Nguyễn An Dân
Theo nhiều nguồn tin hành lang “không có cách gì kiểm chứng”, thì
trung ương đảng đang rất lo ngại về nội dung cuộc gặp Trung Quốc-Mỹ (Đối
thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung) đang diễn ra tại Bắc Kinh trong
hai ngày 08-09/07/2014. (1)
Nỗi lo của đảng là liệu rằng Mỹ và Trung Quốc, sau hàng loạt những
phát ngôn leo thang của hai nước về việc Trung Quốc đang dùng các giàn
khoan dầu bành trướng Biển Đông, đã nhận ra quyết tâm của nhau và “sự
lừng chừng của Việt Nam”, nên có thể sẽ đi đến một thỏa hiệp “gạt Việt
Nam sang một bên” nhằm chia chác các lợi thế địa chính trị của Việt Nam
cho lợi ích riêng của các cường quốc. Nếu có thỏa thuận đó thì “thân
phận” Việt Nam sẽ như thế nào?
Trước tiên, việc Mỹ muốn ủng hộ Việt Nam và tác động vào đảng cầm
quyền để từ đó dựng lên một phe chính quyền thân Mỹ là điều có thể xẩy
ra. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là bản thân phe này
phải tự mình mạnh lên và nắm quyền chủ động khi tình thế đòi hỏi quyết
tâm hành động. Bất kỳ vì một lý do gì làm cho phe này lừng chừng lại và
đưa Việt Nam vào một tình thế “muốn có cả Mỹ và Trung Quốc là đồng minh”
để “vừa giữ nước vừa giữ đảng trong chiến lược lâu dài” thì điều kiện
đủ lại không có để điều kiện cần kia xẩy ra được. Đảng hãy nhớ rằng các
cường quốc họ đối lập trong chiến lược nhưng luôn có sự hợp tác khi cả
hai cùng có lợi trong từng thời điểm.
Điểm qua những tuyên bố gần đây nhất của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng
Bí Thư đảng CSVN, thì dường như đảng vẫn chưa dứt khoát muốn thoát
Trung. Ngày 1/7 phát biểu trước cử tri Hà Nội “bức xúc” vì tình hình
biển Đông, ông vẫn nói về Trung quốc như “người bạn láng giềng lớn, muốn
hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau”, và cho rằng làm gì thì
cũng phải “giữ được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ
chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, không để nội bộ rối ren”. (2)
Dù đảng có nói gì đi nữa, tôi biết đảng thừa hiểu rằng chỉ có thể
dựa vào Mỹ để ngăn cản âm mưu lấn chiếm lãnh thổ của Trung Quốc đối với
Việt Nam nên hôm nay họ “lo lắng không yên” cũng là phải. Đảng biết kịch
bản các nước lớn bắt tay để chia chác lợi ích trên vai các nước nhỏ là
chuyện xưa nay không thiếu. Nhưng với những tuyên bố như trên từ người
lãnh đạo cao nhất nước, làm sao Mỹ yên tâm để “bắt tay” với Việt Nam?
“Khu tự trị Việt Nam”
Mỹ và Trung Quốc, trong chiến lược đường dài dĩ nhiên họ là đối thủ,
nhưng trong chiến thuật ngắn hạn, sự liên minh tạm thời là điều luôn
luôn có vì những lợi ích kinh tế. Nhất là Mỹ, bản thân nhà nước Mỹ xây
dựng trên học thuyết Tư Bản, có nghĩa là các bước đi ngoại giao, chính
trị, quân sự nào đó…thì cũng chỉ phục vụ cho lợi ích kinh tế. Trong quan
hệ Mỹ-Trung-Việt cũng thế, khi Mỹ xét chọn, kết quả kinh tế sẽ là yếu
tố quyết định cho quả cân nghiêng về bên nào.
