Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Vì sao các phong trào xã hội nên lờ đi truyền thông xã hội? (I)

Evgeny Morozov/ New Republic
Có hai cách để hiểu lầm về Internet. Cách thứ nhất là ôm giữ ảo tưởng về một thế giới đại đồng online, như thể Internet là một vốn liếng dân chủ hóa. Những người theo đuổi ảo tưởng này tin rằng chỉ cần mặc kệ Internet, nó sẽ tự tiêu diệt các chế độ độc tài, tự làm suy yếu chủ nghĩa tôn giáo từ chương, và tự làm thất bại các tập đoàn cai trị.
Một cách khác, tinh vi hơn, là rơi vào một ý thức hệ lấy Internet làm trung tâm: chủ nghĩa duy-Internet. Những tín đồ của chủ nghĩa này vui vẻ thừa nhận rằng những công cụ kĩ thuật số không phải lúc nào cũng hoạt động như dự kiến, và có thể được tận dụng bởi những kẻ thù của nền dân chủ. Đối với họ, Internet chỉ có một tầm quan trọng thứ yếu; họ hứng thú với ý nghĩa của công cụ này hơn. Ý nghĩa ẩn chứa trong Internet giờ đã được giải mã: phi tập trung hóa để đánh bại quyền lực tập trung, làm việc theo mạng lưới (networking) để đánh bại hệ thống phân cấp, dựa vào đám đông để đánh bại các chuyên gia. Để tận dụng triệt để những lợi ích của Internet, thúc đẩy chủ nghĩa duy-Internet, chúng ta cần tái định hình thể chế chính trị và xã hội.

Để đi đến chương trình cải cách này, họ phải trải qua một đoạn đường khá quanh co. Đầu tiên, họ cho rằng Internet có một logic riêng, và logic này đang tái định hình một loạt các ngành công nghiệp và các nền tảng kĩ thuật số. Hãy nghe Clay Shirky – người phát ngôn quen thuộc nhất của Ý tưởng McLuhanesque, hay ý tưởng rằng Internet có một logic mạch lạc – giải thích vì sao chúng ta đang rất lo lắng về những đe dọa của Facebook đối với quyền riêng tư:
“Chúng ta đang lo lắng về sự riêng tư trên Facebook theo cái cách mà nền công nghiệp âm nhạc bị ám ảnh bởi Napster, và ngành công nghiệp báo chí bị ám ảnh bởi Craigslist. Nói cách khác, logic mà Facebook đang phơi bày vốn đã tiềm ẩn trong bản thân Internet, trong tất cả các trang mạng, và hiện tượng Facebook chỉ là một trong những biểu hiện quen thuộc của nó thôi”.
Khi logic khó nắm bắt của Internet đã được xác định, những người theo chủ nghĩa duy-Internet bắt đầu đi quảng bá những ý tưởng mới lạ về nó. Chẳng hạn, Yochai Benkler, một học giả ngành luật ở Harvard, đã khéo léo giới thiệu logic của Internet bằng cách mô tả thế giới đáng kinh ngạc của Wikipedia, phần mềm mã nguồn mở và file-sharing. Sau đó, ông còn dùng chúng để dệt nên một câu chuyện lớn hơn về bản chất của con người. Đối với Benkler, Internet đã chứng minh rằng con người có bản chất tốt đẹp, ham hợp tác; và những hệ thống chính trị của chúng ta, vốn được định hình bởi quan điểm đen tối của học thuyết Hobbes về con người tự nhiên, chưa bao giờ là đủ để tạo nên một sự tương tác xã hội đúng nghĩa.
Thay vì xem Internet như một công cụ, Benkler chủ yếu coi nó như một ý tưởng để chứng minh (hoặc bác bỏ) những lí thuyết triết học về cách thức vận hành của thế giới. Ông tin rằng nó đang tiết lộ một sự thật, rằng con người thích hợp tác với nhau. Không đáng ngạc nhiên, khi Internet chỉ chiếm vài chương trong cuốn sách gần đây nhất của Benkler. Trong phần còn lại, ông triển khai những nghiên cứu mới nhất trong sinh học tiến hóa, khoa học thần kinh và kinh tế học thực nghiệm, để tìm ra linh hồn của Internet trong sự tương tác giữa Toyota và các ngư dân đánh bắt tôm hùm, hoặc giữa những nông dân Tây Ban Nha và chiến dịch tranh cử của Obama năm 2008.
