Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Một thực trạng khốn nạn: VFA đang là cường hào mới bóc lột nông dân đến tận xương tủy

Hoàng Kim (Đồng Tháp)
Thực trạng đó cụ thể là: Nông dân làm cực như trâu nhưng ngày càng bị bần cùng; doanh nghiệp trong Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ngồi mát ăn lương cả tỷ một năm rồi đem lúa gạo của nông dân bán một cách đần độn gần bằng giá thành sản xuất, mà, các doanh nghiệp này hầu hết là của Nhà nước.
Thực ra thực trạng này tôi đã nói nhiều lần, nhưng những người có trách nhiệm cứ giả đò như chẳng biết, nên nay tôi phải nói lại cho rõ ràng hơn.
Nông dân và VFA
Giáo Sư Võ Tòng Xuân nói rất rõ quan hệ giữa nông dân và VFA: “Nông dân đang làm tôi mọi cho doanh nghiệp”, đăng trên báo Người Lao Động Online.
Thái độ ông chủ của VFA biểu hiện rõ ràng nhất qua câu nói của ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Nam: Đừng nói lời lãi lúc này. Hãy trả lời câu hỏi là muốn bán hay để lúa lại cho vịt ăn.
Lãnh lương gần 1 tỷ một năm, lại đem bán gạo của nông dân với giá thấp nhất thế giới, rồi về ép giá mua lúa của nông dân xuống bằng giá thành, lại ngang nhiên tuyên bố không bán thì để cho vịt ăn thì chỉ có những ông chủ độc quyền mới ăn ngang nói ngược như vậy.

Vì thế, quan hệ của nông dân và VFA là quan hệ của kẻ bị độc quyền và nhóm độc quyền. Đối với nông dân, VFA đang là cường hào mới bóc lột nông dân đến tận xương tủy, là cái ách đang quàng lên cổ nông dân, là khối u ác tính đang ăn hết thu nhập của nông dân.
Độc quyền lúa gạo của VFA đang phá tan hoang việc sản xuất lúa gạo, vì VFA chỉ có hưởng lời từ lúa gạo mà không hề đầu tư nâng cao giá trị hạt gạo, không tạo thương hiệu cho hạt gạo.
Làm như không thấy sự độc quyền này, rồi đưa ra các chính sách phát triển, hay tái cấu trúc nông nghiệp thì các chính sách đó sẽ là những chính sách vớ vẩn, bất khả thi.
Không chỉ là nhóm lợi ích, VFA là nhóm độc quyền đấy, thưa Ông Bộ Trưởng Cao Đức Phát.
Phát biểu trước Quốc hội, Ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết chưa thấy có nhóm lợi ích trong nông nghiệp nói chung và trong việc sản xuất lúa nói riêng.
Tôi xin được phép thưa với ông Bộ trưởng rằng: Trong việc mua bán lúa gạo hiện nay, VFA không những là nhóm lợi ích, mà VFA đang là nhóm độc quyền lúa gạo của nông dân.
Về sự độc quyền lúa gạo của VFA mà 2 Tổng công ty Lương thực Miền Nam và Miền Bắc là nòng cốt, tôi đã viết bài: “Độc Quyền lúa gạo: Cái ách đang quàng lên cổ nông dân” và bài: “Lúa gạo Việt Nam cần những nhà lý luận trung thực” đăng trên Bauxite Việt Nam.
Chỉ cần dùng Luật Cạnh tranh chiếu vào hoạt động của Tổng công ty Lương thực Miền Nam và VFA, chúng ta sẽ thấy rõ sự độc quyền lúa gạo này.
VFA độc quyền lúa gạo, sự độc quyền này giống như khối u ác tính đang ăn hết thu nhập của nông dân, nó đang bần cùng hóa nông dân, nó giết chết việc sản xuất lúa, nó biến gạo Việt Nam thành loại gạo kém chất lượng trên thị trường thế giới, nó khiến cho gạo Việt Nam có giá thấp nhất trên thị trường thế giới.
Không xóa bỏ khối u ác tính độc quyền này, không cắt khối u ác tính độc quyền này, thì mọi nỗ lực nhằm nâng cao đời sống của nông dân điều sẽ vô dụng, mọi cố gắng nhằm tái cơ cấu việc sản xuất lúa cũng sẽ vô dụng.
