Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

KỶ NIỆM VỀ CHA TÔI

TRƯƠNG QUỐC TÙNG
Theo Viet Studies

 NHỮNG KỶ NIỆM KHÔNG QUÊN
Một ngày cuối đông năm 1999, Cha tôi Nhà văn, Giáo sư Trương Tửu đã ra đi đến cõi niết bàn để lại đằng sau một cuộc đời, một sự nghiệp không thể bị lãng quên, để lại cho chúng tôi những người thân, con cháu trong gia đình những kỉ niệm sâu đậm nghĩa tình.
Những kỉ niệm về Cha tôi, đó là những kỉ niệm của tôi quãng thời thơ ấu ở «Làng văn nghệ Quần Tín’’ thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Hồi ấy, những năm 1948 - 1950 tôi còn nhỏ lắm, mới ở tuổi lên năm lên bẩy. Khi kháng chiến bùng nổ, theo tiếng gọi của Cách mạng và Cụ Hồ, Cha tôi cùng nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi rời Hà Nội ra đi kháng chiến, quần tụ ở làng Quần Tín, tôi còn nhớ có các bác Nguyễn Xuân Sanh, Sĩ Ngọc, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Tị, vợ chồng hai bác họa sĩ Phạm Văn Đôn - Nguyễn Thị Kim, gia đình bác Vũ Ngọc Phan... Đó là những tháng năm thay đổi cuộc sống, những tháng năm đầy gian khổ nhưng vui vẻ. Gánh nặng gia đình nội ngoại hơn chục người trong đó có ông ngoại tôi tuổi gần 70, đè lên vai cha tôi, vừa lo toan cuộc sống cho gia đình, lo học hành cho con, lo công tác. Gia đình tôi qua đủ nghề: làm vườn, buôn tạp hoá, làm nón, thợ may và nghề nào cũng do cha tôi khởi sướng, lo toan để cuộc sống dần dần bình yên, no đủ, có nhà có vườn... Ở cái làng văn nghệ ấy, chúng tôi hình thành một lũ trẻ, con cháu văn nghệ sĩ, đàn đúm, chơi bời, quần tụ cùng nhau, rất nhiều người trong đám trẻ hồi ấy nay đã trưởng thành, đã thành danh. Tôi nhớ nhất mỗi khi trung thu đến, đúng đêm trăng rằm tháng 8, bọn chúng tôi được cha mẹ đưa đến nhà hai bác Phạm Văn Đôn - Nguyễn Thị Kim đón trăng. Ở đó chúng tôi được nhận những chiếc đèn ông sao xinh xắn, được hát hò, phá cỗ dù rất giản đơn và những đêm trung thu ấy, tôi lại được Cha tôi kể cho nghe những câu chuyện về chị Hằng, chú Cuội.
Hồi ấy do hoàn cảnh, tôi không đến trường Tiểu học mà học ở nhà do Cha tôi kèm cặp cho tới khi thi đỗ vào cấp II (lớp 5) mới đến trường. Tôi còn nhớ có thời gian bác Đặng Thai Mai bảo cha tôi cho tôi đến nhà để chị Đặng Thanh Lê con gái bác kèm học. Được ít ngày, do thường phải đi về lúc gần chiều tối, quãng đường đồi vắng hay bị lũ trẻ nhà quê trêu dọa, tôi xin cha cho ngừng học, có bữa tự bỏ học đi chơi. Cha tôi biết được bắt tôi nằm lên giường cho một roi ‘‘giơ cao đánh khẽ’’ nhưng đó là roi đòn đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất tôi nhận của cha, một người rất nghiêm khắc nhưng cũng yêu thương con vô hạn.
