Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Cái khổ nạn của một quốc gia nhược tiểu

"Anh có thể còn nghèo nhưng anh hành xử như những kẻ nhược tiểu thì không xứng đáng để có đồng minh tin cậy và vì thế không chắc đã có thể tự định đoạt được chủ quyền. Cái ước mơ đứng một mình (độc lập) trong cảnh nghèo mà hạnh phúc chẳng khác gì một thứ hàng xa xỉ và viển vông."

Sông Hàn

Quá lo ngại việc Hoa Kỳ và Trung Quốc tranh dành ảnh hưởng, thậm chí là phát động chiến tranh nhằm vào nhau, đe dọa trực tiếp tới Úc Châu, Hungh White đã đề cập giải pháp “xử Hòa” theo đó Hoa Kỳ nên nhượng 3 nước Đông Dương cho Trung Quốc.
Nhượng ở đây là chấp nhận ba nước Đông Dương trở thành những vệ tinh của Trung Hoa, Hungh White hi vọng với giải pháp này China sẽ thỏa mãn và quyền lợi của Úc nhờ vậy được bảo đảm.

Liệt cường trao đổi trên đất Việt Nam

Trong suốt thời cận hiện đại, lịch sử Việt Nam đã chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc mua bán, đổi chác của liệt cường trên chính dải đất chữ S này. Thời Cận Đại, khi Trung Quốc (Thanh triều) và Pháp Quốc đụng nhau trên chiến trường Bắc Kỳ, người ta đã nghe tới giải pháp: Phân chia vùng đất này thành hai phần, theo đó Trung Quốc sẽ lấy Bắc Kỳ mỏ còn người Pháp thôn tính Bắc Kỳ gạo.
Rất may mắn cho Việt Nam cả khi đấy và tương lai trăm năm sau này đó là việc người Pháp đã không nỡ chối bỏ miếng bánh to. Quân Pháp tấn công quân Thanh trên toàn cõi Bắc Kỳ, hải chiến nổ ra khắp vùng biển Đông Nam Trung Hoa. Trên chiến trường Bắc Kỳ quân Thanh đại bại, hạm đội Phúc Kiến cũng bị người Pháp đánh cho tan nát, lãnh thổ Việt Nam được bảo tồn cho đến ngày nay.
Từ Giơ - ne – vơ (1954) cho chí Thượng Hải (1972) lần lượt VN DCCH rồi VNCH bị đem ra trao đổi hoặc phó mặc cho số phận đẩy đưa.

Trong vòng xoáy China

Biển Đông đã nổi sóng gió từ gần bốn chục năm nay và càng ngày càng xuất hiện nhiều những cuộc đua thể lực, những cựu thực lực ngày càng quan tâm và thậm chí sẵn sàng can dự vào khu vực. Còn về phía Việt Nam? Luôn đi sau về mặt nhận thức, Việt Nam đang phải chịu khuất lấp trước sức mạnh của con Rồng Trung Hoa.
Dư luận nhiều người bày tỏ quan ngại về việc Chính phủ cộng sản nhượng biển đảo, thậm chí cả đất liền cho Trung Quốc để đổi lấy quan hệ hữu hảo bốn tốt mười sáu chữ vàng. Thực hư chưa biết thế nào, nhưng công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng nói một cách khách quan thì vẫn cứ là nỗi nhức nhối khó xử cho Việt Nam
China hình như không cảm thấy cần có trách nhiệm với “bạn vàng”, quá thấu hiểu, họ liên tục gia tăng sức ép, thiết lập nên cái sợi thòng lọng quanh Việt Nam. Càng cố giẫy để cầu sống thòng lọng đó càng thít chặt lại và có thể nó chỉ lại một lỗ nhỏ cuống phổi đủ cho Việt Nam sống trong ốm đau, bệnh tật và lệ thuộc.
Gần đây, China đã chơi một nhát dao với Việt Nam và Phi Luật Tân khi Cam Bu Chia nắm giữ chức Chủ tịch ASEAn. Người Tầu cũng đã tràn lấp Thượng Lào, một phần tới Trung Lào. Lệnh cấm đánh bắt cá được người Trung Quốc đơn phương ban bố, tàu Hải Giám, Ngư Chính của nước này vần vũ trên biển Đông, bắt giữ, đánh đập ngư dân Việt Nam.
Biên giới trên biển thì đang được người Trung Quốc thiết lập bởi các dàn khoan di động và cả hạm đội hộ tống.
Mối họa về phụ thuộc kinh tế treo lơ lửng trên đầu mỗi người Việt Nam mà người ta có thể kể ra mấy ví dụ về nông nghiệp và dệt may. Sản phẩm nông nghiệp liên tục trồi trụt theo giá thu mua của nhà buôn Trung Quốc, Dệt may thì không hiểu vì lý do gì toàn bộ nguyên phụ liệu gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hàng Made in China. Các nguyên phụ liệu xuất xứ Ấn Độ, Băng La Đét, Indonexia gần như không có cơ hội cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Không gian văn hóa – chính trị Đông Bắc Á ngày càng trở nên chật chội, bí bách, lạc hậu và kìm hãm sự phát triển của Việt Nam (thậm chí ngay cả đối với Trung Quốc). Muốn phát triển, muốn quốc gia phú cường mà bảo tồn hay cố sống trong không gian này là điều không thể.

