Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Kitsch (rởm, sến) là gì?

Sam Binkey
Nguyễn Như Huy chuyển ngữ
Kitsch có lẽ là một trong những khái niệm xưa nhất, thô sượng nhất, và nhòe mờ nhất để diễn tả về nghệ thuật đại chúng trong các xã hội hiện đại, mặc dù, đồng thời, nó cũng là khái niệm được hiểu một cách phổ biến nhất trên toàn thế giới. Xuất hiện lần đầu tiên trong các bài viết phê phán về văn hóa và xã hội vào thời điểm cuối thế kỷ 19 nhằm diễn tả cái hiệu ứng của nền tân công nghiệp hóa đang tác động trên nền văn hóa chung của các quốc gia phương Tây, khái niệm này, theo dọc thế kỷ, đã thu vào lòng và mang chở vô số kể những ý nghĩa, đôi khi tương phản với nhau, trong cách sử dụng . Không thể xác định được về mặt từ nguyên học một cách chính xác khái niệm “Kitsch”: Một vài ý kiến cho rằng từ ” Kitsch” có lẽ bắt nguồn từ chữ “Keetcheetsya” của Nga, với ý nghĩa “ngạo mạn và rỗng tuyếch”, tuy thế, phần lớn ý kiến lại cho là khái niệm này xuất hiện lần đầu tiên tại hội chợ nghệ thuật Munich vào năm 1860, khi từ “kitsch” được sử dụng để diễn tả những bức tranh giá rẻ hay các “sketches” [các bức vẽ phác]. (Chữ tiếng Anh do người Đức phát âm, hay là sự nuốt nguyên âm củ động từ tiếng Đức “Verkitchen”, có nghĩa là “hạ giá”).

Các nghệ phẩm Kitsch đã cuốn hút những khiếu thẩm mỹ ngây thơ (naive) của giai cấp trung lưu mới xuất hiện tại Munich, theo mẫu đặc trưng của dạng Nouveau rich (giầu xổi), những kẻ khao khát các đồ vật mà họ cho là dấu hiệu của khiếu thẩm mỹ cao cấp (high-taste), tuy chẳng hiểu chính xác cái thẩm mỹ cao cấp ấy là gì. Cũng giống như các khái niệm “khiêu dâm” (pornography), “nghệ thuật”, hay một số khái niệm trơn trượt khác, Kitsch dễ dàng được hiểu thông qua thí dụ hơn là qua định nghĩa. Tính chất Kitsch có thể được thấy thông qua các pho tượng trang trí, đồ nữ trang rẻ tiền lòe loẹt (chackas), những đồ tạo tác lặt vặt dùng để tỏ bầy tình cảm, những đồ lưu niệm, và các đồ trang trí, sự ngây ngô, non nớt kiều trẻ nít, tức những thứ mà, một cách đơn sơ, tạo ra các ý nghĩa giúp người ta cảm thấy thú vị hơn với bản thân cũng như thêm yêu đời. Tuy thế, kitsch không chỉ đơn giản là những dạng thức trang trí, mà thậm chí nó còn là sự thổi phồng một cách giả tạo tính dễ dãi (comfort) của trang trí để rồi chuyển hóa thành một sự tỏ bầy theo kiểu mỹ học “xạo” lạ lùng. Từ đó, có hai khía cạnh quan trọng của cái Kitsch cần được mô tả: Kitsch chính là kiểu cách mỹ học độc đáo, nhưng cũng là cái kết quả của những thay đổi đặc trưng trong môi trường lịch sử và xã hội. Khi là kết quả của những thay đổi lịch sử Kitsch được tạo ra nhờ qúa trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, và sự nổi lên của tầng lớp trung lưu. Khi là một phẩm chất thẩm mỹ: Kitsch liên gộp mọi tính chất ganh đua nơi các hình thái cũng như kiểu thức của dạng nghệ thuật cao cấp cùng sự ỷ lại nhàn nhã và những cách bộc lộ sống sượng ra những cảm giác phè phỡn về thẩm mỹ. Dưới nhãn quan được nhìn qua hai khía cạnh này của cáiKitsch, các nguyên nhân lịch sử và chiều kích mỹ học sẽ được lần lượt xem xét.
