Joseph E. Stiglitz
Phạm Nguyên Trường dịch
Phạm Nguyên Trường dịch
Công dân ở các nước giàu nhất thế giới cho rằng nền kinh tế của họ
ngày nay dựa trên nền tảng là sự đổi mới sáng tạo. Nhưng trong suốt hơn
hai thế kỷ vừa qua, đổi mới sáng tạo là một phần của nền kinh tế của thế
giới đã phát triển. Thật vậy, trong suốt hàng ngàn năm, trước cuộc Cách
mạng Công nghiệp, thu nhập không tăng là bao. Sau đó, thu nhập bình
quân đầu người tăng vọt, hết năm này qua năm khác, thỉnh thoảng mới bị
gián đoạn bởi tác động của những dao động có tính chu kỳ. Robert Solow,
nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, cách đây 60 năm đã nhận xét rằng
thu nhập tăng chủ yếu không phải là do tích lũy vốn mà do tiến bộ công
nghệ - do người ta học được cách làm mọi thứ một cách tốt hơn.
Một phần nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng năng suất lao động là do một
số những phát kiến lớn lao, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu là rất nhiều
những sáng kiến, cải tiến nhỏ. Điều này có nghĩa là chúng ta cần tập
trung chú ý vào những phương pháp học tập của xã hội, và những chính
sách, giải pháp giúp thúc đẩy việc học – trong đó có cả việc học phương
pháp học tập.
Một thế kỷ trước, ông Joseph Schumpeter, nhà kinh tế và chính trị
học, khẳng định rằng ưu điểm quan trọng nhất của kinh tế thị trường là ở
khả năng thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo. Ông cho rằng các nhà kinh tế học
đã sai lầm khi chú trọng vào các thị trường tự do; quan trọng là sự
cạnh tranh vì thị trường, chứ không phải là cạnh tranh trên thương
trường. Cạnh tranh vì thị trường đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo. Theo quan
điểm này, về lâu dài, việc các công ty độc quyền thế chỗ nhau sẽ dẫn tới
các mức sống cao hơn.
Kết luận của Schumpeter không phải không bị phản bác. Các công ty độc
quyền và các công ty nắm quyền chi phối thị trường, như Microsoft, có
thể cản trở đổi mới. Nếu không bị các cơ quan chống độc quyền ngăn chặn,
họ có thể tham gia vào hoạt động chống cạnh tranh, tức là những hành
động góp phần củng cố sức mạnh độc quyền của họ.
Hơn nữa, thị trường chưa chắc đã là công cụ hiệu quả để tạo ra những
khoản đầu tư đầy đủ và đúng hướng cho các hoạt động nghiên cứu và giáo
dục. Các động cơ của khu vực tư nhân không phải lúc nào cũng phù hợp với
lợi ích xã hội: các công ty hưởng lợi từ đổi mới sáng tạo có thể biến
khai thác lợi thế đó để chiếm lĩnh thị trường, dùng sức mạnh để thao
túng các quy định của Nhà nước, chiếm đoạt các nguồn thu đáng lẽ thuộc
về người khác.
Nhưng, một trong những nhận thức thấu triệt của Schumpeter vẫn cực kì
giá trị: nhìn từ quan điểm đổi mới/học tập trong dài hạn, những chính
sách chỉ chú tâm vào tính hiệu quả trong ngắn hạn có thể là không đáng
mong muốn. Điều này đặc biệt đúng đối với các nước đang phát triển và
các thị trường mới nổi.
Các chính sách trong lĩnh vực công nghiệp - trong đó, các chính phủ
can thiệp vào việc phân bổ các nguồn lực giữa các ngành hoặc ủng hộ một
số ngành công nghệ hơn những ngành khác - có thể giúp tăng cường tiến
trình học hỏi ở “các nền kinh tế non trẻ”. Tiến trình học hỏi ở một số
ngành (ví dụ như sản xuất công nghiệp) có thể rõ rệt hơn so với các
ngành khác, và những lợi ích của tiến trình học hỏi, trong đó có cả việc
phát triển các thiết chế cần thiết cho sự thành công, có thể lan tỏa
sang các hoạt động kinh tế khác.
Việc áp dụng những chính sách như thế thường trở thành đối tượng chỉ
trích. Người ta thường nói chính phủ không nên đứng về phía ngành này
hay ngành kia, mà hãy để các thị trường tự quyết định lấy. Nhưng các
bằng chứng cho luận điểm ủng hộ thị trường tự do không thực sự thuyết
phục.
