Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Những khẩu hiệu ở Sài Gòn

Khải Đơn
Dân Luận: Xin giới thiệu tới độc giả một bài viết về cuộc biểu tình ngày 18/5/2014 tại Sài Gòn. Những khẩu hiệu này vẫn còn nguyên tính thời sự.
Sáng nay, trong hàng trăm người tập trung ở nhà thờ Đức Bà, tôi nhìn thấy những tấm biển giơ lên:
“Hãy đưa ngay TQ ra tòa án Q.Tế – Let’s sue China to International court right now”
Nâng dân trí, chấn dân khí, Việt Nam là “tiểu quốc” nhưng không phải “nhược quốc”
Những người đi bộ mang tờ giấy mỏng ghi khẩu hiệu đó cứ đi về phía trước, họ hô vang lời mình muốn nói. Họ đi trong bình tĩnh, chậm rãi.
Khi nhìn dòng khẩu hiệu “Nâng dân trí, chấn dân khí, Việt Nam là “tiểu quốc” nhưng không phải “nhược quốc” – tôi gần như đã rơi nước mắt. Đó là một bạn rất trẻ.
img_4621.jpg
Tôi sẽ kể cho bạn nghe một chuyện khác, về một phụ nữ ở trong quê, cách thị trấn tôi đến gần 40km. Con gái bà bị hiếp dâm. Sau một lần công an huyện gọi bà lên và bảo “Nhà đó nói gửi chị 6 triệu đền, chị chịu thì lấy, chứ không khởi tố được.” – Bà thẳng thừng nói “Tôi không bán trinh con gái tôi 6 triệu.”
Từ đó trở đi, từ một người phụ nữ không biết viết cái đơn, chỉ biết đi ra chợ nhờ người gõ máy tính viết dùm, bà và chiếc điện thoại Nokia của bà, đã được một cậu bé trong quán cafe chỉ cho cách lên mạng internet. Bà đã tìm luật trên google, tìm xem vụ án con gái bà ở khung hình phạt nào, là hình sự hay sao, trong điều nào quy định ra sao. Khi gặp tôi, bà kể rằng khi phóng viên báo tỉnh xuống viết về vụ án của bà, “người ta” đã đến và dọa bà sao dám gửi đơn lên nhà báo. Bà nói với họ: “Theo điều luật này, tôi thấy chuyện của con tôi thế này, nếu các anh không làm, thì tôi gửi đơn đi nơi khác.” – Bà đã làm chuyện đó 1 năm – bà bảo bà không cần người ta phạt tù kẻ đã hiếp dâm con gái bà, mà bà cần pháp luật xử công minh, rõ ràng chứ không phải lời nói miệng nhận 6 triệu tiền đền là xong.
Chưa bao giờ tôi thấy tri thức có thể trở thành sức mạnh kinh khủng đến vậy với một người phụ nữ không hề ăn học gì và chỉ biết đọc chữ. Thậm chí cái trình duyệt của bà trên điện thoại nokia cũng chỉ là một trình duyệt mobile rất tối giản, mà bà đã dùng nó để đọc hàng trăm vụ án hiếp dâm trên báo, đọc các bộ luật, và tìm đến luật sư trong các chương trình hỗ trợ luật pháp miễn phí để tìm hiểu sự việc. Người luật sư tôi gặp đã nói bà là một trong số ít người khi đưa hồ sơ cho ông xem lại hiểu rõ ràng sự việc của chính mình đến thế. Tri thức đã trở thành sức mạnh, như một cái đà đẩy, kích lên từng con người một, để họ có thể thực hiện được những điều cần thiết – để bảo vệ mình, gia đình mình và xa hơn nữa là Tổ quốc mình.
Nếu ai hay làm việc ở nông thôn sẽ hiểu người dân đói khát tri thức đến thế nào. Tri thức chỉ dừng lại ở cái trường cấp 1,2,3 con họ đi học, với mớ kiến thức mù mờ và vô dụng. Tri thức chỉ dừng lại ở những tấm biển căng ra ở ủy ban xã, phát tờ rơi đến nhà họ, hoặc bản tin bằng chữ trên đài truyền hình cấp huyện phát 30 phút mỗi ngày. Trong tất cả các thông tin ấy, họ chỉ được yêu cầu phải nghe lời, làm theo, chấp hành, nghiêm chỉnh…. Không có thông tin nào giải thích rằng họ có thể bảo vệ và làm cuộc sống của mình giá trị và mạnh mẽ hơn. Không có một kiến thức nào dạy họ rằng họ có thể hỏi khi người khác làm sai và xâm hại vào cuộc sống riêng tư của họ.
