Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Chính trị và các yếu tố bao hàm bên trong

Hoàng Việt Quốc
Do nước Việt Nam thừa hưởng di sản văn hóa của khổng giáo nên người Việt chúng ta thường nghĩ chính trị là gắn liền với quyền lực và lợi ích vật chất. Chính vì lối suy nghĩ này nên chúng ta hiểu sai rằng người làm chính trị chính là người tham mê quyền lực và của cải vật chất. Chúng ta thường hay cho rằng đấu tranh chính trị là vì quyền lợi cá nhân Những nhà nho “không làm chính trị cáo quan về vườn” thì được cho là trong sách, liêm khiết. Trong khi đó đấu tranh và tham gia chính trị là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Tham gia chính trị là để góp phần xây dựng đất nước, xây dựng xã hội và mang tính đấu tranh tập thể cho một lý tưởng. Trong thế giới toàn cầu ngày nay những giá trị dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền…kinh tế thị trường là nền tảng cho các quốc gia văn minh, tiến bộ. Nên khái niệm chính trị cần phải được xét lại một cách toàn diệm cũng như những yếu tố mà nó bao hàm như nhà nước, luật pháp, hiến pháp, xã hội dân sự.

Chính trị là nền tảng của một quốc gia. Nói cách khác, nếu như quốc gia là một ngôi nhà chung cho tất cả công dân sống trên lãnh thổ quốc gia đó thì chính trị chính là nền móng để xây dựng ngôi nhà chung đó. Muốn định nghĩa khái niệm chính trị một cách đúng đắn, chúng ta cần phải xét lại khái niệm quốc gia. Ngày xưa vào thời phong kiến trước các TK 17-18, các vương quốc đều được xem là của một vị vua và Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Người dân sống trong các vương quốc đều không có quyền tham gia chính trị hay bàn luận kế sách với các quan đại thần và vua. Từ khi khái niệm dân chủ ra đời, các vương quốc dần dần sụp đổ và đưa đến sự ra đời của các quốc gia. Như vậy, một đất nước được xem như là một quốc gia khi đất nước ấy bao gồm những con người chia sẻ một di sản văn hóa lịch sử chung, cùng gắn kết và có những đồng thuận và tương lai chung và một nhà nước thể hiện những đồng thuận và chia sẽ ấy và được sự chấp nhận của những con người đó. Như vậy quốc gia không phải là của riêng một ai hết mà là của tất cả công dân sinh sống trên một lãnh thổ nhất định. Chính trị là khế ước và là sự đồng thuận chung của các công dân sinh sống trên một quốc gia về cách tổ chức và sinh hoạt cho quốc gia đó. Một quốc gia muốn ổn định và phát triển thì thế chế chính trị phải gắn liền với quyền lợi của tất cả công dân, tạo điều kiện phát triển ngang bằng cho tất cả mỗi người và phải bảo đảm các quyền tự do căn bản cho mọi công dân. Và thể chế chính trị này phải là thể chế dân chủ. Chí có dân chủ mới bảo đảm quyền lợi của toàn quốc gia.
Ngày nay khái niệm dân chủ cũng đã được thống nhất. Dân chủ là hình thể chính trị đối ngược với độc tài toàn trị, nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, là người người quyết định đường lối và chính sách của quốc gia thông qua việc bầu lên người lãnh đạo quốc gia và có quyền gây ảnh hưởng và giám sát sinh hoạt của nhà nước. Một quốc gia được xem là dân chủ nếu đáp ứng được các điều kiện sau: (1) các viên chức của nhà nước, những người có trách nhiệm điều hành đất nước, phải được bầu lên từ lá phiếu của nhân dân, (2) bầu cử phải tự do và công bằng và việc sử dụng vũ lực hoặc lời đe dọa để gian lận bầu cử tuyệt dối bị cấm, (3) Tất cả các công dân đến độ tuổi trưởng thành đều có quyền đi bầu, (4) Công dân đến độ tuổi trưởng thành có quyền ứng cử vào các chức vụ của nhà nước , (5) công dân có quyền tự do ngôn luận và không phải bị bắt bớ hay trả thù chủ vì nói lên quan điểm của mình, (6) công dân có quyền được tự do thông tin, thông tin của các báo đài không được phép kiểm duyệt bởi chính phủ và phải được luật pháp bảo vệ, (7) công dân có quyền tự do hội họp, lập hội đoàn, tổ chức dân sự hoặc các đảng phái chính trị.
