Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Nghị quyết S-RES 412 của Hoa Kỳ: Chính phủ Việt Nam "mượn hoa cúng Phật"

Nhật Trần Phong
Hôm 10 tháng 7 vừa qua, quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua nghị quyết lên án việc khiêu khích và gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông, qua việc đưa giàn khoan HD 981 vào khu vực được xem là đang tranh chấp.
Nghị quyết kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển nói trên và tái lập hiện trạng như trước tháng 5 - 2014.
Nghị quyết mang số S-Res 412, cũng kêu gọi Trung Quốc dừng lại việc thiết lập vùng "Nhận Dạng Phòng Không" (ADIZ) trong khu vực Biển Bắc Á hay còn gọi là Hoa Đông.

Thực trạng hiện nay

Trong thời gian qua, có thể nói phía Trung Quốc đã chủ chốt trong việc leo thang căng thẳng trong các vực tại Á Châu bao gồm Bắc Á và Đông Nam Á.
Phía Bắc Á Trung Quốc đã cương quyết khẳng định rằng đảo Điếu Ngư mà người Nhật gọi là Sekaku thuộc chủ quyền lãnh thổ của họ.
Phía Đông Nam Á, Trung Quốc cho rằng vùng lãnh hải của họ gồm 9 đoạn kéo dài tới tận vùng cực nam của Biển Đông.
Nhiều phía vẫn thắc mắc rằng, tại sao Trung Quốc thời gian gần đây lại tỏ ra "diều hâu" hơn hẳn thái độ truyền thống trước đây, luôn nhẫn nhịn và khéo léo.
Một số lý giải cho rằng, Trung Quốc cố tình tạo căng thẳng ở bên ngoài, hầu che lấp đi những khó khăn bên trong, bao gồm sự đấm đá gay gắt của nội bộ Trung Ương Đảng và những rối loạn tại khu vực Tân Cương, cũng như sự bùng nổ của tầng lớp dân chúng ở các khu vực địa phương về đất đai.
Tuy nhiên trên thực tế bài toán này còn lớn hơn nhiều so với lý giải trên.

Thứ nhất Trung Quốc vẫn luôn đề phòng việc tái lập chiến lược quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương, mà Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đang muốn vây hãm quốc gia này, với xu thế hiện nay, Trung Quốc đã quyết định bước ra ngoài cái "vỏ bọc" truyền thống là nhẫn nhịn khôn khéo để dịch chuyển những chỉ trích hay phê phán các hồ sơ của họ về nhân quyền, môi sinh, chất lượng sản phẩm v.v..
Tạo ra hiện trạng "diều hâu" sẽ có lợi cho Trung Quốc hơn là thái độ "bồ câu" trước đó, điều này sẽ răn đe những quốc gia trong khu vực muốn "lăng ba vi bộ" với Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu.
Thứ hai, việc phát triển kinh tế của Trung Quốc đã lên đến đỉnh cao nhất trong 10 năm qua, do đó Trung Quốc hiểu rõ nguyên tắc thoái trào của nền kinh tế,một khi lên đến đỉnh thì phải tuột dốc, nhưng tuột dốc như thế nào và làm sao đo lường được điểm dừng của con dốc chính là bài toán mà Trung Quốc phải tính.
Điều Trung Quốc e ngại nhất là quyết tâm của Hoa kỳ trong việc khiến cho đồng Nhân Dân Tệ bị mất giá, niềm tin của giới đầu tư suy giảm và thay đổi hiện trạng của họ những năm tới trong cơ chế WTO (từ quốc gia đang phát triển trở thành quốc gia đã phát triển), nếu tiếp tục giử thái độ mềm dẻo và nhẫn nhịn trước những tấn công về dư luận do Hoa Kỳ tạo ra, Trung Quốc sẽ mất dần ảnh hưởng, do đó chọn thái độ "diều hâu", một mặt Trung Quốc khẳng định được tư thế của họ với các nhà đầu tư, một mặt mua thêm thời gian cho bài toán "hạ cánh an toàn" về kinh tế.
Thứ ba do yếu tố Bắc Hàn, quốc gia này dưới thời ông Kim Long Il, Trung Quốc vẫn có thể kiểm soát được, và vẫn làm tốt vai trò "vùng trái độn" theo sự điều khiển của Trung Quốc.
Tuy nhiên sau khi Kim Jong Un kế vị, sự thanh trừng trong nội bộ và những dấu hiệu gần đây, cho thấy có vẻ Bắc Hàn đang muốn tách dần sự ảnh hưởng của Trung Quốc, điều này có thể khiến cho ảnh hưởng quân sự vùng Bắc Á bị lệch cán cân, tỏ thái độ "điều hâu" để khẳng định tư thế ảnh hưởng của mình là điều mà Trung Quốc đang thực hiện.
Cuối cùng chính là chiến lược phát triển lâu dài về dân số, với mực độ dân số hiện nay càng lúc càng tăng dân mỗi năm, quốc gia đông dân nhất thế giới này luôn phải nhức đầu tính toán làm sao để giải quyết bài toán đường dài về dân số, một điều có thể khiến cho Trung Quốc bị mất quân bình giữa các khu vực đô thị và thôn quê, dẫn đến những cuộc nổi loạn mà họ cho rằng gây nguy hiểm cho chế độ.
Chiếm lấy Biển Đông với nguồn tài nguyên và đường hàng hải quan trọng Đông - Tây, sẽ là bài toán khẳng định mà Trung Quốc phải làm. Bên cạnh đó là chuyễn tãi dân số tái định cư ở những quốc gia lân cận dọc theo đất liền cũng sẽ nằm trong chiến lược của Trung Quốc, con đường từ Vân Nam, xuống Lào qua Cam Bốt rồi đến Thái Lan, hay đi trực tiếp từ Việt Nam xuống vùng cực nam của Đông Nam Á chính là điều Trung Quốc không bỏ qua. Bên cạnh đó là tầm quan trọng về quân bình chiến lược quân sự, nếu Hoa Kỳ có thể kiểm soát Biển Đông, thông qua các đồng minh ở Đông Nam Á, thì Trung Quốc phải kiểm soát đất liền, đây là chiến lược tất yếu.

