Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Nghĩ về điều 4 Hiến pháp

Cua Đồng
Theo blog Cua Đồng
Trước tiên cần phải nói rõ ngay rằng điều 4 HP được đề cập ở đây không phải là điều 4 trong bản Hiến pháp đầu tiên của quê ta, được ban hành năm 1946, trong đó ghi rằng:
”Mỗi công dân Việt Nam phải:
- Bảo vệ tổ quốc.
- Tôn trọng Hiến pháp.
- Tuân theo pháp luật”.
Và cũng không phải là điều 4 của HP ban hành năm 1960, trong đó ghi:
“Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ”.
Và tất nhiên nó lại càng không phải là điều 4 trong Hiến pháp ban hành tháng 3 năm 1967 của VNCH:
“1- Việt Nam Cộng Hòa chống lại chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thức.
2- Mọi hành vi nhằm mục đích tuyên truyền hay thực hiện chủ nghĩa cộng sản đều bị cấm chỉ”.
Điều 4 Hiến pháp đang nói ở đây là điều 4 trong bản HP được ban hành năm 1992 của quê ta.
Nó quy định rằng “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (không còn chữ duy nhất trong câu “lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội”, là câu đã từng được ghi trong bản HP ban hành năm 1980, lần đầu tiên đưa chuyện một đảng phải chính trị được đương nhiên nắm quyền lãnh đạo vào HP).
Rõ ràng là điều 4 nói trên, khi khẳng định ĐCS tự nhiên là lực lượng lãnh đạo, đã triệt tiêu những quyền cơ bản của quốc gia là quyền đòi hỏi họ phải làm gì để xứng đáng với vị thế người lãnh đạo, và quyền xử lý họ nếu họ có những yếu kém, sai lầm, thậm chí là lỗi lầm (và lịch sử cũng đã cho thấy họ từng phạm khá nhiều sai lầm). Nó cho phép ĐCS VN tự đặt ra và hưởng rất nhiều đặc quyền đặc lợi mà không hề phải lo đến chuyện phải trả giá.
Hẳn nhiên, việc ĐCS VN lợi dụng vị thế đang cầm quyền để đưa vào HP sự đảm bảo cho quyền lực vĩnh viễn không cần bầu cử của mình là một hành vi rất phản cảm. Nó càng phản cảm hơn khi ý nghĩa của từ lãnh đạo đã bị cố tình hiểu sai đi, không còn mang nhiều hàm ý của phần trách nhiệm, mà nghiêng nặng về phần quyền và lợi. Hơn thế, nó còn tước đi cơ hội được cống hiến cho đất nước của những người khác xứng đáng hơn với vai trò lãnh đạo nhưng không có chung lý tưởng CS, hay tước đi cơ hội phát triển của cả dân tộc khi có thể đi lên bằng một con đường khác ngoài con đường mà ĐCS muốn chọn và đã chọn.
Thế nên không có gì là khó hiểu khi trong một thời gian rất dài – kể từ không lâu sau khi điều này lần đầu xuất hiện năm 1980 đến nay – đã có rất nhiều người đòi bỏ điều 4 HP, còn ĐCS VN thì bằng mọi cách để giữ lại, kể cả dùng những cách không được đánh giá cao như người ta đã thấy trong cuộc trưng cầu về sửa đổi HP vừa qua.
Vấn đề là tại sao ĐCS có vẻ như muốn duy trì một cuộc tranh cãi giằng dai về sự tồn tại của điều 4 này như vậy?
