Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Lê thị Công Nhân trò chuyện (tiếp theo)

Thành viên Bonbon:

1- Từ quan điểm của Comparative Political Science, một mô hình xã hội muốn đạt được sự ổn định và phát triển thì cần phải bảo đảm được sự tương thích chặt chẽ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Tiền đề của một xã hội Dân Chủ là phải dựa trên cả một nền tảng kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, khoa học tương thích và phù hợp với nó.

Đài Loan đã cố gắng dân chủ hóa từ rất lâu, nhưng không thành công cho đến khi hội đủ các tiêu chuẩn này cách đây tầm 20 năm.

Vậy, khi chị cố gắng đứng lên thực hiện đòi Dân Chủ Hóa, chị đã thực sự nghiên cứu một cách kĩ càng và khoa học, dựa trên các bằng chứng, số liệu và luận điểm đáng tin cậy hay mới chỉ nghe nói rằng “Dân Chủ là rất tốt” nhưng thực sự chưa từng nghiên cứu kĩ về các yêu cầu cần có về xã hội Dân Chủ này? Chị đã thực sự nghiên cứu comparative Political Sciences hay mới chỉ lờ mờ phỏng đoán?

Lê Thị Công Nhân: Khi đọc câu hỏi của anh tôi có cảm giác mình đang làm một bài thi viết với một ông giáo khó tính, tự tin (Cũng tốt !) nhưng cũng không phải là quá ư tài giỏi hay thú vị.

Trước hết, xin đính chính Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương là cha dượng của tôi. Tôi sống cùng cha dượng 19 năm từ khi còn rất nhỏ nên tình cảm của tôi đối với ông thật sự là tự nhiên như cha con ruột thịt, thậm chí đến giờ tôi cũng chưa bao giờ đặt ra vấn đề sự khác nhau giữa cha dượng và cha ruột là gì. Nhưng từ khi chính quyền cộng sản bắt tôi đi tù thì họ luôn dùng các phương tiện truyền thông tay sai của họ (nhưng lại trấn lột tiền thuế của nhân dân để hoạt động !?) để thường xuyên nhắc nhở gia đình tôi nói chung cũng như tôi nói riêng rằng ba Nguyễn Hoàng Phương chỉ là cha dượng của tôi mà thôi và “ả nhận vơ một ông bố nổi tiếng vì thấy sang bắt quàng làm họ”. Thật khủng khiếp là con người mà lại có thể làm tổn thương con người đến như vậy, tiếc là tôi đã được đọc những bài báo đó bằng chính đôi mắt của mình. Tôi ghê tởm tất cả những tội ác xuất phát từ một văn hóa thấp kém, a dua và tiểu nhân. Nếu có mâu thuẫn đến mức đối đầu thì hãy “choảng nhau” một cách tương xứng. Tay bo đánh tay bo, vũ trang chống vũ trang, lý luận đối lý luận chứ, sao lại lôi đời tư người khác ra để mỉa mai sỉ nhục. Không thấy ngượng với chính mình ư ? Không sợ chẳng may sau này có đứa con tử tế nhân hậu đầy lòng trắc ẩn, nó lại đau khổ nhục nhã vì những việc làm trước đây của mình sao?

Tôi chưa bao giờ là người có tấm lòng nuôi dưỡng thù hằn, nhưng riêng sự việc này lại khiến tôi luôn nghĩ đến khi Việt nam có dân chủ và những hồ sơ về việc chính quyền độc tài cộng sản đàn áp những người đấu tranh dân chủ, được bạch hóa thì tôi sẽ tìm bằng được cá nhân người nào chịu trách nhiệm chỉ đạo những việc làm đê tiện ác độc là bới móc và xúc phạm đời tư người khác. Và, tôi sẽ chỉ nói với người đó một câu duy nhất là “Ông/bà thật là may mắn khi được sống trong một gia đình hạnh phúc không có chuyện cha mẹ ly hôn, tôi thì không được như vậy, nhưng ơn Chúa tôi đã có một người cha dượng mà tôi kính yêu và thân thiết như cha ruột.”

