Huỳnh Ngọc Hải
Theo blog Quê Choa
Tôi viết thư này cho Bà không phải vì tôi không có cảm tình với Bà,
hay bởi tại vì Bà không phải là bộ trưởng kém nhất trong Chính phủ. Xét
về tuổi, tôi sinh sau đẻ muộn. Xét về trình độ chuyên môn, Bà là Bác sỹ.
Còn tôi không phải Bác sỹ.
Tôi viết thư này cho Bà là bởi tôi biết mình đau đớn và xót xa khi
nhìn những đứa trẻ bằng tuổi của con gái mình bị chết tức tưởi vì những
tắc trách nghiệp vụ không đáng có.
Tôi viết cho Bà là bởi tôi nhìn thấy những người dân cầm vũ khí xông
vào các bệnh viện điên cuồng chém giết Bác sỹ. Tôi nhìn thấy những bậc
cha mẹ lam lũ bế trên tay núm ruột của mình đã tím tái, những người đàn
ông không khóc, ngơ ngác nhìn vào ống kính phóng viên. Những tắc trách
hay tai nạn đó, lẽ ra nếu có đủ lòng trắc ẩn, có đủ quyết tâm và có lòng
dũng cảm, thì Bà, vâng, chính Bà, đã có thể ngăn chặn hoặc ít ra cũng
đã có thể hạn chế đáng kể, sau ngần ấy năm Bà có vinh dự đảm nhiệm cương
vị của một Bộ trưởng.
Tôi viết thư này cho Bà còn bởi vì tôi theo dõi cuộc họp Quốc Hội
đang diễn ra, Bà xếp thứ 7 hay thứ 8 gì đó tính theo số lượng câu hỏi
đăng ký chất vấn của các Đại biểu Quốc Hội được thống kê, theo các báo
phát hành sáng nay. Nghĩa là Bà nhận được số câu hỏi không phải nhiều
nhất, nghĩa là Bà sẽ không nằm trong danh sách 4 Bộ trưởng “được” ưu
tiên chất vấn, nghĩa là những bức xúc to lớn của xã hội trong thời gian
rất dài vừa qua không phải là mối ưu tư hàng đầu hay hàng 4 của Quốc
Hội.
Nếu tôi là Bà, trước khi quyết định nhậm chức Bộ trưởng hoặc chỉ sau
vài tháng được bầu làm Bộ trưởng, tôi sẽ xin một cuộc hẹn gặp với Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng, tức Sếp trực tiếp của Bà, trình bày, thống kê,
phân tích và đánh giá cặn kẽ định tính và định lượng, tất cả những khía
cạnh khó khăn, thách thức, nguy cơ, thực trạng, điểm mạnh, điểm yếu,
chuẩn mực, tiềm lực, xu hướng, mục tiêu, kế hoạch, giải pháp, chiến
thuật, chiến lược, cam kết, tham vọng, ước mơ, và vân vân… có bao nhiêu
điều mà một Tư lệnh ngành, người lãnh đạo và quản lý, như Bà, có thể
chia sẻ và “mặc cả” với Sếp. Nếu thấy kế hoạch khả thi và đo lường được,
làm gì mà Sếp không vỗ vai khen ngợi và động viên ủng hộ Bà hết mình.
Tôi tin là như thế.
Có người cứ khi đụng chuyện thì lại đổ thừa cho cơ chế, cho chính
sách, cho hệ thống. Có người thì ra sức phân bua và đẩy hẳn trách nhiệm
cho cấp dưới hoặc đồng nghiệp hoặc thậm chí đẩy cho cấp trên. Có người
thì mũ ni che tai, nghiến răng chờ cho hết nhiệm kỳ. Có người thì từ
chức. Nhưng cũng có người thẳng thắn nhận khuyết điểm và quyết tâm hành
động. Bà thuộc về nhóm nào trong số những nhóm tôi vừa kể ? Cơ chế,
chính sách, quy trình hay hệ thống là những thứ do con người tạo ra, mà
đã là do con người thiết kế tạo ra, thì cũng có thể do con người điều
chỉnh, sửa đổi, thậm chí vứt đi. Bà đã từng thử đề xuất với cấp trên,
hoặc vì “cứu cánh biện minh cho phương tiện” mà dũng cảm “tặc lưỡi xé
rào” lần nào chưa? Hay Bà chỉ cần phân trần và khóc trước ống kính? Sếp
của Bà sau đó có ủng hộ Bà nữa không?
Thưa Bà Bộ trưởng.
Bà cũng là người Mẹ. Bà cũng là Bác sỹ. Tôi viết Hoa chữ « Mẹ » và
chữ « Bác sỹ » ở đây. Nhưng Bà cũng là một nhà Quản trị, đứng đầu một
trong những Bộ quan trọng bậc nhất trong Chính phủ. Đã bao giờ Bà nghe
nói đến 4 chức năng cơ bản của quản trị là gì chưa ? Nếu Bà đã biết rồi
thì sao Bà đã không hành động cho hiệu quả? Nếu sứ mệnh đó không phải là
của Bà – một Bộ trưởng tư lệnh ngành, thì ai sẽ làm? Nếu không phải
trong nhiệm kỳ này thì là nhiệm kỳ nào? Nếu không phải bây giờ thì là
đến bao giờ ? Nếu cơ chế và hệ thống không cho phép Bà làm tốt hơn, hiệu
quả hơn hiện tại, thì vì sao ngay từ đầu Bà đã không từ chối vinh dự
nhận lãnh sứ mệnh của một Bộ trưởng.