Nỗ lực này, nhằm tái khám phá những giới hạn và chủng loại trong thực tế của một nền văn hóa Internet được cho là thống nhất, là ý tưởng quan trọng đằng sau chủ nghĩa duy-Internet. Trong việc xác định cái gì là khả tri, trong những giới hạn nào, và vì những mục đích nào, chủ nghĩa duy-Internet tạo nên một nhận thức luận mới lạ của riêng nó. Thực ra, về mặt bản chất, nếu không tính tới sự khác biệt giữa hai thần thánh được các tín đồ thờ phụng, thì chủ nghĩa này cũng tương tự như anthropocentrism (chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm). Hầu hết các tín đồ của chủ nghĩa duy-Internet, theo truyền thống, vẫn giữ im lặng về bản chất nửa-tôn-giáo của nó. Nhưng sau cùng, với việc xuất bản cuốn “Tương Lai Hoàn Hảo” của Steven Johnson, họ cũng đã có một bản tuyên ngôn tóm tắt những giáo lí chính trong thế giới quan của mình, và tuyên ngôn này bán rất chạy.
Cũng như Shirky và Benkley, Johnson đang phải vật lộn với những câu hỏi hóc búa về ý nghĩa của Internet. Theo kết luận của ông này, thì lịch sử của Internet đã chứng minh rằng so với sự tập quyền truyền thống, sự tản quyền sẽ thích hợp hơn. Những giao thức Internet đầu tiên được xây dựng trên nguyên tắc chuyển mạch gói, trong đó dữ liệu cần truyền được chia thành các gói, gửi đi bằng những đường truyền riêng biệt, rồi được tập hợp và ráp lại khi tới nơi. Các gói thông tin có thể du hành qua vô số tuyến đường khác nhau, và hoàn toàn độc lập với nhau, nên một thẩm quyền tập trung là không cần thiết. Google và Wikipedia cũng được phát triển dựa trên tính phi tập trung hóa. Chẳng hạn, để xếp hạng các trang web một cách hợp lý, Google nghiên cứu xem các site đó liên kết như thế nào với nhau. Chỉ số liên quan của Google, sau đó, được hình thành từ quyết định cá nhân của hàng triệu chủ sở hữu các trang web, chứ không được định đoạt bởi kế hoạch của một quyền lực tập trung nào.
Johnson thậm chí còn tuyên bố rằng việc tạo ra ARPANET – tiền thân của Internet, được Lầu Năm Góc tài trợ – và TCP/IP – giao thức truyền thông quan trọng nhất của Internet – là “những cột mốc quan trọng trong lịch sử triết học chính trị”. Đây là một tuyên bố quả quyết. Để bổ trợ cho nó, ông viết tiếp: “ARPANET là một hệ thống được phi tập trung hóa một cách triệt để, mà bằng cách nào đó, đã được sinh ra bởi một cơ quan có lối tổ chức siêu tập trung”. Hệ thống này dựa vào “những cấu trúc có tính lỏng, năng động, thiếu sự kiểm soát tập trung và phân cấp”. Johnson gọi những cấu trúc lỏng này là “peer networks” (mạng ngang hàng). Theo ông, hình thức tổ chức này đã xuất hiện trong những dự án sáng tạo có trước Internet.
Với ý kiến của Johnson, rằng cấu trúc tản quyền đã thúc đẩy sự phát triển của không chỉ cơ sở hạ tầng Internet, mà còn cả những dự án chuyên đề của nó như Wikipedia, chúng ta trở lại với chủ nghĩa duy-Internet và ý tưởng rằng có một logic chặt chẽ đang vận hành Internet và những thành phần của nó, như phần cứng phần mềm, những nền tảng và người sử dụng. Logic này có thể sẽ không giải quyết được mọi vấn đề của thế giới, nhưng nó nên là phản ứng mặc định của chúng ta trước những điểm bất hợp lí trong tình hình xã hội và chính trị hiện nay. “Khi một nhu cầu xuất hiện trong xã hội mà chưa được đáp ứng, việc đầu tiên chúng ta nên làm là xây dựng một mạng ngang hàng để giải quyết nhu cầu này”.
Làm sao chúng ta có thể không cải cách thế giới xung quanh mình, khi ta biết rằng một thứ bất thường như Wikipedia đang thật sự hoạt động? “Wikipedia chỉ là sự khởi đầu” – Johnson say mê nói.” Chúng ta có thể học hỏi từ thành công của nó để xây dựng những hệ thống mới nhằm giải quyết các vấn đề trong giáo dục, hành chính, chăm sóc sức khỏe, cộng đồng địa phương, và một lượng vô hạn các lĩnh vực khác mà con người từng trải nghiệm”. Những dự án như Wikipedia chỉ là một lời nhắc nhở rằng logic của Internet là cách thức đúng đắn để vận hành thế giới; và khi chúng ta dựa vào nó để sửa sang lại những tổ chức và hoạt động của mình cho phù hợp, nó sẽ giúp giải quyết những vấn đề khó nhắn nhất của chúng ta.
