Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Thời ăn bánh vẽ đã xong

Như vậy, ta có thể thấy rằng căn nguyên mà Chủ nghĩa Marx - Lênin vào Việt nam là từ mong muốn Giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh (chứ không phải Xây dựng đất nước). Và để có thể huy động (vận động) toàn dân tham gia 2 cuộc kháng chiến thần thánh đó, thì cần phải có một hình ảnh cho xã hội tương lai – xã hội đó phải là một xã hội tốt đẹp hơn xã hội hiện tại (nếu không thì đi theo làm gì). Và như vậy, ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã được giương cao. Thực tế, tại thời điểm đó, ngọn cờ này là một ngọn cờ đoàn kết được toàn dân, đem lại sức mạnh tinh thần cho toàn dân.




Khách Không Tên

Trước tiên tôi phải khẳng định rằng mục đích của bài viết không nhằm hô hào đảo chính Chính quyền hiện tại mà chỉ thuần túy rằng Đảng Cộng Sản Việt Nam tại cần phải tự mình đảo chính hệ tư tưởng mà mình đang theo đuổi để phát triển đất nước.

Theo cách tiếp cận của bất kỳ một người nghiên cứu khoa học nào thì Marx và Engels cũng chỉ là hai cá nhân nghiên cứu lý thuyết về Khoa học chính trị, còn Lênin, Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Fiden,... là những người áp dụng các lý thuyết của Marx - Engels vào các nghiên cứu thực nghiệm khác. Marx - Engels đã có nhiều công trình nghiên cứu, trong đó phải kể đến những điểm mới trong nghiên cứu của Marx - Engels thời đó là “giá trị thặng dư”, “đấu tranh giai cấp”, “chủ nghĩa cộng sản”. Thực tế cho thấy, bất kỳ điểm mới nghiên cứu nào cũng nằm trong các giả thiết, điều kiện và các giai đoạn lịch sử nhất định. Thậm chí cái chân lý “mặt trời mọc đằng Đông và lặn đằng Tây” cũng chỉ đúng khi ta đứng trên trái đất để quan sát, nếu ta đứng trên Mặt trăng hay các hành tinh khác để quan sát thì “chân lý” này không còn đúng nữa. Hay như câu “nước chảy chỗ trũng” cũng chỉ đúng trong những điều kiện nhất định, câu này sẽ không đúng nữa khi ta quan sát hiện tượng nước chảy từ dưới tầng 1 lên tầng 3 bằng việc sử dụng máy bơm hay nước sẽ lơ lửng chẳng chảy đi đâu cả trong môi trường không trọng lực.

Nghiên cứu của Marx về “giá trị thặng dư” cũng chỉ đúng trong những điều kiện nghiên cứu trong thời kỳ tích lũy tư bản ở Anh và các nước tư bản khác. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của công nghệ; các phương pháp quản lý kinh tế mới, các sản phẩm kinh tế, tài chính mới; sự liên kết và hội nhập của các quốc gia trên trái đất cũng khiến cho quan hệ “bóc lột” không còn thuần túy như những gì đuợc thể hiện trong lý thuyết của Mác nữa. Sự phát triển của ngành khoa học vũ trụ cho thấy khả năng tồn tại của các nền văn minh khác là rất cao, vậy thì lý thuyết về “giá trị thặng dư”, “đấu tranh giai cấp”, “chủ nghĩa cộng sản” nên đuợc hiểu như thế nào nếu có sự tương tác giữa nền văn minh trái đất với các nền văn minh khác? Hoặc giả sử (không mong muốn) người ngoài hành tinh tấn công trái đất hoặc bản thân trên trái đất nảy sinh một cuộc chiến tranh nguyên tử hủy diệt, cả thế giới quay trở lại thời kỳ hoang dại thì khi nào sẽ tiến lên Chủ nghĩa cộng sản? hay là thời kỳ “không có con người” chính là thời kỳ của Chủ nghĩa Cộng sản? Nói linh tinh về quan hệ với người ngoài hành tinh như vậy để thấy rằng bản thân lý thuyết của Marx – Engels cũng chỉ gói gọn trong những điều kiện lịch sử cụ thể mà thôi. Không phải là hoàn toàn đúng, không phải là Chân lý trong mọi điều kiện, mọi trường hợp. Hơn nữa, việc phân chia thành “giai cấp bóc lột” và “giai cấp bị bóc lột” cũng chỉ là cách nhìn xã hội theo một lăng kính khác của người làm khoa học; phân chia nhóm người như thế này cũng chỉ nhằm vào những mục đích nghiên cứu nhất định về một mối quan hệ Kinh tế - Chính trị giữa Người với Người. Còn có nhiều cách phân chia khác như theo Vùng miền, giới tính, tuổi tác, quốc gia, ngành nghề… Có lẽ cách phân chia thành giai cấp phản ánh rõ nét hơn điều mà Marx - Engels muốn tìm. Tuy nhiên, việc khẳng định răng trong “chủ nghĩa cộng sản” không còn “đấu tranh giai cấp” nữa không có nghĩa rằng cả hai giai cấp này đều biến mất như (-1) cộng với (+1) thì bằng 0. Thực tế, lý luận về “chuyên chính vô sản” lại thể hiện việc “giai cấp bị bóc lột” đứng lên thủ tiêu “giai cấp bóc lột” để giành lại tự do cho mình – tức là “giai cấp nạn nhân” phải thủ tiêu “giai cấp bị cáo”. Theo cách suy diễn như thế này thì trong xã hội tương lai chỉ tồn tại một giai cấp (hoặc Bị bóc lột hoặc Bóc lột) tức là chỉ tồn tại hoặc số Âm hoặc số Dương chứ không phải cả hai giai cấp đều biến mất. Bản thân sự biến mất theo cách hiểu này cũng mâu thuẫn với chính qui luật “Đấu tranh của các mặt đối lập” của Marx.

