Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Vì dân thì đúng rồi, nhưng mà dân nào?

Mạnh Cường IR
Có một câu mình đã được (bị, phải) nghe khá nhiều lần, đó là "Cái gì có lợi cho dân thì làm" và còn nhấn mạnh thêm cho nó chắc: "Cái gì không có lợi cho dân thì không làm".
Một câu "dạy đời" nghe có vẻ hoàn chỉnh về ngữ nghĩa, mang đậm tính nhân văn nên được khá nhiều người dùng để đưa vào đánh bóng cho bài thuyết giảng của mình.
Thế nhưng, trong cuộc sống thực, vấn đề nó lại là thế này: vì dân thì biết rồi, thế nhưng vì DÂN nào?

Một ví dụ rất đơn giản: có một bà chiếm vỉa hè làm chỗ bán bún, kiếm tiền nuôi con ăn học. Mọi người đến ăn thì ngồi hết ra vỉa hè nên mấy em học sinh đi học không có đường đi buộc phải đi hết xuống lòng đường. Thế thì trong tình huống này phải hành động thế nào cho nó "Vì Dân" đây? Bà bán bún cũng là Dân; những người ngồi ăn ở vỉa hè cũng là Dân (mà chắc lại là bình dân thì mới ngồi vỉa hè ăn như vậy) và mấy cháu học sinh cũng là Dân. Nếu vì mấy Dân học sinh (và những người đi bộ khác) mà dẹp không cho bán bún thì ảnh hưởng tới nồi cơm của bà Dân bán bún và tới những Dân ăn bún. Nhưng nếu vì quyền lợi của bà Dân bán bún và những Dân ăn bún mà cho chiếm vỉa hè ngồi thì lại ảnh hưởng đến quyền lợi được có đường để đi của những Dân đi bộ trên phố.
Trong trường hợp này mà hỏi người có trách nhiệm thì câu trả lời sẽ là "Vì Dân" vì dù dẹp hay không dẹp thì người trả lời sẽ luôn chứng minh được là họ đã làm hêt sức mình Vì Dân. Vấn đề chỉ ở chỗ vì Dân nào.
Cũng có thể có người quan niệm: Dân tức là số đông, Dân tức là người nghèo, người yếu thế hơn, thế nên cứ bênh số đông,cứ bênh người nghèo hơn thì đó là Vì Dân. Nếu với cách tiếp cận như vậy thì tại một doanh nghiệp, khi xảy ra tranh chấp giữa chủ doanh nghiệp với người lao động người ta sẽ luôn hành động vì Dân lao động (vì người lao động luôn đông hơn và được coi là luôn nghèo hơn chủ doanh nghiệp) chứ không vì Dân chủ doanh nghiệp bất kể trong tranh chấp đó ai đúng, ai sai, ai đòi hỏi hợp lý, ai đòi hỏi bất hợp lý.
Cách tiếp cận này có lẽ không ổn vì chủ doanh nghiệp cũng là Dân và quyền lợi của họ cũng phải được tôn trọng và bảo vệ chứ.
Để cho công bằng, có lẽ phải thay dần cách tiếp cận "Vì Dân" nghe rất mùi mẫn, nhân văn kia bằng cách tiếp cận "Vì Luật". Còn tinh thần Vì Dân phải được hóa thân vào luật pháp, biến thành luật pháp. Tất cả các loại Dân cũng như chính quyền phải thượng tôn pháp luật. Khi đó sẽ không còn phải đi tìm câu trả lời là vì Dân nào nữa.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"