Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Cảm nghĩ sau một buổi thi nấu ăn ở chợ Đồng Xuân - Berlin

Người Buôn Gió
Hôm qua nhà hết gạo, nhờ người quen chở đi ra chợ mua. Bao gạo khá nặng, nếu đi bằng tàu phải chuyển bến vài lần rồi vác về nhà thì khá vất vả. Nên tiện có ai đi chợ thì bám càng đi mua cho tiện.
 Đến chợ mua gạo xong chất vào xe, người cho đi nhờ xe lại tham dự buổi thi nấu ăn của cộng đồng người Việt tổ chức ở đây.

Đành ra phải ngồi chờ.

Người Việt ở chợ Đồng Xuân từ trước đến nay sinh hoạt gì đều có mặt đại diện đại sứ quán, chính vì thế mình không muốn đến những nơi như vậy làm gì. Nhìn nhau không thiện cảm, cũng mất vui. Biểu tình chống TQ thì kẻ thù chung của đất nước, cờ đỏ cờ vàng gì đi tuốt thì riêng ra một lẽ. Chứ mấy vụ sinh hoạt của người ta, không hợp nhau tự dưng có mặt ở đó thì đúng cũng khó xử khi nhìn nhau.

Nhưng mà trong chợ thì không có chỗ ngồi, đành phải ngồi ở bên ngoài nơi diễn ra hội thi nấu ăn để chờ. Mất luôn 2 tiếng đồng hồ.


Mình ngồi với ông Sa Huỳnh nói chuyện về biểu tình, thì ông Cường chủ báo Nguoi Viet. de ra bắt tay, rồi ông ấy cau có phê phán mình viết sai chỗ nọ, chỗ kia. Mình cũng thành thật trả lời là em như người quan sát, thấy gì, hỏi gì người ta nói thì viết thế. Ông Cường bảo lẽ ra mình phải gặp ban tổ chức biểu tình hỏi lấy thông tin để viết bài. Đúng là chơi khó, tự dưng mình đi mò tìm ban tổ chức biểu tình để xin thông tin thì nói thật nó hơi kỳ quặc. Với mấy ông như Lương Vũ, bà Quỳnh Nga thì đến BTC biểu tình không sao. Chứ mình trên trán được DLV trong ngoài nước khắc hai chữ '' phản động '' rành rành, mình không mò đến BTC biểu tình cũng là nghĩ cho họ đỡ khó xử khi làm việc.


Buổi thi nấu ăn kết thúc, hầu như đội nào thi cũng được giải thưởng. Thực ra thì đây là cuộc thi vui, gắn kết cộng đồng, nên ban tổ chức nghĩ ra đủ các giải để trao cho tất cả các đội cũng là đúng tính vui chơi.

Điều bất ngờ là các đội nhận giải thưởng bằng tiền mặt đều chuyển tiền cho quỹ ủng hộ các chiến sĩ ngoài biển đảo. Điều ấy khiến mình nghĩ lại về tinh thần yêu nước của người Việt cờ đỏ từ các cuộc biểu tình trước đây.



Sự có mặt của bà bí thư đại sứ quán tại cuộc thi ít nhiều khiến người khác nghĩ đây là cuộc thi có tính chính trị cộng đồng.


Đúng là phần nhiều những cuộc sinh hoạt cộng đồng ở đây đều có bóng dáng của chính quyền Việt Nam, biểu tình hay hội thi hoặc liên hoan văn nghệ nào cũng đều có mặt người sứ quán. Nên chuyện này chuyện kia có ảnh hưởng hay chỉ đạo của sứ quán VN là điều đương nhiên. Chính vì thế nên nhiều buổi biểu tình , sinh hoạt của người Việt ở Berlin được cho là do sứ quán tổ chức.

 Nhưng nếu lặn lội vào những cuộc biểu tình cờ đỏ, những cuộc sinh hoạt của người Việt cờ đỏ, có lẽ chúng ta sẽ thấy một góc nhìn khác.

Những người Việt dù mang màu cờ nào cũng đều yêu nước, mọi thứ xuất phát điểm ban đầu là lòng yêu nước rất chân thành. Chuyện ai lợi dụng họ là một câu chuyện khác mà nhiều người đã nói đến. Trong bài viết này, chỉ nói đến tấm lòng của những con người bé nhỏ, giản dị không có chức sắc hay tiếng tăm gì trong cộng đồng người Việt ở đây.

