Hoàng Ngọc Tuấn
Theo RFA Blog
Gõ từ "hoà giải" lên Google, tôi thấy kết quả đầu tiên là bài giải thích về từ này trên trang Wikipedia tiếng Việt. Trong bài ấy có một đoạn nói đến vấn đề "hoà giải dân tộc" của Việt Nam. Đoạn ấy như sau: "...
ở Việt Nam hiện nay vấn đề hòa giải dân tộc cũng được đặt ra và tốn
nhiều giấy mực của báo chí trong thời gian gần đây. Với một lượng kiều
hối chuyển về nước ngày càng nhiều, và Việt kiều ngày càng đóng vai trò
quan trọng hơn trong việc làm cầu nối để hàng hóa nội địa vươn tới hải
ngoại và ngược lại, Nhà nước Việt Nam đã nhanh chóng đặt ra vấn đề hòa
giải dân tộc để huy động sức mạnh và sự đóng góp của lực lượng “Việt
kiều yêu nước”. Tuy vậy, tiến trình hòa giải dân tộc ở Việt Nam còn gặp
nhiều khó khăn do còn nhiều bất đồng trong cách suy nghĩ và các vấn đề
lịch sử để lại."
Đọc đoạn ấy, tôi cảm thấy khá nực cười! Nếu nhóm viết Wikipedia
tiếng Việt diễn tả đúng sự thật thì hoá ra, đối với Nhà nước Cộng Sản
Việt Nam, vấn đề "hoà giải dân tộc" chỉ xoay quanh chuyện quan hệ với "Việt kiều" với mục đích kiếm "kiều hối" ngày càng nhiều và tìm cầu nối "để hàng hóa nội địa vươn tới hải ngoại và ngược lại"!
Cũng trong bài ấy, ở chú thích số 12, có ghi: "Chủ tịch nước
Nguyễn Minh Triết từng phát biểu rằng nhà nước phải chìa tay ra trước để
đón nhận, đồng thời một bộ phận người Việt ở nước ngoài vẫn còn mặc cảm
cũng phải chủ động hòa nhập."
Lại càng nực cười hơn nữa! "Nhà nước phải chìa tay ra trước để đón nhận"! Đón nhận cái gì? Đón nhận "kiều hối" chăng? Và "một bộ phận người Việt ở nước ngoài vẫn còn mặc cảm cũng phải chủ động hòa nhập"! Mặc cảm về việc gì? Về việc chưa chuyển "kiều hối" về Việt Nam nhiều đủ hay chăng? Và "phải chủ động hoà nhập" bằng cách nào? Bằng cách ra sức chuyển thêm nhiều "kiều hối" nữa và ra sức "làm cầu nối để hàng hóa nội địa vươn tới hải ngoại và ngược lại" hay chăng?
Chưa bao giờ tôi thấy ở nước nào mà lại có cái loại "hoà giải dân tộc" theo kiểu con buôn kỳ quái đến thế.
Quan sát các nước đã từng thực hiện hoà giải dân tộc, ta có thể thấy
trước hết họ thiết lập một Truth Commission (Uỷ Ban Sự Thật). Uỷ Ban
này có nhiệm vụ điều tra và công bố tất cả những sự sai lầm và tội ác
của một chính quyền trong quá khứ. Sau đó, những kẻ đã hành xử sai lầm
hay đã gây tội ác phải được đem ra xét xử trước công lý. Tuỳ theo mức độ
của sự sai lầm và tội ác, những kẻ ấy sẽ được tha thứ hay phải chịu
những hình phạt của luật pháp. Nếu những sự sai lầm và những tội ác ấy
đã diễn ra trong một quá khứ rất xa, và tất cả những kẻ gây tội ác ấy
đều đã chết, thì chính quyền đương nhiệm phải thay mặt cho quốc gia để
công khai xin lỗi tất cả các nạn nhân (hay thân nhân của họ, nếu họ đã
qua đời). Sau đó, tuỳ theo mức độ thiệt hại của từng trường hợp, tất cả
các nạn nhân (hay thân nhân của họ) đều được bồi thường xứng đáng. Từ
1974 đến nay, có hơn 30 Uỷ Ban Sự Thật đã được thành lập ở hơn 30 quốc
gia và đã đạt được những kết quả đáng kể.