Hồi ấy cha tôi làm Bí thư Đoàn Văn nghệ Kháng chiến Liên khu IV (cùng bác Đặng Thai Mai, Nguyễn Xuân Sanh trong Ban Bí thư đoàn) đồng thời là Giám đốc Trường Huấn luyện Văn hoá Văn nghệ Liên khu III - IV, về sau lại tham gia giảng dạy tại Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV ở tận Nông cống. Công việc bận rộn nhưng Cha tôi vẫn chăm lo đến mọi việc gia đình, dạy tôi và ông anh họ hết chương trình Tiểu học. Khi Cha tôi đi công tác vắng nhà là cả nhà thấy có gì trống vắng. Đó là dịp Cha tôi được triệu tập đi họp Đại hội Văn nghệ toàn quốc ở Việt Bắc. Đi bộ hàng tháng đến Phú Thọ, đại hội xong lại đi bộ về hàng tháng trời, còn nhớ đặc sản mà Mẹ tôi chuẩn bị cho Cha tôi lên đường là một hộp ruốc và một hộp trứng đường. Mấy tháng sau, Cha tôi mạnh khoẻ trở về, vui vẻ kể chuyện đi bộ suốt trong rừng có bữa suýt bị hổ vồ và đem về một tin vui: Cha tôi được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội Văn nghệ Việt Nam.
Đến năm 1952, Cha tôi được bổ dụng làm Giáo sư dạy ở Trường Dự bị Đại học Thanh Hoá, cũng là lúc tôi vào cấp II. Hai cha con trọ ở Đu (Thanh Hoá), hơn một năm “cơm niêu nước lọ” cho tới khi cả gia đình chuyển từ Quần Tín ra chợ Đu, đến ngày hoà bình mới về lại Thủ đô Hà Nội. Đó là những ngày đầm ấm và yên vui của tôi cùng cha và cả nhà với niềm tin sắp tới ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến chín năm, đó cũng là thời kì mà qua cha mình, tôi được tiếp xúc, biết đến nhiều nhà giáo, nhà văn, nhà văn hoá lớn của đất nước: các Giáo sư Trần văn Giàu, Cao Xuân Huy, Nguyễn Thúc Hào, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Thai Mai, nhà văn Nguyễn Tuân và một số anh chị học viên mà sau này cũng rất thành danh. Cũng trong thời gian này có buổi tối dưới ánh trăng lần đầu tiên tôi được cha nói chuyện về Nguyễn Du và Truyện Kiều, lòng say mê văn học nhen nhóm trong tôi có lẽ cũng từ những ngày ấy...
Năm1954, hoà bình lập lại, Cha tôi về tiếp quản Đại học Hà Nội rồi làm Giáo sư Trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội, còn tôi cùng gia đình ở lại Thanh Hoá cho tới khi tôi kết thúc năm học lớp 5 mới xuôi thuyền theo dòng sông Hồng qua Nam Định về bến Phà Đen một buổi sớm năm 1955. Đó là những ngày đầy hạnh phúc, hạnh phúc của kháng chiến thắng lợi, hạnh phúc được đoàn tụ, hạnh phúc được về với phố phường Hà Nội, hạnh phúc vì vinh dự của người kháng chiến trở về. Với tôi và gia đình đó còn là những ngày vinh hạnh, thành đạt của người cha. Ngôi nhà 53 Hàng Gà của Cha tôi là nơi gặp gỡ của nhiều nhà văn, nhà trí thức lớn, của nhiều sinh viên đại học giỏi được cha tôi yêu quí mà hầu hết sau này đã thành những nhà trí thức, nhà giáo, nhà khoa học lớn thành danh. Cha tôi được trọng dụng, đi làm đi dạy có xe ô tô đưa đón, sách được xuất bản ngày một nhiều, những ngày kỉ niệm lớn được mời ngồi trên lễ đài, rồi Cha tôi tham gia đoàn Giáo sư Đại học tham quan Trung Quốc... Tôi được nhận vào học trường phổ thông Hà Nội dành riêng cho con em cán bộ, cũng những ngày ấy vào tháng 9 năm 1956 đã bắt đầu một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Hôm ấy vào một ngày tháng 8 năm 1956, đi dạy học về cha tôi báo một tin bất ngờ: tôi chuẩn bị đi tập trung để sang du học tại Cộng hòa Dân chủ Đức, đây là một sự quan tâm lớn của nước bạn, của Đảng và Nhà nước chọn cử gần 200 em học sinh là con em cán bộ cao cấp cho đi ăn học dài hạn để thành tài ở Cộng hòa Dân chủ Đức, nước Xã hội chủ nghĩa phát triển nhất hồi đó.
