Trà Mi
Nguyễn Tiến Trung sinh năm 1983 được mọi người biết đến qua các hoạt động cổ xúy dân chủ, đa đảng tại Việt Nam trong và sau khi anh du học từ Pháp về
Ân xá Quốc tế có trụ sở tại thủ đô Hoa Kỳ vừa tổ chức cuộc chạy đua
vinh danh một nhà đấu tranh dân chủ trẻ đang bị Việt Nam cầm tù với bản
án 7 năm về tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
Cuộc chạy bộ vì nhân quyền RunforRights hôm 12/10 ở thành phố
Arlington, bang Virginia, được dành tặng cho nhà hoạt động Nguyễn Tiến
Trung, thu hút sự tham gia của khoảng 100 cư dân thủ đô DC và hai bang
phụ cận là Virginia và Maryland.
Người đứng ra tổ chức sự kiện, điều phối viên Mạng lưới Hành động
của Ân xá Quốc tế chuyên trách về Đông Nam Á, bà Claudia Vandermade, nói
về mục đích của cuộc đua:
“Chúng tôi tổ chức sự kiện này không chỉ để gây quỹ mà còn để
đánh động sự quan tâm của công luận về nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung
bị tù đày chỉ vì bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa. Chúng tôi muốn nêu
bật trường hợp của Trung qua cuộc chạy bộ để thấy rõ sự tương phản một
bên là được tự do chạy nhảy ngoài trời và một bên là bị nhốt giam trong
ngục tù vì thực thi quyền tự do ngôn luận.”
Bà Vandermade cho biết sở dĩ Ân xá Quốc tế chọn Tiến Trung trong số
nhiều nhà hoạt động ở Việt Nam để vinh danh trong sự kiện này là vì
Trung là một trong hai trường hợp Ân xá Quốc tế vừa nhận bảo trợ, cùng
với nhà dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thọ án 16 năm tù về cùng
tội danh với Trung.
Một thành viên trong cuộc đua RunforRights vì Nguyễn Tiến Trung, bà Kate Fink, cho biết cảm nghĩ khi tham gia sự kiện này:
“Người dân Mỹ quan tâm về quyền tự do ngôn luận và các tù nhân
lương tâm trên khắp thế giới và cuộc chạy đua là cơ hội tốt để chúng tôi
thể hiện điều này. Tôi nghĩ mọi người chúng ta cần phải lan truyền rộng
rãi thông tin về các trường hợp tù đày chỉ vì bày tỏ chính kiến như
Tiến Trung tại Việt Nam cho càng nhiều người biết càng tốt và tăng thêm
áp lực với Hà Nội rằng họ cần phải ngừng tay, không thể bỏ tù người ta
chỉ vì họ nói lên những điều chính phủ không thích nghe.”
Cuộc chạy đua Run for Rights
Một vận động viên khác góp mặt trong cuộc chạy bộ cho nhân quyền
được Ân xá Quốc tế dành tặng Tiến Trung, bà Beckly Farrar, nói:
“Đây là điển hình những hoạt động của chúng tôi trong công cuộc
vận động cho tù nhân lương tâm trên thế giới. Trung bị tù chỉ vì thể
hiện quan điểm cá nhân, quyền tự do ngôn luận của công dân. Cho nên tôi
ủng hộ anh ấy.”
Thân phụ Nguyễn Tiến Trung nói những sự ủng hộ và vận động cho Trung
như thế này Trung không được biết vì theo quy định trại giam, các buổi
thăm nuôi hằng tháng của gia đình chỉ giới hạn trong phạm vi thăm hỏi
sức khỏe và tình trạng gia đình mà thôi.
Sau cuộc thăm gặp Trung gần đây nhất hôm 2/11 tại số 4 Phan Đăng Lưu, Sài Gòn, ông Nguyễn Tự Tu cho hay:
“Tuy bị biệt giam, nhưng Trung vận động tập thể dục nhiều nên
sức khỏe tốt. Tinh thần vẫn vui vẻ, lạc quan. Chỉ mong sao Trung sớm
được trả tự do. Trung cũng có hy vọng trước ngày 2/9 vừa rồi, nhưng thất
vọng. Trại giam cũng đề nghị giảm án cho Trung nhưng lên trên người ta
không đồng ý. Điều kiện giảm án là Trung cải tạo tốt trong tù, chấp hành
nội quy, quy định tốt. Gia đình chúng tôi rất cảm ơn các tổ chức vận
động đòi trả tự do cho Trung. Gia đình rất cảm kích.”
Ân xá Quốc tế nói họ hết sức quan ngại trước thực trạng Hà Nội tiếp
tục cầm tù các nhà bất đồng chính kiến, hệ thống luật pháp Việt Nam xét
xử dựa vào các bản án được chỉ định trước từ cấp trên, và sự tồn tại của
các điều luật bao quát về an ninh quốc gia như điều 79 ‘âm mưu lật đổ
chính quyền’, những rào cản trấn áp quyền tự do ngôn luận và quyền tự do
lập hội của công dân.