Do độc quyền: Nông dân nai lưng làm lúa, VFA ngồi mát ăn vàng.
Nông dân cực nhọc 3 tháng trời làm ra hạt lúa, đến khi thu hoạch đầu đội, vai mang đến dâng cho VFA, VFA cầm đũa ngồi đợi sẵn ở các kho trong các thành phố lớn.
Giống lúa nào có giá thì gắp cho vào mồm, giống lúa nào không có giá thì hạ giá mua rẻ, hoặc không mua, còn chê nông dân ngu dốt chạy theo giống này giống nọ.
Nông dân cực nhọc làm ra hạt lúa, VFA bán lúa gạo lấy lời ăn, nhưng do độc quyền nên chỉ biết lấy lời bằng cách nhảy tót lên khâu phân phối cuối cùng để ăn chênh lệch giá, chứ chẳng hề giúp một chút nào cho nông dân.
Nông dân cực nhọc làm ra hạt lúa, VFA bán lúa gạo lấy lời ăn, nhưng lại lấy hết lời của nông dân, bằng cách mua lúa cho nông dân hòa vốn hoặc lời xoay quanh mức 30% chết đói.
Mua lúa của nông dân thì VFA bỏ mặc cho thương lái lúa, xay lúa thành gạo thì VFA bỏ mặc cho thương lái gạo, VFA chỉ làm một công việc đơn giản là đóng bao chở ra cảng để xuất khẩu.
Do độc quyền nên năm nào VFA cũng lời khủng, Tổng công ty lương thực Miền Nam lời trên 1000 tỷ một năm, lương lãnh đạo VFA gần 1 tỷ một năm, còn nông dân thì vụ đông xuân bán lúa theo mức lời 30% chết đói, vụ hè thu bán lúa hòa vốn, hiện đang bị phá sản.
Bảng lợi nhuận của Tổng công Ty Lương thực Miền Nam theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (1)
Thời báo Kinh Tế Sài Gòn giải thích việc năm 2012 Tổng công ty Lương thực Miền Nam lời chỉ có khoảng 300 tỷ là do: “Theo quyết định số 1909/QĐ-TTg về việc tái cơ cấu từ năm 2012-2015 Vinafood2 sẽ cổ phần hóa một số công ty con, vì vậy, có thông tin cho rằng, Vinafood2 tìm cách giảm lợi nhuận xuống để gián tiếp ảnh hưởng đến việc cổ phần hóa các công ty con nhằm định giá thấp hơn thực tế để một số cán bộ có thể mua được nhiều cổ phần hơn.”
Nếu không có việc cổ phần này chắc lợi nhuận năm 2012 cũng sẽ cả ngàn tỷ.
Lợi nhuận của nông dân năm 2013 chỉ 3.525.000 đồng một năm.
Vụ đông xuân 2012- 2013 giá lúa OM 4900 bằng với lúa ngang IR 50404 là 4.500 đồng/kg, thấp hơn vụ đông xuân năm 2011-2012 đến 700 đồng/kg.
Để cho số liệu về giá thành có tính chính thống, tôi không lấy giá thành của cá nhân tôi, nhưng xin lấy số liệu giá thành của Bộ Tài chính. Theo tính toán của Bộ Tài chính thì giá thành vụ đông xuân 2012-2013 là 3.800 đồng/kg, như vậy, nông dân chúng tôi chỉ thu được lợi nhuận có 700 đồng/kg.
Theo báo đài thì năng suất bình quân vụ đông xuân 2012-2013 ở ĐBSCL là 68 tạ/héc ta (cá nhân tôi làm được 70 tạ, con số chênh lệch không đáng kể) vậy, vụ đông xuân, mỗi héc ta lúa nông dân lời chỉ 4.760.000 đồng.
Vụ hè thu năm 2013 tôi làm giống lúa OM 6976 bán được với giá 4.250 đồng/kg, do năng suất lúa vụ hè thu thấp nên giá thành lên rất cao, theo Bộ Tài chính, giá thành bình quân ở tỉnh Đồng Tháp là 4.619 đồng/kg, mức giá thành bình quân của cả Đồng bằng Sông Cửu Long là 4.142 đồng, như vậy, vụ hè thu này tôi làm lúa từ hòa vốn đến lỗ chứ chẳng lời được đồng nào cả.