Cuộc chia tay đầy lưu luyến, có nước mắt của tôi, của Mẹ và có những lời căn dặn chân tình của Cha mà tôi nhớ mãi: “Con đi điều phải nhớ là giữ gìn sức khỏe, học giỏi, tìm hiểu văn hóa và văn minh của người Đức và không bao giờ được quên quê hương đất nước, để thành tài trở về phụng sự đất nước’’.
Tàu chuyển bánh, bóng Cha Mẹ tôi mờ dần, song tôi còn kịp thấy Cha rút khăn chấm nước mắt. Chính lúc ấy tôi đã khóc nức nở và cũng không ngờ rằng chỉ sau đó ít thời gian Cha tôi bước vào một quãng đời đầy khó khăn và sóng gió. Những năm tháng xa cách cha con, xa cách quê hương cứ qua đi rồi những tin về “Vụ án văn chương Nhân văn - Giai phẩm” dồn dập bay sang nước Đức, nơi tôi đang học phổ thông rồi sau ngày lên tiếp đại học. Ở cái tuổi 15 dạo ấy, tôi bàng hoàng bối rối và đau buồn. Cha tôi im lặng mãi, cho đến một ngày tôi nhận được lá thư với những lời tâm huyết mà đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi.
“Bố rất buồn vì dù sao cũng đã đem lại cho con những điều đau khổ. Có lẽ giờ đây còn nhiều điều con chưa thể hiểu đặc biệt trong hoàn cảnh xa quê hương. Chỉ có một điều bố muốn nói với con bằng cả tấm lòng của một người cha: Những điều bố cùng các đồng nghiệp Giáo sư Đại học kiến nghị với Đảng, với Nhà nước về tự do dân chủ, về phát triển kinh tế, về lãnh đạo văn nghệ, về phát triển khoa học... có thể đúng và cũng có thể sai, nhưng với động cơ hoàn toàn trong sáng, chính trực với mong muốn đất nước ta ngày một phát triển, xã hội ta ngày một dân chủ và tự do hơn, chế độ ta ngày một vững bền...
Vì chân lí và lẽ phải, bố không sợ cường quyền, con hãy chờ, lịch sử sẽ chứng minh điều đó...”.
Có lẽ đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, đó vẫn mãi mãi là sẽ sống của Cha tôi. Tôi đã khóc nhiều khi đọc những dòng thư ấy và đến hôm nay, trong cuộc đổi mới và dân chủ, tôi càng hiểu hơn những lời tâm huyết ấy đã được nói lên trước đây hơn 40 năm.
Những kỉ niệm về Cha tôi gắn với những năm tháng cuối đời của Người, đồng hành với thời kì đổi mới của đất nước trong những năm 1990. Cuộc sống đã khá giả, con cái đã trưởng thành, hai đứa chắt nội, ngoại chào đời làm vui thêm cuộc sống của hai Cụ. Cùng với sự ngỡ ngàng và khâm phục tôi chứng kiến việc Cha tôi lao vào nghiên cứu lĩnh vực mới mẻ và thần bí: Về dưỡng sinh, về Yoga, về ăn chay, về Phật học, Đạo Lão, Khổng Tử, cũng không bỏ qua tử vi và bói dịch, tủ sách ngày một dày thêm về các lĩnh vực mới. Chủ nhật tuần nào Cha tôi cũng cùng 5 - 7 người bạn lớn tuổi và trẻ tuổi say sưa đàm đạo, tranh luận về những điều bí ẩn ấy với cái nhìn, cái nghĩ khoa học. Cuối những năm 1990, Cha tôi luôn nhắc lại ý muốn cuối đời hoàn thành ba tác phẩm lớn là: Đạo dưỡng sinh, Tổng kết vềTruyện Kiều và Hồi kí. Chỉ tiếc rằng do sức khoẻ giảm sút, đặc biệt là hai mắt bị mờ từ năm 1995 - 1996 cùng với tang lớn của Mẹ tôi, Ông đã không hoàn thành đầy đủ được ba tác phẩm ấy.
Cuối năm 1992 có hai sự kiện đem lại cho Cha tôi niềm vui mới.
