Nhân sự kiện Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam tuyên bố thành lập cùng
với việc ra mắt số đầu tiên của “Việt Nam Thời Báo”, Phạm Thanh Nghiên đã có cuộc
trò chuyện với ông Ngô Nhật Đăng, một trong những thành viên sáng lập Hội. Cùng
với hai người khác là Blogger Nguyễn Tường Thụy và Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, ông
Ngô Nhật Đăng sẽ đảm nhận trách nhiệm trong Ban Biên tập cho “Việt Nam Thời
Báo” (VNTB).
Hồi giữa tháng 4, ông Đăng cùng với một số nhà hoạt động xã hội
khác như Nghệ sĩ Kim Chi, các blogger Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Đình Hà, Lê
Thanh Tùng đã có chuyến đi Mỹ kéo dài khoảng 1 tháng để vân động cho Tự do báo
chí ở Việt Nam. Ngày16 tháng 5 khi trở về Việt Nam, ông đã bị công an cửa khẩu câu
lưu và thẩm vấn 6 tiếng đồng hồ tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Ngô Nhật Đăng là con trai của nhà thơ quân đội Xuân Sách- một người
được nhiều đồng nghiệp, đồng đội mô tả rằng “nổi tiếng không biết sợ điều gì”.
Sau đây, mời quý độc giả theo dõi cuộc trò chuyện của Phạm Thanh
Nghiên với ông Ngô Nhật Đăng:
Phạm Thanh Nghiên: Chào anh Ngô Nhât Đăng, cảm ơn anh đã dành
cho Phạm Thanh Nghiên cuộc trò chuyện ngày hôm nay. Câu đầu tiên xin được hỏi anh Đăng về thời
điểm ra đời của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam(HNBĐL). Vì sao lại chọn thời điểm
này để thành lập Hội NBĐL và cho ra mắt “Thời Báo Việt Nam” chứ không phải sớm
hơn hay muộn hơn?
Ông Ngô Nhật Đăng: Vâng, cám ơn Thanh Nghiên vì câu hỏi rất hay.
Việc ra đời một tờ báo Độc lập là mơ ước của nhiều người (trong đó có tôi) từ rất
lâu rồi. Thực tế đã cho thấy sự cần thiết của một tờ báo tư nhân và việc điều
hành nó như thế nào ? Do đó “Hội nhà báo Độc lập Việt Nam” ra đời vì nó cần rất
nhiều những cây bút tâm huyết và có tư duy độc lập. Việc này chúng tôi cũng đã
có sự chuẩn bị từ lâu và cuối cùng như chị đã biết đó là chuyến đi vận động cho
một nền báo chí độc lập ở Việt Nam tại Hoa Kỳ và dự cuộc hội thảo về Tự do báo
chí nhân ngày báo chí Quốc tế. Đó là một trong những công việc cuối cùng. Và nữa,
ngày 4/7 là ngày tờ báo ra mắt cũng có một ý nghĩa nhất định, nó là ngày mà bản
Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng ra đời, ngay cả bản Tuyên ngôn ngày 2/9/1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa cũng trích một câu nói của bản Tuyên ngôn (Độc lập) này. Nó như một sự
tình cờ thú vị chứ không có một sự sắp đặt nào cả, mà sắp đặt sao được (cười).
Phạm Thanh Nghiên: Vâng, có nghĩa vào thời điểm này, việc cho
ra đời một tổ chức báo chí tư nhân là đòi hỏi cần thiết và cấp bách, nhất là
tình hình Việt Nam hiện nay đang có những diễn biến khá phức tạp và rất khác so
với chỉ vài tháng trước đây?
Nhưng liệu Nhà Nước có cấp phép cho Hội họat động không khi mà trên
thực tế, tất cả những tổ chức, hội nhóm XHDS do người dân lập ra, không chấp nhận
sự quản lý của đảng đều không được khuyến khích thậm chí bị cho là phạm pháp, thù
địch hoặc chống lại Nhà nước?