Bà hãy thuyết phục Sếp của Bà bằng việc liệt kê và chỉ ra hơn 50% hay
70% các quốc gia nào đó trên thế giới mà Bộ trưởng Y tế đã không thể
làm tốt được chỉ bởi ở đó, một Bộ trưởng Y tế không có quyền đích thân
chọn, bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm một Thứ trưởng, một Vụ trưởng hay một Giám
đốc Sở. Rằng Bà sẽ không thể làm tốt công việc của mình chừng nào Bà
còn bị « bó chân bó tay » không đủ thẩm quyền đích thân sa thải một Giám
đốc Bệnh viện hoặc một Hiệu trưởng của Đại học Y khoa. Rằng Bà không
thể kêu gọi hoặc yêu cầu một Chủ tịch tỉnh hay một Bộ trưởng khác trong
Chính phủ phối hợp hành động nhịp nhàng chỉ vì lý do cơ chế. Bà hãy
thuyết phục Sếp của Bà bằng sự minh bạch, logic, bằng chất lượng của
thông tin và thống kê, bằng phân tích, lý giải, so sánh, nhận định, bằng
việc tổ chức thực hiện và giám sát kiểm tra, thưởng phạt có tính khả
thi. Bà hãy thuyết phục Sếp của mình bằng sự tự tin, bằng trí thông minh
và sự duyên dáng của một phụ nữ, bằng sự cương trực và lòng quả cảm của
bậc quân tử sinh ra để làm công bộc cho nhân dân. Thử hỏi Sếp của Bà nỡ
nào mà không chịu lắng nghe ! Được như thế rồi, tôi tin là Sếp của Bà
sẽ rất yên tâm và cho Bà thêm cơ hội. Dĩ nhiên ông ấy sẽ phải cam kết
bằng trách nhiệm và cả danh dự của mình trước Quốc Hội và cử tri về
quyết định của mình trong việc cho Bà thêm cơ hội. Bằng không, ông ấy sẽ
phải xem lại sự cần thiết của Bà trong Chính phủ của ông ấy, và nếu
cần, ông ấy hẳn phải có đầy đủ thẩm quyền đích thân bãi nhiệm Bà và thay
bằng một Bộ trưởng khác. Làm gì hơn 90 triệu người này mà không tìm ra
được một người làm tốt vai trò Bộ trưởng Y tế. Đơn giản có thể ví von,
một Tổng Giám Đốc hay CEO sẽ phải có đủ thẩm quyền bãi nhiệm một Giám
đốc chức năng trực tiếp dưới quyền, và sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm về
quyết định của mình trước HĐQT vậy.
Thưa Bà Bộ trưởng.
Tôi chỉ là một người cha bình thường. Con gái tôi còn 2 tuần nữa là
sinh nhật lần đầu tiên. Cháu vẫn đang trong giai đoạn tiêm phòng nhiều
mũi nữa. Tôi đi làm thuê cho một công ty của nước ngoài. Mỗi tháng tôi
đóng thuế thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. Số tiền đó chắc chắn là
không thấm vào đâu để đổ xăng và khấu hao 10 năm cho chiếc ô-tô của Bà
đang đi. Nên trước sau, tôi không dám chỉ trích Bà.
Nhưng rõ ràng là đến tận lúc này, Bà chưa thuyết phục được người dân
(tôi nói những người dân còn bình tĩnh và hiểu biết đạo lý) với một kế
hoạch hay một giải pháp tổng thể đủ tầm để chặn đứng hay giảm thiểu các
vấn nạn y tế và y đức. Bà cần có cơ chế nào, cần bao nhiêu thời gian,
cần bao nhiêu ngân sách, cần bao nhiêu người để phụ với Bà hoàn thành
các mục tiêu lựa chọn. Bà chỉ cần làm tốt các vấn đề gói gọn trong phạm
vi ngành do Bà quản lý dựa trên các nguồn lực đã được duyệt. Các vấn đề
có quy mô, bình diện lớn lao hơn thì đã có các Sếp của Bà lo vì trách
nhiệm và quyền hạn của họ lớn hơn của Bà.
Hay phải chăng, một kế hoạch, một giải pháp tổng thể như thế ngay từ
đầu đã mất tính khả thi, hay những nhận định ngay từ đầu đã thiếu chính
xác, hay các dự án ấn tượng của Bà vẫn chưa được triển khai đúng tiến
độ, hay các nguồn lực để Bà hoàn thành nhiệm vụ chưa được đáp ứng, hay
Sếp của Bà đã không ủng hộ Bà, hay các thành quả ban đầu (nếu có) đã
chưa được chứng minh kịp thời do Bà quá bận rộn, hay là còn gì nữa thì
tôi xin Bà hãy chia sẻ công khai cho chúng tôi biết với. Bởi vì nếu
không, hàng triệu người dân Việt Nam cho dù vẫn cố tỏ ra bình tĩnh hiện
nay, sẽ còn mãi hoang mang, lo sợ, phẫn uất, và mọi thứ có thể trở nên
tồi tệ hơn nữa khi các vấn nạn vẫn lù lù xảy ra cho dù biết Bà vẫn luôn
xót xa và đau đớn.
Vậy nên, tôi tha thiết cầu xin Bà đấy. Tôi cầu xin Bà đấy, hỡi Bà Bộ trưởng ơi…
Vậy nên, tôi tha thiết cầu xin Bà đấy. Tôi cầu xin Bà đấy, hỡi Bà Bộ trưởng ơi…
Xin cám ơn.