Đó là Lễ thượng thọ 80 tuổi của Cha tôi (ngày 1-11-1992) với sự hiện diện và chúc mừng của nhiều bạn đồng nghiệp, nhiều nhà văn hoá, văn nghệ sĩ, nhà giáo tên tuổi, nhiều thế hệ học trò mà nay rất nhiều thành danh. Tôi không quên giọng ngâm thơ sang sảng của Nhà văn Phùng Quán bài thơ Gửi Trương Tửu của Nguyễn Vĩ hôm ấy. Rồi đến lễ kỉ niệm 45 năm các lớp văn hoá kháng chiến Liên khu IV mà Cha tôi được mời dự, được tôn vinh, được mời phát biểu ý kiến với tư cách là người từng lãnh đạo Đoàn Văn hoá Kháng chiến Liên khu IV và Giám đốc Trường bồi dưỡng Văn nghệ Liên khu IV.
Đó cũng là những mốc sự kiện mở ra những năm tháng mới đối với Cha tôi. Ngày càng có nhiều đồng nghiệp đến thăm hỏi, đàm đạo như Giáo sư Hoàng Thiếu Sơn, Giáo sư Phan Ngọc, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Giáo sư Hoàng Như Mai, Nhạc sĩ Văn Cao... Những dịp năm mới, những dịp ngày giáo Việt Nam,... căn nhà C5 Hoàng Cầu của Cha tôi đầy ắp tiếng chúc mừng, tiếng cười và hoa. Đó là những thế hệ học trò Đại học của Cha tôi, năm đó phần lớn đã ngoài 60 tuổi, rất nhiều người đã thành người nổi tiếng, nhiều người đã là giáo sư, nhà giáo nhân dân, tiến sĩ, giảng viên đại học, nhà văn... Tôi muốn nhớ đến các anh Văn Tâm, Nguyễn Đình Chú, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Văn Hoàn, Ninh viết Giao... đến các chị Bạch Diệp, Đặng Thanh Lê... và nhiều người khác.
Cũng bắt đầu xuất hiện những bài phê bình nghiêm túc về Trương Tửu – Nguyễn Bách Khoa, bắt đầu xuất hiện nhiều hơn việc tái bản các tác phẩm, bài viết của Cha tôi như Kinh thi Việt Nam, về Thạch Sanh, Vũ Trọng Phụng...
Một dịp Cha tôi đưa tôi xem hai quyển phê bình văn học mà Người mới được nhận biếu: đó là tập Nhà văn phê bình của hai tác giả Mộng Đình Chương và Đào Đức Sơn (NXB Văn học, 1996) và Tuyển tập phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam (tập III, NXB Văn học, 1997) của Nguyễn Ngọc Thiện.
Đây là lần đầu tôi được đọc những dòng đánh giá tương đối khách quan và khoa học về sự nghiệp văn chương của Cha tôi từ ngòi bút của những nhà phê bình văn học trẻ, kể cả sau này các bài tiểu luận của Đỗ Lai Thuý, Trịnh Bá Đĩnh... giúp tôi khẳng định một điều: Cha tôi có vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học Việt Nam cận đại, là một trong số ít người có công khai phá, mở đầu cho trường phái phê bình văn học theo phương pháp luận duy vật biện chứng ở nước ta, là một trong những nhà Mác-xit học đầu tiên trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam.
Kỉ niệm về Cha tôi có lẽ nhớ mãi là những ngày cuối đời và khi Người ra đi, trong hai ngày 18 và 19-12-1999, hàng trăm đoàn đến viếng từ mọi miền đất nước, hàng trăm vòng hoa, thương tiếc, đưa tiễn Cha tôi về cõi trời vô tận. Rất nhiều đoàn của các Cơ quan, Trường Đại học... nhiều nhà văn hoá, trí thức, nhà giáo, nhà khoa học, quan chức có tên tuổi, là bạn văn, là đồng nghiệp, là học trò đã đến tiễn đưa Người.
Tôi không thể nào quên và cầm được nước mắt khi thấy Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú nghẹn ngào thay mặt các thế hệ học trò đọc lời tiễn thầy Trương Tửu trong buổi lễ truy điệu trọng thể với câu mở đầu đầy tâm huyết và xúc động: “Thầy ơi! chuyện đời, cái gì đáng qua đi sẽ qua đi, cái gi đáng còn lại sẽ còn lại, những vinh quang của Thầy là sẽ còn lại”.