Để hỗ trợ các tù nhân lương tâm tại Việt Nam, bà Verdermade nói, một
trong những phương cách hiệu quả là gửi thư liên tục cho giới lãnh đạo
Việt Nam, dù rằng không bao giờ được hồi đáp, để cho nhà cầm quyền Hà
Nội biết rằng rất nhiều người trên thế giới đang quan tâm đến tình hình
nhân quyền Việt Nam:
“Trong quá trình suốt hơn 50 năm nay, Ân xá Quốc tế chúng tôi
luôn tin tưởng và cũng nhận thấy rằng phương pháp này có mang lại hiệu
quả. Chúng tôi đã chứng minh rằng có tác dụng và hữu ích khi để cho nhà
cầm quyền thấy là thế giới biết rõ và đang theo dõi các hành động vi
phạm nhân quyền của họ. Hà Nội ít bao giờ hồi đáp thư kêu gọi của quốc
tế. Thế nhưng, chúng tôi không cho rằng họ không hồi đáp nghĩa là họ
không lưu tâm tới vấn đề. Chúng tôi đoan chắc là họ có chú ý. Cho dù họ
không công khai tỏ ra là họ lưu tâm, nhưng họ không thể khước từ những
gì đang nghe được từ cộng đồng thế giới.”
Bà Claudia Vandermade và một thành viên trong cuộc đua
Tuy nhiên, Ân xá Quốc tế nói sự vận động nhắm vào chính phủ Hà Nội
thôi không đủ, mà cần phải có những áp lực từ các nước có ảnh hưởng quan
trọng với Việt Nam như Hoa Kỳ, chẳng hạn.
Bà Vandermade tiếp lời:
“Chúng tôi cũng không ngừng vận động giới lập pháp, hành pháp Mỹ
để vấn đề nhân quyền Việt Nam luôn được đặt trong nghị trình làm việc
mỗi khi chính phủ Hoa Kỳ thương thảo các vấn đề với Việt Nam. Chúng tôi
có những buổi tiếp xúc với Bộ Ngoại giao, làm việc với những viên chức
trong Bộ đặc trách về Việt Nam để nêu trực tiếp những vấn đề chúng tôi
quan tâm. Theo tôi, quan trọng là cần phải nêu lên các trường hợp cụ thể
thay vì chỉ nói suông với Hà Nội rằng Washington quan ngại về nhân
quyền ở Việt Nam. Vì vậy, chiến dịch vận động của Ân xá Quốc tế luôn nêu
lên các trường hợp cá nhân cụ thể. Khi chúng tôi nhận bảo trợ cho Duy
Thức và Tiến Trung chẳng hạn, chúng tôi phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ
lưỡng. Qua hai bản án này, chúng tôi muốn đánh động sự quan tâm của công
luận về vấn đề nhân quyền lớn hơn tại Việt Nam.”
Nhóm Hành động của Liên hiệp quốc Chống giam giữ tùy tiện
đã kết luận rằng Trần Huỳnh Duy Thức bị giam giữ tùy tiện và yêu cầu
Việt Nam phải cải sửa điều này. Bà Vandermade nói Ân xá Quốc tế hân hạnh
là một phần trong phong trào lớn hơn trên quốc tế kêu gọi phóng thích
Duy Thức và Tiến Trung.
Tháng 3 năm nay, lần đầu tiên một đại diện của Ân xá Quốc tế đến
thăm Việt Nam kể từ thập niên 1970. Bà Vandermade cho hay chuyến đi ngắn
ngày của ông Frank Jannuzi, Phó giám đốc văn phòng Ân xá Quốc tế tại
Hoa Kỳ, tới Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tuy chưa phải là chuyến thăm
chính thức và chưa được tiếp xúc với giới chức cấp cao của Hà Nội,
nhưng cũng là một tín hiệu lạc quan mở đường cho các kênh đối thoại nhân
quyền giữa Ân xá Quốc tế với chính quyền Việt Nam.
Nguyễn Tiến Trung sinh năm 1983 được mọi người biết đến qua các hoạt
động cổ xúy dân chủ, đa đảng tại Việt Nam trong và sau khi anh du học
từ Pháp về.
Trung khởi xướng Tập hợp Thanh niên Dân chủ vào năm 2006 với mục
đích kêu gọi dân chủ hóa đất nước. Một trong những sinh hoạt nổi bật của
Tập hợp này là Chương trình “Marathon Nối Vòng Tay Lớn” thu thập chữ ký
gửi tới lãnh đạo các nước tới Việt Nam tham dự APEC 2006 đề nghị thúc
đẩy Việt Nam cải thiện dân chủ-nhân quyền.
Khi về nước, Nguyễn Tiến Trung gia nhập đảng Dân Chủ Việt Nam do
Giáo sư Hoàng Minh Chính là Tổng Thư Ký. Năm 2009, Nguyễn Tiến Trung bị
khởi tố và bị bắt giam cùng với 3 nhà hoạt động Lê Công Định, Trần Huỳnh
Duy Thức, và Lê Thăng Long.