Trừ khi Trung Quốc xâm phạm đến Mỹ (hoặc những đồng minh lâu đời của
Mỹ) một cách thẳng thắn và bá đạo thì khác, còn lại đối với những nước
mà quan hệ “chưa đạt được gì cụ thể” như kiểu Việt Nam thì dù Trung quốc
có “bắt nạt” kiểu nào, mà Việt Nam lại vẫn “lùng khừng” muốn “bắt cá
hai tay”, Mỹ dĩ nhiên phải tính toán “được-mất”. Trong tình thế đó thì
lợi ích kinh tế sẽ là yếu tố chi phối quan trọng, theo đó Mỹ sẽ chọn
chiến thuật mà cả Mỹ và Trung Quốc đều có sự hài lòng tương đối. Việt
Nam với một thị trường tiêu thụ chỉ bằng 8% thị trường Trung Quốc, kim
ngạch Mỹ- Trung cũng cao hơn kim ngạch Mỹ-Việt gấp hơn 10 lần, dĩ nhiên
Mỹ phải ưu tiên Trung Quốc hơn Việt Nam trong các quyết sách đối ngoại
ngắn và trung hạn của mình theo nhu cần trong từng thời điểm.
Về địa chính trị, biết rằng vai trò của Việt Nam là quan trọng ở
Biển Đông và với dự án Kênh Đào Kra, nhưng Mỹ cũng không thể bảo vệ Việt
Nam được nếu đảng cầm quyền Việt Nam không tỏ ra một thiện chí cho thấy
họ thật sự coi trọng quan hệ Việt-Mỹ hơn quan hệ Việt-Trung. Đó là nói
về mặt lý thuyết chiến lược, còn lý thuyết chiến thuật ngắn hạn hiện nay
thì Mỹ cũng không thể bảo vệ Việt Nam được khi mà về công khai, chưa có
hiệp ước quân sự hay đồng minh chiến lược nào được ký kết chính thức
giữa hai nước.
Trong quá khứ đến hiện tại (và nhiều khả năng là sẽ còn tiếp diễn ở
tương lai), Việt Nam (dưới sự dẫn dắt của đảng CS) đã nhiều lần từ chối
các bàn tay mà Mỹ chìa ra cho mình, khiến cho quan hệ Mỹ-Việt chiều rộng
thì có mà chiều sâu thì chưa vì vốn dĩ thể chế hai bên khác nhau, và đa
số người dân Việt Nam (trong và ngoài nước) đều không tin cậy chính
quyền Việt Nam, thì làm sao Mỹ tin cậy đảng cầm quyền Việt Nam để cùng
tiến vào chiều sâu được?
Mỹ cần Việt Nam cho chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương và Đông Nam
Á, nhát là trong chính sách xoay trục hiện nay không? Khẳng định là có.
Chính vì thế nên từ năm 1991 Mỹ xem xét bỏ cấm vận, tái lập quan hệ đại
sứ, ủng hộ cho Việt Nam vào Asean, WTO…cấp quy chế có lợi cho Việt Nam
trong hiệp định thương mại Việt-Mỹ…khi các ông thủ tướng Việt Nam sang
Mỹ vận động và xin giúp đỡ. Mới nhất là Mỹ đã “thông cảm” cho Việt Nam
được tạm hoãn và thi hành dần dần một số điều kiện để vào TPP bất chấp
nội lực của Việt Nam là yếu nhất và mô hình chính trị “không giống ai”
của Việt Nam trong khối đó. Sự kiên nhẫn của chính phủ Mỹ với đảng cầm
quyền Việt Nam theo tinh thần “chúng ta cùng thắng” (win-win) là thiện
chí ai cũng có thể thấy và không thể phủ nhận.
Thế nhưng bất chấp các thiện chí trên của Mỹ, đảng cầm quyền luôn lý
luận rằng quan hệ với Mỹ không cần thiết bằng quan hệ với Trung Quốc,
vì mục tiêu giữ đảng và đường lối XHCN. Ngay cả khi lúc này, dù đa số
nhân dân (và các đảng viên thân Mỹ) cũng đã biết rằng dã tâm của Trung
Quốc là lấn chiếm lãnh thổ (cả trên biển và đất liền) của Việt Nam. Dùng
miếng mồi ý thức hệ XHCN để chi phối hệ thống chính trị Việt Nam, Trung
Quốc đã và đang tiến tới việc biến Việt Nam chỉ còn là một quốc gia độc
lập trên danh nghĩa nhưng trong thực tế thì ở tư thế như một “tỉnh tự
trị” của Trung Quốc. Các điều kiện cần của âm mưu này đều đã thể hiện ra
bằng các thỏa thuận “ngầm” song phương mang tính áp chế và ràng buộc mà
đến nay phe chính quyền đang xì ra cho dân biết dần dần.