Bây giờ tôi xin trả lời câu hỏi của anh:

Anh đã hỏi tôi rất cụ thể và nhấn mạnh “Chị đã thực sự nghiên cứu comparative Political Sciences hay mới chỉ lờ mờ phỏng đoán?”, tôi cũng xin trả lời một cách rõ ràng và hoàn toàn trung thực là tôi đã được học về học thuyết này, chứ chưa “thật sự nghiên cứu” và hoàn toàn không “lờ mờ phỏng đoán” gì cả.

Comparative Political Sciences cũng chỉ là một học thuyết trong rất nhiều các học thuyết chính trị mà con người đã nghĩ ra trong chính trị học mà thôi. Tôi đã được học qua về thuyết này và nhiều thuyết khác nữa trong lĩnh vực chính trị được giảng ở trong trường Đại học Luật Hà nội trong 2 môn học chính là Lý luận về nhà nước và pháp luật và Lịch sử các học thuyết chính trị và nhà nước. Những thuyết này đã được giảng cho sinh viên một cách méo mó phiến diện, ngây ngô và thô thiển, mục đích không gì hơn là để bôi nhọ hạ thấp làm cho sinh viên hiểu nhầm, hoặc có thể nói nhẹ nhàng hơn là hiểu thiếu, rồi từ đó cảm thấy không có học thuyết nào hay hơn, không có mô hình xã hội nào tốt hơn là cộng sản chủ nghĩa và một nhà nước độc tài chuyên chính bạo lực vô sản.

Buồn thay, từ khi ấy cho đến tận bây giờ tôi vẫn có ý nghĩ rằng, các giáo sư của tôi là không đến nỗi tồi tệ về mặt tư cách để cố tình dạy sai, dạy dối chúng tôi về mặt nội dung. Vì thế, tôi không còn cách nào khác, buộc phải nghĩ rằng trong quá trình họ là sinh viên, nghiên cứu sinh gì gì đó thì họ cũng được dạy và phải học theo cái cách mà họ đang dạy và chúng tôi đang học như vậy. Đó là nói dối, bôi nhọ, xuyên tạc, bóp méo, cắt xén, tất cả để tạo nên một comparation rằng Communism is the best in the world. Nhưng thực tế cũng có một số giáo sư giảng dạy trực tiếp cho chúng tôi là những người đi du học ở trời Tây về (Tây tư bản và Tây Liên Xô – nơi đã trân trọng vứt bỏ chủ nghĩa cộng sản vào thùng rác lịch sử cách đây hơi bị lâu rồi !), tiếc rằng cũng dạy như vậy. Chẳng hiểu đi du học để làm gì nữa. Nghĩ lại mà buồn ghê lắm đó ! Tôi tự biết thân biết phận mình cũng không phải người thông minh xuất chúng hay chăm chỉ cần cù bù thông mình gì cả, nhưng giá mà được học thật với những người biết sự thật và dám dạy sự thật thì có lẽ tình hình cũng không đến nỗi phải lọ mò tự tìm đọc và học về những điều cơ bản nhất của pháp luật và văn hóa đạo đức nói chung của con người đó là: sự trung thực, sự can đảm nói lên sự thật, và can đảm hơn nữa để bảo vệ quyền nói lên sự thật, là nhân phẩm – nền tảng của nhân quyền, là tự do – dân chủ – nhân quyền 6 chữ vàng quyết định cuộc đời và vận mệnh của một con người cũng như của một đất nước. Vì theo tôi, điều gì đúng với một con người thì cũng đúng với một quốc gia, một dân tộc.

Dân chủ tức là dân là chủ, tức là dân làm chủ. Tôi đảm bảo trên thế gian này không ai có thể định nghĩa khác đi được, trừ các thể chế độc tài dùng bạo lực để cưỡng bức người khác phải nói dối suy nghĩ thật của mình. Vì vậy cách anh đặt vấn đề cho thấy anh đã tự làm cho mình rơi vào một sự bế tắc, vì anh đã áp đặt ngay cho chính bản thân anh khi cho rằng “Tiền đề của một xã hội Dân Chủ là phải dựa trên cả một nền tảng kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, khoa học tương thích và phù hợp với nó” chẳng khác nào ngồi đó và khăng khăng rằng phải có quả trứng thì mới có con gà.