Vào khoảng giữa thế kỷ 19, những phát kiến mang tính cơ giới trong việc sản xuất, phân bố cũng như bán lẻ hàng hóa thương mại, cùng với xu hướng đô thị hóa đã làm cho những sản phẩm tạo chế mang mầu sắc văn hóa số đông có thể tới được với mọi người. Tại Âu châu và Bắc Mỹ, vị thế bề trên của tầng lớp tăng lữ đã buộc phải chấm dứt bởi những biến chuyển về mặt kinh tế đã tạo ra một tầng lớp trung lưu mới mẻ và đông đúc tại các thành thị.Những nông dân và công nhân truyền thống với niềm tin vào các hình thái văn hóa có tính chất xưa cũ, quê mùa, và bản địa đã tìm mua những đồ nữ trang, đồ trang trí, và các tượng nhỏ lòe loẹt rẻ tiền để trang hoàng cho các căn phòng của họ nơi thành phố. Với thu nhập đủ xài và thời gian rỗi đủ để sử dụng, tầng lớp lao động thành thị mới mẻ này đã cố gắng tìm kiếm sự giải trí và vui chơi cho mình, nhưng quan trọng hơn cả, là họ đã muốn tạo nên một vị thế mới cho bản thân họ như những kẻ có văn hóa, những kẻ thạo đời, thông qua việc trưng khoe cái khiếu thẩm mỹ của họ đối với những “đồ vật đẹp đẽ”. Những lao động bậc thấp này kéo bầy theo sau những món vật xa xỉ được tạo sản ra cho khối lượng lớn, đặc biệt, thừơng là những các sản phẩm xa xỉ giả tác giá rẻ, những món vật “mỹ thuật” được tạo chế một cách thô vụng và nhanh tiện để cho giống với những sản vật sang trọng, đẹp khéo và cao cấp của giới thượng lưu cũ: đồ gỗ mạ vàng, chuỗi hạt kim cương thủy tinh, đèn nến chạm trổ, tranh giả, những bản sao của các tượng hay đồ gốm cổ cũng như các đồ trang hoàng tiền sảnh theo nghĩa tạo ra được thật nhiều hiệu quả mà không phải tốn quá nhiều tiền bạc hay công sức. Vào thời điểm các xã hội đang bắt đầu quá trình công nghiệp hóa, cũng là thời điểm vô số người đang bắt đầu làm quen với những sản vật của một nền văn hóa đại chúng mới, Kitsch đã xuất hiện như thể mẫu số văn hóa chung thấp nhất của xã hội hiện đại, vượt xa mọi sự phân định của các giai cấp cũ bằng những kỹ năng tiêu thụ mang tính đại chúng (mass consumption) mới mẻ. Và bởi các nguyên nhân vừa nêu, sự nổi lên một cách rộng rãi của cái Kitsch thường bị quy lỗi cho sự xói mòn của “nền văn hóa cao cấp” (high-culture) có tính chất chuyên tinh (elite), sự tiêu vong của nền văn hóa dân gian “folk culture” mang tính địa phương, và sự ” đần hóa” (dumbing down) mà các xã hội hiện đại mang tới.