Cường quốc thôn tính nước nhỏ tưởng chỉ có một bài bản. Đó là làm
nước nhỏ suy yếu về nội lực, phụ thuộc về kinh tế-chính trị-quân sự…cô
độc về ngoại giao để không phản kháng được. Điều này đảng cũng biết, thế
nhưng đảng vẫn đưa Việt Nam sa vào ngày càng sâu. Trong các bước đi
quan trọng, Trung Quốc đều muốn Việt Nam phải đi theo và đi sau mình. Sự
kiện Trung Quốc cản trở Việt Nam gia nhập WTO là một ví dụ gần và dể
thấy nhất.
Sau năm 1972, Mao Trạch Đông chủ động bắt tay với Mỹ để phát triển
kinh tế theo học thuyết “mèo trắng mèo đen” của Đặng Tiểu Bình để tái
thiết Trung Quốc. Dù thế, họ vẫn ép đảng tiếp tục đánh Mỹ “đến người
Việt Nam cuối cùng” và coi Mỹ là “thù địch”. Sau khi thành công trong
việc làm Việt Nam xa lánh Nga và Mỹ, Trung Quốc đi các bước tiếp theo là
tất yếu, xâm lấn lãnh thổ và tìm cách “chi phối chính trị để gián tiếp
đô hộ”. Tiến công chi phối-phá hoại toàn diện từ kinh tế, chính trị, an
ninh quân sự cho đến việc hôm nay là các giàn khoan…tất cả là một bài
bản nhịp nhàng logic và là chiến lược lâu dài.
Vậy quan hệ thân thiết với Mỹ hay với Trung Quốc, quan hệ nào có lợi
và bất lợi cho Việt Nam hơn, chắc mọi người Việt “tử tế” đều thấy rõ.
Đảng chẳng lẽ không thấy sao, nhưng dường như đảng không muốn chọn lối
đi tốt nhất cho đất nước và cho dân tộc. Nguyên nhân nằm ở đâu?
Gần đây nhất, Mỹ và các đồng minh trong khu vực Đông Á đều chính
thức lên tiếng là sẽ ủng hộ Việt Nam nếu Việt Nam thoát Trung cũng như
cải cách chính trị để nội lực mạnh lên, nhằm phụ họ trong việc kềm chế
Trung Quốc trong đường dài, nhưng phe đảng quyền vẫn tỏ ra không muốn
thực hiện. Điều đó dĩ nhiên làm các nước phương Tây và đồng minh Đông Á
càng có cơ sở để hoài nghi việc liệu họ có nên giúp đỡ Việt Nam mạnh mẽ
hơn không? hay là họ giúp Việt Nam lúc này để rồi sau này Trung Quốc
hưởng lợi vì Việt Nam vẫn là đàn em của Trung Quốc?
Nếu Việt Nam cứ tiếp tục chọn con đường trở thành “khu tự trị và là
tiền đồn ĐNÁ” của Trung Quốc như lâu nay, thì tôi tin rằng Mỹ sẽ bỏ rơi
Việt Nam mà thỏa hiệp với Trung Quốc để làm dịu đi sự căng thẳng vì mấy
cái giàn khoan lúc này. Nếu Việt Nam là “ông em” của “ông anh Trung
Quốc"” thì dĩ nhiên các “đại ca” như Mỹ sẽ không quan trọng đàn em nữa
mà đàm phán với “ông anh-người có quyền quyết định”. Đó là phong cách
làm việc của tư bản, nhanh gọn lẹ và đúng người đúng việc.
Điều này đã bắt đầu hé lộ khi chúng ta thấy các phát biểu của Tập
Cận Bình (*) với John Kerry tại Bắc Kinh trong ngày 09/07/2014. Một mặt
Trung Quốc khẳng định với Mỹ là lập trường của họ trong tranh chấp Biển
Đông (với Việt Nam) hiện nay là đúng và sẽ không từ bỏ, một mặt Trung
Quốc không muốn đối đầu với Mỹ và đề nghị củng cố thương mại để cùng
nhau kiếm tiền. Tập Cận Bình dùng những từ ngữ mang tính hàm ý rất cao
như “Đối đầu TQ – Mỹ chắc chắn sẽ là một thảm họa (Mỹ-Trung không nên vì
một Việt Nam “thấp kém và không nhất quán” như thế mà đi đến đối đầu?).