Bác Hồ khi tiếp cận được với “Luận cương về giải phóng các dân tộc thuộc địa” của Lênin đã “vỗ đùi đánh đét một cái” và kêu lên rằng “Con đường giải phóng dân tộc đây rồi” và từ đó Bác Hồ đã tìm đọc ngược lại tới các công trình nghiên cứu của Marx và Engels mà Lênin đã trích dẫn để hiểu sâu hơn về lý luận nhằm đem về nước mà áp dụng. Như vậy, ta có thể thấy rằng căn nguyên mà Chủ nghĩa Marx - Lênin vào Việt nam là từ mong muốn Giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh (chứ không phải Xây dựng đất nước). Và để có thể huy động (vận động) toàn dân tham gia 2 cuộc kháng chiến thần thánh đó, thì cần phải có một hình ảnh cho xã hội tương lai – xã hội đó phải là một xã hội tốt đẹp hơn xã hội hiện tại (nếu không thì đi theo làm gì). Và như vậy, ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã được giương cao. Thực tế, tại thời điểm đó, ngọn cờ này là một ngọn cờ đoàn kết được toàn dân, đem lại sức mạnh tinh thần cho toàn dân. Ta có thể hình dung rằng “Đất nước độc lập” là một căn nhà ở một bên sông, “Chủ nghĩa xã hội” là một căn nhà khác ở bờ bên kia (nếu căn nhà này có tồn tại). Để kết nối được hai căn nhà này, ta cần một Cây cầu bắc qua sông – cây Cầu đó chính là “Chính sách, chiến lược Phát triển đất nước” (có lẽ ta cần GS Ngô Bảo Châu giải bài toán “Bổ đề Phát triển” này). Những người xây dựng cây cầu đó không ai khác chính là người dân Việt nam, và người dân Việt nam cũng có thể tham khảo việc xây dựng “Cầu” của nước ngoài hoặc thuê tư vấn nước ngoài trong việc xây “Cầu”. Trong xây dựng, người xây được nhà chưa chắc đã xây được Cầu. Kỹ thuật xây dựng một cây cầu qua một con sông A chưa chắc đã áp dụng được khi xây dựng trên con sông B vì những điều kiện địa lý đặc thù nào đó. Cũng như vậy, chính sách phát triển đất nước của quốc gia A chưa chắc đã đúng với quốc gia B. Kể cả Marx - Engels cũng không đưa ra được một phương pháp kỹ thuật nào để xây được cây Cầu này. Tuy nhiên, một số tiêu chuẩn kỹ thuật xây cầu nói chung thì vẫn giống nhau, chẳng hạn tiêu chuẩn về an toàn lao động, qui định về tiêu chuẩn vật liệu xây dựng (cũng như vậy, sự nghiêm minh và chính xác của Pháp luật cũng có thể coi là như nhau giữa các quốc gia). Khi bàn bạc về các phương án xây Cầu thì một ban quản lý dự án phải là những người có trình độ, ý kiến của người này phải được người kia lắng nghe và tôn trọng, ý kiến của các bên tư vấn trong và ngoài nước cũng phải được lắng nghe và tôn trọng. Cũng như vậy, trong quá trình xây dựng đất nước thì các ý kiến của người dân cần phải được lắng nghe và tôn trọng. Nếu BQL dự án là những người thiếu trình độ, chỉ muốn “Ăn” nguyên vật liệu thì cây cầu đó không bao giờ có thể xây được hoặc sẽ gây ra tai nạn thảm khốc.