Quốc gia là của tất cả người dân và các viên chức của nhà nước được bầu lên từ người dân nên nhiệm vụ của nhà nước chính là phục vụ quốc gia, ngôi nhà chung của mọi người. Nhà nước không được phép can thiệp sâu và cuộc sống của người dân, nhất là sự can thiệp vào nền kinh tế thị trường. Các nhiệm vụ chính của nhà nước được giới hạn ở các hoạt động sau: bảo vệ các quyền tự do căn bản của người dân, khuyến kích sự thành lập của các tổ chức dân sự, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào đóng góp chung của xã hội và để mọi người phát huy hết khả năng để đóng góp vào lợi ích chung của xã hội, giải quyết mâu thuẫn giữa các thành phần xã hội và hòa hoải giải những mâu thuẫn đó. Nước Việt Nam vào thời phong kiến khi khái niệm quốc gia chưa ra đời thì đất nước được xem là của các vị vua. Bản thân nhà nước phụng sự cho lợi ích của các vị vua và là một giai cấp khác biệt hoàn toàn với tầng lới nhân dân. Nhà nước lúc đó không xuất phát từ lợi ích của người dân mà có những đặc quyền đặc lợi riêng biệt. Ngày nay khi khái niệm quốc gia và dân chủ đã hình thành và trở thành những giá trị tiến bộ thì nhà nước phải đứng dưới quốc gia, đứng dưới pháp luật và là một công cụ để xây dưng dự án chung của quốc gia đó. Nhà nước phải hoạt động vì lợi ích của người dân và phải chịu sự kiểm soát từ phía mọi người.
Để quy định cụ thể về hoạt động của nhà nước và của các viên chức chính phủ và các quyền của công dân, cần phải có một văn bản khế ước, một hợp đồng quy định những việc nhà nước đảm nhiệm, những giới hạn trong hoạt động của nhà nước và các quyền lợi và nghĩa vụ của công dân. Và hiến pháp chính là văn bản đảm nhận công việc này. Hiến pháp của một quốc gia là một văn bản nhằm để hợp thức hóa thể chế chính trị của quốc gia đó, bảo đảm các quyền tự do căn bản của công dân, quy định trách nhiệm và công việc của nhà nước ở cấp địa phương và trung ương và những hạn chế trong hoạt động của nhà nước. Một hiến pháp dân chủ không được phép áp đặt bất kỳ một chủ thuyết nào lên cả nước, phải để nhà nước đứng dưới quốc gia và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Ví dụ trong hiến pháp Hoa Kỳ có 10 điều tu chính án đầu tiên được soạn thảo bởi James Madison quy định các quyền cơ bản như quyền tự do được sống, được mưu cầu hạnh phúc tự do hội họp, tư do thông tin, tự do tín ngưỡng là các quyền bất khả xâm phạm của công dân Hoa Kỳ và các nhà nước của các tiêu bang hay liên bang không có quyền ban hành bất kỳ các đạo luật nào đi ngược lại với các quyền cơ bản của người dân. Ngoài ra, hiến pháp cần phải hợp pháp hóa các cơ chế giám sát cụ thể trong nhà nước để không một tổ chức nào có được quyền lực tuyệt đối. Trở lại ví dụ hiến pháp Hoa Kỳ, ở các điều 1, điều 2 điều 3 quy định cụ thể rất rõ quyền lập pháp là của quốc hội, hành pháp là của tổng thống và chính phủ, và tư pháp thì của toà án. Như vậy cả ba nhánh quyền lực đều không một nhánh nào có thể thao túng quyền lực. Các nhánh luôn kiềm chế và đối trọng lẫn nhau. Câu hỏi đặt ra là liệu hiến pháp