Cha tôi ra đi thật thanh thản và có vẻ như Người đã biết trước và trùng với ngày giỗ thứ ba của mẹ tôi, đến phút cuối cùng Người vẫn đầy nghị lực và yêu đời.
Tôi còn nhớ mãi nét mặt rạng rỡ với nụ cười thoáng qua của Cha khi biết tin tôi được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, đó cũng là nụ cười rạng rỡ cuối cùng của Cha trên cõi đời này mà tôi được cảm nhận.
Về Cha tôi còn là kỉ niệm về những lời ghi trân trọng, tiếc thương của bao người trong sổ tang mà tôi xin ghi nhận với lòng biết ơn chân thành mãi mãi.
“Trương Tửu – Nguyễn Bách Khoa là nhà phê bình duy nhất của văn học Việt Nam trước 1945... nhà giáo văn học Việt Nam chủ chốt của Trường đại học văn khoa, người viết nhưng công trình sẽ còn mãi: Kinh thi Việt Nam, Nguyễn Công Trứ... Tôi viết điều này với ý thức trách nhiệm” (GS. Phan Ngọc).
“Các thế hệ sinh viên Đại học Sư phạm Văn khoa không bao giờ quên ơn dạy dỗ của thầy” (Đoàn cựu sinh viên Đại học Sư phạm Văn khoa 1954-1957).
“Vô cùng thương tiếc Giáo sư Trương Tửu, nhà nghiên cứu văn học, người thầy của nhiều thế hệ trí thức. Cao cả và vượt lên trên mọi sự thăng trầm, bất công và bạc bẽo, Giáo sư Trương Tửu đã để lại cho cuộc đời một tấm gương sáng về phẩm giá và lòng tự trọng” (TS. Lê Đăng Doanh – Viện trưởng Viện Quản lí Kinh tế Trung ương).
“Người thế ấy, sự nghiệp thế ấy, danh thế ấy, mà đời thế ấy... những gì còn lại sẽ còn lại, văn hoá, văn học Việt Nam sẽ còn ghi nhắc công lao và tên tuổi của Ông” (Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Huệ Chi – Viện Văn học).
“Ông mãi mãi là một trí tuệ uyên bác, một nhân cách lớn của thế kỉ XX này” (GS. Hoàng Thiếu Sơn).
 “Người im rồi, tên thơm còn đọng mãi” (Lê Đạt – nhà thơ)
Kỉ niệm về Cha tôi còn là sự ghi tạc nhiều lời căn dặn, lời dạy của Cha đối với riêng tôi cả trong những ngày tháng vinh quang lẫn những ngày thất sủng mà rất nhiều lời dạy ấy đã đi theo năm tháng suốt cuộc đời tôi, giúp tôi sống thành thân và thành nhân.
Cha tôi nói: “Vốn quí nhất của con người là sức khoẻ, trí thức và nhân cách”. Cha dạy tôi: “Phải biết ngoại ngữ vì đó là vũ khí, là chìa khoá mở cửa của tri thức nhân loại”. Nghe lời Người, tôi đã cố gắng đế biết một số ngoại ngữ. Có lần Người dạy: “Phải biết sống cương trực, không sợ cường quyền, chỉ sợ lẽ phải và chân lí và phải biết bảo vệ lẽ phải và chân lí dù phải trả giá đắt của cuộc đời”. Có lẽ Người không chỉ nói mà thực sự đã sống như vậy.
Một lần Người tâm sự với tôi: “Con không nhất thiết phải là đảng viên, nhưng con nhất thiết phải sống như một người cộng sản chân chính về trí tuệ, tình cảm và nhân cách”! Trong cuộc đời mình, tôi đã và sẽ thực hiện lời dạy ấy. Những năm cuối đời, khi nghiên cứu triết học phương Đông, Cha tôi thường khuyên mọi người trong nhà và những người thân quen: “Muốn có hạnh phúc 1. Phải khoẻ mạnh, 2. Phải sống lâu mà không già; 3. Phải có một nghề tinh thông để tự lập về kinh tế; 4. Phải có một vũ trụ quan, nhân sinh quan đúng làm kim chỉ nam cho toàn bộ cuộc sống của minh; 5. Phải ý thức được và điều khiển được mọi ý thức, cảm giác, tình cảm, hành vi trong suốt cuộc đời mình; 6. Phải có một phương châm xử thế tạo ra được sự hoà nhập cá nhân với mọi người, với cộng đồng và 7. Phải xây dựng được một gia đình hoà nhập, đầm ấm tình người”.