Vấn đề "hoà giải dân tộc" của Việt Nam thì không chỉ là vấn đề bắt
tay xí xoá giữa Nhà nước Cộng Sản Việt Nam với "Việt kiều". Lại càng
không phải là vấn đề "hoà giải" giữa người Việt trong nước và người Việt
ở nước ngoài, hay giữa người Việt miền Nam và người Việt miền Bắc.
Vấn đề "hoà giải dân tộc" của Việt Nam phải là một vấn đề cần được
giải quyết minh bạch và thoả đáng giữa Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam và
nhân dân Việt Nam. Nghĩa là, để có được một cuộc hoà giải thực sự, trước
hết phải có một Uỷ Ban Sự Thật (độc lập với Nhà Nước) đứng ra điều tra
và công bố tất cả những sự sai lầm và tội ác của Nhà Nước Cộng Sản Việt
Nam đối với nhân dân Việt Nam từ trước đến nay. Tiếp đến, phải có một
cuộc xét xử công minh và nghiêm khắc. Sau đó, phải có sự xin lỗi công
khai và sự bồi thường xứng đáng.
Tất nhiên, dưới chế độ độc tài Cộng Sản Việt Nam hiện nay, tiến
trình này không thể thực hiện được. Và chừng nào tiến trình này chưa
thực hiện được, thì chưa thể có sự "hoà giải dân tộc".
Thậm chí, ngay cả khi chế độ Cộng Sản đã sụp đổ, tiến trình hoà giải
dân tộc vẫn còn có thể gặp rất nhiều khó khăn. Nếu những người cựu Cộng
Sản vẫn còn chiếm một bộ phận lớn trong bộ máy chính quyền mới, thì họ
có thể tìm cách cản trở việc thành lập một Ủy Ban Sự Thật, và nếu một Ủy
Ban Sự Thật được thành lập, thì họ có thể sẽ tìm cách xoá bỏ những bằng
chứng và trì hoãn việc bạch hoá sự thật trước công lý.
Kể từ 1989, sau khi chế độ Cộng Sản ở các nước Đông Âu sụp đổ, và từ
1991, sau khi chế độ Cộng Sản ở Liên bang Xô-Viết sụp đổ, cho đến nay,
chỉ có 5 Ủy Ban Sự Thật được thành lập ở Đức, Romania, Estonia,
Lithuania và Latvia; còn ở Tiệp chỉ có The Office of the Documentation
and the Investigation of the Crimes of Communism (Văn phòng thu thập tài
liệu và điều tra các tội ác của Cộng Sản) thuộc bộ cảnh sát, chuyên
điều tra những tội ác đã bị chế độ Cộng Sản Tiệp che giấu từ năm 1949
đến 1989.
Kết quả của các tổ chức này như thế nào thì chúng ta vẫn phải chờ để
xem. Trong tiểu luận "Truth Commissions in Post-Communism: The
Overlooked Solution?" (trong tập san The Poen Political Science Journal,
2009, 2, 1-13), Lavinia Stan đã có phân tích nhiều trường hợp các chính
quyền hậu cộng sản cố tình tránh né việc thành lập các Uỷ Ban Sự Thật.
Trong cuốn chuyên luận Transitional Justice in Post-Communist Romania: The Politics of Memory
(New York: Cambridge University Press, 2013), Lavinia Stan cũng có
tường thuật khá chi tiết về những thủ đoạn của chính quyền Romania đương
thời trong việc trì hoãn công lý.
Tuy nhiên, dù có cố tình trì hoãn việc bạch hoá các sai lầm và tội
ác trước ánh sáng công lý, cuối cùng thì người ta vẫn không thể chôn vùi
sự thật mãi mãi. Một ngày nào đó, sự thật sẽ được phục hồi.
