Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Nhân sự kiện Hội Nhà Báo Độc Lập ra đời

Đỗ Trung Quân
Một lần nữa, tôi lại thấy tên mình.
… Dù thật sự tôi chưa chính thức gửi thư gia nhập Hội Nhà Báo Độc Lập nhưng điều ấy hoàn toàn không mang ý nghĩa phản đối hay rút tên. Chỉ nhân đây, tôi bày tỏ thêm về trường hợp của mình nhân sự kiện vừa nhắc đến.
Tôi hoạt động trong lãnh vực văn học và báo chí thời gian xấp sỉ ngang nhau, trên dưới 30 năm. Tôi trở thành hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam và Hội Nhà Báo Việt Nam khoảng những năm của thập niên 80-90 cho đến tận hôm nay, cả hai tổ chức ấy vẫn còn nguyên tên mình nghĩa là tôi còn nguyên quyền hành nghề theo chức năng nghề nghiệp của nó.
Nhưng những cuộc tham gia xuống đường chống chính sách, thái độ và hành động của Trung Quốc khởi đầu từ bắt bớ, khủng bố ngư dân Việt Nam, từ chiếc đường lưỡi bò trên bản đồ vùng lãnh hải Việt Nam sẽ bắt đầu cho những khó khăn cho cá nhân, nghề nghiệp và gia đình của mình. Tôi không ngạc nhiên bởi lẽ tôi chỉ là một trong rất nhiều người bày tỏ thái độ công dân khi đất nước bị đe dọa,một đôi lần, trong những cuộc làm việc với an ninh họ hỏi "Anh có gì bất mãn mà xuống đường?" câu hỏi buộc tôi phải minh định tôi là một nhà thơ, nhà báo thành danh trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, người xuất thân từ phong trào Thanh Niên Xung Phong Thành phố từ những ngày đầu tiên sau thống nhất đất nước. Tôi có việc làm, có tên tuổi, được sự ưu ái của người đọc nhiều thế hệ. Tôi hoàn toàn không có gì bất mãn. Bạn đọc, hay chính các anh, những người thuộc lực lượng bảo vệ an ninh chính trị - xã hội có quyền trách mắng tôi nếu khi đất nước lâm nguy một người như tôi chỉ im lặng, chỉ thả mình xuống đáy chai rượu mỗi ngày, nhắm mắt bịt tai trước thực trạng đáng lo ngại của đất nước. Bằng ngược lại, tôi đã bày tỏ đúng đắn thái độ, trách nhiệm của một công dân Việt Nam.

Trách nhiệm đúng đắn ấy được đáp lại bằng việc canh giữ cửa nhà tôi kéo dài cho đến tận hôm nay. Đến nỗi Nữ sĩ Ý Nhi phải lên tiếng với an ninh khi họ đến thăm gia đình chị “Có 1 số việc các anh không nên làm vì không ích gì mà lại gây ra sự phản cảm: Cho người canh nhà Đỗ Trung Quân, lập tường lửa chặn Văn Việt, lệnh không cho các báo in bài các thành viên Văn đoàn...”
Văn Đoàn Độc Lập có gì mà ghê gớm đến thế?
Tôn chỉ của họ đây:
Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước. Hoạt động của Văn đoàn độc lập Việt Nam nhằm vào những nhiệm vụ cụ thể sau đây:
- Đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn tiếng Việt trong và ngoài nước.
- Tạo điều kiện nâng cao về nghề nghiệp, thúc đẩy sáng tạo cá nhân, khuyến khích đổi mới trong sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học và ngôn ngữ.
- Bảo vệ mọi quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm, cũng như quyền tự do tiếp cận tác phẩm văn học của mọi người.
Nhưng chưa lâu lắm, tôi được xem văn bản có bút phê một phó tổng biên tập một tờ báo tại thành phố HCM với nội dung đại ý ban tuyên giáo nhắc nhở một số điều trong ấy có nhấn mạnh không phỏng vấn, đăng bài, không cho xuất hiện trên truyền thông, truyền hình và xuất bản 61 người có tên trong Văn Đoàn Độc Lập.
Báo chí chấp hành, Hội nhà văn VN không một dòng lên tiếng hay thông tin sự việc ấy cho dù để chỉ ra họ - 61 nhà văn ấy đã vi phạm điều gì trong nghề nghiệp của mình? Nói gì đến việc bảo vệ danh dự và quyền sáng tác của hội viên. Ở lãnh vực báo chí cũng tất nhiên im lặng,tôi dù còn nguyên vẹn quyền công dân, quyền hoạt động nghề nghiệp cũng bỗng nhiên như một người mang án không được xét xử minh bạch, công khai. Thủ thuật cô lập quyền đi lại, quyền sáng tác, cô lập kinh tế, quyền mưu sanh bỗng hệt như thời Nhân Văn Giai Phẩm từ hơn nửa thế kỷ trước.
Trở lại vấn đề của Văn Đoàn Độc Lập và Hội Nhà Báo Độc Lập. Ở hai hội đoàn nghề nghiệp này nếu cần thiệt, chí ít tôi được có tiếng nói, được bảo vệ một cách công khai trước công luận, trước xã hội. cho quyền cầm bút, quyền công dân, quyền sáng tạo của mình.
Còn nếu tôn chỉ mục đích của họ không như những gì đã nêu ra từ đầu.
Quyền rời khỏi nơi ấy cũng lại thuộc về tôi.
Sẽ đương nhiên là thế!
Sài Gòn 4-7-2014

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"