Tôi khẳng định dân chủ là quyền làm chủ của người dân. Quyền làm chủ đó là một quyền thiêng liêng và tự nhiên, không ai ban cho, không ai cầu xin, tự nhiên là con người trong xã hội ai cũng có, thậm chí cư dân vãng lai trong một xã hội bản xứ cũng có những quyền dân chủ của họ, đôi khi còn hơn nhiều cả những quyền dân chủ tối thiểu. Còn việc quyền dân chủ đó sẽ được người dân thực hiện như thế nào là câu chuyện khác, vì nó phụ thuộc vào năng lực của từng cá nhân cũng như tính cách và các tố chất đặc biệt của cả dân tộc đó.

Trong các quyền dân chủ cơ bản nhất của con người thì quyền tự do ngôn luận, theo tôi là quyền cơ bản, quyền tiên quyết, quyền có tính phương tiện để thực hiện tất cả những nhân quyền khác. Và xin thưa với anh là ở đất nước Việt nam xinh đẹp rừng vàng biển bạc của chúng ta (trước đây ! ?) hiện nay không hề có quyền tự do ngôn luận. Trước đây dân ta đã có những quyền dân chủ cơ bản này, mặc dù còn bị hạn chế ở một mức độ nào đó. Nhưng, kể từ khi Hồ Chí Minh và các đồng đảng của ông ta lên nắm quyền, thì tất cả những quyền dân chủ cơ bản nhất đã bị xóa bỏ thậm chí bị cho là thù địch với nhà nước, trong khi cuộc đấu tranh cách mạng bất chấp mọi thủ đoạn của ông ta trước đó lại luôn đưa các quyền dân chủ đó ra làm mục tiêu để kêu gọi tập hợp dân chúng, và không ít nhà trí thức, quý tộc, đại gia thời đó đã bị mắc lừa. Hồ Chí Minh quả là một kẻ lừa đảo nói dối thành thần!

Nếu như không có quyền tự do ngôn luận, mà điều quan trọng nhất và trước tiên của quyền này là “tự nhiên cất lên lời chân thật” chứ không phải ngồi đó lấm lét nghó nghiêng xin quan trên cho chúng con nói thì chúng con mới được nói. Do vậy, kinh tế, văn hóa, khoa học, chính trị ..v..v.. sẽ phát triển bằng cách nào đây, nếu con người không được nói lên suy nghĩ của mình về cái mình cần, điều mình muốn, điều mình có thể làm để đóng góp vào đó. Thưa anh, quá trình người dân được nói lên suy nghĩ của mình như vậy chính là dân chủ tối thiểu, tự nhiên, đơn giản, thiêng liêng và dễ hiểu. Vì vậy, xã hội Việt nam hiện nay người dân chỉ thích và cũng chỉ quen sống bon chen ích kỷ, vô trách nhiệm là bởi vì họ thấy họ không được tham gia hoạch định các thỏa ước cùng chung sống (tôi diễn dịch khái niệm pháp luật, khế ước xã hội nói chung). Họ bị áp đặt, họ không chủ động trong việc đó, do vậy họ không quan tâm và không chịu trách nhiệm. Tất nhiên vẫn có một số ít người sẽ suy nghĩ và sống tích cực hơn mặc dù cũng trong những hoàn cảnh như vậy. Tôi là một người như thế. Tôi thấy mình cần phải lên tiếng, nếu không thì sau này tôi sẽ hối tiếc vì mình đã sống thờ ơ, vô cảm, đạo đức giả, kiêu căng, ảo tưởng, hoang đường đợi chờ người khác làm việc tốt cho mình hưởng. Còn việc tôi lên tiếng như vậy sẽ được gì thì quả thực là không thể nói chắc 100% được. Nhưng đó cũng là điều bình thường vì trước hết là năng lực tôi có hạn, thứ 2 tôi là thiểu số trong xã hội, thứ 3 là tương lai là điều bí ẩn, chính vì thế mà chúng ta tiếp tục sống.