Đối với Johnson, Internet không phải là giải pháp, mà là một cách thức hiệu quả để nghĩ về giải pháp. Ông tuyên bố: “Người ta có thể vừa sử dụng Internet để trực tiếp cải thiện đời sống dân chúng, vừa học hỏi cách thức tổ chức của nó để cải thiện cách thức vận hành của chính quyền thành phố, hoặc các thức giảng dạy mà hệ thống trường học áp dụng cho học sinh”. Nhưng giải pháp này thuộc loại nào? Phải chăng Johnson chỉ là một kẻ theo chủ nghĩa tự do cá nhân nấp sau những thông điệp về Internet? Sau tất cả, chẳng phải chương trình nghị sự mà ông đề nghị vẫn xoay quanh việc thu hẹp chính phủ, chọc thủng những nỗ lục cải cách tốn kém, và thay thế chúng bằng những giải pháp từ dưới lên theo mô hình Wikipedia hay sao? Johnson gạt đi những chỉ trích này bằng cách giới thiệu ý thức hệ của riêng ông – “chủ nghĩa thăng tiến ngang hàng” – theo đó thừa nhận rằng chúng ta cần giữ lại một chính phủ lớn và tinh thần cải cách của nó, nhưng cũng cần thúc đẩy các quan chức suy nghĩ theo những cách mới mẻ hơn, thân-thiện-với-Internet hơn, để họ dần hiểu ra rằng các cá nhân có thể không thông minh bằng các đám đông và các mạng lưới.
Để đi đến kết luận này, Johnson so sánh phương pháp tiếp cận theo chiều ngang của Kickstarter – một nền tảng trực tuyến, nơi người trong các ngành công nghiệp sáng tạo có thể huy động vốn từ người hâm mộ, với cách tiếp cận từ trên xuống của Quỹ Nghệ thuật Quốc gia (NEA). Cần lưu ý rằng trong năm 2012, Kickstarter đã quyên được nhiều tiền hơn toàn bộ ngân sách của NEA cộng lại. Johnson cho rằng thay vì phá dỡ NEA vì chuyện đó, chúng ta nên tìm cách làm cho NEA trở nên giống Kickstarter hơn. Và chúng ta có thể áp dụng những bài học tương tự ở nhiều nơi khác. Johnson kêu gọi các chính phủ tưởng tượng cách thức mà “các nguyên tắc cốt lõi của Internet có thể được áp dụng để giải quyết các loại vấn đề khác nhau – những vấn đề đang xảy ra với các địa phương, các nghệ sĩ, các công ty dược, trường học, phụ huynh”.
Lập luận của Johnson là thế này: trước thời Internet, các tổ chức của chúng ta không thể có tính tương tác cao, tính phi tập trung hóa và phi lãnh đạo như Wikipedia và Kickstarter đang có. Ngày nay chúng có thể, và cũng nên có những tính chất kể trên. “Trước thời Internet, chúng ta không có Kickstarter hoặc Wikipedia vì chi phí để tổ chức và kết nối một lượng người như vậy là quá lớn”, ông viết. Bây giờ, khi chi phí đã giảm, không còn lí do chính đáng để hệ thống phân cấp tồn tại lâu hơn.
* * *
Trong suốt cuộc trò chuyện về triết học chính trị của mình, Johnson thậm chí đã không đặt ra cả những câu hỏi triết học căn bản nhất. Sẽ phải nhìn nhận thế nào, nếu độ tương tác hạn chế của nền dân chủ trong thời kì tiền-Wikipedia không chỉ là hệ quả của chi phí lớn, mà còn xuất phát từ nỗ lực nhổ bỏ tận gốc chủ nghĩa dân túy và bảo vệ quyết định của các chuyên gia? Nói cách khác, nếu một số tổ chức công né tránh việc mở rộng khả năng tham gia của người dân vì một lí do đơn giản là nó chẳng có gì để làm với việc kết nối, thì trong trường hợp này, phải chăng “logic Internet” là giải pháp cho một vấn đề không tồn tại?