Ông Ngô Nhật Đăng: Chính ông Hồ Chí Minh đã từng nói (tôi không
bàn đến việc ông ta có thực tâm hay không ) rằng: “Dân chủ nghĩa là cho dân được mở miệng”. Nhưng việc để “cho dân mở
miệng” đã kéo dài gần 70 năm mà vẫn chưa trở thành hiện thực. Một tờ báo tư nhân độc lập chính là
nơi mà người dân mở miệng, nó là bước đầu tiên để thúc đẩy tiến trình dân chủ
đang còn rất sơ khai ở nước ta. Nhà nước cũng cần phải lắng nghe những tiếng
nói từ phía người dân.
Ở các nước có nền báo chí phát triển (như Mỹ chẳng hạn), khi ra một
tờ báo không cần phải xin phép, miễn là anh phải chịu trách nhiệm về những phát
ngôn của tờ báo và nhất là không được…trốn thuế (cười).Việc hiện nay tờ báo sẽ
không (chưa) được cấp phép là do một số điều luật, nghị định v.v…về báo chí hiện
hành. Tôi cho rằng những luật đó đã lỗi thời rồi. Bây giờ không phải là trong
tình trạng chiến tranh hay bao cấp nữa. Hoàn cảnh bây giờ đã khác rồi, việc
quan niệm là “thù địch” hay “chống lại Nhà nước” cũng cần phải xem xét lại thậm
chí phải thay đổi. Chúng ta vẫn thường
được nghe “Chính phủ này là của dân, do dân và vì dân” điều đó cần phải trở
thành sự thật chứ không phải là nói suông. Ít nhất là chính phủ cần phải biết lắng
nghe và chấp nhận sự khác bịệt một cách thiện chí, nghiêm túc và thực sự dù nó
có vẻ khó chấp nhận.
Phạm Thanh Nghiên: …Có nghĩa là không cần cấp phép họat động? Vậy
cá nhân anh cũng như những thành viên sáng lập khác của Hội đã lường trước những
khó khăn thậm chí rủi ro, hiểm nguy mà mình sẽ phải đối mặt?
Ông Ngô Nhật Đăng: Vâng, chúng tôi sẽ không làm cái việc đi xin
phép, điều này được quy định rất rõ trong Hiến pháp về quyền Tự do báo chí. Hiến
pháp là luật Mẹ, mọi điều luật đi ngược lại đều là vi hiến. Nhân đây trong các
điều luật của chúng ta rất hay có cụm từ “ theo đúng quy định của pháp luật…”,
điều này có lẽ còn phải tranh luận nhiều, nhưng nó không là chủ đề của cuộc phỏng
vấn này, thưa chị.
Tất nhiên sẽ có những rắc rối, nhưng nguy hiểm thì tôi không cho
là như vậy. Tôi cũng có những cuộc trao đổi với các anh bên An ninh tư tưởng
văn hóa với tính chất thẳng thắn và xây dựng về việc ra đời một tờ báo độc lập.
Có ý kiến rằng : “Cũng muốn sớm được đọc tờ báo của các anh, chỉ khuyên các anh
một điều “Hãy lấy quyền lợi Quốc gia là tối thượng”.
Cá nhân tôi cũng như anh em trong nhóm sáng lập đều sẵn sàng chấp
nhận mọi hệ lụy một cách bình thản dù gặp tình huống xấu nhất. Tôi thích một
câu nói của một triết gia kiêm nhà báo Tiệp Khắc nói trên giường bệnh trước lúc
ông qua đời : “Có cái gì đó đáng để hy
sinh”.Xin mở ngoặc ông cũng nhiều năm trải qua tù đầy và bị săn đuổi ngay cả
khi nằm trên giường bệnh.
Vâng, rất đáng để hy sinh.
Phạm Thanh Nghiên: Xin anh cho biết tôn chỉ và mục đích hoạt động
của Hội NBĐLVN? Muốn trở thành thành viên của Hội phải có những tiêu chuẩn gì
thưa anh? Một nhà báo trong Hội nhà báo
Việt Nam có thể trở thành thành viên của hội Nhà báo độc lập VN được ko?
Ông Ngô Nhật Đăng: Ồ những điều này đã có đầy đủ trong “Bản
tuyên bố và Điều lệ của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam” và sẽ được đăng trong số
báo ra mắt thưa chị. Chỉ xin nói thêm đây là một Hội mở, tham gia tự nguyện với
tôn chỉ :“Sự thật và khách quan”, không phân biệt đang ở trong một tổ chức
Nhà nước nào. Và tất nhiên một điều kiện tối thiểu là phải có bài viết để đăng
(cười).