Sự tràn ngập các đồ vật có tính chất Kitsch, từng bước một, đã làm thay đổi toàn bộ mọi hành vi định nghĩa bản thân cái đẹp. Không giống như tầng lớp tinh chuyên truyền thống, những người thường miệt mài tu dưỡng sự tinh khéo và rèn luyện kiến thức cũng như tỏ lòng ngưỡng vọng với những vẻ nét tinh tế của sự bộc lộ nghệ thuật chân chính, tầng lớp xổi mới không có bất kỳ một khiếu thẩm mỹ tinh tế nào cả, họ ưa thích những loại nghệ thuật ồn ã, trực tiếp, và quá trớn. Nơi nghệ thuật chân chính đòi hỏi những nỗ lực diễn giải, sự tri nhận thông qua kiến thức, và dâng tặng cho người xem những thách thức hợp đạo lý và riêng tư, nơi ấy cái Kitsch của dạng nghệ thuật được sản tạo hướng về đại chúng lại tìm cách sao cho có thể đến được dễ nhất với số lượng người đông nhất. Nó tìm ra con đường ngắn nhất, giản tiện và trực tiếp nhất. Nó thích thú với những phương cách bộc lộ thiên về quá trớn bằng cách thêm mắm thêm muối các chi tiết và thổi phồng các hiệu ứng. Về nguyên tắc tạo nên cái đẹp, các nhà cung ứng Kitsch suy luận theo quy tắc : “càng nhiều càng ít” (Nguyên văn: more is better) : Tại sao cái đèn treo kia chỉ có toen hoẻn mấy cái rua thủy tinh trong khi vẫn còn dư ra bao nhiêu là chỗ để thêm vào những ngọn nến điện hay mấy thiên thần thạch cao? Tại sao chỉ hài lòng với mấy bức tượng vệ nữ ở Milo trơ trọi trong đại sảnh trong khi có thể thắp đèn mầu hồng ở phía sau mấy bức tượng ấy, tạo ra nhiều ép phê hơn? Tại sao đã vội chấp nhận bức tranh phong cảnh biển sơ sài bằng sơn dầu kia trong khi có thể thuê vẽ một cái to hơn nhiều với những ngọn sóng bự tổ chảng, hải cẩu, với mặt nguyệt mờ tỏ xa xa trên mái lầu ngói xô lấp lánh ? …
Dạng nghệ phẩm sản tạo hướng về số đông của giai cấp mới tuyên bố một cách giản đơn về những hiệu ứng mà nó định tạo ra: “đẹp” (beauty), “lạ” (exotica), “cảm động” (sentiment).Những dấu nung quen thuộc đóng trên trán của cái Kitsch là: những cánh đồng nở hoa rực rỡ hay các khuôn mặt xinh hồng trẻ thơ vv…, thừơng tạo ra phản ứng thẩm mỹ thẳng căng trong những bút pháp trực tiếp thông qua sự lạm dụng của chúng đối với thủ pháp thổi phồng, cường điệu hóa. Tuy nhiên, thậm chí khi cái Kitsch tối đa hóa các hiệu ứng mỹ học, thì đó cũng là lúc nó bầy tỏ sự thèm muốn của mình với dạng nghệ thuật cao cấp, bởi việc tự sử dụng chính những tiêu chuẩn của dạng nghệ thuật cao cấp ấy để đánh giá mình. Kitschtin rằng bản thân nó mang theo sự chân chính, sự thanh nhã, và thậm chí, sự sâu sắc – y như là nghệ thuật cao cấp vậy. Do đó, cái phẩm chất của hiệu ứng tối đa hóa này trong hình thái của văn hóa cao cấp đã định nghĩa khía cạnh quan trọng của Kitsch.
Nhưng chưa hết, còn hơn cả sự bất nhã và cường điệu, những gì làm cho Kitsch trở thànhkitsch còn nằm ở chính sự ỷ lại của nó vào sự nhàn nhã, “hạnh phúc” và cảm thức giả tạo về niềm “vui sống”. Kitsch trưng khoe ra những trải nghiệm thừơng nhật mang tính “khoái dễ, nhàn tản và tiện nghi” cũng như những hình ảnh ấm cúng một cách giả tạo, sơ sài hóa và được dàn dựng về thế giới, nó thừa nhận cảm giác dễ dàng và vô tư lự của niềm vui. Kitschđã đạt tới những khía cạnh kể trên thông qua nhiều phương cách: như tranh của Norman Rockwell vẽ những thị trấn nhỏ ở nước Mỹ là một thí dụ, qua đó, cái Kitsch đã được bộc lộ qua những cảm thức được dàn dựng thể hiện ra những nỗi ngạc nhiên trong trắng và có vẻ ngốc nghếch trước mọi con người và sự kiện bình thường, đặc biệt là trước trẻ thơ, muông thú, cùng những ông bà lão phúc hậu mà đời sống thừơng nhật của họ được vống lên tới tầm mức của những đức hạnh tối hậu của con người. Không có chỗ cho sự mập mờ trong các nhân vật của Rockwell, họ luôn là những con người đẹp đẽ, và vì thế, khi xem các bức tranh ấy, người xem đã bị đưa ngay vào dưới một áp lực có tính trực tiếp và khó lầm lẫn
