Người Buôn Gió
Tháng Tân Mùi, năm Giáp Ngọ. Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 69.
Quân Tề đóng chiến hạm ngoài biển khơi từ cuối mùa xuân, liên tục
quấy rối. Nhà Sản hàng ngày cho thuyền nhỏ ra chỗ quân Tề bắc loa cãi
vã. Gặp lúc thuyền Tề nổi xung đuổi thì chạy. Có lúc chạy không kịp bị
đâm tan nát lại cúp buồm vào bờ sửa chữa.
Lúc ấy lòng dân nản lắm, thấy thế nhà Sản không chống được Tề đã
đành, mà ý chí cũng không muốn chống. Khắp nơi râm ran lời chê trách vua
quan bất tài, bạc nhược.
Tiếng ngoài chợ vào đến vương phủ. Vệ Kính Vương họp triều thần nói:
- Chuyện ngoài khơi không chỉ là ngoài khơi, nói chuyện biển đảo là
phải nói đến chuyện bao trùm biển đảo, bàn chuyện biển đông phải bàn cái
ngoài biển đông.
Vệ Kính Vương nói xong, triều thần im phăng phắc. Ai cũng hiểu chuyện
ngoài biển đảo còn là chuyện mất còn của triều Sản. Quân đội nhà Sản
bấy lâu chuyển mục tiêu tập huấn bảo vệ vương triều nhà Sản. Nên chỉ tập
giải tán dân oan, vũ khí thiết bị chiến xa đều nhằm vào mục đích ấy.
Tưởng chuyện bờ cõi đã có quan hệ thân thiết với láng giềng nên chẳng
cần phòng bị.
Khi xảy chuyện Tề trở mặt đưa quân xâm lấn, vua quan nhà Sản bối rối hàng tháng trời không đưa ra phương sách gì.
Quan thương thư bộ hình thoái thác rằng đây là chuyện nhỏ, xích mích rào dậu láng giềng, không đáng đưa quân ra trận.
Quân Tề quấy nhiễu ngoài khơi hàng tháng, trong lúc bối rối không
biết cách gì để đối phó với Tề và xoa dịu lòng dân. May thay lúc ấy
trong quân đội có nhiều tướng tài. Tài ở đây không phải tài cầm quân ra
trận, tả xung hữu đột mà tài ăn nói, thuyết dụ. Trong quân đội nhà Sản
có cục tuyên huấn thuộc tổng cục chính trị. Tổng cục ấy hiện là nòng cốt
của nhà Sản, chỉ huy tinh thần quân đội, định hướng ai là kẻ thù, giặc
nào cần đánh . Mọi hành động quân đội đều do cái đám ấy quyết cả.
Đám ấy thuộc quyền sai khiến của Vệ Kính Vương liên kết với đám tuyên
giáo nhà Sản thành một lực lượng làm mưa gió khuynh loát thiên hạ. Nói
ai sai là kẻ ấy sai, nói ai đúng là kẻ ấy đúng. Bộ binh, bộ hình nhất
nhất phải làm theo. Vệ Kính Vương nhờ đám ấy mà giữ được ngôi báu, thanh
trừng vô khối quan lại không thuộc phe mình.
Lại nói đến chuyện Vệ Kính Vương đang nói đến biển đảo, thấy triều
thần im lặng nhìn nhau, Vệ Kính Vương nheo mắt đánh cái nhìn sang phía
các quan tuyên huấn, tuyên giáo đang đứng góc điện. Hiểu ý Vương, một
tướng bước ra tâu:
- Chúng thần xem thiên văn, mùa mưa bão sắp đến, quân Tề không thể ở
mãi ngoài ấy. Giờ ta chỉ việc hàng ngày đưa thuyền ra đòi chúng rút, lúc
bão đến chúng tất phải rút. Khi ấy không chiến mà tự nhiên thành.
Triều thần chẳng ai có ý kiến gì hơn, nên tiếng xì xào tán đồng rộ
lên, rồi cả triều nhà Sản nhất trí cho đó là cao kiến, cứ vậy thực thi.
Ròng rã ngày qua ngày, cuối cùng thì đến vụ, bão cũng tới sớm hơn mọi
năm. Quân Tề dự tính đầu thu bão sẽ đến, không ngờ năm ấy bão đến sớm
trước cả tháng. Ben rục rịch kéo thuyền di chuyển tránh bão.
Tin thuyền Tề di chuyển được biến thành tin thuyền Tề đã rút. Nhà Sản
mở hội ăn mừng, các tướng đua nhau nhận công. Bạo tể tướng xưa nay vốn
nhanh mồm, nhanh miệng, liền mặc áo Chúa đứng trước cổng thành, mắng
theo bọn Tề, ý là chỉ tha cho lần này thôi, nể tình hàng xóm, lần sau
đừng có quay lại.
Thiếu điều Chúa ban lệnh ân xá cho bon Tề đã hối lỗi nữa là như vừa
xong một trận giao chiến long trời, lở đất đã phân thua thắng bại. Chiến
thắng lẫy lừng thuộc về nhà Sản.
Bọn tuyên huấn cũng không chịu kém cạnh, chúng dâng sớ ca ngợi rằng
nhờ sự kiên trì đấu tranh bằng tuyên truyền trên khắp nơi, quân Tề đã
phải rút lui. Ý nói rằng quân Tề rút là nhờ chúng bày trận tuyên truyền,
đánh cấp tập và hiệu quả, đem lại chiến thắng này.
Nào ngờ để tránh bão ngoài khơi, chiến hạm Tề rồng rắn kéo sâu hơn vào biển Vệ.
Nhà Sản chả biết ăn nói sao. Người ở chợ hiến kế:
- Việc đã thế, cứ nói là binh lính nước nào cũng là con người, huống
chi là nước láng giềng. Tàu bè nước ngoài đi qua gặp thiên tai, bão tố
có quyền tránh nạn. Việc nghĩa phải giúp, đuổi người ta đi lúc này há
chả phải là bất nhân ư?