Để hiểu vì sao Johnson không hề cân nhắc những câu hỏi quá rõ ràng ấy, phải nhìn rõ không gian giới hạn của chiến trường chính trị mà ông đang tham gia. Những phân tích của ông chủ yếu xoay quanh cấp độ thành phố. Ông rất hiếm khi nhắc tới hệ thống quốc tế hoặc các nhà nước – quốc gia. Những ví dụ ưa thích của ông về “chủ nghĩa thăng tiến ngang hàng” – Đường Dây Nóng 311 của thành phố New York, nơi bất cứ ai tìm kiếm thông tin về các vấn đề của thành phố đều được chào đón bởi một nhân viên tổng đài, rồi chuyển hướng đến nguồn thông tin phù hợp; và sáng kiến SeeClickFix, thứ cho phép bất cứ ai sử dụng Internet đều có thể thông báo với nhà chức trách về các vấn đề của khu dân cư – cả hai đều xoay quanh việc điều hướng hoặc sửa chữa cơ sở hạ tầng đô thị đang hư hoại.
Những hệ thống giúp tập hợp và phân phát thông tin theo cách tốt hơn chắc chắn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, nhưng đó là những vấn đề rất đặc biệt. Giờ hãy lấy một ví dụ khác: liệu sự can thiệp miễn cưỡng của Hoa Kỳ ở Syria có thể được đổ lỗi cho sự thiếu thông tin hay không? Hay thay vào đó, nó xuất phát từ sự thiếu ý chí và vô nguyên tắc? Liệu việc áp dụng logic tham gia của Kickstarter cho Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED) hay ban hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có giúp cải thiện những chính sách thúc đẩy dân chủ hay không? Hay nó chỉ làm tăng những đòi hỏi truy tìm Joseph Kony từ đám người theo chủ nghĩa dân túy? Chẳng phải việc hạ thấp rào cản đối với sự tham gia của công chúng cũng có thể gây tê liệt hệ thống, như những gì đã xảy ra ở California hay sao?
Các tổ chức chính trị của chúng ta thường xuyên đối mặt với những vấn đề không xuất phát từ sự thiếu thông tin. Tuy nhiên, sự bó buộc trong qui mô thành phố của Johnson đã khiến ông kết luận một cách sai lầm rằng hầu hết các vấn đề đều xuất phát từ những khoảng trống thông tin, thứ có thể được lấp đầy bằng các dữ liệu tốt hơn một cách dễ dàng, nhanh chóng và không tốn kém. Ông không hề đề cập đến việc một số vấn đề (ngay cả ở cấp thành phố) chỉ có thể được giảm nhẹ thông qua thương lượng, chứ không thể giải quyết triệt để, vì chúng nổi lên từ sự đối lập giữa các nhóm lợi ích, chứ không phải từ khoảng trống thông tin. Thế giới của Johnson là một thế giới hậu ý thức hệ, khi lịch sử đã chấm dứt, và chính trị đã bị thu hẹp tới mức chỉ xoay quanh việc sửa chữa các ổ gà và xem xét ứng dụng các bằng sáng chế. Trong thế giới tưởng tượng này, tội ác duy nhất được tính đến là sự lười biếng của các quan chức, thứ ngăn họ công bố dữ liệu ở những định dạng mà công chúng có thể dễ dàng dùng máy tính cá nhân để truy cập.
Những dự án như 311 và SeeClickFix gần như không bị phản đối bởi bất cứ ai. Sau cùng, ai muốn phản đối một cách thức nhanh và hiệu quả hơn để thông báo cho nhà chức trách về các ổ gà? Nhưng sự tham gia của công chúng vào các quyết định ngân sách – một ví dụ yêu thích khác của Johnson – thì không hề như thế. Phương thức này là một nỗ lực cải cách xuất phát từ thành phố Porto Alegre của Brazil, dựa trên nguyên tắc rằng tiếng nói của cộng đồng địa phương phải có tác động đến việc chi tiêu ngân sách của họ. Nó gây tranh cãi hơn nhiều so với 311 khi đe dọa tước bỏ quyền lực của các quan chức, cùng những nhà qui hoạch và nhà phát triển bất động sản đã gây dựng được những đường dây tham nhũng bền chặt, để chuyển vào tay một nhóm thiệt thòi khi trước: người dân.
Trong thế giới tưởng tượng của Johnson, việc chuyển nhượng quyền lực diễn ra suôn sẻ hoàn toàn. Không khó để hiểu vì sao: lý thuyết duy-Internet trong chính trị của ông quá nông cạn. Hãy nhớ rằng Wikipedia là một trang web mà bất cứ ai cũng có thể chỉnh sửa. Johnson không thể giải thích những bối cảnh quyền lực và tình trạng bất bình đẳng đã định hình môi trường hiện nay. Một khi những điều kiện này được bổ sung vào bài toán, việc gia tăng mức độ tản quyền và sự tham gia của dân chúng sẽ ít khả thi hơn nhiều. Ngay cả Wikipedia cũng đã cho chúng ta thấy một câu chuyện phức tạp hơn nhiều về việc ủy quyền: đúng là mọi người đều có quyền chỉnh sửa nội dung trên trang này, nhưng không phải phần chỉnh sửa của bất cứ ai cũng được bảo tồn cho hậu thế. Việc này lại phụ thuộc phần lớn vào những cuộc đấu tranh chính trị và quyền lực trên Wikipedia.