Phạm Thanh Nghiên: Vừa rồi anh có nhắc tới chuyến đi Mỹ để vận
động cho 1 nền báo chí độc lập ở VN? Anh đánh giá thế nào về cái nhìn của chính
giới Hoa Kỳ, của giới làm báo tại Mỹ và Âu Châu về nền báo chí hay nói chính xác hơn là về Tự do ngôn luận của
VN? Họ đánh giá thế nào thưa anh?
Ông Ngô Nhật Đăng: Có một
điều khá đáng tiếc là một số người bị “cấm xuất cảnh” nên không thể có mặt tại
Hoa Kỳ trong cuộc vận động này. Chúng tôi chỉ là những “tay ngang” thậm chí còn
bị gọi là “ Chưa bao giờ có nổi một bài
báo đúng nghĩa mà cũng đòi vận động cho tự do báo chí…” nên chỉ biết cố gắng
thậm chí còn quá cả khả năng vốn có. Nhưng
xin khẳng định với chị rằng đó là một chuyến đi thành công vượt quá mức kỳ vọng
của chúng tôi.
Báo giới cũng như chính giới Hoa Kỳ dành cho chúng tôi một sự quan
tâm đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là “vùng trũng” (đen) trong bảng xếp hạng
về Tự Do báo chí trên thế giới, thậm chí còn dưới cả Lào và Cambodia. Tất cả những
nơi chúng tôi đến thăm như Tổ chức phóng viên không biên giới, Ủy ban bảo vệ ký
giả,…hay một số tờ báo lớn đều đánh giá như vậy. Do đó đã có một cuộc hội thảo
với chủ đề: “Các tổ chức dân sự và chính giới Hoa Kỳ phải làm gì cho Tự do báo chí
ở Việt Nam”.
Điều này đã động viên chúng
tôi rất nhiều. Nhưng có một điều mà cá nhân tôi thấy đã thu hoạch được nhiều nhất
là về nền báo chí của họ: cách làm báo, những điều chưa được, những xu hướng
tiêu cực trong việc “định hướng thông tin”… của một số tờ báo nằm trong tay các
nhà tài phiệt. Cách mà các nhà báo có lương tâm làm để thoát ra những tiêu cực
đó, dành lại quyền lực thứ tư về tay nhân dân, một “nền báo chí công dân” được
trợ giúp đắc lực bởi internet.
Phạm Thanh Nghiên: Thưa anh, “Việt Nam Thời Báo” sẽ ra mắt số đầu
tiên vào ngày 4 tháng 7 tới. Nhưng ngoài
báo mạng ra, VNTB có ra báo giấy ko thưa anh?
Ông Ngô Nhật
Đăng: Theo dự tính số đầu tiên của “Việt Nam Thời báo” sẽ ra đời vào ngày
4/7. Đó là tờ báo online, trong thời đại internet thì báo giấy phải đối mặt với
sự cạnh tranh quyết liệt và có vẻ yếu thế. Nhưng dù sao có một tờ báo giấy tử tế
vẫn là niềm ước mơ của các tờ báo. “Việt Nam Thời báo” cũng có kế hoạch hàng
tháng hoặc vào những dịp đặc biệt sẽ có những ấn phẩm để…biếu, tặng. Mơ ước ra
được báo giấy, nhưng điều đó phụ thuộc vào chất lượng của tờ báo vào bản lãnh của
người cầm bút vì nếu không thì sẽ không có người đọc.Và một điều cũng rất quan
trọng nữa là…tài chính.
Cảm ơn anh Ngô Nhật Đăng về cuộc trò chuyện thú vị ngày hôm nay.
Xin chúc Hội Nhà báo độc lập sẽ có nhiều đóng góp cho Tự do báo chí, tự do ngôn
luận ở Việt Nam. Chúc Việt Nam Thời Báo nhận được thật nhiều sự quan tâm,
đón đọc của độc giả.
Phạm Thanh Nghiên, thực hiện ngày 3 tháng 7 năm 2014.