có thật sự cần thiết cho một đất nước dân chủ hay không? Câu trả lời là không quá cần thiết. Khi một đất nước mà đã có nền tảng là một thể chế dân chủ, tính tổ chức và đa nguyên đã trở thảnh văn hóa của quốc gia đó thì hiến pháp không còn cần thiết vì sinh hoạt dân chủ đã trở thành bản năng của mọi người trong quốc gia đó. Ví dụ, vương quốc Anh chưa có một bảng hiến pháp nào chính thức nhưng vẫn được xem là một nước dân chủ vì sinh hoạt dân chủ và thể chế đa nguyên đã nảy mầm và phát triển từ thế kỷ 17 và đã trở thành bản sắc của người Anh. Nhưng đối với đất nước mà khái niệm dân chủ còn mới lạ như Việt Nam thì một bảng hiến pháp dân chủ là rất cần thiết để tránh sự mập mờ về các hoạt động của nhà nước và giúp người dân hiểu rõ và nắm bắt được những quyền căn bản của họ. Các đạo luật được ban hành đều phải hợp hiến và không đi ngược lại các quyền căn bản của nhân dân.
Trong một đất nước, xã hội dân sự là thành tố thể hiện mức độ tự do, dân chủ của đất nước đó. Vì đây chính là minh chứng cho quyền tư do hội họp, tự do kết hợp của công dân. Các tổ chức, hội đoàn dân là sự biểu hiện của sự kết hợp của các công dân trong cộng đồng xã hội. Quyền bầu cử là để là để chọn các viên chức nhà nước có khả năng đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân còn quyền tự do thành lập hội đoàn chính là để kiểm soát và giám sát những viên chức này và nhà nước nói chung. Các tổ chức hội đoàn này hoàn toàn độc lập với nhà nước và nằm ở thế đối trọng với lại nhà nước. Mục địch của các xã hội dân sự là kiểm soát hoạt động của nhà nước và bảo đảm các phúc lợi xã hội đều được phân chia một cách thích hợp cho tất cả các thành phần trong xã hội. Nói cách khác, xã hội dân sự chính là quyền lực trực tiếp của nhân dân và giúp kiềm chế và giảm thiểu quyền lực của nhà nước. Thông qua các tổ chức và hội đoàn dân sự, người dân sẽ được tiếp xúc với cách thức tổ chức và sinh hoạt của một xã hội dân chủ. Từ đó sinh hoạt dân chủ sẽ trở thanh nếp sống của mỗi cá nhân và được hình thành trong cộng đồng. Xã hội dân sự chính là môi trường thuật lợi để "hạt giống" dân chủ nảy mầm. Ví dụ nổi bật nhất của sự thành công trong xã hội dân sự là sự kiện người Mỹ gốc Phi xuống đường đòi bãi bỏ các đạo luật phân biệt chủng tộc vào thập niên 60 của thể kỷ trước. Các tổ chức dân sự nổi tiếng đã tham gia đấu tranh cho quyền của người Mỹ gốc Phi là Congress of Racial Equality (CORE), National Association for the Advancement of Colored People (NAACP), Southern Christian Leadership Conference (SCLC), Student Non-violent Coordinating Committee (SNCC) và cùng nhiều các tổ chức dân sự khác. Kết quả là các chương trình và đạo luật phân biệt chủng tộc bị bãi bỏ. Như vậy xã hội dân sự là biểu hiện của quyền tự do kết hợp, quyền tự do lập hội của công dân. Xã hội dân sự thể hiện quyền lực và nguyện vọng của người dân và đảm nhiệm chức năng kiểm soát quyền lực nhà nước. Nhà nước phải có nhiệm vụ bảo vệ, tạo điều kiện và khuyến khích các xã hội dân sự và không được khống chế xã hội dân sự.
