Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Sài Gòn: Công an bao vây cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng

Nguyên Thọ, cộng tác viên Dân Luận
Sáng 13/7/2014, theo nguồn tin từ các người dân tại khu phố 6, phường 6, quận Tân Bình thuộc Vườn rau Lộc Hưng, nhà cầm quyền đã đưa các lực lượng đến để ngăn cản bà con làm hàng rào. Tại khu vực này có một đống rác và những thành phần tiêm chích thường tụ tập gây tệ nạn trấn lột học sinh, khiến một số người không dám đi ngang đây.
Hôm nay người dân cùng nhau dọn dẹp và rào chắn để tránh tệ nạn nhưng nhà cầm quyền lại huy động lực lượng bao gồm nhiều thành phần như công an phường, dân phòng, dân quân tự vệ,... đến cưỡng chế, nhổ những cây cọc làm hàng rào.

Diễn biến

- Khoảng 10 giờ sáng, công an quận và phường 6, Tân Bình đã tập trung lực lượng rất đông khoảng 50 người, hòng cưỡng chế người dân.
- Lúc 11 giờ 30, công an bắt đầu nhổ những cây cọc người dân dự tính làm hàng rào. Một số bà con đang phản đối và được biết có người đã mang can xăng đến nói sẽ chết để bảo vệ công bằng.
- Sau khi ăn cơm trưa xong lúc 12giờ 30 , công an tăng cường thêm lực lượng, phát loa yêu cầu dân tháo dỡ "công trình xây dựng trái phép".
- Lúc 12 giờ 55 người dân kiên quyết phản đối hành động của công an, đòi văn bản cưỡng chế. Công an không có quyết định cưỡng chế và đuối lý nên đã tạm thời rút lực lượng.

Lịch sử khu đất Vườn rau Lộc Hưng

Theo anh Cao Hà Trực, khu vườn rau đã được bà con người Công giáo khai hoang, chăm sóc từ 1954 khi nó còn là vùng đầm lầy hoang sơ. Nơi đây là nơi cung cấp các loại rau trồng sạch cho các chợ tại Sài Gòn.
Năm 1975, chính quyền Cộng sản tiếp quản Sài Gòn, và họ cho rằng khu đất này đương nhiên nhà nước chấp quản. Họ tiếp tục dùng chính sách sai lầm đó đàn áp người dân ở đây thời gian qua. Chính quyền không công nhận cơ sở pháp lý của người dân, mặc dù bà con khu Vườn rau Lộc Hưng có đầy đủ cơ sở pháp lý theo luật định.
Nơi đây có 125 hộ dân với 40000 m2 đất thuộc Giáo xứ Lộc Hưng, đã khiếu kiện từ năm 1999 theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên không được giải quyết thỏa đáng. Cần phải nhắc lại là năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định người dân có quyền kê khai đất của mình đã sử dụng ổn định trước đây nhưng chưa có giấy tờ hợp lệ để hợp pháp hóa những mảnh đất như thế này.
Khi có quy định, người dân đã đi kê khai thì chính quyền địa phương nói rằng đã giao cho bên Bưu Điện để xây nhà cho cán bộ, thế nên từ đó đến nay rất nhiều vụ khiếu kiện phức tạp diễn ra tại đây. Sau đó nhà cầm quyền dựng lên một dự án khác là xây dựng khu chung cư cao tầng. Mức giá đền bù đất tại đây chỉ có khoảng 300 ngàn/m2, trong khi giá thị trường là từ 30-40 triệu/m2.
Khu đất tiếp giáp với đường Cách mạng tháng 8, bên hông công viên Lê Thị Riêng, có vị trí đắc địa gần trung tâm thành phố được cho là "khu đất vàng".
Đất đai theo hiến pháp là thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước quản lý. Nhà cầm quyền dựa vào điều khoản này để thu hồi những mảnh đất "vàng" để phân lô, chia chác và đền bù với giá rẻ mạt. Khiếu kiện đất đai hiện nay trở thành vấn đề nóng có tính chất sống còn cho chế độ, trải dài khắp từ Nam chí Bắc.
Đầu năm 2014, dân oan đất đai Dương Nội, Hà Nội tử thủ chống các lực lượng cưỡng chế. Công an đã bắt bà Cấn Thị Thêu cùng chồng, được cho là những người "cầm đầu" nguy hiểm. Nếu tiếp tục những chính sách đất đai sai lầm thì sớm muộn gì cũng sẽ có những cuộc "nổi dậy" của nông dân để đòi quyền sống và quyền làm người.
Nguyên Thọ, tổng hợp từ các nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển, Huỳnh Công Thuận, Cao Hà Trực...
cuong_che_vuon_rau_loc_hung_1.jpg
cuong_che_vuon_rau_loc_hung_2.jpg
cuong_che_vuon_rau_loc_hung_3.jpg
cuong_che_vuon_rau_loc_hung_4.jpg
Ảnh: FB Huỳnh Công Thuận

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"