Phạm Đoan Trang
Washington DC – Sáng 9/7/2014, tại Quốc hội Hoa Kỳ, một nhóm 5
dân biểu của đảng Dân chủ đã tổ chức họp báo để bày tỏ quan điểm phản
đối Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP),
cho rằng TPP không thể thành công.
5 vị dân biểu, gồm Loretta Sanchez và George Miller (bang
California), Rosa DeLauro (bang Connecticut), Louise Slaughter (bang New
York), và Donna Edwards (bang Maryland), nêu những lý do họ phản đối
TPP. Những lý do này xoay quanh các vấn đề liên quan đến an toàn thực
phẩm, bất bình đẳng về thương mại, quyền của người lao động, quyền của
phụ nữ và cộng đồng LGBT, và thủ tục ký gấp (fast-track) mà theo đó,
Quốc hội Mỹ sẽ bị hạn chế khả năng can thiệp vào tiến trình TPP.
TPP là một hiệp định mậu dịch lớn mà hiện nay Mỹ, Việt Nam, và 10
quốc gia khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đàm phán gia nhập
(chưa có Trung Quốc). Nếu thành công, TPP hứa hẹn sẽ tạo ra một thị
trường rộng lớn (12 nước) với kim ngạch mậu dịch hàng nghìn tỷ USD, thúc
đẩy phát triển và hội nhập về kinh tế, tạo công ăn việc làm, v.v. Tuy
nhiên, đó mới là tham vọng mà các chính phủ đặt vào TPP. Trên thực tế,
hiệp định này bị giới hoạt động bảo vệ nhân quyền, môi trường ở nhiều
nước phản đối gay gắt, vì các lý do như: quá trình đàm phán không minh
bạch, có những điều khoản không bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
(liên quan đến bảo vệ sở hữu trí tuệ trong TPP, giá thuốc có thể sẽ đắt
hơn, kể cả thuốc trị AIDS)…
Nhân quyền, đặc biệt quyền của người lao động (labour rights), là
vấn đề mà nhiều cá nhân và NGO bảo vệ quyền con người đặt ra cho các nhà
nước khi đàm phán về TPP. Tại cuộc họp báo phản đối TPP, dân biểu
Loretta Sanchez tuyên bố: “Đã 8 năm trôi qua kể từ khi Việt Nam được gia
nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hưởng Quy chế Mậu dịch Bình
thường Vĩnh viễn (PNTR), nhưng tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn chưa
được cải thiện. Vẫn còn những người dân Việt Nam bị ép phải lao động
trong điều kiện tồi tệ, phải sống trong nhà ổ chuột và không đảm bảo vệ
sinh. Họ làm việc 12-15 tiếng mỗi ngày và chỉ được trả công trung bình
70 đôla một tháng, và có nhiều trường hợp không được trả xu nào. Họ
không có bảo hiểm y tế và đặc biệt, không được hưởng quyền của người lao
động. Bộ Lao động Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào danh sách bốn nước, nơi có
bằng chứng cho thấy hàng may mặc được sản xuất bởi nạn lao động cưỡng
bức và lao động trẻ em”.
Trước đó, vào ngày 29/5, 153 dân biểu của đảng Dân chủ cũng gửi một
lá thư đến Đại diện Thương mại Michael Froman, yêu cầu ông này phải đảm
bảo rằng cải thiện quyền của người lao động là một điều kiện của quá
trình đàm phán gia nhập TPP, đặc biệt đối với các nước có cả một lịch sử
dài vi phạm quyền công nhân như Việt Nam, Malaysia, Brunei và Mexico,
mà cụ thể hơn nữa là Việt Nam. Lá thư nêu rõ: “Tất cả các quốc gia thành
viên của TPP, kể cả Việt Nam, phải thực thi triệt để các nghĩa vụ về
quyền lao động, quy định trong TPP, bao gồm cả các quyền liên quan đến
việc lập hội (công đoàn độc lập – NV) và đàm phán tập thể (giữa chủ lao
động và người lao động – NV)”.
“Luật pháp Việt Nam quy định tất cả các công đoàn đều phải trực
thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cơ quan tự giới thiệu họ là
“thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” (Điều 1, Luật Công đoàn – NV chú thích)”
– và như vậy đã vi phạm quyền của người lao động là được thành lập và
tham gia các công đoàn độc lập do chính mình tự lựa chọn” – lá thư của
153 dân biểu nêu rõ.
Bà Loretta Sanchez (bang California) phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Lilly Nguyen
* * *
Dưới đây là bài trình bày của tôi tại cuộc họp báo ngày 9/7/2014
TẠI SAO TPP KHÔNG NÊN ĐƯỢC KÝ KẾT
Cảm ơn các quý vị đã mời tôi đến đây để trình bày về những vi phạm
quyền lao động ở Việt Nam, và tại sao TPP không nên được ký kết với một
nước thành viên như vậy.