Kitsch nhắm tới những phản ứng nông dễ nhất mà nó có thể thu hái, nó thích thú việc đưa người xem trở lại những cảm xúc nhàn nhã và quen thuộc, hơn là thách thức họ bằng những gì mới mẻ. Bởi lý do đó, Kitsch luôn khêu gợi sự uỷ mị, như trong các tác phẩm của Margaret Keane chẳng hạn. Họa sỹ này rất quen thuộcvới những hình ảnh anh hề với đôi mắt ướt hay các em thơ với đôi mắt tròn to như trái hạnh. Những hình hài tràn đầy nhựa sống trong tác phẩm của Keane đã vắt cạn những phản ứng của chúng ta trước khi chúng ta biết là chúng ta bị tấn công bởi điều gì. Và những phản ứng rất mực đơn sơ, sáng sủa, và nỗi hân hoan trắng phớ ra ấy của chúng ta, đã được bắt nguồn từ những tạo tác cũng đơn sơ, sáng sủa và hân hoan trắng phớ ra như thế: những em bé xinh đẹp. Tuy nhiên, với cả hai người, Rockwell và Keane, khía cạnh cao cấp trong các bức tranh của họ là: cho dù chủ đề các tác phẩm của họ có vẻ dễ dãi và nông cạn, chúng hoàn toàn không phải là sự trang trí thuần túy. Chúng là những sự biểu hiện mang tính nhân bản và chân thành về những phẩm chất nền tảng của con người, chúng kêu gọi những sự kính trọng và ngưỡng phục luôn tồn tại trong tâm hồn tất cả chúng ta đối với tính nhân văn. Theo cách nhìn này, có vẻ như cáiKitsch xinh xẻo đã tạo nên sự lôi cuốn tương đương với những giá trị cao cả hơn của vẻ đẹp con người mà nghệ thuật cao cấp từng tạo ra vậy. Và, một điều cũng rất quan trọng cho cái Kitsch, đó là phản ứng xu phụng và đẫm lệ mà những hình ảnh Kitsch yêu cầu từ người xem đã tạo ra, bằng cách này hay cách khác, một điều gì như thể sự đoan chính, sâu sắc và nhân bản. Những người xem bị lừa bẫy vào cảm thức rằng: cái vẻ xinh đẹp của bức tranh mô tả đời sống thường nhật thôn dã nào đó, cũng biểu hiện ra những giá trị mang tính bản chất tương đương với vẻ sống động mà Michaelangelo từng ban cho bức tượng chàng David
Tất cả những sự quen thuộc và nhàn tản này, được vống lên tới tầm mức của những tỏ bầy mang tính nghệ thuật chân thành, rồi được khuếch đại thông qua những hiệu ứng cường điệu hóa, rồi cuối cùng trở nên nông dễ để rốt cục – có thể tới được với số lượng người đông đúc nhất. Nói một cách ngắn gọn, cái Kitsch cố gắng đòn vọt để lừa chúng ta vào những xúc cảm thẳng tưng và dễ. Chúng ngụy tạo sự nhàn dễ và uỷ mị thành ra những sự tỏ bầy mang tính nhân văn thâm thúy hay những ý nghĩa sâu sắc riêng tư. Kitsch thích trưng khoe ra với chúng ta những gì chúng ta quen thuộc nhằm bảo vệ chúng ta khỏi nỗi bất an khi phải đối mặt với một điều gì đó mới lạ.
Nhưng khái niệm Kitsch, tuy thế, lại là một cái khái niệmmang tính chất nhẹ dạ, biến hóa, và mơ hồ. Nó có thể thích nghi một cách vô tận với các tình thế lịch sử đặc trưng mà trong đó nó được sử dụng. Những tình thế khi có sự xuât hiện của văn hóa đại chúng. So sánh vài cách sử dụng quan trọng nhất của khái niệm Kitsch này, chúng ta sẽ thấy vì sao mà một số người lại thích sử dụng khái niệm ấy một cách mỹ học, trong khi một số người khác lại sử dụng nó theo chiều kích lịch sử và xã hội.