Anh nói “Đài Loan đã cố gắng dân chủ hóa từ rất lâu, nhưng không thành công cho đến khi hội đủ các tiêu chuẩn này cách đây tầm 20 năm” anh lại sai rồi. Nói anh sai là vì “ dân chủ không phải là một thời điểm, và 20 năm đó chính là quá trình người dân Đài Loan thực hiện quyền dân chủ của mình để đất nước của họ được như ngày hôm nay. Quá trình này được thực hiện một cách khó khăn trên nền tảng một đất nước còn thiếu dân chủ và luôn trong tình trạng căng thẳng về xung đột vũ trang với Trung cộng Mao it, nên thành quả của họ có thể đến chậm so với họ mong đợi, hoặc đến nhanh quá so với kẻ thù của họ đợi mong. Đó là do năng lực của họ và vận mệnh dân tộc của họ.

Việt Nam hiện nay ư, còn triệu lần thua kém nền dân chủ của Đài Loan cách đây 20 năm. Thậm chí người dân Việt nam hiện nay vẫn tiếp tục bị chính quyền độc tài cộng sản lừa đảo bằng thủ đoạn tẩy não nhồi sọ tinh vi, rằng cứ lo làm ăn kiếm tiền (phát triển kinh tế), cứ hoạt động văn học nghệ thuật và vui chơi giải trí theo như nhà nước cho phép và cả bị nhà nước cưỡng bức nữa(văn hóa), cứ an tâm mà phục tùng chế độ độc tài công an đảng trị (chính trị), ai như thế nào cứ tiếp tục như thế (ổn định xã hội), nghiên cứu khoa học theo đường lối và mục tiêu nhà nước đã đặt ra từ trước (thế thì còn gọi gì là khoa học?), rồi thì sẽ có dân chủ. Có lẽ phải gọi tên nền dân chủ cộng sản hão huyền này là “Nền dân chủ hãy đợi đấy!”.

Chính quyền Việt nam coi dân chủ là miếng mồi ve vẩy từ đằng xa, coi dân chủ là phần thưởng để người dân thiếu hiểu biết và dại dột cứ thế mà lầm lũi đi theo từng đàn với tốc độ của loài rùa, trong tâm trạng yên tâm phấn khởi là quyền dân chủ của mình đã có nhưng mình chưa xứng đáng được hưởng cần phải phấn đấu để chính quyền ban tặng hoặc có thế nói là bố thí xin-cho đối với người dân. Tự dưng trong đoàn người lầm lũi ấy, có một số kẻ hùng hổ nhảy ra nhất quyết không đi xin, mà chuyển sang vị thế đi đòi “ Cộng sản đốn mạt lừa đảo lưu manh kia, mày cướp quyền dân chủ của tao mà giờ lại bảo tao đi xin mày rủ lòng thương trả lại à. Không có đâu, tao đòi quyền dân chủ đương nhiên của tao, mày liệu hồn trả lại mau, nếu không sẽ phải trả giá đắt, thậm chí là rất đắt đấy.” Trong số đó có tôi, hơi trẻ một tí, hơi bé một tí, hơi ngố một tí, nhưng chẳng may lại nhận ra rằng nếu mình đi cầu xin bọn cướp cái thứ vốn là của mình đã bị chúng cướp đi thì nghe chả đúng đạo và lý tẹo nào, lại còn hèn hèn thế quái nào ý!

Nhưng nếu tôi không nhầm thì anh vẫn ở trong đoàn người kia, đi mãi, đi mãi, cầu xin lòng thương xót của đảng cộng sản trộm cướp lưu manh trả lại quyền dân chủ cho anh vào một ngày đẹp trời nào đó khi anh đã “tiến hóa và phát triển” đến mức xứng đáng! Nhưng biết thế nào là xứng đáng đây khi anh vẫn không hiểu được rằng-là con người- anh đương nhiên có các quyền dân chủ đó. Ok, vậy thì khi nào anh cảm thấy mình đã hội đủ các tiêu chuẩn xứng đáng để được đảng cướp trao trả quyền dân chủ ( mà chúng vẫn “đang khóa cất trong hòm” – lời Hồ Chí Minh) thì báo cho tôi với nhé. Vì tôi e rằng cộng sản đợi lâu quá mà vẫn không thấy anh có chút biểu hiện nào là xứng đáng được có quyền dân chủ (theo tiêu chí chúng ban ra) nên quên mất tên anh trong danh sách chủ nhân tài sản có tên gọi “quyền dân chủ” mà chúng đang cất trong hòm, thì tôi sẽ giúp anh đi kiện để đòi lại, tôi vốn là luật sư mà, chắc chắn sẽ helpful trong việc này.