Bác Hồ khi nghiên cứu nền chính trị ở các quốc gia mà tiêu biểu là Pháp và Mỹ đã thấy rằng, đằng sau một chính quyền hiện tại là một Đảng nào đó (với lý thuyết của mình mà thắng các Đảng khác để giành quyền lãnh đạo đất nước), từ đó Bác thấy rằng để phong trào giải phóng Dân tộc Việt nam giành được thắng lợi thì phong trào đó cũng cần có một Đảng lãnh đạo. Đảng này phải có những lý luận thể hiện được ý nguyện, mục tiêu nào đó để có thể nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng. Ở đây, tên gọi của Đảng không quan trọng mà quan trọng là Đảng đó phải hoạt động, hành động như thế nào đó trên thực tế để có thể nhận được sự ủng hộ đông đảo nhất. Khi tồn tại nhiều Đảng cùng muốn giành quyền lãnh đạo đất nước thì Đảng A sẽ phê bình hay chỉ trích hành động nào đó của Đảng B và bảo vệ luận thuyết phát triển của Đảng mình nhằm lấy được tối đa lá phiếu từ cử tri, việc chỉ trích này sẽ khiến Đảng B thấy được khuyết điểm của mình để sửa chữa hoặc đưa ra luận thuyết phát triển khác để giành lại lá phiếu cử tri (cứ theo dõi cuộc tranh giành quyền lực giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ thì rõ). Khi chỉ có một Đảng lãnh đạo thì sẽ không nhận được sự phê bình, chỉ trích từ một đảng nào khác và như vậy, nếu như Đảng đó không tự mình nghiêm túc nhìn nhận và sửa chữa sai lầm thì chắc chắn sẽ bị tha hóa và không còn nhận được sự ủng hộ của người dân nữa. Những hành động sai lầm của Đảng bị tha hóa này sẽ khiến cho cả xã hội bị rối ren, đất nước không thể nào phát triển được.

Tại sao công trình nghiên cứu lý thuyết của một số cá nhân Châu Âu (chỉ đúng trong những hoàn cảnh và giả thiết nhất định) lại được cả một quốc gia coi là “Kim chỉ nam cho mọi hành động”? Chưa nói tới việc các công trình nghiên cứu đó chưa được kiểm chứng là đúng sai thế nào? Hoặc các công trình nghiên cứu đó bị phê phán bởi các công trình nghiên cứu khác? Một quốc gia không nên chỉ đi theo tư tưởng của một cá nhân nào đó, chỉ có đi theo học hỏi thì không bao giờ hơn họ được. Cần phải “tìm một cách nhìn khác cách thông thường” như GS Ngô Bảo Châu đã chia sẻ. Một đất nước không phải là một phòng thí nghiệm và 86 triệu dân Việt nam không phải là 86 triệu con chuột bạch.

Đã đến lúc Đảng Cộng sản Việt nam cần phải “Đảo chính hệ tư tưởng” hiện tại của mình, tìm ra một lý thuyết phát triển cho chính dân tộc Việt nam. Mỗi giai đoạn lịch sử cần phải có một ngọn cờ khác nhau, và tại thời điểm xây dựng đất nước này thì ngọn cờ “Độc lập dân tộc và CNXH” không còn phù hợp nữa, ta cần một ngọn cờ khác thiết thực hơn, chẳng hạn ngọn cờ “Dân chủ, pháp quyền”. Thực tế thì không cần phải có đầy đủ “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nguồn lực có hạn, nhiều mục tiêu quá thì sẽ không đạt được mục tiêu nào cả. Bản thân “Dân chủ, pháp quyền” sẽ là “hai bàn tay” điều chỉnh xã hội để có được sự công bằng, văn minh, để dân giàu, nước mạnh. Ngọn cờ (bàn tay) “Dân chủ” đảm bảo quyền của tất cả mọi người trong quá trình xây dựng đất nước, và Ngọn cờ (bàn tay) “Pháp quyền” đảm bảo rằng “Quyền Dân chủ” sẽ được Pháp luật bảo vệ. Cũng có thể thêm ngọn cờ “Đoàn kết” để huy động sức mạnh toàn dân tộc, cả trong và ngoài nước, để xây dựng một đất nước “Dân chủ - Pháp quyền – Đoàn kết”