Nhà văn Áo Hermann Broch đã từng tranh biện về sự phát triển của cái Kitsch trong thế kỷ 19, và mối liên nối của nó với chủ nghĩa lãng mạn: cả cái Kitsch lẫn chủ nghĩa lãng mạn đều hứa hẹn một chuyến bay hiện đại lạ đời từ hiện thực tới cái thế giới được bảo vệ tách biệt khỏi mọi trạng thái căng thẳng và lưỡng lự của đời sống hiện đại. Bài viết của ông“Notes on Problem Kitsch” (Những ghi chú về vấn đề Kitsch) đã chỉ ra việc cái Kitsch đã ngỏ lời đường mật ra sao nhằm thuyết phục rằng việc trốn thoát khỏi hiện thực chính là một trải nghiệm có tính chất mộng mơ hạnh phúc nhất, yên tĩnh nhất, hài hòa ngọt ngào nhất, cũng như là một chuyến không du êm ái tới quê hương của sự nhàn nhã.
Bài viết của Broch đã dò tới gọn nguồn của sự nhàn nhã, chính là một sản phẩm do những đổi dời lịch sử gây ra: Tính chất nhàn nhã của cái Kitsch có nguồn gốc từ sự nổi lên của chính tầng lớp trung lưu đã sản sinh ra Kitsch. “dạng khiếu thẩm mỹ dành cho sự nhàn nhã kiểu sinh hoạt gia đình này”, Broch viết, “đã trở nên gia huy cho giai cấp trung lưu, chứng nhận sự hợp pháp của giai cấp ấy, cạnh tranh với những khát vọng dạng chuyên tinh của nghệ thuật quý tộc”. Theo hướng này, cái giá trị mang tính trung lưu giai cấp của sự nhàn nhã đó đã được thổi phồng lên đến tầm mức kiêu mạn, thách thức vị thế của nghệ thuật cao cấp, vào lúc nó học được cách giả trang thành nghệ thuật cao cấp.
Vào thế kỷ 20, Kitsch đã được tạo thêm những ý nghĩa mới bởi những kẻ chỉ trích văn hóa đại chúng, một cách đặc biệt, các trí thức cánh tả đã sử dụng Kitsch để chỉ trích nền văn hóa của “xã hội tiêu thu” mới mẻ cũng như xã hội đại chúng. Với Dwight MacDonald, Irving Howe và những người khác, Kitsch đã không còn bị ghép tội về sự xói mòn của nền văn hóa mang tính chất chuyên tinh và bản địa nữa, mà, thông qua sự thao túng cái ý thức của đám đông, chế ngự quan điểm tư duy và văn hóa của họ bằng các cuộc rải thảm bom Kitsch với truyện tranh, radio, các chươnh trình TV, và phim ảnh, trưng khoe ra những quan điểm xã hội mỹ học và tình cảm giả tạo. Coi những người trưởng thành như trẻ nít, cái Kitsch mới điểu khiển đám đông một cách dễ dàng hơn thông qua việc thiểu hóa nhu cầu văn hóa của đám đông thành ra sự thỏa mãn dễ dãi chỉ với phim hoạt hình Disney, văn chương ba xu, và các tiều thuyết lãng mạn.
MacDonald từng viết: “Những lãnh chúa của Kitsch, nói một cách ngắn gọn, đã khai thác nhu cầu văn hóa của đám đông để kiếm lời cũng như (hoặc) để duy trì luật lệ của giai cấp họ.” Với một số bình luận gia của thập kỷ 50, viết lách trong thời cực thịnh của lý thuyết văn hóa đại chúng, dường như cái sách lược mang tính tuyên truyền từng phục vụ rất tốt cho chủ nghĩa Phát xít cũng như chủ nghĩa Cộng sản cũng đang hoạt động trong cái Kitsch của chủ nghĩa Tư bản Mỹ và văn hóa đại chúng, hút cạn óc não của khách hàng để rồi thay thế vào đó sự tuân phục vô điều kiện trước uy quyền. Thậm chí có bình luận gia từng tin rằng tính tàn bạo cũng chính là hiệu ứng của Kitsch khi so sánh thái độ khùng khùng và bạo lực của vịt Donald với những hành động tàn ác của quân đội Mỹ.