Thành viên Bonbon:

2-Tôi cũng được biết rằng, có những quốc gia độc đảng nhưng có nền KT rất phát triển như là Singapore, cũng như có những quốc gia mà sự Dân Chủ Hóa, Đa Đảng đều dẫn tới sự khủng hoảng, thiếu ổn định về KT,CT… như là nhiều quốc gia ở châu Phi..

Vậy tôi xin hỏi, chị phân tích như thế nào về các mô hình xã hội được áp dụng một cách thất bại và thành công mà tôi đã nêu ra? Chị hướng tới sự dân chủ kiểu các nước châu Phi hay hướng tới sự độc đảng kiểu Singapore? Và được dựa trên luận chứng khoa học gì?

Tôi nói anh là ông thầy không tài giỏi và thú vị chính là ở ý hỏi thứ 2 này. Và phần trả lời này của tôi hoàn toàn liên quan đến phần trên, một số ý miễn nhắc lại.

Lê Thị Công Nhân: Trước hết Singapore không phải quốc gia độc đảng. Tôi không biết kẻ nào và động cơ đê hèn gì mà chúng lại nhồi sọ anh một sự dối trá trắng trợn như vậy. Singapore là quốc gia dân chủ và đa đảng, còn việc đa phần người dân cứ bầu một đảng lên cầm quyền (được bầu lên cầm quyền chứ không phải trơ trẽn tự phong mình là đảng cầm quyền như đảng cộng sản Việt Nam tự ghi trong hiến pháp đâu nhé) là do người dân họ muốn thế. Vì, đảng của ông Lý Hiến Long đó đã chiếm được cảm tình và niềm tin của họ so với các đảng khác. Anh hoàn toàn có thể kiểm tra điều này trên báo chí.

Còn các quốc gia có dân chủ và đa đảng mà vẫn có khủng hoảng, thiếu ổn định … như các quôc gia ở châu Phi là vì năng lực, tính cách của họ, và thậm chí có thể nói là do vận mệnh dân tộc của họ nữa (Tôi là người hữu thần mà – Ki tô hữu Tin Lành). Chứ hoàn toàn không phải vì có dân chủ đa đảng mà họ trở nên khủng hoảng, thiếu ổn định. Và lại càng không phải là vì có dân chủ đa đảng mà vẫn khủng hoảng, thiếu ổn định nên họ cần/nên thiết lập một chế độ độc tài – theo kiểu Việt nam chẳng hạn, nghe cho đỡ ghê so với “gã lùn Bắc Hàn” hay “Trung cộng Mao it”.

Ngoài ra tôi cũng muốn lưu ý anh về các khái niệm ổn định, bất ổn định, khủng hoảng ..v..v.. trong lĩnh vực chính trị xã hội, vì có vẻ như anh đã nhầm lẫn một cách cố ý hoặc bị ai đó cố ý làm cho nhầm lẫn (!?) giữa: ổn định với trì trệ và bất động; bất ổn định với chuyển động, vận động và thay đổi; khủng hoảng với sự rối ren tất yếu đương nhiên có để thay đổi ..v..v..

Chính trị là lĩnh vực quan trọng nhất của một con người trong xã hội nói chung và cả trong đời sống riêng tư nữa, tôi thật sự nghĩ như vậy. Vì ai cũng có thông tin để nói và muốn người khác lắng nghe mình, ai cũng làm việc kiếm sống, ai cũng tham gia giao thông, ai cũng cần/phải được học hành/chữa bệnh, ai cũng phải dạy bảo con em mình hành vi ứng xử đạo đức tối thiểu ..v..v.. nhưng làm tất cả những việc đó cùng nhau chúng ta sẽ làm thế nào đây để không ảnh hưởng xấu đến cái chung cũng như cá nhân nào khác, việc này chính là chính trị. Chính trị tốt sẽ làm những điều đó được thực hiện đúng, thật, tốt, đẹp, tiết kiệm, gọn, nhẹ, nhanh, minh bạch, và vui. Chính trị Việt nam hiện nay không có những điều này.