Hồi tưởng lại những kỉ niệm về Cha, tôi càng nhận thấy rằng cuộc đời ấy, sự nghiệp ấy sẽ sống mãi cùng năm tháng.

NHỚ CHA
Giao thừa Xuân Nhâm Thìn, năm 2012, khi thời khắc giao thoa của trời đất, trong sự tĩnh lặng sâu thẳm của không gian và của cả nỗi lòng, tự nhiên tôi thấy nhớ Cha đến nao lòng. Giờ này Cha ở nơi đâu trong cái thế giới vĩnh hằng ấy? Cha có nghe những vần thơ khai bút của con:
  69 tuổi đời nhớ tới Cha,
  Lịch sử vinh danh chẳng đợi chờ.
  Một đời dũng cảm vì chân lí,
  Thăng trầm tai họa với tài hoa.
Đã mười năm trôi qua, kể từ khi con viết những dòng kỉ niệm về Cha giữa mùa thu năm 2002. Mười năm ấy, đã có bao thay đổi của đất nước, của nhận thức, của khoa học, của đời sống Văn học nghệ thuật, của xã hội và gia đình... Vui có, buồn có, mừng có, lo có… Chỉ có  một điều không thay đổi – Lịch sử như dòng sông luôn cuốn về phía trước không ma lực nào có thể làm chảy ngược dòng!
Sự nghiệp của Cha cũng như dòng sông ấy và hòa vào dòng sông ấy.
Còn nhớ, có lần hình như sau dịp thượng thọ 80 tuổi, Cha đã trầm ngâm tâm sự cùng con: “Với những nguồn thông tin ít ỏi và một chiều như một đám sương mù che khuất, liệu sau này hậu thế có còn nhớ đến Cha và những người đã từng dũng cảm làm nên “cơn bãoNhân Văn - Giai Phẩm” - một phong trào đổi mới, dân chủ một thời của những người trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam?”.
Mười năm qua, tuy chậm chạp và lặng lẽ như thường thấy, có lẽ câu hỏi ấy đang có lời giải đáp. Lịch sử, đất nước không quên họ, qua những sự kiện văn hóa, qua sự trở lại của các tác phẩm của họ, qua những lễ kỉ niệm, tưởng nhớ, các hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của họ, qua các công trình nghiên cứu, các luận văn tiến sĩ, thạc sĩ, bài viết trong và ngoài nước về họ và về phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm… Ở nơi xa ấy, cha và các đồng nghiệp một thời của Cha có hay: Giải thưởng Hồ Chí Minh đã được trao cho các bác Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Văn Cao… Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cũng đã được trao cho các nhà thơ Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán... và nhiều người nữa từng tham gia Nhân Văn - Giai Phẩm dạo ấy... Đã diễn ra nhiều cuộc Hội thảo khoa học trang trọng, có tiếng vang ở trong và ngoài nước về Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Phan Khôi, Trần Dần, Văn Cao...
Với Cha, ở mức độ khác nhau, lịch sử, công chúng, người thân, học trò, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, trí thức, giáo sư đại học… thuộc nhiều thế hệ đã không quên Nhà văn, Giáo sư Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa.