Kitsch cũng còn là bị cáo trước những quan tòa bảo vệ cho văn hóa tiền phong (avant-garde), mà vị quan tòa nổi tiếng nhất phải kể đến là Clement Greenberg, với bài viết kinh điển “Avant Garde and Kitsch” (Tiền phong và Rởm), một trong những bài viết xuất sắc nhất về chủ đề này. Greenberg, với mục đích biện biệt giữa cái tiền phong và cái văn hóa bình dân đại chúng, đã làm làm nhục cái Kitsch khi chỉ ra phẩm chất ký sinh ma cà rồng của nó vào lúc nó rình cắn hút sinh huyết từ công sức của các nghệ sỹ chân chính cũng như nuôi giữ đám đông trong trạng thái u mê và mơ hồ về văn hóa. Với Greenberg, cái Kitsch đã chính là “mẫu mực cho tất cả những gì giả mạo trong đời sống mọi thời đại của chúng ta.”
uy nhiên, mọi lý lẽ phê phán Kitsch lại đều buộc phải đặt bản lề trên cái giả định về chất lượng mang tính khách quan của khiếu thẩm mỹ giữa cái Kitsch và cái phản Kitsch. Người ta không thể mặc nhiên gọi một cái gì đó là Kitsch, nếu ngay lúc ấy, không ngầm giả định rằng, có một tiêu chuẩn về cái đẹp mang tính phổ quát ở đâu đó, sẽ đối nghịch hoàn toàn lại với cái mà họ đang buộc tội là Kitsch. Vào thời điểm kết thúc thế kỷ 20, cùng với cường độ ngày càng tăng của sự nhấn mạnh vào tính đa dạng văn hóa, và sự thừa nhận mang mầu sắc “hậu hiện đại” đối với mọi tiêu chuẩn tương đối của cái đẹp trong các xã hội khác nhau, tiêu chuẩn khách quan của khiếu thẩm mỹ phổ quát đã không còn dễ dàng nhận diện được nữa.Trong khí quyển của chủ nghĩa đa văn hóa và thuyết tương đối văn hóa, cái danh từ Kitschtheo nghĩa là một khái niệm diễn tả trạng thái muôn mầu muôn vẻ mang tính thấp kém cố hữu của nghệ thuật và văn hóa đã dường như đã không còn lý do chính đáng để tồn tại. Và bởi thế, trong rất nhiều lý thuyết phê phán văn hóa cuối thế kỷ 20, Kitsch đã không còn được sử dụng. Một cách nào đó, vào cuối thập niên 90, khi sự say sưa với cái Camp (bóng)(1) - tức sự thưởng thức mang mầu sắc châm biếm với cái kitsch, và khác biệt hẳn với cái Kitsch - đã thay thế Kitsch, định nghĩa cho khiếu thẩm mỹ của nền văn hóa bình dân, thì việc tiếp tục sử dụng khái niệm Kitsch theo kiểu cổ điển dường như đã trở nên rất khó được chấp nhận.
Những nhà “khảo cứu văn hóa” khi tiếp cận với văn hóa bình dân, đã từ khước khái niệmKitsch này, ít nhất trong những cách sử dụng theo nghĩa xấu và mô phạm từng được hình thành trong thế kỷ 19 do các lý thuyết gia nghiên cứu văn hóa đại chúng.
Tuy nhiên, Kitsch đã không chịu biến mất mà đã xuất hiện trở lại trong một số bài viết mang tính sáng tạo. Cái thế giới đóng khép, khéo xảo của Kitsch, cùng cảm thức mơ mộng dễ thương và vui sống đã hứa hẹn những phân tích văn hóa hóc búa, ngay cả khi cái Kitsch đã hết còn bị ràng buộc vào bởi những lời kết tội đanh thép ở khía cạnh giá trị mỹ học hay ở khía cạnh là cái công cụ để chế ngự đám đông. Hai bài viết nổi bật về Kitsch tron giai đoạn mới. Một là: đoạn văn trong cuốn “Đời nhẹ khôn kham” [the Unbearable Lightness of Being] của Milan Kundera, trong đó ông biện giải về cái Kitsch của xã hội cộng sản, thông qua sự vống lên những niềm hân hoan tạo chế của cảm giác chứa chan tình cảm kiểu vô thức tập thể trong đời sống xã hội cũng như tình đồng chí thân thiện gượng ép của những người cùng phe nhóm. Khía cạnh thứ hai đen tối hơn của cái Kitsch lại được phát hiện bởi Saul Friedlaner trong bài viết của ông: “Những suy tư về chủ nghĩa quốc xã: tiểu luận về cái rởm và sự chết chóc” [Reflections of Natzism: an Essay on Kitsch and Death]. Trong bài tiểu luận đó, Friedlander đã vạch trần ra những phương cách mà trong đó cái Kitsch của chủ nghĩa quốc xã (trong kiểu dạng hoàn toàn khác với những hình thái chuẩn của cái kitschmang tính giải trí của chủ nghĩa tư bản) kích thích niềm đam mê bệnh hoạn đối với sự chết chóc thông qua hình ảnh thống thiết trong những cái chết bi hùng của các chiến binh.