Chúng ta cần phải trao đổi để có những thỏa thuận quy ước với nhau để cùng chung sống được nhịp nhàng, hài hòa cho chúng ta hiện tại cũng như cho tương lai con em chúng ta. Vậy sự ổn định phải hiểu thế nào đây trong khi cuộc sống tự nhiên của từng cá nhân và toàn xã hội thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Sự ổn định phải là điều mang tính bản chất tốt và đẹp của con người, để cho con người có một cuộc sống cộng đồng tốt và đẹp hơn. Chứ, ổn định hoàn toàn không phải là một hình thái, một cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước mãi không thay đổi, cứ như vậy hoài. Cơ cấu tổ chức chính trị của một quốc gia không phải là sự cân đối tương xứng về màu sắc bố cục một cách thô thiển ngây ngô, mà nó phải và chỉ được dựa trên nền tảng và mục tiêu vì sự phát triển tự do của con người để con người có thể phát huy tất cả những khả năng tốt đẹp của mình, và đồng thời không ngăn cản người khác làm việc tương tự.

Đức Chúa Trời là Đấng Tạo hóa không sinh ra chúng ta một mình, và Ngài muốn nhìn xem chúng ta sẽ sống với nhau như thế nào. Nhưng chúng ta sẽ sống với nhau như thế nào đây nếu như ngay điều tối thiểu nhất là lắng nghe tiếng nói khác biệt của người khác mà chúng ta cũng không làm nổi, thậm chí không chịu nổi. Chúng ta quá kiêu căng vì thế mà chúng ta ngu dốt, nên chúng ta thụt lùi trong thế gian. Chúng ta ngu dốt chúng ta lại càng kiêu căng, nên chúng ta lố bịch bởi sự kiêu căng của mình trong nhân gian. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta không có cách thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn này. Cách duy nhất là chúng ta phải đối diện với chính mình, vượt lên những sai lầm, tội lỗi của chính mình, và do vậy theo tôi, đức khiêm nhường mà tôn giáo dạy chúng ta thật sự là một điều rất tự nhiên và là nền tảng của dân chủ. Khiêm nhường khiến ta biết rằng người khác cũng tài giỏi không kém gì ta thậm chí hơn ta, vậy thì trước hết phải lắng nghe tiếng nói khác biệt với tất cả sự bình tĩnh, thậm chí là tôn trọng, còn nghe xong mà cảm thấy không đồng ý thì nó lại là câu chuyện khác.

Thành viên Bonbon:

3-Tôi được biết, học giả Hồ Chí Minh đã khẳng định về Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ trong tuyên bố thành lập nước VNDCCH năm 1945. Theo ông, Dân Chủ chính là “Con người ta sinh ra là có quyền bình đẳng, ai cũng có quyền được sống, được học hành, được mưu cầu hành phúc” và đã được hiện thực hóa bằng việc đưa VN từ một đất nước nô lệ trở thành một đất nước độc lập.

Tôi cũng được biết, khái niệm về tự do và Nhân Quyền được hiểu rất khác nhau, và chỉ có sự tự do tương đối nằm trong một khuôn khổ nào đó. Tùy vào cách hiểu khác nhau mà dẫn tới sự hình thành những thể chế chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau.

Ví dụ, chắc là sự tự do mà chị hướng tới khác với sự tự do cướp của giết người, tự do vu khống, tự do chửi bới, tự do tấn công cá nhân, tự do xịt hơi cay. Trong xã hội Hồi Giáo thì tự do QHTD ngoài hôn nhân lại là một tội ác. Và đặc biệt, sự tự do mà rơi và tay những người ngu dốt thì sẽ trở thành tự do đua xe, tự do dắt trâu bò trên đường quốc lộ. Ở VN hiện nay có những quyền tự do mà ở Mỹ hoàn toàn không có, ví dụ như tự do dùng windows lậu, mà nếu áp dụng đúng luật pháp US, cứ download một bài nhạc phạt 25000$ thì sẽ chắc chắn trở thành thảm họa. Hay ở US có sự tự do xem phim khiêu dâm mà VN không có.

