Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Lại lẩn quẩn

Xích Tử
Đó là sự lẩn quẩn thể hiện trong những lời của ông Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình và Tây Hồ - Hà Nội trong ngày 1/7. Nó xuất phát từ một sự lúng túng, bế tắc trong tư duy, nhận thức thực tiễn, định hướng đường lối chính sách tầm cỡ Tổng Bí Thư của chính đảng duy nhất cầm quyền, nhưng lại hướng đến mục tiêu nói lấy được, khoả lấp, tung hoả mù để xoa dịu những căng thẳng, bức xúc của dư luận xã hội, những chuyện nóng trong tình hình đất nước được một số cử tri có lựa chọn phát biểu.
Xin được bàn đến một số trong những lời lẩn quẩn nói trên.
Thứ nhất, về trường hợp ông Trần Văn Truyền, ông nói ngay “về hưu cũng không bỏ qua” và dẫn ý trong báo cáo của đương Tổng Thanh tra Nhà nước (Ông Trọng gọi sai tên cả ông này) rằng phía Uỷ Ban Kiểm Tra Đảng đang vào cuộc. Cái nhầm lẫn, vô ý hoặc cố ý là ông Tổng Bí Thư không phân biệt đương sự là đối tượng đang nói là đảng viên (mà là đảng viên cấp Bộ Chính Trị quản lý) với công chức đang làm việc, công chức đã về hưu hay là một công dân. Sự không phân biệt đó lại có liên quan đến sự tự không phân biệt của phía chủ quan của người nói, là Tổng Bí Thư hay một đại biểu quốc hội.

Ở đây, theo trình tự bình thường, nếu ông Truyền là công chức – đảng viên đương chức, cũng là một công dân, nếu có dấu hiệu vi phạm tham nhũng quả tang trực tiếp hoặc liên đới trách nhiệm trong công vụ, vụ án, thì cơ quan kiểm tra đảng và các cơ quan điều tra, công tố, tố tụng, xét xử của Nhà Nước sẽ thực hiện các công việc theo luật định (trừ trường hợp có sự can thiệp của cấp tổ chức quản lý cán bộ phía đảng). Việc xử lý ấy sẽ “án tại hồ sơ”.
Nếu không có dấu hiệu quả tang, việc phát hiện, xử lý tham nhũng phải được tiến hành trước hết bằng việc kê khai tài sản, rồi xác minh, kiểm chứng v.v..sau khi bản kê khai được niêm yết nội bộ (hoặc như đã có đề nghị là công bố xã hội) theo Nghị định 78/2013 của Chính Phủ. Theo đó, ông Truyền bị điều chỉnh bằng qui định đối tương kê khai tại Điều 7 của Nghị định nói trên.
Việc này hiện nay rất khó làm, và nếu có làm đôi khi cũng mất 5 – 10 năm, rồi cũng chẳng đi đến đâu vì nhiều lý do do cơ chế, luật pháp, điều kiện nhân thân của đối tượng.