Thử tưởng tượng rằng nếu không có điều 4 HP, liệu vị thế của ĐCS có bị đe dọa không? Câu trả lời tất nhiên là không. ĐCS không cần đến những câu chữ để làm bảo bối cho mình. Trong quá khứ họ đã từng tuyên bố tự giải tán nhưng vẫn hoạt động bí mật, hoặc nói thế này nhưng lại làm thế kia, nghĩa là họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn mà không bị phụ thuộc hay bị giới hạn do lời nói của chính mình. Thêm nữa, họ có cả một hệ thống chính trị bao trùm rộng khắp trên mọi lĩnh vực, nắm trong tay cả quân đội lẫn công an, an ninh, để có thể dễ dàng bóp chết mọi đối thủ tiềm tàng từ trong trứng, và cùng với việc thực thi luật pháp ở quê ta vốn dĩ vẫn theo cái cách mà bà Ngô Bá Thành mô tả là “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”, thì có thể khẳng định rằng họ hoàn toàn không cần tới điều 4 HP mà vẫn đảm bảo được vị thế cùng mọi đặc quyền đặc lợi của mình.
Vậy họ vẫn cố tranh luận về điều 4 để làm gì?
Để ý một chút, có thể thấy rằng điều 4 – với một cách diễn đạt mù mờ để dễ dẫn giải theo hướng có lợi cho ĐCS VN, đặc biệt là ý nghĩa của khái niệm lãnh đạo – có tính xung đột, thậm chí loại trừ với một số điều khác, hay nói một cách đơn giản là nếu thực hiện nghiêm túc những điều này thì nội hàm của điều 4 sẽ bị hạn chế đáng kể.
Có lẽ vẫn đề nằm ở chỗ việc đòi bỏ hay sửa đổi HP thường khó khăn hơn, ít có tính chính danh hơn, và ít khả thi hơn là việc đòi hỏi phải thực hiện đúng HP, và hình như người ta đã chủ động làm to chuyện tranh cãi như thế để đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận.
Chẳng hạn không thấy mấy ai đòi hỏi phải làm rõ nội dung và phương cách để thực hiện điều 2: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”. Và như vậy, nếu coi việc lãnh đạo nghĩa là bằng cách này hay cách khác tước bỏ quyền lực Nhà nước khỏi tay nhân dân thì đó là vi hiến.
Hoặc điều 6: “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Không mấy ai đòi hỏi làm rõ với câu “do nhân dân bầu ra” thì việc quy định cơ cấu trước khi bầu cử là số lượng đảng viên phải chiếm trên 80% tổng số những người ứng cử (và trúng cử) dựa trên cơ sở pháp lý nào? Những lần bầu cử từ xưa tới giờ có đảm bảo theo đúng điều 6 này không, ít nhất là việc sàng lọc ứng viên của Mặt trận, một tổ chức ngoại vi của ĐCS?
Cũng không thấy mấy ai đòi hỏi làm đúng theo điều 52: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Theo đúng điều này sẽ không có chuyện cùng vi phạm như nhau mà những người dân thường bị đi tù, còn đảng viên thì lại chỉ bị “xử lý nội bộ”, chuyện vài kẻ trộm vặt thì bị kết án nhiều năm tù, còn các quan chức tham ô hàng nhiều tỷ thì chỉ bị án treo.
Một trong những điều hiện vẫn đang bị vi phạm nhiều nhất, và do đó gây bức xúc nhiều nhất, đó là điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Có lẽ việc đòi hỏi thực hiện đúng điều 69 HP này sẽ mang lại cho xã hội nhiều lợi ích hơn, lại chính danh hơn nhiều so với việc đòi bỏ điều 4 HP.
Và còn nhiều điều khác nữa trong số 147 điều của HP 1992, với những quy định về Quốc hội, Viện Kiểm sát, Tòa án … chưa được thực hiện đúng hoặc bị bỏ qua.
Có vẻ như ĐCS VN đã thành công trong việc lái sự quan tâm của mọi người vào việc tranh cãi quanh điều 4 để giảm bớt hoặc không quan tâm tới việc đòi hỏi phải thực hiện đúng những điều khác cũng trong bản HP này, vốn dĩ là những điều ít nhiều gì thì cũng phải đưa vào cho có, mà tác dụng chính của chúng hình như chỉ là để chứng tỏ cho thế giới biết rằng ở quê ta cũng có quyền này quyền nọ giống như mọi người.
Tháng 11/2013

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"