Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Vùng Đất Hứa…

Alan Phan
Theo góc nhìn Alan
11 Nov 2013
Bạn không thể đến vùng đất hứa. Bạn phải hãnh tiến với bước chân mình (You can never reach the promised land. You must march towards it. James Callaghan)
Khi tôi rời Á Châu để quay về Mỹ trong thời gian dài vừa qua vì một dự án kinh doanh, nhiều bạn BCA đã kết luận là một ông già hết xí quách còn muốn sống trong môi trường tự do của Mỹ huống gì các bạn trẻ còn nhiều tham vọng và tương lai. Tôi đồng ý là tuổi trẻ cần những chân trời và ước mơ mới, cần những trải nghiệm khác lạ để tìm thấy con người thực của mình; và trên thế giới, không một vùng đất hứa nào có nhiều cơ hội như tại Mỹ. Nhưng tôi cũng đã bầy tỏ nhiều lần về các ảo tưởng của chúng ta khi tư duy về những “giấc mơ” Mỹ hay Việt, những “ kỳ vọng” nhân gian hay siêu hình.
Với bản chất của một xã hội đa dạng, cởi mở lồng trong một hệ thống chính trị khá dân chủ, song hành với nền kinh tế khắc nghiệt của thị trường, thế giới tư bản của Mỹ đã và đang đem lại cho người dân họ một đời sống vật chất có thể nói là cao nhất thế giới (nếu tính lợi tức trên căn bản giá cả – cost of living). Cộng thêm vào đó cái lòng tham cố hữu của con người, chúng ta sẽ cảm nhận một mô hình phát triển gần như tốt nhất so sánh với các quốc gia khác.