Biệt thự “khủng” của nguyên Tổng Thanh Tra Chính Phủ Trần Văn Truyền
Trong tình trạng hiện nay của ông Truyền, không thể áp dụng cách xử lý nói trên do chỉ có dư luận về cái nhà hoành tráng chứ không vi phạm quả tang hoặc liên đới trách nhiệm. Ông Truyền cũng không còn là đối tượng qui định tại điều 7 của Nghị Định nói trên. Ông Truyền chỉ còn là đảng viên và công dân nên trước hết cơ quan kiểm tra tác nghiệp theo qui định của đảng, và nếu có kết quả gì đó, chỉ bị xử lý đến mức khai trừ để mèo lại hoàn mèo; hồ sơ kiểm tra không thể là căn cứ để xử lý hành chính hay hình sự. Còn với trách nhiệm công dân, việc điều tra xử lý (nếu có) đối với ông Truyền sẽ vô cùng phức tạp về phương pháp, phạm vi điều tra, xét xử, về các điều kiện pháp lý: cho đến nay, không có căn cứ nào để khởi tố vụ án, khởi tố bị can vì chưa tốn một đồng bạc nhà nước nào để mua nguồn tin tố cáo về ông (với giá lên sàng là 10 triệu một nguồn tin); rối nếu có như thế, sẽ điều tra vào đối tượng nào và việc khởi tố, điều tra có vi phạm qui định không hồi tố hay không ? Khó quá. Nếu giải quyết không bỏ qua kiểu này thì sẽ phải lôi cả đối tượng là nguồn học bổng nước ngoài của 3 người con đương kim Thủ tướng, hoặc việc in tiền polymer ở Australia…Do vậy, khi ông Trọng nói không bỏ qua là để xoa dịu tại chỗ ý kiến cử tri thôi; qua đó ông bày tỏ lạc quan về việc kiểm tra của đảng mà ông là Tổng Bí thư, nhưng ông lại không có hiểu biết pháp luật đầy đủ theo yêu cầu với một đại biểu quốc hội.
Thứ hai, ông nói rằng “không ai chọn được láng giềng”. Câu khái quát triết lý này rất hay, như một câu thơ vậy, đã được dùng nhiều, tương tự như không ai chọn được một đất nước, một gia đình để sinh ra (trừ thụ tinh nhân tạo, đẻ thuê và cloning hiện nay). Triết lý đó đúng với mọi quốc gia có đường biên giới chung với nhau. Tuy nhiên, ông cũng nên phải nhớ rằng không có nước láng giềng nào lại chủ động, tự giác, phấn khởi chọn hệ ý thức, thể chế chính đảng và chế độ chính trị cùng cách vận hành y chang như nước láng giềng kia cho mình, được nước láng giềng kia công nhận sớm nhất, rồi giúp vũ khí, nhu yếu phẩm, và cả con người để mình đánh đến người cuối cùng của mình. Không ai chọn một cách đối xử hào phóng với nước láng giềng bằng cách gởi công hàm với ẩn ý công nhận chủ quyền của họ đối với lãnh thổ của mình, tức cũng là ẩn ý từ bỏ chủ quyền của mình. Không ai lại đối xử với láng giềng suốt mấy chục năm cùng mê muội tin tưởng vào tình quốc tế vô sản, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa đến mức nó nhả đạn vào mình vẫn không biết, rồi sau đó là bốn tương, bốn tốt, mười sáu chữ vàng và không có nước láng giềng nào lại bán rẻ tài nguyên cho láng giềng, để đất nước của mình lệ thuộc nhiều mặt, nhất là lệ thuộc tuyệt đối về kinh tế vào nước láng giềng kia…
Ông cũng nên nhớ rằng, sau chiến thắng, Hoàng Đế Quang Trung đã đối xử với nước láng giềng đó bằng cách cử Phạm Công Trị đóng giả mình sang để xin thụ phong và cầu hoà, biến Phạm Công Trị thành ông tổ của vai đóng thế trong lịch sử sân khấu và điện ảnh. Với hệ thống gián điệp, tình báo của nhà Thanh lúc ấy, việc này không phải họ không biết; và với tính cách gian ngoan hiếu chiến, hung bạo của Càn Long, việc ấy không thể bỏ qua. Ấy vậy mà nó đã được lịch sử hợp lý hoá, để hai bên vẫn láng giềng tốt nhiều năm sau đó. Còn bây giờ, lại than vãn như bị phụ tình, lại triết lý không ai chọn được láng giềng thôi sao?
Thứ ba, cũng chuyện Biển Đông, ông nói “chúng ta không muốn chiến tranh”. Khi nói câu này, nghe cả hội trường vỗ tay vì nó quá đúng, và vì có tiếng vỗ tay của một quân xanh dư luận viên nào đó phục sẵn. Nó đúng, vì quốc gia nào cũng nói như vậy; Tập Cận Bình hiện nay cũng nói như vậy; loài người đều nói như vậy. Nó thể hiện giấc mơ, nhu cầu muôn thuở về hoà bình. Khi ông nói câu này, ông tuyên ngôn cho một quốc gia láng giềng biết, cả thế giới biết về triết lý, thái độ, quan điểm, đường lối …hiếu hoà của Việt Nam. Thế nhưng tại sao truyền thống đó lại không đem ra áp dụng với nội bộ hai miền Việt Nam sau Hiệp định Genève khi phía Việt Minh cài lại ở Miền Nam gần 10.000 cán bộ, bộ đội cùng nhiều kho vũ khí chôn giấu để sau đó chủ động tạo ra cuộc chiến tranh 16 năm? Nếu không có việc ấy, có lẽ bây giờ cũng không có chuyện ông lại mếu máo khi nói với cử tri những chuyện về người bạn láng giềng vĩ đại như vậy.
Xích Tử

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"