Vậy cả năm 2013 này nông dân chúng tôi chỉ lời có 4.700.000 đồng/ha.
Theo qui định của Nhà nước mỗi hộ 4 người nông dân ở ĐBSCL được cấp 3 ha ruộng như vậy, mỗi hộ thu nhập năm 2013 chỉ có 14.100.000 đồng, mỗi người thu nhập năm 2013 là 3.525.000 đồng. Vậy thu nhập bình quân mỗi nông dân một tháng chỉ được: 293.750 đồng, thu nhập những năm trước cũng tương tự.
Lương lãnh đạo Tổng công ty Lương thực Miền Nam gần 1 tỷ đồng một năm, Tổng công ty Lương thực Miền Nam lời cả ngàn tỷ mỗi năm, trong khi đó thu nhập của 1 nông dân 3.525.000 đồng một năm, đây là con số phản ảnh rỏ nét sự độc quyền của VFA đối với nông dân trong việc mua bán lúa gạo hiện nay.
Độc quyền nên VFA bán gạo của nông dân với giá thấp nhất thế giới.
Từ năm 2005 đến nay, VFA luôn bán gạo giá thấp nhất so với 5 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, đặc biệt năm 2013 này không những thấp mà còn thấp rất xa: Thấp hơn gạo Ấn Độ 70 đô la Mỹ/ tấn, thấp hơn gạo Thái Lan 170 đô la Mỹ/tấn.
Tại sao VFA bán gạo xuất khẩu giá thấp nhất thế giới? Có 2 lý do:
1- Lợi nhuận của VFA không phụ thuộc vào giá bán gạo xuất khẩu.
VFA hưởng lợi đầu tấn, tức là cứ mua bán 1 tấn gạo thì lời một số tiền, bất chấp giá bán gạo xuất khẩu cao hay thấp.
Chúng ta hãy xem xét: Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong VFA = giá bán gạo xuất khẩu – (giá thu mua gạo trong nước + phí xuất khẩu). Lợi nhuận này không phụ thụôc vào giá gạo xuất khẩu mà chỉ phụ thuộc vào sự chênh lệch giá. Do đó, nếu ký bán gạo xuất khẩu giá thấp thì các doanh nghiệp sẽ ép giá mua lúa của nông dân và họ vẫn có lời.
Bán gạo xuất khẩu giá rẻ nhưng vẫn lời ngàn tỷ, nên VFA không cần phải nâng cao giá trị hạt gạo, không cần tạo thương hiệu.
2- Bán gạo xuất khẩu rẻ để được “gửi giá”
“TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc lãnh đạo Vinafood 2 đồng thời là lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), được Chính phủ giao ký hợp đồng, bảo đảm việc xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng lại bán cho một Cty sân sau (Saigonfood) với giá thấp hơn giá sàn do chính VFA đưa ra là bất minh.
Điều đó, chứng tỏ ông Chủ tịch VFA tự phá quy định của mình. Đây là thủ đoạn trục lợi khá phổ biến, thường được gọi là gửi giá. Tức là, tôi bán cho anh với giá thấp, để rồi anh bán với giá thị trường. Mỗi tấn tôi bán cho anh giá thấp thì anh phải trả lại cho tôi một số tiền tùy theo mức chênh lệch giá trên từng tấn gạo.” Báo Tiền Phong Online cho biết (2)
Ông Nguyễn Thái Nguyên trên Bauxite Việt Nam còn cho biết vấn đề “gởi giá” đã được thưa đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Thủ Tướng Võ Văn Kiệt nói với ông Nguyễn Thái Nguyên: “Người ta báo cáo: “có một số người của các công ty nhà nước, khi ra nước ngoài thương thảo hợp đồng với người ta đã móc ngoặc, hạ giá xuống để chia nhau. Thực tế, giá gạo không phải vậy, nhưng họ ký với nhau chỉ thấp như vậy thôi. Tôi không biết hư thực ra sao, nhưng đây là chuyện lớn, tôi muốn làm rõ.” (3)
Việc VFA bán phá giá gạo với giá thấp nhất thế giới khiến cho nông dân chúng tôi nghi ngờ có việc gởi giá trong bán gạo xuất khẩu, có hay không có hiện tượng gởi giá cần phải được các ngành chức năng làm cho minh bạch. Bán gạo giá rẻ được khách hàng “gửi giá” bằng cách đưa tiền tư túi, thì tại sao VFA không bán gạo rẻ?
