Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Đất nước hạnh phúc

Trà Giang
Lâu nay, thỉnh thoảng khi thấy trên báo chí trong nước đăng tin Việt Nam được tổ chức/quĩ/diễn đàn...này nọ bình/bầu/chọn/vinh danh/tôn vinh là đất nước hạnh phúc, đáng sống, do lam lũ làm ăn và quen chịu đựng với nhiều chuyện khó bằng lòng, tôi bán tín bán nghi, hoặc thậm chí là nghi ngờ. Tuy nhiên, được sống trong những ngày tỉnh tôi tổ chức trang trọng và linh đình lễ chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh, tôi mới sáng vỡ ra rằng chuyện đó là thật.
Việt Nam, từ ngày đổi mới (chứ trước đó thì khác) là một đất nước của lễ hội. Hàng năm có đến 9000 lễ hội truyền thống từ cấp xã đến cấp quốc gia. Thêm vào đó là những ngày lễ hoặc lễ + hội kỷ niệm sự kiện lịch sử, sự kiện cách mạng, danh nhân lịch sử, văn hóa, danh nhân cách mạng, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, các sự kiện chính trị, kinh tế, các lễ phát động phong trào này khác...Ôi, thì kể không hết. Chỉ so với chi tiết trong truyện của Aziz Nesin rằng có nhà báo nước ngoài muốn gặp ông bộ trưởng văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ để phỏng vấn nhưng đuổi theo suốt một năm bận đi dự các lễ hội, cuối cùng cũng không gặp ông được được, thì Việt Nam còn nhiều hơn.
Đã lễ, hội thì trừ những trường hợp đau thương, buồn, căm hận, phải tổ chức trang nghiêm (ngoại lệ là trường hợp ông cựu bí thư tỉnh ủy vừa qua của tỉnh tôi cười trong lễ kỷ niệm thảm sát Sơn Mỹ) còn lại là mừng, vui, có hát xướng, nhảy múa và ăn uống bù khú. Cái gì cũng mừng vui được cả, từ cái lý do của một buổi họp, hội nghị. Trong chương trình của loại hoạt động này, sau khi người làm MC xướng “Đó là lý do của buổi họp hôm nay” là cả hội trường/phòng họp ran tiếng vỗ tay: người ta mừng từ cái lý do, cũng là mục đích của một cuộc họp.

Chẳng như đang nói, tỉnh Quảng Ngãi đang có lễ hội mừng việc tái lập tỉnh. Nó vốn là một tỉnh từ thời nhà Nguyễn, rồi trong kháng chiến 1945 – 1954, rồi trong chính thể VNCH. Đến năm 1976, trong không khí hào hùng sau chiến thắng và khí thế hừng hực tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản với hình thái không còn nhà nước, không còn biên giới quốc gia, việc duy trì các tỉnh nhỏ vừa tốn kém trong việc quản trị quốc gia, tạo ra tâm lý cát cứ, cục bộ, bản vị, địa phương, lại vừa duy trì một cách nguy hiểm chính sách chia để trị của chính quyền phong kiến, thực dân đế quốc và các chính quyền tay sai, bù nhìn, Bộ Chính trị ra quyết định, rồi theo đó, quốc hội ra quyết nghị, nhập nhiều tỉnh nhỏ lẻ thành một số tỉnh lớn, trong đó tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định nhập lại thành tỉnh Nghĩa Bình. Cùng trong loạt ấy, có trường hợp nhập 3 tỉnh thành 1, đến nỗi đường quốc lộ 1 chạy qua tỉnh kéo dài gần 400km. Người dân từ đầu kia, muốn về tỉnh lỵ, với phương tiện vận tải lúc ấy, phải mất 2 ngày đi đường.
Cho đến nay, chưa ai nói đó là chủ trương, quyết định sai và nếu sai thì tổn thất như thế nào. Như vậy, tại thời điểm ấy, nó đúng, và đã đúng, chắc là phải mừng, mừng cái việc nhập lại.
Sau 13 năm vận hành theo mô hình tỉnh lớn, nhiều chuyện lục đục khởi lộ; việc quản lý tỉnh lớn trong điều kiện cán bộ, vận tải, viễn thông còn nhiều bất cập như cách nói hiện nay,... tỏ ra không hiệu quả. Đã xuất hiện những sự cố và quá trình mất đoàn kết, phân hóa nghiêm trọng trong cán bộ của các tỉnh nhỏ nằm trong tổ chức lãnh đạo của tỉnh lớn về những quyền lợi, nhìn bên ngoài thì như là của tỉnh nhỏ cũ, mà thực chất lại là quyền lợi của từng cá nhân (điều này thì ông Mác không dự báo được). Thế rồi, đến năm 1989, cũng với quyết định của những tập thể sáng suốt ở trung ương, các tỉnh đó lại tách ra, gọi là tái lập; và 3 năm sau, lại tiếp tục với một loạt tỉnh khác. Tách ra để tái lập tất nhiên phải mừng, mừng vì sự sáng suốt, đúng đắn của việc tách; mừng vì mình trở lại là mình. Mừng ngay trong ngày chia tách, đến rơi nước mắt. Trong số đặc biệt của báo tỉnh Quảng Ngãi, có tác giả nhớ lại 6 ngày sau quyết định chia tỉnh (1/7/1989), loa truyền thanh cột điện gốc bạch đàn phát “Đây là đài phát thanh Quảng Ngãi” thì cả tỉnh như òa khóc; không khác gì sự kiện tuyên bố độc lập (Quốc Khánh) của một quốc gia.
Và đến bây giờ thì mừng kỷ niệm tái lập, đủ một chu trình, mừng nhập rồi mừng tách, cái nào cũng tốn kém. Lúc nhập, ngoài sự tốn kém vật chất cho việc nhập, còn biết bao tổn hại về tinh thần, lãng phí, thất thoát, tổn thất do hậu quả của việc nhấp ấy. Mừng kỷ niệm tách thì lại là tốn kém cho một lễ hội lớn: lễ tân, khánh tiết, đi lại, nghỉ ở, văn nghệ, ăn uống và trả công cho con người tham gia chỉ đạo, thực thi, thi công tất cả những hoạt động ấy.
Trà Giang
Thì ra, có lẽ một trong những tiêu chí để đánh giá hạnh phúc là như vậy. Như cũ mừng, đổi mới cũng mừng; vào hợp tác xã mừng, xóa hợp tác xã cũng mừng; đánh đuổi Mỹ đi rất mừng rồi Mỹ trở lại đầu tư hoặc gởi con đi Mỹ học được, cũng quá mừng. Dĩ nhiên mừng là hạnh phúc .
Nhưng có lẽ hạnh phúc hơn là được sống trong một đất nước nhất quán về tư tưởng, truyền thống văn hóa, nhất quán trong những ý nghĩa chính trị của những sự kiện diễn ra của tiến trình lịch sử, dù có những tác động từ bên ngoài, để có một cái cột sống vững chắc dân tộc dựa vào, tự hào từ thế hệ này qua thế hệ khác, chống lại những biến động võ đoán làm chuyển hóa cũng hết sức võ đoán từ bi kịch sang hài kịch và ngược lại để đến mức không còn phân biệt được bi hài nữa khi có thể mừng vui trước hai quá trình, hai sự kiện, hai đối tượng có bản chất ngược nhau.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"