Phương thuốc chính trị hạng hai của Johnson biến lập luận của ông thành một câu chuyện cổ tích hão huyền. Hãy lấy các quyết định ngân sách có sự tham gia của người dân làm ví dụ. Các học giả đã xác định được ba thách thức sẽ làm sụp đổ những cải cách kiểu này: vấn đề thực thi, sự bất bình đẳng và sự cấu kết. Vấn đề đầu tiên, rất hiển nhiên, là cả các chính phủ lẫn các tổ chức phi chính phủ đều không muốn nhường quyền ra quyết định về ngân sách cho các công dân. Vấn đề thứ hai cũng dễ dàng nắm bắt: những người yếu thế trong xã hội thường không muốn tham gia vào những chương trình như vậy, vì họ vừa không có thời gian để tham dự các buổi hội họp, vừa không có đủ tự tin để phát biểu ý kiến của mình. Và cuối cùng, kiểu ra quyết định ngân sách này có thể được sử dụng để thu phục những nhóm xã hội dân sự ngang bướng. Bằng cách cho chúng chơi với một khoản ngân sách nhỏ, và tích hợp chúng vào những cấu trúc nhà nước hiện hành, chính phủ có thể vô hiệu hóa nhiều lực lượng phi chính phủ mạnh.
Cả ba vấn đề này đều có thể khắc phục, khi các nhóm yếu thế học cách từ chối cái ôm chặt của nhà nước bằng việc tổ chức thành các liên minh. Ở Porto Alegre, nơi ý tưởng này xuất phát, cả ba trở ngại đều đã được vượt qua. Nhưng Johnson không hề đề cập tới lí do khiến người ta làm được điều đó. Trong thực tế, việc để người dân tham gia vào các quyết định ngân sách là chương trình mũi nhọn của đảng Lao động – đảng cầm quyền quyền ở Porto Alegre trong thời gian từ năm 1989 đến năm 2004. Ý tưởng về quyền tham gia lớn hơn cho cộng đồng không chỉ phản ánh lí tưởng cánh tả của đảng, nó còn là một biện pháp để gạt bỏ chủ nghĩa bảo trợ, thứ đã cản trở những cải cách ở Brazil trong nhiều thập niên.
Thí nghiệm Porto Alegre đã không thành công nếu không được tiến hành bằng một nỗ lực tập quyền. Ở đây, tập quyền là phương tiện để đạt được sự tản quyền sau đó. Nếu không có những cấu trúc được tổ chức tốt, tập quyền và phân cấp để đẩy lùi những lợi ích cố hữu, những nỗ lực để tăng cường sự tham gia của dân chúng trong nền chính trị có thể sẽ đổ bể, và thậm chí còn khiến những nhóm yếu thế bị tước bớt quyền lực. Đây là chuyện đã xảy ra từ trước thời Internet, và, rất có thể, sẽ còn tiếp diễn rất lâu.
Nhưng Johnson hoàn toàn mù quáng để nhận ra ưu điểm của sự tập quyền. Trong cuộc thảo luận về 311, ông ca ngợi một thực tế rằng người ta đã gọi đến đường dây nóng này để có cái nhìn vĩ mô tốt hơn về những vấn đề của thành phố. Nhưng cái nhìn này là không đáng kể so với lí do chính khiến hệ thống 311 hoạt động: quyết định của Thị trưởng Bloomberg về việc tập trung hóa – chứ không phải phi tập trung hóa – cách giải đáp thắc mắc về thành phố của ông. Đây là cách mà Accenture, công ty hỗ trợ New York trong việc chuyển sang hệ thống 311, mô tả về nguồn gốc của dự án:
“Trước 311, những khách hàng tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ phải đối mặt với hơn 4,000 mục trên 14 trang danh bạ điện thoại của thành phố New York, và hơn 40 trung tâm điện thoại để chuyển thắc mắc cho những sở ban chịu trách nhiệm. Viễn cảnh mà thị trưởng phác họa là một đường dây giải đáp hiệu suất cao, tập trung, đa năng, thông qua một số điện thoại dễ nhớ là 311″.
(Còn tiếp…)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"