Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Chiếc máy trợ thính và sự khốn cùng của nền giáo dục

Xích Tử
Trưa 3/7/2014, VTV1 có mục phỏng vấn ông Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo về kỳ thi tuyển sinh CĐ – ĐH 2014 với lời dẫn mở rất có tính khích lệ của phía đài. Có lẽ nhờ vậy, và đã được hướng dẫn chuẩn bị trước khá kỹ, người được phỏng vấn tuôn ngay “Như đồng chí nói…” và sau đó là những tràng liên thanh về những cải tiến của ngành trong kỳ thi dưới ánh sáng của nghị quyết 29.
Nghe ra thì cũng chỉ những chuyện kỹ thuật thi cử lặt vặt, bàn đi bàn lại từ 1989 đến nay, với những phương án và vấn đề đúng ra là không nên có trong tư duy quản lý đại học, từ chỗ Bộ soạn đề và đáp án, in thành sách và bán ra xã hội để làm giàu, đến 3 chung, cách ra đề (qui trình và nội dung đề), điểm sàn, chống gian lận thi cử từ phía người thi và phía người tuyển. Gần đây thì tập trung vào chuyện gỡ rối, làm hoà giữa phương thức 3 chung với việc các trường tự tổ chức thi, tuyển thông qua thay đổi cách xác định điểm sàn của Bộ; cho một số trường được tổ chức thi, tuyển riêng nhưng đe doạ sẽ thanh tra. Tất cả đều là nửa vời, lặt vặt, nhưng được mệnh danh sang trọng là chuẩn bị cho giai đoạn thực hiện tự quản của đại học. Nói rất nhiều, nhưng ngay trong phương án 3 mức điểm sàn cho đại học và một mức cho cao đẳng là chẳng có cơ sở khoa học gì, chỉ cốt để làm chiếc phao cho nhóm ngoài công lập và các trường đại học yếu thế có thể tuyển hết chỉ tiêu (tức là có sinh viên học để mà sống). Do vậy, loay hoay cải cách cũng chỉ để bộc lộ ra sự bế tắc trong việc tổ chức, quản lý một nền đại học như một nhóm lợi ích khổng lồ và ngày càng không kiểm soát được.