Đó là GS. Phan Ngọc, người trợ giảng thân thiết của Cha thời ban đầu ở Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Là những học trò Văn khoa của Cha ngày trước nay đã thành đạt và thành danh trở thành những nhà văn, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, giáo sư đại học... hàng đầu của đất nước như các anh chị: GS. NGND Nguyễn Đình Chú, PGS. Nguyễn Văn Hoàn, GS. NGƯT Đặng Thanh Lê, GS. NGND Hà Minh Đức, GS. NGND Phan Trọng Luận, PGS. Ninh Viết Giao, Đạo diễn - NSND Bạch Diệp... Đó là các nhà nghiên cứu văn học có tên tuổi như GS. NGND Phương Lựu, GS. Phong Lê... Đáng ngạc nhiên và khâm phục đối với các nhà nghiên cứu văn học, văn hóa, cán bộ giảng dạy lớp sau chưa từng biết và gặp Cha nhưng đã có nhiều công trình nghiên cứu với sự quí trọng và tấm lòng với Trương Tửu như PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn, PGS. TS. Trịnh Bá Đĩnh, PGS. TS. Đỗ Lai Thúy, PGS. TS. Lã Nhâm Thìn, PGS. TS. Nguyễn Thị Bình, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện, PGS.TS. Trần Ngọc Vương, TS. Chu Văn Sơn,… Các nhà nghiên cứu, phê bình văn học như Phạm Xuân Nguyên, Lại Nguyên Ân, Thụy Khuê, Đoàn Tử Huyến, Thái Kế Toại, Văn Chinh, Nguyễn Cảnh Tuấn… Đến cả lớp trẻ đầy nhiệt thành và tri thức như Hoài Nam, Kiều Mai Sơn, Phan Mạnh Hùng...
Tên tuổi và sự nghiệp, công lao của Cha được nhớ tới và khẳng định trong rất nhiều bài viết của các anh chị đó dù là công trình nghiên cứu hay hồi ức kỉ niệm. Con xin trích gửi Cha một vài ý kiến đó:
“Con người và sự nghiệp Trương Tửu, những câu hỏi còn bỏ ngỏ… Giới nghiên cứu còn nhiều việc phải làm để phục hiện đầy đủ một sự nghiệp, một nhân cách độc đáo qua bao biến cố thăng trầm khiến ông gần với huyền thoại hơn là với lịch sử…” (PGS.TS. Nguyễn Thị Bình).
GS. Trương Tửu là người thầy đầu tiên của nhiều sư biểu làm nên thế kỉ vàng của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ đây có thể thấy tầm cao và vóc lớn ở con người và sự nghiệp của GS Trương Tửu. Ông là một trong những nhà phê bình văn học đầu tiên ở Việt Nam theo quan điểm Mác-xit” (PGS.TS. Lã Nhâm Thìn)”.
“Trương Tửu là người sáng lập ra phương pháp Phê bình Khoa học, đánh dấu một cái mốc trong lịch sử phê bình văn học ở nước ta”. VớiTruyện Kiều và thời đại Nguyễn Du,  Trương Tửu đã quán triệt tư tưởng chủ nghĩa Mác vào nghiên cứu Truyện Kiều” (PGS. Nguyễn Văn Hoàn).
“Tác phẩm Mấy vấn đề Văn học sử Việt Nam cùng Văn học khái luận của Đặng Thai Mai là hai công trình đặt nền tảng cho khoa học về phê bình văn học theo xu hướng Mác-xit ở Việt Nam (PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh).
“Trương Tửu viết văn, viết phê bình, dạy học, hoạt động xã hội với phong cách say sưa, quyết liệt, thẳng thắn, hùng hồn áp dụng biện pháp duy vật vào nghiên cứu Truyện Kiều” (Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên).
“Cuộc đời Trương Tửu là một chuỗi những thăng trầm, những cuộc dấn thân trên tinh thần trung thực, tranh đấu vì học thuật và lẽ phải... Trương Tửu sáng tác khá nhiều và được coi là một trong các cây bút có phong cách trong làng tiểu thuyết trước Cách mạng tháng Tám” (PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn).
“Cần tiếp cận nghiên cứu một cách bài bản đối với Trương Tửu như một tác gia và như một nhân vật văn hóa lịch sử” (Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân).
“GS. Trương Tửu, một con người tràn đầy khí phách chân Nho phương Đông của một sĩ phu Bắc Hà. Tư tưởng văn học của Trương Tửu về cơ bản không mang tính chất trotskit” (GS. NGND Phương Lựu).
“Phải nói rằng, phê bình Truyện Kiều nói riêng và phê bình văn học nói chung đến Trương Tửu đã đặt một cột mốc mới trong Lịch sử văn học Việt Nam” (PGS.TS. Đỗ Lai Thúy).