Trong bài "Hoà giải dân tộc",
Nguyễn Hưng Quốc đã kể lại một số cuộc hoà giải được thực hiện trong
khoảng hai thập kỷ vừa qua trong phạm vi quốc gia và quốc tế như sau: "...
Chính vì thế, quá trình hoà giải thường bắt đầu bằng một lời xin lỗi
chính thức. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong sinh hoạt chính
trị thế giới thời hậu-Chiến tranh lạnh là việc công khai hoá niềm ân hận
đối với những lỗi lầm trong quá khứ. Năm 1990, Tổng thống Mỹ George
Bush đã xin lỗi 120 ngàn người Mỹ gốc Nhật bị giam cầm trong thời Đệ nhị
thế chiến. Cũng năm 1990, Mikhail Gorbachev bày tỏ sự ân hận sâu sắc
trước việc Stalin giết chết 15 ngàn viên chức người Ba Lan tại Katyn
Forest vào năm 1940. Đức giáo hoàng John Paul đệ nhị xin lỗi về việc
Giáo hội Công giáo đã thất bại trong việc cứu giúp người Do Thái khỏi
thảm hoạ Holocaust. Nữ hoàng Elizabeth II của Anh công khai xin lỗi việc
nước Anh tàn sát người Maori ở Tân Tây Lan trước đây. Thủ tướng Anh
Tony Blair xin lỗi về trách nhiệm của Anh trong nạn đói ở Ireland vào
thế kỷ 19. Năm 1998, Tổng thống Bill Clinton xin lỗi người châu Phi về
vai trò của Mỹ trong việc buôn bán nô lệ thế kỷ trước. Ở Nhật, năm 1993,
Thủ tướng Morihiro Hosokawa bày tỏ sự ân hận và xin lỗi về những tội ác
mà nước Nhật đã gây nên thời Đệ nhị thế chiến. Năm 1995, Thủ tướng
Tomiichi Murayama lại xin lỗi lần nữa. Năm 1998, trong dịp gặp gỡ với
Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung, Thủ tướng Keizo Obuchi lại xin lỗi lần
nữa, nhắm chủ yếu vào những nạn nhân người Hàn Quốc. Riêng ở Úc, đầu
năm 2009, Thủ tướng Kevin Rudd đã chính thức xin lỗi người thổ dân tại
Úc về những chính sách sai lầm của người da trắng trong quá khứ. Những
lời xin lỗi công khai và chính thức như thế chứng tỏ sự thành tâm và
thiện chí của các chính phủ nhằm hàn gắn những rạn nứt trong xã hội và
giữa các quốc gia để mọi người có thể thanh thản xếp chuyện quá khứ lại
hầu hướng tới tương lai, một tương lai hoà thuận và hợp tác. Đó là yếu
tố đầu tiên cần có để tạo nên sự tin cậy. Ở các nước, mọi lời xin lỗi
đều đi liền với sự đền bù..."
Nói tóm lại, nước Việt Nam không thể đạt được "hoà giải dân tộc"
theo cách của con buôn nhằm tăng "lượng kiều hối" và "buôn bán hàng hóa
ra hải ngoại và ngược lại". Cũng không thể có loại "hoà giải dân tộc"
theo kiểu "Việt kiều yêu nước" chạy theo vuốt đuôi chính quyền để tìm cơ
hội làm ăn. Cũng không thể có loại "hoà giải dân tộc" theo kiểu "giao
lưu văn nghệ" giữa các văn nghệ sĩ Việt Nam trong nước và ngoài nước
chạy ra chạy vào múa hát, đọc thơ, bắt tay nhau, cụng ly với nhau...
Không. Tất cả những trò đó không thể nào xoá được những đau thương,
những oan ức của hàng triệu nạn nhân dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam. Tiến
trình hoà giải dân tộc của Việt Nam phải bắt đầu bằng một Uỷ Ban Sự
Thật để giải quyết minh bạch và thoả đáng những món nợ bằng máu và nước
mắt mà Đảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam đã gây ra cho nhân dân Việt
Nam từ trước đến nay.
Hoàng Ngọc-Tuấn (Sydney, Australia)