Ý muốn của Hoa Kỳ qua nghị quyết S-Res 412

Với áp lực từ các đồng minh quân sự và kinh tế tại khu vực Á châu nói chung, Hoa Kỳ hiện đang đương đầu với sự thay đổi quan điểm chiến lược.
Xưa nay, Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên tắc là chỉ bảo vệ các vùng lãnh thổ của đồng minh, không xen vào những vùng đang tranh chấp, một nguyên tắc bất di bất dịch,thì điều này đã khiến cho nhiều đồng minh của Hoa Kỳ bất mãn.
Nhật Bản tranh chấp với Trung Quốc tại biển Bắc Á (Hoa Đông), Philippines tranh chấp với Trung Quốc tại khu vực Trường Sa, Đài Loan vẫn đối đầu mổi ngày với Trung Quốc trên mặt biển, Nam Hàn luôn thấp thỏm trước các diễn biến của Bắc Hàn.
Tất cả những quốc gia này đều trong cậy vào lời cam kết của Hoa kỳ về ý nghĩa của đồng minh, tuy nhiên Hoa Kỳ đưa ra nguyên tắc trên là bảo vệ các quyền lợi quan hệ của Hoa Kỳ trên bình diện quốc tế, tức là dùng nguyên tắc này để tránh mích lòng các nước như Trung Quốc, nơi mà trao đổi mậu dịch được xem là lớn nhất của Hoa kỳ trên thế giới.
Với thái độ hiện nay của Trung Quốc, áp lực từ các quốc gia đồng minh, đã khiến Hoa kỳ phải xét lại quan điểm của mình.
Nghị quyết S-Res 412 được thông qua mang hai ý nghĩa có thể diễn ra.
Thứ nhất có thể đây chỉ là hành động xoa dịu của Hoa Kỳ dành cho đồng minh của họ, cho thấy Hoa kỳ vẫn quan tâm đến các diễn biến nơi khu vực có tranh chấp hay căn thẳng.
Thứ hai có thể đây là bước đầu tiên đo lường phản ứng của phía Trung Quốc, trước khi Hoa Kỳ muốn thay đổi quan điểm về ý nghĩa của "đồng minh" nhằm đáp ứng sự đòi hỏi của các quốc gia đồng minh hiện nay.
Ngoài ra nghị quyết cũng là thái độ "cây gậy - củ cà rốt" truyền thống của Hoa Kỳ, trước khi Hoa kỳ có hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc về "hợp tác chiến lược và kinh tế" trong thời gian sắp tới.