Bán gao giá rẻ nhất thế giới, rồi về ép giá lúa của nông dân xuống gần bằng giá thành, VFA vẫn lời to.
Bán gạo giá đã rẻ nhất thế giới, nhưng không mua lúa cho nông dân từ giá bán gạo này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam bày mưu mua lúa tạm trữ, để ăn cướp hết lợi nhuận của nông dân:
Năm 2008 Hiệp hội Lương thực Việt Nam bán gạo xuất khẩu giá qui ra giá lúa 6.432 đồng/kg, mua lúa tạm trữ của nông dân với giá 4.000 đồng/kg. Hiệp hội lời 2.432 đồng/kg, nông dân bán lúa hòa vốn.
Năm 2009, bán gạo xuất khẩu qui lúa giá 6.362 đồng/kg, mua lúa tạm trữ của nông dân với giá 4.000 đồng/kg. Hiệp hội lời 2.362 đồng/kg, nông dân hòa vốn.
Năm 2010, Hiệp hội Lương thực Việt Nam mua lúa tạm trữ cả hai vụ đông xuân và hè thu với giá vẫn 4.000 đồng/kg, nhưng bán gạo với giá qui lúa 5.365 đồng/kg, cả năm này, nông dân lời không đủ sống.
Năm 2013 này, mùa đông xuân VFA mua lúa tạm trữ của nông dân khoảng 4.500 đồng/kg lúa tươi loại xay ra gạo 5% tấm nông dân lời vài trăm đồng một kg, mùa hè thu mua giá 4.250 đồng/kg nông dân hòa vốn.
Nông dân không bán lúa cho VFA thì chỉ còn cách cho vịt ăn
VFA mua lúa giá rẻ quá sao nông dân không bán cho người khác? Như trên tôi đã nói VFA độc quyền mua bán lúa gạo của nông dân, nông dân không bán cho VFA thì chẳng bán cho ai được hết.
Chúng ta hãy nghe phát biểu của ông Trương Thanh Phong Chủ tịch VFA, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Nam: Đừng nói lời lãi lúc này. Hãy trả lời câu hỏi là muốn bán hay để lúa lại cho vịt ăn.
Nghe phát biểu này chúng ta có thể hiểu được sự lệ thuộc của nông dân vào VFA, VFA muốn mua lúa của nông dân với giá nào cũng được, nông dân không có quyền mặc cả, có lỗ vốn nông dân cũng phải bán, vì không bán cho VFA thì chẳng bán được cho ai cả, nông dân để lúa lại mà sau đó VFA không thèm mua thì lúa đó chỉ có nước cho vịt nó ăn.
Tóm lại: Quan hệ của nông dân và VFA là quan hệ giữa người bị độc quyền và nhóm độc quyền, nên nông dân đang làm tôi mọi cho VFA - nông dân nai lưng ra làm còn VFA ngồi không mà hưởng – Không những ngồi không mà hưởng, cách buôn bán gạo chụp giựt kiểu buôn chuyến không thương hiệu của VFA, đã biến gạo Việt Nam có chất lượng cao thành loại gạo kém chất lượng trên thị trường thế giới.
Không xóa bỏ độc quyền lúa gạo của VFA, mọi chính sách nâng cao thu nhập cho nông dân và phát triển sản xuất lúa sẽ trở thành vô dụng.
Không xóa bỏ độc quyền lúa gạo của VFA, mọi câu nói quan tâm đến thu nhập của nông dân chỉ là những câu nói mị nông dân.
H.K.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
(1) bài: “Lợi nhuận của Vinafood 2 thấp nhất từ năm 2008” http://www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/chuyenlaman/89878/
(2) Bài: “Phải cắt sân sau, bỏ độc quyền” http://www.tienphong.vn/xa-hoi/173841/Phai-cat-san-sau-bo-dac-quyen.html
(3) Bài: “Góp lời bàn ngắn về nông thôn nông nghiệp”.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"