Vậy tôi muốn hỏi chị Nhân rằng:”Sự tự do của chị hướng đến có sự khác biệt gì so với sự tự do của tác giả Hồ Chí Minh, và có tốt hơn hay không? Và chị nghĩ sao nếu dân trí VN không thể đủ để điều khiển sự tự do “mới mẻ” này để trở thành tự do đua xe bò trên đường quốc lộ?

Chúc chị sức khỏe và thành công.

Lê Thị Công Nhân: Một lần nữa lại lấy làm tiếc mà nói rằng anh là một thấy giáo không những tồi mà là rất tồi. Vì anh đã tồi ngay cả với chính mình thì lấy đâu ra anh tốt với tôi cho được.

Nói vậy là vì anh đã nhầm lần (chẳng biết cố ý hay vô tình, nhưng tôi nghiêng về khả năng cố ý !) các khái niệm tự do và tùy tiện.

Tôi định nghĩa Tự do là không có ràng buộc hoặc chỉ có ràng buộc ở mức tối thiểu để đảm bảo tự do của người khác. Và tôi hiểu tùy tiện là thích làm gì thì làm không cần quan tâm đến người khác nghĩ gì và hậu quả việc làm đó ra sao.

Xin kể cho anh chuyện thật trong đời tôi:

Hồi ấy là khoảng tháng 11 năm 2006, tôi bị mật vụ A42 mặc thường phục (tất cả !?) đến nhà cưỡng chế bắt đi thẩm vấn. Tôi vẫn nhớ hôm đó là ở cơ quan điều tra phản gián, một ngôi nhà có sân rộng, không biển hiệu, trong ngõ 34 đường Âu Cơ Hà nội. Nữ Đại úy mật vụ Doãn Anh Thủy, người có thân hình cao lớn và gương mặt của một người đàn ông không đẹp trai, nhưng cũng không xấu trai lắm (tóm lại là không cần nhiều công sức để hóa trang thành đàn ông !?), đã nói với tôi nhấn mạnh rõ ràng từng lời, với tất cả sự tự tin khoái chí, nguyên văn “Kêu gọi tự do cái gì, hở ? Xã hội đang ổn định như thế này mà định phá rối à ? Tự do đi lại thì ai thích lao xe máy ô tô vào nhà người khác cũng được à, rồi bảo là tôi có quyền tự do đi lại tức là thích đi đâu thì đi. Tự do cư trú thì ai thích vào chiếm nhà người khác ở cũng được à, rồi nói là tôi có quyền tự do cư trú nên thích ở đâu thì ở à?” Tôi tức cười gần chết nhưng vẫn cố đợi chị ta nói xong để đối đáp. Chị này nói xong thì có vẻ đắc thắng sung sướng ghê ghớm. Tôi đáp “Chị đã nhầm giữa tự do và tùy tiện rồi đó. Chị hình như đang nói về những người điên thì phải?” Chị ta im lặng và có vẻ uất ức biển ta ơi lắm!

Chúa chứng giám việc kể trên. Và, hôm ấy tôi nhớ chính xác là họ còn để sẵn một máy ghi âm hiệu Sony trên mặt bàn ngay trước mặt tôi. Khi tôi định cầm cái máy lên xem thì họ quát tôi vừa nặng lời vừa vô lý, rằng “Người có học lịch sự mà tự động cầm đồ người khác thế à?” Tôi buồn cười quá, suýt nữa thì tưởng rằng mình viết đơn xin bị thẩm vấn và rất hân hạnh được đến đấy. Sau này khi bạch hóa hồ sơ các bạn sẽ được nghe cái đoạn cực hay ngoài sức tưởng tượng này, để biết thế nào là tự do dưới chế độ độc tài.