Sự hỏng hóc đó, nói như giáo sư Hoàng Tuỵ, là lỗi hệ thống; hệ thống đó bắt đầu từ tư tưởng, ý thức hệ, thể chế chính trị và nền đạo đức như là sản phẩm và hậu quả của những cái kia. Suốt 30 năm đổi mới (tính từ 1979 đối với giáo dục phổ thông), Bộ vẫn không thể từ bỏ những phương thức quản lý tập trung đối với giáo dục nói chung, đại học nói riêng vì đó là sản phẩm của nhân tố thống ngự là sự toàn trị; trong không gian đó, Bộ vừa phải giữ quyền, bảo vệ lợi ích của ngành và quan trọng là của chính Bộ (ví dụ như sách ra đề thi hoặc Nhà xuất bản riêng để nuôi cơ quan Bộ), vừa phải nghiêm cẩn thực hiện nhiệm vụ chính trị về bảo vệ chế độ, bảo vệ ý thức hệ thông qua giáo dục.
Bên dưới cơ cấu quản lý vị lợi đó, là những nhóm lợi ích đa cấp, làm nhiệm vụ vận hành các mục tiêu giáo dục, thông qua một chương trình, một bộ sách giáo khoa, một bộ giáo trình duy nhất để tạo ra hiệu quả giáo dục. Quá trình vận hành và quản lý vận hành đó được nuôi bằng lương và học phí, tạo thành cái nghề cao quí nhất. Kết quả là sau 30 năm, ngành giáo dục đã đi thừ thất bại này đến thất bại khác: Chất lượng dạy học kém, chất lượng trong sản phẩm giáo dục quá thấp, do đó hiệu quả không đạt; đạo đức giáo dục băng hoại, rất nhiều tiêu cực trong quan hệ kinh tế học giáo dục (kể cả từ nguồn đầu tư của nhà nước vào ngành, vốn viện trợ và vay từ nước ngoài và quan hệ kinh tế giữa giáo dục (người dạy) với người học và phụ huynh, xã hội.
Có thể nói không ngoa và rất dễ chứng minh rằng cho đến thời điểm này, nền giáo dục Việt Nam là chỗ để người học (kể cả người dạy đi học) mua chữ, mua bằng, tìm một chứng nhận nghề nghiệp để vào đời và tiến thân; còn phía người dạy (tất tần tật những người ở phía không phải người học) bán chữ, bán bằng để mưu sinh và làm giàu. Những ý nghĩa thiêng liêng trong mục tiêu giáo dục đã bị tha hoá, trừu tượng hoá từ thực tiễn giáo dục và trong thực tiễn giáo dục; sự tôn quí của nghề nghiệp chỉ còn là sự tự động viên giả dối nhau của nội bộ ngành và lời vuốt ve của những người lãnh đạo đối với giáo dục.
Ấy vậy mà nền giáo dục lại được giao và kỳ vọng trang trải toàn bộ yêu cầu của xã hội (thực chất là của đảng) để làm ra sản phẩm giáo dục toàn diện với tên gọi khái quát của nó là con người mới xã hội chủ nghĩa. Và cũng chính vì đó mà mới nên cơ sự bi đát nói trên.
Do sự chi phối của chính trị, tư tưởng, ý thức hệ nên nền giáo dục phải tập trung, duy nhất. Bộ không thể phân cấp mạnh, giao quyền tự chủ vừa vì sợ mất lợi như đã nói, đồng thời cũng biết quá rõ sự thiếu năng lực, vô đạo đức, vô trách nhiệm, vụ lợi của cấp dưới và biết đâu, khi thả lỏng ra, những con người nhu nhược nhưng tham lam như âm binh dậy non của Cao Biền ấy lại làm chệch hướng chính trị, ý thức hệ đi (chuyện xử lý một số chương trình, giáo trình nhạy cảm chứng tỏ quá trình này).
Muốn an toàn nhất cho một nền giáo dục tập trung duy chính trị như thế, chỉ có một cách, nói gọn, là người học phải học thuộc lòng tất cả, từ môn tự nhiên, toán, đến các môn xã hội; chuyện phát triển tư duy cốt chỉ ngốn tiền các dự án, còn khi vào cuộc thi, trước hết là kiểm tra mức độ học thuộc lòng. Điều kiện để đo mức học thuộc lòng là không cho mang tài liệu vào phòng thi, kể cả atlas địa lý, bảng tuần hoàn hoá học…Từ đó mà khởi phát tất cả sự gian lận thi cử từ phía người thi: phao, điện thoại di dộng, và vô số những phương tiện công nghệ thông tin hiện đại nhất (đôi khi người viết bài nghĩ rằng họ đã có tiền mua và biết sử dụng những phương tiện ấy thì cần gì đi thi đại học). Không đâu trên thế giới này lại phong phú các hình thức gian lận của thí sinh như thế. Ngày xưa, trong thi cử chỉ có một hình thức gian lận duy nhất do thí sinh thực hiện là copy, tức là xem bài người ngồi gần (do vậy nên nó được nói trại thành “coi bi”) và việc người ngoài phòng thi ném giấy nháp vào. Thế cũng là động trời rồi.
Gian lận của thí sinh có quan hệ vô cùng biện chứng với gian lận của những người lớn trong giáo dục, quan trọng nhất là chấm thi (dấu hiệu bài thi, lộ phách, những tiêu cực trong xét tuyển…). Để tránh dài dòng, cũng có thể nói ngay rằng không đâu trên thế giới này lại có đến 3 tầng cán bộ coi thi cho một phòng thi (2 người trong phòng luôn đằng đằng sát khí và nhiều lớp bên ngoài), 2 cán bộ chấm thi cho một bài thi và nhiều người chấm các vòng sau đó, mà tất cả đôi khi đều là đảng viên cộng sản. Thế nhưng họ có tin và được phép tin nhau đâu.
Học thuộc lòng nên, tôi nhớ khoảng 2007, 2008 gì đó, có việc ra đề thi môn văn sai ở một trường cao đẳng nọ. Sai là do đề thi sử dụng tác phẩm không nằm trong chương trình hạn chế, cụ thể là bài đọc thêm trong sách giáo khoa. Thì ra, với môn văn, môn ý thức hệ, đề thi chỉ được sử dụng những bài đã được chọn trong sách giáo khoa, mà dĩ nhiên, sự chọn lựa này có những căn cứ tư tưởng chính trị của nó. Tôi cũng nhớ, trong năm đó, đề thi văn Tú tài ở Pháp, người sử dụng ngay một câu phát biểu của Tổng thống trên truyền hình cách đó vài tuần để học sinh nghị luận.
Học thuộc lòng nên mới có chuyện sau những khoe khoang đổi mới của ông Cục trưởng, ngay trong buổi thi buổi thi sáng 4/7, xảy ra sự cố chiếc máy trợ thính của một thí sinh. Do phương tiện này không có trong qui định, song lại na ná hoặc có thể là phương tiện liên lạc, lập tức hội đồng thi phải xử lý. Một hệ thống quyền lực được huy động gồm giáo dục, công an, y tế, điện tử - công nghệ thông tin để giám định đối tượng khả nghi này. Có lẽ công việc cũng phải mất vài giờ, dài hơn thời gian tác nghiệp của các nhân vật trong “Truyện trinh thám An Nam” của Nguyễn Công Hoan. Trong thời gian ấy, cậu thí sinh kia như thế nào thì không nói. Giả định là cậu ấy vẫn được tiếp tục làm bài thì chất lượng bài thi thế nào trong điều kiện bị tác động tiêu cực về thể chất (không còn nghe gì) và tinh thần như thế. Ai chịu trách nhiệm, hỡi nền giáo dục nhân văn, tôn trọng người tàn tật của nước Việt Nam?
Xích Tử

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"