Gồng mình chống đỡ

Điều kỳ lạ là Việt Nam vừa phải gồng mình chống lại áp lực từ phương Bắc nhưng lại không tỏ ra bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy mình muốn thoát khỏi vòng ảnh hưởng của thế lực ngàn năm này. Người dân gần như bơ ngơ, rợn ngợp và không có lối thoát khi đi giữa vòng xoáy Trung Hoa còn Nhà nước thì loay hoay vừa cố gắng chống đỡ vừa như muốn xin China để yên cho mình sống, cho doanh dự của chính mình.
“Sơn thủy tương liên
Văn hóa tương đồng
Lý tưởng tương thông
Vận mệnh tương quan”
Mấy câu đó vừa nói lên cái cốt cách của Văn hóa Đông Bắc Á, vừa có dụ ý cảnh báo Việt Nam về thứ vận mệnh – tồn vong đã gắn kết hai nhà nước Cộng Sản. Tứ tương (hay 16 vàng) này kỳ thực không khác gì thứ mà người ta gọi là “đồng bệnh tương lân”- Bệnh ngàn năm của Đông Á.
Mặc thế hai con bệnh này vẫn cứ phải đối kháng nhau bởi chính danh dự và vị thế chính danh của mỗi đảng cầm quyền. Trong bối cảnh eo hẹp kinh tế, Việt Nam phải gồng mình chống đỡ, một loạt doanh nghiệp được khuyến khích sang Lào đầu tư, một số cảng biển ở miền Trung được khai mở, Cảng Việt Lào (Vũng Áng – Hà Tĩnh) hình thành cận kề ngay ở khu gang thép Formosa (Kỳ Anh - Hà Tĩnh).
Việt Nam quyết giữ lại Trung và Hạ Lào nhằm bảo đảm chiều sâu phòng thủ của mình.
Hiện giờ đã hình thành các tuyến đường Quốc lộ 1A (đang nâng cấp mở rộng), đường Hồ Chí Minh, Quốc Lộ ven biển đang được nối liền (gấp rút thi công kể cả khi kinh tế be bét, xiết chặn đầu tư công), Đường vành đai biên giới cũng đang được hình thành. Miền Trung đã có bốn tuyến đường, hình thành bốn tuyến phòng thủ, tiếp cứu và hỗ trợ lẫn nhau khi có chiến sự. Mới đây một loạt các xã vùng núi của Nghệ An tập trận (Thường niên).
Một loạt các hợp đồng vũ khí được Việt Nam ký kết với Nga nhằm hiện đại hóa Hải Quân và gia tăng khả năng răn đe trên biển. Tuy nhiên sức mạnh tác chiến thực sự của hệ thống vũ khí này đặc biệt là của các hộ vệ hạm tên lửa Gepard (nhân tố trung tâm của hạm đội Việt Nam) vẫn là một dấu hỏi để ngỏ.
Nhưng chừng đấy chưa là gì với sức ép mạnh mẽ từ Trung Quốc.
Sự vụ Hải Dương Thạch Du 981 cho thấy Việt Nam vô kế khả thi trước thế lực phương bắc này. Lực lượng cảnh sát biển, Kiểm ngư không thể làm gì hơn ngoài việc đấu công suất loa và chạy trở về kêu la về việc bị tàu Trung Quốc húc bẹp. Căng thẳng kéo dài đến giờ mà nói nhiều người đã chán khi nghe nói về đấu tranh trên biển chống giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trái phép.
Vậy ứng xử của các cường quốc thì thế nào, họ chờ gì ở Việt Nam hay chờ gì ở những động thái tiếp theo của Trung Quốc? Những điều đó còn để ngỏ.
Anh có thể còn nghèo nhưng anh hành xử như những kẻ nhược tiểu thì không xứng đáng để có đồng minh tin cậy và vì thế không chắc đã có thể tự định đoạt được chủ quyền. Cái ước mơ đứng một mình (độc lập) trong cảnh nghèo mà hạnh phúc chẳng khác gì một thứ hàng xa xỉ và viển vông.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"