Thái độ của Việt Nam

Là quốc gia tâm điểm trong vụ căng thẳng trên Biển Đông, qua vụ giàn khoan HD-981, Việt Nam hiện đang lúng túng trước thái độ "diều hâu" của Trung Quốc.
Sự lúng túng trở nên rõ rệt hơn qua những phát biểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" của giới lãnh đạo Việt Nam. Nếu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tỏ ra cứng rắn lên án Trung Quốc tại hội nghị của khối ASEAN ở Miễn Điện thì bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh lại tỏ ra 'ngoan ngoãn" như đứa "con hoang" với Trung Quốc tại hội nghị quốc phòng Shangri-La.
Việt Nam cho đến nay vẫn chỉ là một đối tác quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ, chưa phải là đồng minh, còn quá nhiều hồ sơ khác biệt giữa hai nước chưa được giải quyết mà phía thụ động chính là Việt Nam.
Chính quyền Obama hiểu rõ tầm quan trọng của địa lý Việt Nam đối Trung Quốc, nhưng ông vẫn tỏ ra cứng rắn với Việt Nam, 4 lần công du đến Á châu, ông Obama không hề đặt chân đến Việt Nam, cho thấy tư thế của quốc gia này rất yếu trong các mối quan hệ với Hoa Kỳ.
Hơn một nửa nền kinh tế miền bắc Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, do đó Việt Nam khó có thể "thoát Trung" nếu không chọn thái độ rõ rệt trên chính trường quốc tế.
Việt Nam tuyên bố rằng chọn thái độ" không đứng về phía nào và làm bạn với các nước" chỉ là câu nói đầu môi chót lưỡi để xoa dịu dân chúng. Chính phủ Việt Nam biết rõ họ không có tư thế để chọn thái độ này. Một quốc gia đang phát triển, GDP còn thấp, mọi thứ đều sơ khai, vốn không đủ tư thế làm một quốc gia trung lập.
Việt Nam vẫn đang hy vọng Trung Quốc giữ đúng lời, sẽ rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển ở Hoàng Sa vào trước ngày 15 tháng 8 năm nay, tức là sau 3 tháng thăm dò, tuy nhiên với tình hình hiện tại, rõ ràng Trung Quốc chưa muốn làm điều đó, ngược lại họ còn tuyên bố sẽ đưa thêm các giàn khoan vào.
Phía Việt Nam đã vận động khá nhiều với quốc hội Hoa kỳ, mong có sự hỗ trợ nhiều hơn, tuy nhiên có vẻ Hoa Kỳ rất giới hạn trong việc giúp đỡ Việt Nam.
Thứ nhất là do quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ không "làm công không" cho quốc gia nào không đem lợi ích về cho Hoa kỳ, mà còn khiến Hoa Kỳ thiệt hại về các mối quan hệ với Trung Quốc.
Thứ hai luật lệ Hoa Kỳ rất rõ ràng, quốc hội Hoa kỳ không cho phép chính phủ hổ trợ cho những quốc gia bị đưa vào danh sách " có xu hướng đàn áp quyền tự do của con người", do đó dù có muốn giúp thì cũng giúp không được, hay rất giới hạn.
Chính phủ Việt Nam hiện nay, điều họ cần là làm thế nào chứng minh với dân tộc của họ là họ có giài pháp hóa giải những căng thẳng trên Biển Đông hiện nay, nhưng có vẻ đã không có giải pháp (trừ phi nhượng bộ rất nhiều với Trung Quốc qua những hiệp ước ngầm).
Do đó hàng ngày báo chí đưa tin hầu như là trấn an dân chúng, những tin tức như Nhật Bản cung cấp tàu cho Cảnh Sát Biển (CSB), Hải quân Hoa Kỳ ghé cảng Cam Ranh, Việt Nam hợp tác với Ấn Độ, Do Thái v.v..
Và nay thêm nghị quyết S Res 412.
Thật ra nghị quyết trên không hoàn toàn nói về vấn đề của Biển Đông, mà chỉ một phần trong đó nêu lên vụ giàn khoan HD-981.
Tuy nhiên báo chí Việt Nam đã đồng loạt đưa thông tin rằng Hoa kỳ ra nghị quyết Biển Đông, cho dân chúng có cảm giác rằng Việt Nam đã vận động được Hoa Kỳ hỗ trợ, và nghị quyết là bước đầu tiên. Nhưng trên thực tế toàn bộ nghị quyết hầu như mang ý nghĩa dành cho các đồng minh của Hoa kỳ thì đúng hơn.
Chính phủ Việt Nam hiểu rõ, giải quyết tận gốc rễ của những căn thẳng và bế tắc hiện nay là thoát dần tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, muốn thoát phải tỏ lập trường rõ ràng hơn, tức là nghiên hẳn về phía tây phương, nhưng muốn nghiêng về Tây phương phải thay đổi thể chế hiện nay, một điều mà đảng CSVN hoàn toàn chưa muốn.

Kết luận

Nghị quyết S-Res 412 của Thượng Viện Hoa Kỳ chỉ là dành cho các đồng minh của họ, đồng thời đo lường phản ứng của Trung Quốc trước khi Hoa Kỳ đưa ra những động thái kế tiếp.
Phía chính phủ Việt Nam thì có thêm cơ hội để trấn an dân chúng rằng, họ đang làm việc với Hoa Kỳ để giải quyết căng thẳng, nhưng rõ ràng Hoa Kỳ không hề có cam kết gì nếu Việt Nam không thay đổi.
Hồ sơ Biển Đông đặc biệt là vụ giàn khoan HD 981 đã giúp cho mọi người nhìn ra được tư thế thật sự của Việt Nam trên quốc tế, rất cô đơn và nguy hiểm, đồng thời dân chúng trong Việt Nam cũng nhìn thấy rõ ràng hơn, sự bế tắc hiện nay của chính phủ.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"