Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Đất Nước Nhìn Từ Phan Rang

Dân Luận
Tôi sinh trưởng ở cao nguyên, nơi hoàn toàn chả có biển rộng hay sông dài gì ráo. Đến tuổi mười lăm, mười sáu, khi những xe gắn máy của Nhật tràn ngập miền Nam, tôi mới có dịp nhìn thấy bãi biển Ninh Chữ – lần đầu – ở Phan Rang.
Từ Đà Lạt xuống Phan Rang, tên gọi nguyên thủy của tỉnh Ninh Thuận bây giờ, phải đổ đèo Dran và Krong Pha. Cả hai đều rất dài, rất “ngoạn mục,” và cũng rất hợp với cái tính khí (“dế mèn phiêu lưu ký”) của những đứa trẻ vừa mới lớn.
Lũ choai choai chúng tôi chỉ phóng Honda chừng vài ba tiếng là đến trung tâm thành phố. Sau khi chia nhau vài ổ bánh mì và mấy ly nước mía, cả đám chạy vù ngay ra biển. Lặn hụp, tắm táp qua loa rồi lại quầy quả quay về – cho kịp bữa cơm chiều!

Bãi biển Ninh Chữ. Nguồn ảnh: nhommua.com
Chúng tôi “đi du lịch” vội vã (như đi ăn cướp) không phải vì thiếu thời gian mà vì tiền túi chỉ vừa đủ đổ săng, cùng với bánh mì với nước mía thôi – ở motel hay khách sạn là chuyện rất xa vời, quá tầm tay với. Bởi vậy nên tôi không nhớ gì nhiều về Phan Rang – ngoài gió cát, núi đá, ánh nắng chói chang (và không khí nóng như rang) ở phố thị này.

Thời gian, tuổi đời, cùng nhiều thành phố xa lạ (với những bãi biển tuyệt vời) ở xứ người khiến cho Phan Rang chìm sâu trong tôi như viên sỏi nhỏ chìm lỉm dưới lòng một dòng sông hối hả. Mấy chục năm sau tôi mới hốt hoảng chợt nhớ đến cố hương, sau khi nghe tin dự án về dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Và cũng từ đây tôi mới biết chuyện về ông Tiềm Điên qua bài viết (Từ Chủ Trang Trại Điển Hình Phải Trở Về Tay Trắng”) của ký giả Mai Quốc Ấn, trên báo Sài Gòn Tiếp Thị:

Ông Tiềm thẫn thờ bên đống hoang tàn. Ảnh và chú thích: Mai Quốc Ấn
Doanh nhân ấy có biệt danh là Tiềm “điên” với tên thật là Nguyễn Văn Tiềm, người dám đi vay hàng trăm triệu đồng vào năm 1998 chặn dòng một con suối ở sông Ông, Ninh Thuận tự mình làm thuỷ điện. Từ sức người, ông biến một vùng cằn cỗi mà chính dân địa phương còn thừa nhận là “chó ăn đá, gà ăn sỏi” thành xưởng sản xuất nước đá, khu du lịch sinh thái theo mô hình trang trại nổi tiếng khắp nơi.
Tuy nhiên, trang trại ấy, phần lớn đã bị quy hoạch, bởi những quyết định lạnh lùng, lấy đất cho một doanh nghiệp khác làm thuỷ điện. Doanh nhân Nguyễn Văn Tiềm đi lên từ chân đất giờ trở về với chân đất. Gặp chúng tôi vào những ngày giữa tháng 6, ông Tiềm cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại vì hy vọng sẽ đòi được công bằng theo suy nghĩ của mình. Như bao vụ giải toả khác, chuyện của ông Tiềm cũng để lại cho chúng tôi nhiều suy nghĩ, ngậm ngùi khi mồ hôi nước mắt và tâm huyết của cả đời người bỗng chốc tan tành…
Mặc cho gia đình ông Tiềm khiếu nại, trưng ra những giấy tờ, bằng chứng nhưng chính quyền vẫn nhất quyết cưỡng chế. “Hôm đó họ dẫn theo công an, dân phòng đông lắm, chẳng khác gì vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng. Chỉ khác một điểm tôi đã cố nén để không liều mạng...”
Ông Nguyễn Văn Tiềm, nói nào ngay, cũng không điên lắm – ít nhất thì cũng chưa điên đến độ “liều mạng” như một công dân Việt Nam khác (cũng ở Phan Rang) là ông Phan Ngọc Tuấn. Ông Tuấn không “nén,” cũng chả “nín nhịn” gì sốt cả. Ông ngang nhiên viết trước nhà một hàng chữ lớn: GIA ĐÌNH BỊ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VÌ LÝ DO CHÍNH KIẾN.