Đảng CSVN dũng cảm làm được điều này thì sẽ nhận được sự ủng hộ rất lớn của Nhân dân. Đảng cần trả lại quyền thực sự cho Pháp luật. Ở đâu đó đã có bài viết nói răng “không có một triều đại nào tồn tại mãi mãi”, triều đại nào mà vua chỉ thích có xu nịnh, có ăn chơi trác táng thì triều đại đó càng nhanh sụp đổ, như vậy có thể hiểu triều đại của Đảng Cộng sản cũng không tồn tại mãi được nếu Đảng không biết lắng nghe những lới trái tai, Đảng sẽ bị những tên xu nịnh bịt mắt và không thấy được tình hình thực tế. Ai cũng có lần bị mắc sai lầm, nhưng người đó sẽ được đánh giá cao nếu biết nhận ra và khắc phục sai lầm của mình. Để sửa sai thành công, Đảng cần sáng suốt sử dụng những bậc hiền tài, tận tâm với nước, trảm hết những tên xu nịnh, gian trá.

Thử nhìn vào quá trình kết nạp Đảng, Đảng chỉ cần người vào Đảng tuân theo “mục tiêu, lý tưởng, qui định” của Đảng mà không có một bước hay giai đoạn nào hỏi răng người muốn vào Đảng sẽ đóng góp ý kiến gì để xây dựng Đảng. Không có thái độ nghiêm túc tiếp nhận những ý kiến xây dựng chân thành thì Đảng sẽ mãi đứng một chỗ (chưa nói là thụt lùi) trong khi xã hội vận động không ngừng, và như vậy Đảng sẽ bị lạc hậu. Khi lạc hậu, người ta sẽ thấy Đảng là vật cản cho quá trình phát triển đất nước, người ta sẽ không còn nhìn thấy vai trò lịch sử của Đảng nữa, và người ta sẽ đòi hỏi Đảng phải rút lui khỏi nhóm đang cố gắng xây dựng đất nước. Một người anh hùng mà ngủ quên trên chiến thắng, không chịu rèn luyện, không chịu chinh phục các Kẻ thù khác, suốt ngày chỉ rượu bia, ca hát thì đến một lúc nào đó, người cung cấp rượu bia cho người anh hùng này cũng sẽ chán ngán và bỏ mặc hoặc đuổi cổ đi chỗ khác. Khi Đảng nói Đảng đang lắng nghe, Đảng nói những câu chữ rất hay, người dân sẽ vui thích – sung sướng nghe ở lần thứ nhất, Đảng tiếp tục nói như vậy ở lần thứ hai nhưng vẫn không có hành động thực tế, người dân vẫn nghe nhưng có chút sốt ruột, chờ đợi, Đảng tiếp tục nói như vậy ở lần thứ 3 nhưng không làm, người dân sẽ thất vọng, chán ngán, và khi Đảng nói lần thứ tư mà không làm thì người dân sẽ muốn lôi cổ Đảng xuống mà tẩn cho một trận vì cái tội nói láo. Nói mà không làm thì Đảng sẽ đánh mất niềm tin nơi người dân, mà khi đã đánh mất niềm tin rồi thì khó lấy lại lắm.

Ai đó đã nói “Thượng bất chính, hạ tất loạn”. Hãy nhìn ra các nước khác trong khu vực cũng như trên thế giới có thể thấy nền Pháp luật của Việt nam còn rất sơ khai, cách hành xử “xã hội đen” trội hơn hẳn các hoạt động thực thi pháp luật chính thống. Công an, pháp luật không phải là chỗ dựa tin cậy của người dân, điều này thể hiện là khi phải đối mặt với công an, tòa án người ta thường nghĩ ngay tới việc “chạy chọt-phong bì” chứ không phải nghĩ rằng “đúng thì không phải sợ điều gì cả”. Vì đâu nên nỗi này? Đã đến lúc Đảng phải khắc phục sai lầm, đã đến lúc người anh hùng phải thực hiện lời nói của mình rồi. Và bước đầu tiên chính là Đảng phải “Đảo chính hệ tư tưởng” lỗi thời, chuyển ngay sang tư tưởng “Dân chủ - Pháp quyền – Đoàn kết” để tăng tốc cho sự nghiệp phát triển của Dân tộc Việt nam.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"