Vào ngày 26/6/2014, Đỗ Thị Minh Hạnh, 29 tuổi, nhà hoạt động về
quyền công nhân, đã được trả tự do, và đây là một tin tốt. Nhưng tin tốt
ấy không làm thay đổi sự thật là quyền của người lao động, cùng với các
quyền đất đai và quyền tự do biểu đạt, có lẽ đang là ba thứ quyền bị vi
phạm trên diện rộng nhất và nghiêm trọng nhất ở Việt Nam hiện nay.
Mỗi năm ở Việt Nam xảy ra hằng trăm vụ đình công của công nhân, và
95% trong số này bị coi là bất hợp pháp. Vì sao vậy? Bởi vì, căn cứ Bộ
luật Lao động và Luật Công đoàn hiện hành – vốn vẫn không công nhận công
đoàn độc lập – thì các cuộc đình công ấy không thể nào mà hợp pháp
được.
Sự thật là tất cả các công đoàn đều bất hợp pháp, chỉ trừ công đoàn
độc quyền của nhà nước là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Chủ sở hữu
công đoàn này là Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo công đoàn là cán bộ
của Đảng, và điều lệ của công đoàn là nhằm bảo vệ quyền lợi của Đảng.
Thậm chí chúng tôi còn có một tài liệu lưu hành nội bộ trong Tổng Liên
đoàn, theo đó, Tổng Liên đoàn đề nghị cơ quan công an bắt giữ, xử lý các
công nhân tổ chức đình công.
Tất cả các công đoàn, muốn hoạt động, đều phải đăng ký với Tổng Liên
đoàn. Và theo quy định của pháp luật thì chỉ có các công đoàn có đăng
ký đó mới được phép tổ chức đình công. Bộ luật Lao động cũng bắt buộc
công nhân phải thực hiện quá trình hòa giải trước rồi mới được tiến hành
đình công. Với những đòi hỏi khắc nghiệt như vậy, có thể hiểu ngay tại
sao 95% đình công ở Việt Nam lại là bất hợp pháp.
Tương tự, 95% các cuộc đình công mỗi năm liên quan đến vấn đề tiền
lương. Kể từ năm 2008 khi Việt Nam bắt đầu sa vào suy thoái kinh tế,
công nhân là tầng lớp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ phải sống với mức
thu nhập thấp kém, phải làm việc ngoài giờ không được bù đắp, nhiều
người không có bảo hiểm, nhất là ở khu vực tư. Điều kiện lao động cũng
sa sút và nạn ngộ độc tập thể diễn ra ở nhiều nơi.
Cách đây mới hơn một tuần, 200 công nhân ở một công ty tại TP.HCM đã
bị ngộ độc. Trước đó, vào ngày 15/5/2014, hơn 500 công nhân ở Thanh Hóa
cũng bị ngộ độc vì dùng nước uống nhiễm độc do công ty cung cấp. Và đấy
chỉ là những vụ việc được dư luận biết đến. Chắc hẳn phải có rất nhiều
vụ tương tự xảy ra ở Việt Nam mà không ai hay biết và cũng chẳng ai phải
chịu trách nhiệm.
Cưỡng bức lao động cũng là một sự vi phạm quyền lao động khác nữa.
Chúng tôi được nghe các tù nhân lương tâm phản ánh về tình trạng tù nhân
bị bóc lột, bị sử dụng cho việc sản xuất hàng may mặc, đồ mộc, bóc hạt
điều…
Thưa quý vị,
Chúng tôi biết rằng, nếu bị phát hiện vi phạm quyền lao động, nhà
nước Việt Nam có xu hướng muốn nộp tiền phạt (và tiền phạt đó lại đổ lên
đầu doanh nghiệp) thay vì chịu tăng thuế suất.
Chúng tôi cũng hiểu rằng với việc trả tự do sớm cho Đỗ Thị Minh
Hạnh, nhà nước Việt Nam chỉ muốn thể hiện với thế giới rằng họ tôn trọng
quyền của người lao động.
Thưa quý vị,
Tôi đã nói nhiều về những vi phạm quyền lao động, còn bây giờ tôi
muốn kết thúc bài trình bày của mình bằng cách lưu ý quý vị rằng vẫn có
ánh sáng cuối đường hầm. Facebook hiện rất phổ biến ở Việt Nam, giúp kết
nối mọi người, và có hàng chục NGO “không đăng ký” đang tích cực hoạt
động bảo vệ và thúc đẩy quyền con người (*).
Tôi muốn nói với quý vị rằng: Không thể có hiệp định thương mại nào
được ký kết nếu quyền của người lao động không được thực thi. Hãy coi
việc thực thi quyền ấy như là điều kiện tiên quyết của bất kỳ hiệp định
thương mại nào. Người dân Việt Nam chúng tôi mong muốn kinh tế thịnh
vượng, nhưng phát triển kinh tế phải đi đôi với các quyền tự do. Xin quý
vị hãy đồng hành cùng chúng tôi trên con đường này.
(*) VOICE, Liên đoàn Lao động Việt Tự do, v.v.