Điều kiện bắt buộc khác cho một quốc gia dân chủ là phải tôn trọng mọi thành phần xã hội và mọi khuynh hướng chính trị được xây dựng trên nền tảng là xã hội đa nguyên. Xã hội đa nguyên là xã hội phải đặt chỗ đứng ngang nhau đối với các thành phần xã hội, tôn giáo và khuynh hướng chính trị, tôn trọng sự khác biệt của các địa phương, các cộng đồng sác tộc, xã hội dân sự và phải kính trọng thành phần thiểu số. Xã hội đa nguyên không chấp nhận các hình thức chuyên chính, thâm chí là chuyên chính đa số. Nhà nước trong chế độ chính trị dân chủ đa nguyên phải giải quyết tranh chấp giữa các thành phần xã hội, trừng phạt những vi phạm đối với xã hội đa nguyên. Để đạt được xã hội đa nguyên, cần phải có cơ chế tản quyền. Các địa phương phải được quyền bầu lên chính phủ thể hiện được nguyện vọng và lợi ích của người dân ở địa phương đó. Các chính phủ ở cấp địa phương được phép ban hành các đạo luật nhưng các đạo luật này phải hợp hiến và không mâu thuẫn với luật pháp quốc gia. Để đạt được xã hội đa nguyên nhưng vẫn giữ được tính thống nhất chặt chẽ của quốc gia thì cần phải chia sẽ quyền lực giữa nhà nước trung ướng và chính phủ cấp địa phương. Ví dụ như quốc phòng, tiền tệ thì sẽ cho chính phủ trung ương đảm nhiệm. Còn các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế thì các cấp địa phương sẽ chịu trách nhiệm mà không có sự chi phối từ trung ương. Như vậy với cơ chế tản quyền mọi sắc tộc, tôn giáo, khuynh hướng chính trị đều có chỗ đứng ngang nhau và đều được tôn trọng. Như vậy quốc gia sẽ không phải là của một cá nhân, đảng phái và thành phần nào cả. Quốc gia là của tất cả mọi người, không phân biệt quan điểm chính trị, tín ngưỡng và sắc tộc. Tất cả mọi cá nhân sinh sống trên một đất nước đều chia sẻ một dự án và một tương lai chung.
Như vậy, ngày nay, khi khái niệm quốc gia, dân chủ đã trở thành những giá trị văn minh, tiến bộ các thuật nghữ chính trị cần phải được xét lại một cách gay gắt. Quốc gia là của tất cả mọi người cùng chia sẽ một tương lai chung. Do vậy, chính trị không còn là tranh giành quyền lực, không còn là đấu đá nội bộ mà chính trị là nền tảng của một quốc gia. Điều này dẫn đến viêc xét lại của các yếu tố bao hàm trong chính trị là nhà nước, dân chủ, hiến pháp, xã hội dân sự, dân chủ đa nguyên. Một đất nước dân chủ phải đặt nhà nước dưới quốc gia và vai trò của nhà nước là đảm bảo các quyền tự do của công dân, không được can thiệp quá nhiều vào đời sống của người dân, khuyến kích sự thành lập của xã hội dân sự cà tạo điều kiện cho người dân phát huy khả năng đóng góp vào phúc lợi của xã hội, tôn trọng mọi thành phần xã hội và khuynh hướng chính trị. Đây chính là những giá trị mà các nước văn minh, tiến bộ đã theo đuổi và những giá trị này sẽ là giá trị phổ quát cho các quốc gia trên toàn thế giới.
Các nguồn tư liệu:
Dự Án Chính Trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Hành Trang Dân Chủ Đa Nguyên
Democracy and Democratization by Georg Soresen
Bảng hiến pháp Hoa Kỳ

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"