Khi cái điện thoại Nokia kia đến tay người đàn bà trong quê, bà đã sờ tới tri thức, thứ thông tin có thể giúp bà gặng hỏi chính quyền khi họ làm gì đó chưa thích hợp với bà và bà chưa được giải thích cặn kẽ. Thứ thông tin kia không phải thanh kiếm ta vung lên và giết ai, mà nó là một cái điện thoại, nơi người dân nghèo khổ, ngu dốt có thể tìm ra một phương thức ôn hòa để bảo vệ bản thân và gia đình mình – dù rất khó khăn.
Tấm băng-rôn trong cuộc biểu tình sáng nay xuất hiện trong tay một bạn trẻ, nó nhắc tôi rằng mỗ chúng ta, mỗi người rất trẻ, đều có thể tham gia vào cuộc chăm sóc và bảo vệ quê hương của mình. Có những người đã đi đến vùng nông thôn để chỉ dạy cho nông dân về cách tránh dịch bệnh cho gà, lúa miễn phí. Có người đã đến và đưa vào tay họ những quyển sách luật và chỉ họ nên đọc thế nào. Có người đến và tặng cho người ở xa một tủ sách có đầy đủ sách nông nghiệp và truyện cho trẻ con.
Khi tăng thêm “sức đề kháng” bằng tri thức cho mỗi người nông dân rất khỏe về tinh thần nhưng yếu về tri thức, là lúc mỗi người Việt Nam có thêm trong tay mình khí cụ để trở thành một nhà trí thức, dịch những văn bản về tiếng nói của Việt Nam, viết những bài viết, sưu tầm tài liệu về biển đảo… và biến quê hương mình thành một ngọn giáo trước những kẻ ngoài biển đang chực chờ.
Không có một cách ngắn hạn để kết thúc xung đột. Cũng không có một cách đơn giản để làm những cuộc biểu tình trở nên giá trị hơn. Giá trị lớn nhất mà tôi (một người bình thường và chết nhát) biết và có thể làm được, giống như bạn bè tôi, biết về ngành nuôi trồng thủy sản, biết về ngành lịch sử, ngành hành chính, đang làm các công việc thêm để giúp những người nông dân mình quen có thêm sức mạnh – để họ (hay con cái họ) bước vào hàng ngũ trí thức – và trở thành những kẻ mạnh trong một dân tộc bé và mạnh mẽ.
Tôi từng thấy một nhà nghiên cứu văn hóa hàng ngày vẫn làm công việc miễn phí là chỉ giúp nông dân cạnh nhà ông viết đơn đi làm giấy tờ, chuẩn bị hồ sơ đi xin việc, chuẩn bị hồ sơ đi làm CMND hay viết một cái đơn xin trợ giúp… Những người đang làm những việc rất bé, rất bé đó, đang thay đổi xã hội Việt Nam này.
Có lẽ nhiều người giống như tôi (yếu và chết nhát), chẳng thể nào mạnh mẽ như những bác già và bạn trẻ cầm biểu ngữ kia – đứng trong một đám đông và bị xô đẩy, chèn ép, ăn cùi chỏ. Nhưng mỗi người như tụi mình, đơn giản là có thể làm mọi việc mình biết, mình hiểu, dựa vào những bát cơm nông dân của cha mẹ ta đã từng ăn suốt thời bé thơ, giờ có thể làm gì đó – một việc ngắn hạn, một việc dài hạn, hay một việc với người xung quanh nhà – để tri thức như hạt lửa nhỏ, nhân lên trăm ngàn lần.
img_4615.jpg
Ở đâu có tri thức, ở đó người ta không dùng dùi cui táng vào mặt nhau được. Người ta sẽ phải dùng đến luật chơi để nói chuyện với nhau. Ở đâu có tri thức, từng con người sẽ hiểu vì sao mình cất tiếng nói – như bạn đeo mắt kiếng sáng nay – và làm cách nào để tiếng nói của mình đến được nơi xa nhất của công lý.
Dù sớm hay muộn, liệu tôi (hoặc chết nhát giống tôi) có làm được gì khác không, ngoài việc tự vận hành mỗi ngày để cái bánh xe cuộc sống này lăn về phía trước – theo cách mạnh mẽ nhất nó có thể?
Cảm ơn bác già và bạn mắt kiếng và khẩu hiệu ngày hôm nay. Cảm ơn. Cảm ơn nhiều.
“Hãy đưa ngay TQ ra tòa án Q.Tế – Let’s sue China to International court right now”
Nâng dân trí, chấn dân khí, Việt Nam là “tiểu quốc” nhưng không phải “nhược quốc”
Và sáng nay tất cả đã bị ném lên xe bus trong một “vòng tay” êm ái.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"