Trong những năm trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khu vực tư
nhân của Mỹ rất kém trong việc phân bổ nguồn vốn và quản lý rủi ro,
trong khi các công trình nghiên cứu chỉ ra rằng các dự án nghiên cứu của
chính phủ đem lại lợi nhuận trung bình cho nền kinh tế thực sự cao hơn
so với các dự án của khu vực tư nhân – chủ yếu vì chính phủ đầu tư nhiều
hơn vào những công trình nghiên cứu cơ bản quan trọng, ví dụ đơn giản
là những lợi ích xã hội được mang lại từ những công trình nghiên cứu dẫn
tới sự phát triển của Internet hoặc tìm ra DNA.
Nhưng, đặt những thành công như vậy sang một bên, trọng tâm của chính
sách công nghiệp hoàn toàn không phải là để chọn ngành này hay ngành
khác. Thay vào đó, một chính sách công nghiệp được coi là thành công khi
xác định được nguồn gốc của những tác động ngoại biên tích cực
(positive externalities) – tức là những ngành mà ở đó tiến trình học hỏi
có thể lan tỏa lợi ích sang các ngành khác trong nền kinh tế.
Xem xét các chính sách kinh tế dưới góc độ thúc đẩy tiến trình học
hỏi cho ta một góc nhìn khác về nhiều vấn đề. Kenneth Arrow, một nhà
kinh tế vĩ đại, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học qua thực tiễn công
việc. Ví dụ, phải có công nghiệp thì mới học được những điều cần thiết
để công nghiệp phát triển. Mà để trước tiên có một ngành công nghiệp thì
đôi khi người ta phải thực hiện một số chính sách như đảm bảo rằng tỷ
giá hối đoái của đồng tiền nước mình luôn ở mức cạnh tranh, hoặc cho
phép ngành công nghiệp ưu tiên được hưởng tín dụng ưu đãi - như một số
quốc gia Đông Á đã làm và là một trong những nguyên nhân mang lại thành
công đáng kể cho chiến lược phát triển của họ.
Như vậy, ưu tiên chú trọng một số ngành công nghiệp đối với các nền
kinh tế non trẻ có thể coi là một luận điểm khá thuyết phục. Bên cạnh
đó, tự do hóa thị trường tài chính có thể làm suy yếu khả năng học hỏi
một loạt các kỹ năng cần thiết cho phát triển: làm sao phân bổ được
nguồn lực và quản lý được rủi ro.
Tương tự như thế, nhìn từ góc độ thúc đẩy tiến trình học hỏi, việc
bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nếu không được thiết kế một cách phù hợp,
có thể là một con dao hai lưỡi. Trong khi điều đó có thể tăng cường
khuyến khích đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu, nó cũng có thể khuyến khích
người ta giữ bí mật - cản trở dòng luân chuyển kiến thức cần thiết cho
việc học hỏi, đồng thời khuyến khích các công ty lợi dụng một cách tối
đa kiến thức của tập thể và giảm đến mức tối thiểu sự đóng góp của các
công ty này. Khi đó, [chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ có thể khiến] tốc
độ đổi mới sáng tạo suy giảm.
Nói rộng hơn, nhiều chính sách (đặc biệt là những chính sách liên
quan tới “Đồng thuận Washington” của phái tân tự do) áp đặt cho các nước
đang phát triển với mục tiêu cao quý là thúc đẩy việc phân bổ nguồn lực
một cách hiệu quả, trên thực tế, lại đang cản trở tiến trình học hỏi,
và do đó, về lâu dài sẽ khiến cho mức sống thấp đi.
Hầu như tất cả chính sách của chính phủ, vô tình hay hữu ý, dù tốt dù
xấu, đều có tác động trực tiếp và gián tiếp tới với việc học. Các nước
đang phát triển có người làm chính sách hiểu rõ về những hiệu ứng này là
những nước có nhiều khả năng thu hẹp khoảng cách kiến thức giữa họ và
các nước đã phát triển. Trong khi đó, các nước đã phát triển nếu nhìn
thấy rõ được tác động tới tiến trình học hỏi sẽ có thể cải thiện các
chính sách của mình, và tránh được nguy cơ trì trệ lâu dài.
Joseph E. Stiglitz, là giáo sư tại Đại học Columbia, giải thưởng
Nobel về kinh tế, từng là Chủ tịch nhóm cố vấn về kinh tế cho Tổng thống
Bill Clinton, từng giữ chức phó chủ tịch và kinh tế trưởng của Ngân
hàng Thế giới. Tác phẩm mới của ông (cùng với Bruce Greenwald) có nhan
đề Kiến tạo xã hội học tập: Cách tiếp cận mới đối với tăng trưởng, phát
triển và tiến bộ xã hội (Creating a Learning Society: A New Approach to
Growth, Development, and Social Progress).