“Thầy ơi, chuyện đời cái gì đáng qua đi, sẽ qua đi. Cái gì đáng còn lại sẽ còn lại. Những vinh quang của Thầy sẽ còn lại” (GS. NGND Nguyễn Đình Chú).
Khối óc khổng lồ ấy, tư duy sắc sảo ấy, tấm lòng say mê văn chương ấy, tài năng hùng biện ấy đã để lại dấu ấn sâu đậm…” (GS. NGND Phan Trọng Luận).
“Cuộc đời Thầy, một thiên tài trong làng văn Việt Nam, nhưng như thân phận của không ít trí thức cổ kim, trải nhiều sóng gió. Cái vinh quang của Thầy là Thầy có bản lĩnh đã vượt qua được bao bất hạnh để lại nhiều công trình sẽ đứng mãi với thời gian” (PGS. Ninh Viết Giao)...
Đọc những dòng này, chắc Cha sẽ mỉm cười, dù đó chưa phải là tất cả, phải không Cha?
Mười năm qua cũng đã có khá nhiều sự kiện để nhớ tới Cha, vinh danh Cha, dù mới chỉ là bước đầu và lặng lẽ.
Đó là việc xuất bản Bộ Toàn tập Trương Tửu. Tập một: Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu, phê bình; Tập 2: Trương Tửu - Tuyển tập văn xuôi và  tập cuối cùng Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu văn hóa. do Nhà xuất bản Lao động , NXB Văn học và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây thực hiện và PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh (Viện Văn học) tuyển chọn và giới thiệu.
Đó là Hội thảo Khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của Nhà văn - Giáo sư Trương Tửu được tổ chức vào tháng 11-2008 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội do Khoa Ngữ văn chủ trì. Đây là một Hội thảo trang trọng, chất lượng cao, được sự tham gia của đông đảo các văn nghệ sĩ, nhà phê bình văn học, giáo sư đại học, nhà báo… hàng đầu đất nước, có tiếng vang lớn trong và ngoài nước.
Đó là hàng trăm bài viết, luận án Tiến sĩ và cao học về Trương Tửu được thực hiện và công bố trên các diễn đàn trong và ngoài nước, kể cả việc trang mạng Viet-Studies của GS. Trần Hữu Dũng (Hoa Kì) mở mục Hồ sơ Trương Tửu.
Đó là cuốn phim tài liệu chân dung Nhớ Nhà văn, Giáo sư  Trương Tửu của Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Phúc được làm công phu với sự trân trọng và dũng cảm.
Đó là Quyết định của Hội Nhà văn Việt Nam công nhận Nhà văn Trương Tửu là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 5-2010), đúng sau 52 năm Cha bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn sau vụ Nhân Văn - Giai Phẩm (1958). Dù muộn nhưng vẫn còn hơn không, phải không Cha?
Đó là Chương trình tổ chức Lễ Kỷ niệm trang trọng 100 năm sinh  NV-GS. Trương Tửu do Hội Nhà văn Việt nam chủ trì vào đúng ngày sinh của Cha , 18/11/2013.
Trong những giờ phút, tháng ngày nhớ Cha, con kể cho Cha nghe những điều trên với mong muốn, ở tận nơi cõi trời xa, Cha sẽ luôn tin rằng, lịch sử, đất nước, công chúng, rất nhiều người mãi nhớ Cha, ghi nhận công lao của Cha đối với nền văn học, văn hóa và giáo dục nước nhà. Chân lí ấy, sự thật ấy không một ai, không một quyền lực nào có thể phủ nhận, xoá nhoà.
Và chúng con và rất nhiều người quí trọng Cha, quí trọng lẽ phải và sự công bằng, đang cố gắng tiếp tục khẳng định điều đó bằng việc chuẩn bị thật tốt cho Sự kiện kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Cha vào tháng 11 năm 2013 này.
Trong nỗi nhớ Cha, con xin thắp một nén hương bái lạy linh hồn Cha nơi cõi trời vô tận với tất cả sự thương yêu và kính trọng.
                                                          Hà nội, năm 2002-2013 

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"