Sau này khi bị bắt tù, Trung tá Ngô Quang Du (giờ đã thăng quan tiến chức làm Thượng tá), là người hiện nay “đặc trách” bác Nguyễn Thanh Giang (2 bác cháu duyên thế cơ chứ, cùng có chung một “đồng chí công an đảng-còn đảng còn mình đặc trách !) cũng có lần nói với tôi như vậy. Anh này nói y hệt chị kia, cũng 2 cái ví dụ đó. Anh này được cái tử tế hơn là dũng cảm thể hiện sự phát ớn của mình khi phải tua lại cái băng rè của Hội đồng lý luận nhà nước trung ương bằng cách: 2 tay vòng ôm trước ngực, mắt nhắm nghiền, cái đầu hói lắc lư làm ve tóc xoăn chạy xung quanh đầu rung lên như chó bông, một răng sún, một răng bọc vàng, đều ở hàng tiền đạo, đùi cũng rung loạn xạ làm cái ghế cũng lập cập run theo. Tôi thì hí hửng vì trong tù nói riêng cũng như trong hàng ngũ công an nói chung, chẳng mấy ai có được bộ dạng hài hước như vậy. Lúc đó tôi ngắm nghía anh ta và thầm nghĩ giá mà có giấy mầu và cái kéo mình sẽ cắt một cái nón hình chóp nhọn cho anh ta đội thì sure là anh ta sẽ đủ tiêu chuẩn làm chú hề kiểu cổ trang châu Âu. Nói chung là tôi thích cái sự gồng mình lên để tua cho hết cái băng rè của anh Ngô Quang Du này hơn vì hình như sự chất phác vẫn còn rơi rớt lại tí ti ! ! !

Họ tua băng rè của họ, tôi cũng tua băng rè đối đáp của tôi, vì sự thật và chân lý cũng chỉ vậy thôi, chẳng hơn chẳng kém được, chẳng phát minh cũng chẳng bôi xóa đi được. Và, anh Du này khi nghe tôi đối đáp cũng trả lời bằng sự im lặng, đi kèm là sự thở phào vì cuối cùng cũng đã nói xong những gì buộc phải nói dù trong lòng chán còn hơn ăn trứng rán 1 tuần! Nếu vậy, tại sao họ không nói khác đi nhỉ ? Mất công ăn việc làm này ta lại làm việc khác còn hay hơn. Nó đàn áp mình mình lại tố cáo nó. Bây giờ mình làm những việc này chưa được gì trước mắt nhưng chắc chắn 10 năm, 20 năm sau, thậm chí có thể là 5 năm nữa thôi, mình sẽ tự hào vì quá khứ sôi động, chính nghĩa, hồi hộp thú vị mà mình đã sống.

Àh, ngoài ra xin nhắc lại với anh là cái câu mà anh cho là ông Hồ Chí Minh nói trong bản Tuyên ngôn đọc ngày 2-9-1945 đó, thiên hạ nói nhiều nhiều lắm rồi, lâu lâu lắm rồi. Ông Hồ Chí Minh nói lại thôi, cũng tốt, vì lại càng có thêm bằng chứng ông ta là kẻ đại bịp siêu lừa khi nói một đằng làm một nẻo, không những thế khi bị người khác phát hiện thì lại dùng bạo lực và thủ đoạn đê hèn bỉ ổi để bịt mồm người ta.

Tự do mà tôi mơ ước không khác nhiều so với tự do mà ông Hồ Chí Minh đã nhắc lại lời cổ nhân. Cho nên chúng ta quay lại câu nói bất hủ của Tổng thống Việt nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”.

Nhớ nhé, tự do chứ không phải tùy tiện.

Làm ơn nhớ nhé, nếu không là lại tự làm mồi cho trò mỵ dân của cộng sản thì tội nghiệp chúng mình lắm đó, đám dân ngu khu đen hóng hớt học hỏi khái niệm tự do thì bị cộng sản chụp cho ngay cái mũ tùy tiện vào đầu, thế là lại hoa mày chóng mày, tối tăm mặt mũi không biết đường nào mà lần, thậm chí còn nghĩ rằng “Tự do mà cũng như tùy tiện thế này thì em vái cả nón, cứ “Vũ như cẩn” còn hơn !” Thì chết, chết thật đó !

Hy vọng là anh hài lòng với câu trả lời của tôi. Mà anh có không hài lòng tôi cũng đành chịu thôi, vì năng lực có hạn. Nhưng tôi thề trước bàn dân thiên hạ là sẽ không làm gì anh cả khi anh thể hiện sự không hài lòng đó một cách tối đa và thoải mái nhất mà anh có thể, vì đó là dân chủ mà. Nhớ đừng có nói tục chửi bậy và vu khống xuyên tạc như cộng sản nhé. Kiểu đó là tui nghỉ chơi, mà diễn đàn cũng cho anh nghỉ chơi luôn đó.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"