Cái giá của đất hứa
Nhưng tô hồng đến đâu, không ai có thể che dấu cái giá phải trả cho những thành tựu. Cuộc sống của con người trên vùng đất hứa này cũng mang nhiều sắc thái bất ổn, cô đơn và nợ nần. Những xung đột quyền lợi giữa các thành phần dân số ngày càng đậm nét và dù rất năng động, xã hội Mỹ liệu có thể tìm ra cách tự điều chỉnh như đã làm trong 300 năm qua?
Tôi đến Mỹ lần đầu vào 1963. 50 năm trước, đa số dân vẫn là các sắc tộc da trắng từ Âu Châu. Họ nắm giữ mọi quyền lực và giấc mơ Mỹ rất trắng (cha đi làm, mẹ nội trợ, nhà ngoại ô, 2 đứa con, 1 chiếc ô tô, 1 bờ rào trắng, 1 chiếc TV, 1 khu downtown để mua sắm giải trí….). Những thành phần khác như người gốc Phi, gốc Á, gốc Mễ, người nghèo, người già ốm…ít khi nào xuất hiện trên các mạng truyền thông, cam phận im lặng…tránh mọi xao động cho bức tranh…mầu trắng. Trên hết, Mỹ là siêu cường số 1 của thế giới, ngạo mạn, hãnh diện, giầu có…Tổng Thống Mỹ lúc đó là J F Kennedy, đẹp trai, lại có bà vợ quý phái xinh đẹp, 2 đứa con như mơ…
Sau nửa thập kỷ, đa số cử tri bây giờ thuộc các sắc dân thiểu số và họ đang nắm quyền lực chính trị tại 8 tiểu bang và thành phố lớn nhất của Mỹ. Liên minh mới này đã giúp Obama lên làm Tổng Thống trong 2 nhiệm kỳ vừa rồi. Mặt khác, nhu cầu về dân sự và xã hội của các thành phần này đã đẩy ngân sách của liên bang và tiểu bang đến độ suy sụp. Ngay cả nền kinh tế bậc nhất toàn cầu cũng không còn thuần trắng. Nguồn tư bản từ Nhật, Tàu, Á Rập… cũng như khách hàng từ thị trường quốc tế là hai yếu tố quan trọng và sống còn cho chánh phủ và các doanh nghiệp Mỹ.
Câu chuyện của Detroit
Tôi nhớ vào hè năm 1964, một gia đình bạn làm việc tại General Motors xin cho tôi và vài sinh viên từ Penn State đi thăm quan nhà máy GM gần Detroit. Chúng tôi chỉ lướt qua vài tiếng, nhưng ấn tượng về sức mạnh kinh tế của một khâu sản xuất có hơn 40 chục ngàn nhân viên quy cũ trong hệ thống tổ chức, và tư duy sáng tạo qua các dây chuyền máy móc…Cả thế giới nhìn về Detroit với cặp mắt thèm thuồng, ganh tị…Ngoài kỹ nghệ ô tô, Detroit còn tạo dựng được một công nghệ y khoa và giáo dục tân tiến, còn là trung tâm âm nhạc của blues, còn là tụ điểm của những tòa nhà chọc trời không kém New York…
Tuần rồi, một người bạn rủ ghé ngang Detroit để cùng đi khảo sát một tòa nhà 58 tầng anh muốn hùn hạp mua lại với một đối tác Á Rập. Ngôi nhà lớn hơn tòa nhà Bitexco cao nhất Saigon và đẹp hơn nhiều. Tòa nhà để trống 100%, không ai thuê, và ngân hàng ra giá là 5 triệu USD. Cạnh đó, ngay khu downtown, cả thành phố Detroit giống như một bãi chiến trường sau Thế Chiến.
Chỉ 50 năm, hoang tàn có thể đến nhanh như vậy sao, tôi tự hỏi? Nỗi ngạc nhiên như nhìn một người bạn mạnh khỏe, bỗng chốc chờ chết với căn bệnh nan y. Detroit, như một thể hiện cho rất nhiều biểu tượng, nói lên cái mong manh của quyền lực, hào quang và khả năng cạnh tranh. Trong một thế giới mới mà tiến bộ đo bằng tốc độ, sự vấp ngã của bất cứ biểu tượng nào gần như là chắc chắn. Đế chế La Mã tồn tại hơn 1,500 năm, mặt trời lặn trên đế chế Anh sau 400 năm, và đế chế Mỹ đã có nhiều dấu hiệu mệt mỏi chỉ sau 100 năm.
Ngoài vấn nạn căn bản mà xã hội nào cũng phải trực diện (sự xung đột và mâu thuẫn giữa các nhóm quyền lợi), vùng đất hứa Mỹ còn phải giải quyết nhiều vấn đề không kém nghiêm trọng: chi phí nhân viên quá cao nên hiệu năng sản xuất không bắt kịp, tài chánh công bị chánh phủ lạm dụng trong những tiêu xài lãng phí, một lực lượng quân sự tốn kém để bảo vệ đế chế…
Hy vọng và thực tại
Tuy nhiên, dù một hay nhiều Detroit chết đi, xứ Mỹ vẫn còn Silicon Valley bừng sức sống, còn New York bền vững với thời gian, còn Texas đang đi tìm mô hình năng lượng mới…Tính minh bạch trong quản lý, hệ thống pháp lý công bằng, môi trường sống an toàn, tài sản phong phú dồi dào, ….khiến Mỹ vẫn là một vùng đất hứa lý tưởng cho mọi di dân trên thế giới. Còn những khối óc và bàn tay nhiều tài năng sẵn sàng đóng góp, thì nền kinh tế Mỹ vẫn còn năng động.
Một quốc gia như Trung Quốc hay Việt Nam, một khi đã lâm bệnh, thì sự suy tàn sẽ không gì chống đỡ. Lý do: một xã hội khép kín không có khả năng tự điều chỉnh, không hấp dẫn được những nguồn năng lực mới, không có những sáng tạo đột phá của tư duy trẻ… Một hệ thống rất kiên định trong việc gây thất vọng cho mọi người.
Alan Phan

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"