 Có những người bán hàng vặt, làm thuê, chạy bàn...tấm lòng của họ cũng đơn sơ như những người dân ở Việt Nam. Nghe thấy tổ quốc bị xâm lăng, có tiếng gọi là lên đường. Nguyên nhân tổ quốc bị xâm lăng thôi thúc họ lớn hơn nhiều là tiếng gọi chỉ đạo của đại sứ quán hay tổ chức nào, mục đích chính trị gì. Người dân thường Việt Nam ở đâu cũng thế, họ không nghĩ nhiều, tiếng gọi lớn nhất là tiếng kêu đau đớn của tổ quốc bị quân thù dày xéo. Người góp tiền, người góp sức. Những gương mặt bừng bừng lửa giận hô vang khẩu hiệu đả đảo Trung Quốc xâm lược trên đường phố Đông Âu dù là màu cờ nào cũng đều giống nhau, những người dân Việt nào cũng thế.

 Tôi đã nhìn thấy trong cuộc biểu tình hồi tháng 5 tại Berlin, những chàng trai tóc xanh, vàng kỳ quái hô vang khẩu hiệu biểu tình. Trong lòng tôi thấy rất ấm áp. Tôi biết chắc những con người như họ chả quan tâm đến chuyện đại sứ, chuyện chính trị âm mưu bè phái gì. Mà đơn giản họ đi chỉ vì nghe thấy tin quê hương mình bị ngoại bang xâm chiếm. Nói chuyện quan tâm thì chắc hẳn quan tâm của những chàng trai trẻ này là ăn chơi, ngôi sao ca nhạc, bài hát mới nổi, thời trang hiện nay.




Cũng như những chàng thanh niên tưởng chỉ nghĩ đến chuyện ăn chơi ấy, nhiều bà, nhiều chị cũng hăng hái xuống đường. Thậm chí có những đoàn người ở các thành phố rất xa kéo về tụ lại để quyết tâm bày tỏ lòng yêu nước trong vòng mấy tiếng, rồi lặng lẽ ra xe trở về nhà cách xa hàng trăm cây số ngay trong ngày.

Nói khách quan thì trong lòng những con người Việt như thế, không đến cuộc biểu tình này vì sự chỉ đạo hay lấy lòng sứ quán. Đó là sự thật, họ đến vì tiếng gọi của quê hương họ. Nhưng cũng phải nói khách quan cho hết là biểu tình dưới ngọn cờ đỏ khiến họ không phải lo lắng nhiều về phía chính quyền Việt Nam.

Gạt qua nhiều yếu tố, một yếu tố lớn nhất phải ghi nhận là hành động hướng về biển đảo của người Việt cờ đỏ, phần đông xuất phát từ lòng yêu nước chân thành. Đã qua lâu rồi những thời phát động phong trào quần chúng, để diễn lấy điểm, để ghi công với cấp trên, dù tàn dư của nó chắc chắn đến bây giờ không hẳn đã dứt. Nhưng ở một thời đại thực dụng thế này, hàng ngàn con người bỏ công việc, thú vui để hăng hái đi tuần hành phản đối quân xâm lược, mạnh mẽ hét vang những lời đả đảo bằng hai thứ tiếng. Chắc chắn đó là tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, một tinh thần truyền thống của dân tộc truyền lại trong mỗi tâm thức người Việt, dù bất kỳ ở đâu hay thời thế nào. Chỉ có tinh thần như thế mới làm nên thành công của các cuộc biểu tình.

Khi đưa hình ảnh những người Việt cờ đỏ biểu tình chống TQ nên trang của cá nhân tôi, nhiều bạn có lời lẽ khá nặng nề. Các bạn có lý do của các bạn, nhưng cũng nên để một cái nhìn nào đó riêng rẽ về tấm lòng những người dân tham gia trong cuộc biểu tình đó.

Hôm qua nhìn thấy những hành động trao tiền giải thưởng cho quỹ biển đảo của những đội được giải, một cách rất chân thành và tự nhiên. Thấy cũng vui vì dù sao nhiều người Việt dù ở đâu vẫn có lòng hướng về quê nhà.  Cũng như nhiều người khác đã đóng góp cho quỹ biển đảo này. Số tiền ấy sẽ dùng chính đáng hay không ? Rồi tại sao nhà nước không lo lại để người dân phải đóng góp.....câu hỏi rất nhiều. Nhưng trong khi hỏi những câu hỏi này, tách bạch ra thì nên nhìn nhận những tấm lòng của người đóng góp. Dù họ có dại, họ bị lừa hay gì đó lại là câu chuyện khác .. còn chứng kiến việc mà họ đã làm, thiết nghĩ nên ghi nhận tấm lòng của họ.

Vài hình ảnh cuộc thi


Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"