Thật ra là, khi thoát khỏi những nhà ngục tinh chuyên (elitist), Kitsch đã trở thành một khái niệm mạnh mẽ diễn tả trạng thái mê ngất lạ lùng của sự nguỵ chế (synthetic), đặc trưng cho văn hóa tiêu dùng vào thời đểm kết thúc thế kỷ 20.
(1)Camp (bóng): Cái cảm giác mê thích sự xảo khéo, sự kiểu cọ, sự sân khấu hóa, sự châm biếm, sự khôi hài và sự cường điệu hóa quá trớn, như cái định nghĩa nổi danh của Susan Sontag về khái niệm này trong bài viết “Notes on Camp” của bà. Theo Sontag “cảm thứcCamp mang tính chất rỗng, giải trính trị hóa, hay ít nhất: phi chính trị.” Tuy nhiên, một vài nhà hậu hiện đại, nữ quyền luận, và các lý thuyết gia đã lại tìm ra những cách thế mà cáiCamp có thể gây sự với niềm tin về sự chia giống mang tính định mệnh và hằng hữu chống lại mọi dạng thức tình dục lệch lạc. Như Sontag biện luận, “Không phải tất cả những người đồng tính luyến ái đều có cái khiếu thẩm mỹ kiểu Camp. Nhưng những người đồng tính luyến ái ấy, nhìn chung, đều có cảm thức làm quá lên (vanguard) và đều là những công chúng rất mạch lạc của cái Camp.” Bằng thói cầu kỳ hóa rất riêng mang mầu sắc tình dục một cách cường điệu, cái cảm thức Camp đồng bóng lạ lùng ấy được coi là luôn mang chở theo những thái độ có tính trình diễn.
Camp cũng được gắn chặt với chủ nghĩa hậu hiện đại. Như Sontag đã viết “cái Camp đặt tất cả mọi sự vật vào trong dấu ngoặïc kép. Không phải là nguồn sáng mà là “nguồn sáng”, không phải là đàn bà mà là “đàn bà”. Nhìn theo cách này, thuật ngữ Camp gợi nhớ tới cách hiểu vô cùng quen thuộc của Linda Hutcheon về cái sự biếm phỏng mà Hucheon coi như thể một trong những nét đặc trưng tiêu biểu nhất của nghệ thuật hậu hiện đại.
Mối liên hệ của cái (tính chất) Camp với cái (tính chất) Kitsch là rất mật thiết. Camp có thể được coi là cái bản ngã tự ý thức của Kitsch. Khi Sontag viết “Rất nhiều ví dụ của Camp đều chỉ vào những sự vật mà, từ quan điểm nghiêm túc, đều không phải là cả dạng nghệ thuật tồi (Bad Art) lẫn Kitsch. Chính lúc đó có lẽ Sontag cũng đã thừa nhận rằng “có vài dạng nghệ thuật được coi như mang tính chất Camp… xứng đáng cho mọi khảo sát và ngưỡng vọng nghiêm túc”. Sontag cũng phân biệt giữa cái “Camp thuần khiết”(Pure Camp) – cái đã lên tới mức của Kitsch, cái mà giờ đây chúng ta có thể nhận ra như là sự hài hước (nói một cách khác, cái Camp này nằm ở phía công chúng thưởng ngoạn, chứ không nằm ở phía tác giả), và cái “Camp tự biết mình là Camp” do đó, tự hài lòng với bản thân.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"