh ra Bộ Y tế để làm gì?… Những câu trả lời tương tự của các Bộ trưởng cho người dân biết nhiều sự thật đau lòng, trong đó biết rõ hơn là 100.000 tỷ tiền dân, của nước hình như là giấy lộn? Chắc Thủ tướng và các Đại biểu Quốc hội biết chuyện 3 nông dân ở Lâm Đồng nhậu say, lỡ bắt hai con vịt trị giá 100.000 đồng đã phải lãnh án tù tổng cộng là 13 năm?
4. Thủ tướng đã sai khi đưa ra các con số về giá tiêu dùng (lại là một uyển ngữ nữa để chối từ thực trạng lạm phát kinh hoàng đang diễn ra) bởi, một mặt, ông thừa nhận giá tiêu dùng tháng 11/2010 tăng 9,58% so với tháng 12/2009 (vượt quá giới hạn mà Quốc hội cho phép) nhưng trong đó, giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng (những mặt hàng thiết yếu đối với chuyện sống còn hàng ngày) tăng gần 13%, nhóm hàng hóa dịch vụ giáo dục tăng 19%, giá vàng tăng 23,31%. Lương thực, thực phẩm, dịch vụ giáo dục là 3 cái phải chi tiêu hàng ngày và nó ngốn hết 60-70 % tổng thu nhập của hàng triệu người nghèo. Do vậy, quần áo, mỹ phẩm, xe hơi, xe máy… ít tăng là phải thôi. Tiền đâu mà mua và, nếu quần áo có rách thì vá lại mặc tạm. Đừng lấy giá ô tô, giá quần áo ra để “gánh” cho hàng loạt thứ giá cả khác. Còn giá vàng tăng gần gấp đôi so với thời điểm này năm ngoái, có nghĩa là sao đây? Cách làm đó là trò ảo thuật với các con số.
5. Thủ tướng không chỉ đạo trực tiếp tờ báo nào, nhưng cũng không phê phán những tờ báo đã công kích quyết liệt các Đại biểu đã dám nói thẳng, nói thật trước Quốc hội; và tệ hơn nữa, Thủ tướng đổ lỗi cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về việc trên website của Chính phủ đã đăng tải các lời lẽ công kích thiếu trách nhiệm đó. Một lần nữa người dân không hiểu là ngay trong Chính phủ, Chủ nhiệm văn phòng cũng không biết Thủ tướng muốn gì, cần phải làm gì là nghĩa làm sao? Nguyên tắc của đời giản dị lắm: Website của Chính phủ là cơ quan phát ngôn chính thức của Thủ tướng trước công luận. Nếu cái nguyên tắc này cũng bị cả vú lấp miệng em rồi nói cho có, nói cho lấy được thì người dân biết tin vào đâu được nữa? Và, ngay cả Đại biểu Quốc hội mới nói vài câu đã bị cấm khẩu ngay tức khắc như thế thì còn đâu dân chủ trong tranh luận, phản biện?
Chưa có một đời Thủ tướng nào mà mọi chuyện bê bối xảy ra trầm trọng như nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thử nghĩ mà xem: Vừa nói rằng “suốt nhiệm kỳ tôi chưa kỷ luật ai” thì ngay lập tức tòi ra Nguyễn Trường Tô với hắc án không thể hình dung nổi, rồi vụ Vinashin với số tiền “chưa thất thoát hết” khủng khiếp, vụ ông quan đầu tỉnh có cả 1,2 triệu USD để mua cái trống đồng 2.000 năm tuổi – bán ra chợ đen lãi gấp 2-3 lần nhưng cũng chỉ về hưu mà thôi. Cứ cho là lương của ông 10 triệu thì bao nhiêu năm mới tích góp được 24 tỷ đồng để mua trống đồng?… Nếu liệt kê ra tất cả những điều sai thì nhiều không kể xiết. Là một công dân (không hề phản động dù chỉ một phần triệu của từ này), tôi nghĩ rằng cách kiểm điểm nghiêm túc nhất là Thủ tướng và Bộ trưởng các bộ liên quan như tài chính, công thương, kế hoạch đầu tư nên từ chức. Có như thế, niềm tin của người dân mới được vãn hồi. Nếu tất cả mọi sai lầm khủng khiếp cuối cùng chỉ kết thúc ở kiểm điểm thì tương lai của đất nước sẽ đi về đâu? Niềm tin của dân đối với Đảng, với Nhà nước chỉ đến khi mọi việc phải được xử lý nghiêm túc, rõ ràng theo nguyên tắc: Sai lầm nghiêm trọng nhất định phải có cá nhân làm sai nghiêm trọng. Không thể có chuyện sai lầm nghiêm trọng được giải quyết bằng kiểm điểm, khiển trách chung chung, vòng vo, vô thời hạn. Đất nước cần một Chính phủ có năng lực thực sự, không phạm sai lầm theo cách “sai đâu sửa đấy vì đụng đâu hư đấy”. Người dân đang có niềm tin rằng Đaị hội Đại biểu Toàn quốc của Đảng sắp tới sẽ tìm ra được người đứng đầu Chính phủ xứng đáng với trách nhiệm, cương vị và xứng đáng với hy vọng nhất thiết phải được tôn trọng của lòng dân!
H.V.T
Huế, 26.11.2010
Tác giả gởi trực tiếp cho BVN