Phát ngôn của Tập Cận Bình hàm ý như thế e rằng không sai mấy nếu Việt
Nam không nhanh chóng tỏ rõ lựa chọn đối ngoại của mình.
Nội dung quan chức hai bên như John Kerry và Tập Cận Bình nói ra cho
thấy khả năng thỏa hiệp Biển Đông theo mô thức “bỏ Việt Nam qua một
bên” là có cơ sở để nhận định nếu Việt Nam vẫn cứ “thiếu nhất quán” như
lâu nay. Nếu đảng cầm quyền Việt Nam vẫn tự huyển hoặc rằng Biển Đông,
kênh đào Kra và cảng Cam Ranh là những lợi thế địa chính trị để mặc cả
với Mỹ hơn là thiện chí chân thành hợp tác để hai bên cùng có lợi thì Mỹ
sẽ bỏ thật. Công thức thỏa hiệp có thể dự đoán theo kịch bản: tranh
chấp lãnh hải với các nước Philippin, Nhật Bản, Hàn Quốc (các đồng minh
của Mỹ lâu nay) thì Trung Quốc nên và phải dừng lại (ít nhất là tạm thời
trong lúc này) vì các nước này Mỹ không thể bỏ. Còn lại là Nga cứ ở Cam
Ranh, Trung Quốc cứ lấy Hoàng Sa-Trường Sa vả Mỹ sẽ giữ kênh đào Kra.
Thế là xong vấn đề Việt Nam, và ba cường quốc Mỹ-Nga-Trung Quốc tạm chấm
dứt vấn đề Biển Đông để quay qua các khu vực khác. Kịch bản đó là đối
với Việt Nam chính là thời kỳ Hán thuộc lần thứ 3.
Cơ hội cuối cùng cho tất cả
Một quốc gia Do Thái Giáo nhỏ bé như Israel mà quyết tâm lập quốc và
làm mình lớn mạnh lên được trong một khu vực toàn các quốc gia Hồi
Giáo, là nhờ làm đồng minh với Mỹ-Âu châu. Dù khác nhau về hình thức
nhưng giống nhau về bản chất trong kiểu như Việt Nam ở sát bên Trung
Quốc. Vậy vì cái gì mà đảng cầm quyền Việt Nam không thể đưa đất nước
làm được như dân Do Thái, phải chăng vì chủ nghĩa Mác Lê và quyết tâm
tiến lên CNXH quan trọng hơn lãnh thổ và sự hùng mạnh, tự chủ của quốc
gia-dân tộc trong một tư thế như Israel hôm nay?
Chừng nào đảng còn muốn giữ quan hệ cộng sản và XHCN cho “giống
Trung Quốc” thì sẽ không có ông Mỹ- ông Âu nào có thể giúp gì được cho
Việt Nam vì họ không tin và không cần mối quan hệ “thiếu nhất quán” đó.
Nếu các quan chức trung ương đảng thuộc phe thân Mỹ lo sợ sự thỏa hiệp
này sẽ làm Việt Nam “mất nước” như tôi nghe đồn sáng nay thì hơ hãy
nhanh chóng hành động trước khi quá trễ, đây là CƠ HỘI CUỐI CÙNG CỦA
ĐẢNG để chọn con đường chuyển hóa từ trên xuống trước khi cuộc cách mạng
quần chúng từ dưới lên xảy ra (mà các điều kiện cần và đủ đang dần hội
tụ rồi) Coi chừng đây cũng là cơ hội cuối cùng, mà chọn lựa sai lầm sẽ
“sai một ly đi một dậm”: sẽ dẫn đến mất nước và mất cả đảng.
Chuyện xưa không xét, nếu Hoàng Sa-Trường Sa mất lúc này, dân tộc
Việt Nam “có đầy đủ thông tin và thẩm quyền” để nhận định: “tội là ở
đảng”
Nguyễn An Dân
_________________________