Ảnh: Đỗ Vũ, DLB
Theo biên tập viên Đỗ Vũ thì “hành trình” để ông Tuấn bước vào vòng lao lý bắt nguồn từ hai nỗi oan sai của gia đình:
1. Vụ việc vợ ông bị đuổi khỏi công ty vệ sinh môi trường một cách bất hợp pháp. Vợ chồng ông đã đi kêu oan nhiều lần nhưng đều vô vọng.
2. Vụ án cháu ruột của ông Tuấn bị tai nạn xe cán chết. Nhưng phía gây tai nạn đã thông đồng hối lộ với cơ quan điều tra tỉnh Ninh Thuận nên họ chỉ bồi thường cho gia đình ông hơn 30 triệu đồng. Có kêu oan từ địa phương đến trung ương cũng vô ích.
Và trên con đường tìm công lý cho gia đình mình ông Tuấn gặp nhiều mảnh đời còn oan khiên, cay đắng hơn gia đình ông hàng trăm lần. Ông đã nhận ra bộ mặt thật của chế độ cầm quyền hiện nay ở Việt Nam.
Ông Tuấn đã tìm mọi cách vạch trần tội ác. Ông đã làm thơ, vè, làm truyền đơn rải từ Bắc chí Nam...Ông Tuấn công khai tên tuổi và địa chỉ, số điện thoại của ông trên các truyền đơn đã rải...
Ở Việt Nam mà ghi rõ tên tuổi, địa chỉ và điện thoại trên những tờ rơi rồi mang đi rải khắp mọi nơi thì cuộc đời kể như ...rồi. Từ Paris, vào ngày 6 tháng 6 năm 2012, phóng viên Thanh Phương (RFI) đã có bài tường thuật ngắn về vụ án Phan Ngọc Tuấn. Xin ghi lại vài chi tiết chính:
Tòa án Nhân dân tỉnh Ninh Thuận vừa tuyên phạt 5 năm tù giam ông Phan Ngọc Tuấn, ngụ tại Phan Rang, với tội danh « truyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam », một tội danh vẫn thường được sử dụng để bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam...
Ông Phan Ngọc Tuấn cũng bị buộc tội là đã nhiều lần phát tán nhiều tờ rơi có nội dung « nói xấu lãnh đạo Đảng, lãnh đạo chính quyền địa phương » tại Phan Rang. Cũng theo bản cáo trạng, ông Tuấn còn đã « lôi kéo » con trai là Phan Nguyễn Ngọc Tú tung lên mạng những clip video có nội dung « chống phá Nhà nước ».
Trong phiên xử, ông Phan Ngọc Tuấn đã không nhận tội và chính vì thái độ bị cho là « ngoan cố » này mà toà đã tuyên phạt bị cáo 5 năm tù giam, cộng thêm 3 năm quản chế sau khi ra tù, trong khi Viện Kiểm sát chỉ đề nghị mức án từ 36 đến 42 tháng tù giam...
Ông Phan Văn Tuấn, và ông Tiềm Điên (dù điên tới cỡ đó) vẫn không khiến cho dư luận quan tâm và bàng hoàng bằng ông Nguyễn Bắc Việt – Thường Vụ Tỉnh Uỷ và Đại Biểu Quốc Hội ở địa phương này.
nguyenbacviet.jpg
Nguồn ảnh: vbsp.org.vn
Wikipedia chỉ ghi ngắn gọn ông là một ... chính khách! Trần Trung Đạo cho biết thêm: “Nguyễn Bắc Việt còn khá trẻ, sinh năm 1961, trình độ học vấn thạc sĩ nhưng khi phát biểu lại giống như sinh năm 1930, trình độ học vấn mù chữ.”
Chớ ông Đại Biểu Quốc Hội tỉnh Ninh Thuận “phát biểu” ra sao mà khiến cho ông nhà văn giận dữ (dữ) vậy cà? Sau việc Trung Cộng Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, ông Nguyễn Bắc Việt đã đăng đàn và “tham gia một số ý kiến” như sau:
Về vấn đề biển Đông, từ sáng tới giờ và những ngày qua trong phát biểu tôi đồng tình với các ý kiến phát biểu ở một vế, đó là vế thể hiện lòng yêu nước. Nhưng còn một vế theo tôi là chúng ta chưa thực sự quan tâm, đó là yêu chế độ và lo cho con tàu Cộng sản và công dân quốc tế.
Thời điểm này chúng ta nên nhớ Di chúc của Bác, Bác để lại cho chúng ta lời di chúc trong đó khi nói về phong trào Cộng sản Bác đã nói là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em. Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản có lý có tình ... phải biết đau lòng với tình hình hiện nay của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế. Hai nước xã hội chủ nghĩa lình xình với nhau như thế này, ai có lợi…
Thiệt là hết thuốc!
Phan Rang không phải là địa phương duy nhất mà những nông dân cần mẫn bị dồn vào cảnh tan gia bại sản, những công dân bất khuất phải chịu cảnh tù đầy, và những kẻ mê muội tối tăm thì trở thành ... chính khách. Hiện nay, gần như mọi nơi trên đất Việt đều có những nạn nhân như ông Nguyễn Văn Tiềm, ông Phan Ngọc Tuấn, và loại đại biểu quốc hội như Nguyễn Bắc Việt.
Bởi thế, chúng ta không nên bận tâm lắm đến dã tâm và lòng tham của bởi ông bạn láng giềng phương Bắc. Cho dù nay mai Việt Nam có thể biến thành “một khu tự trị” (như Nội Mông, Tân Cương, Ninh Hạ hay Tây Tạng) chăng nữa thì Trung Cộng cũng chỉ có thể ra tay trấn lột hay trấn áp người dân một cách tàn tệ đến như trường hợp của hai ông ông Nguyễn Văn Tiềm hay Phan Ngọc Tuấn là cùng. Bắc Kinh cũng không thể nào tìm ra được những đại biểu nhân dân tăm tối và ngu đần hơn ông Nguyễn Bắc Việt.
Cho đến ngày 18 tháng 4 năm 2014 dư luận mới xôn xao vì chuyện mười sáu người dân ở khu tự trị Tân Cương (kể cả bốn phụ nữ và hai trẻ em) vượt biên và bị bắn chết ở biên giới Việt Nam. Thiên hạ dường như đã quên rằng từ cuối thế kỷ XX đã có hàng triệu người Việt bỏ mạng tại biên giới Việt – Miên, hay vùi thây trong lòng biển Thái, trên đường đào thoát.
Cái tròng Trung Cộng chắc gì đã chặt hơn cái tròng của Việt Cộng mà lo. Hơn nữa, với đạo quân chiếm đóng khác chủng tộc và ngôn ngữ, việc nhận diện kẻ thù – chắc chắn – sẽ dễ dàng hơn. Bọn nhận giặc làm cha cũng đều sẽ phải lộ mặt, và không còn có cơ hội để giả danh cách mạng như hiện tại.
Giặc ngoại xâm dễ đánh hơn bọn nội xâm, hoặc thanh toán luôn cả hai cho nó tiện việc sổ sách. Thì cũng nói đại như vậy cho nó vui thôi chớ Trung Cộng có “tiềm năng” tự huỷ rất cao. Và khi nó tiêu tùng thì Việt Cộng còn biết bám vào đâu để mà tồn tại nữa?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"