Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

HOÀNG SA: “SẾP ĐI VẮNG” hay NIỀM HOANG TƯỞNG ĐÃ MẤT

Đọc bài sau mà thấy "tội nghiệp" cho ông Việt Nam gốc Tây này quá, ông là Việt thì ông phải hiểu rõ con người VN hiện nay ra sao chứ, lặn lội từ bên Tây đến tận Lý Sơn tính để làm một công việc "ăn cơm nhà vác ngà voi" làm chi cơ chứ, ngà voi có thì cũng đỡ, đàng này đi không lại về không, không khéo ông mất luôn cả tình cảm Việt Nam, về tới Paris ông lại xé quách cái hộ chiếu người Việt thì khổ quá.


Hồ Cương Quyết (André Menras)
Chuyện kể của một công dân có lòng hướng về Hoàng Sa – Trường Sa
*
clip_image002Ước mơ là điều cần thiết. Có thế, chúng ta mới sống được. Những chuyện tốt đẹp nhất, kể cả những cuộc cách mạng trong lịch sử nhân loại cũng thường sinh ra từ những ước mơ.
Dẫu rằng đôi khi mộng tỉnh canh tàn, trong ta chỉ còn lại những nỗi niềm đau nhức.
Từ mấy năm nay, tôi cũng như nhiều quan sát viên người nước ngoài và hàng triệu đồng bào Việt Nam đều rất quan tâm đến tình hình đất nước trước chính sách bành trướng ngày càng trắng trợn của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Tôi đã viết nhiều bài báo, nội dung tập trung vào vấn đề chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tất nhiên việc viết lách, thu thập tài liệu, tham dự các cuộc khẩu chiến… là những động thái cần thiết để góp phần quốc tế hóa tấn bi kịch nhằm đấu tranh đến cùng cho công lý và công quyền. Tuy nhiên theo tôi, chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước hoàn cảnh của ngư dân các tỉnh miền Trung và gia đình của họ – vốn là diễn viên chính trong bối cảnh của tấn bi kịch này. Cần có một sợi dây kết nối hai vấn đề: pháp lý quốc tế và bi kịch của ngư dân. Và chúng ta phải kiên trì ở cả hai đầu mối dây, không thể lơi lỏng. Cụ thể là cần phải tìm ra những biện pháp hiệu quả để giúp đỡ các nạn nhân; giảm thiểu những nguy cơ thường trực đè nặng lên cuộc sống của họ; thấu hiểu tác hại của những trò bạo lực nhục nhằn mà họ phải cam chịu cùng nỗi cô đơn đến nhụt chí khi phải ra khơi để kiếm sống mà không có được sự bảo vệ thực sự. Quả thực tôi rất chán nản với thái độ của nhà chức trách Việt Nam: lời lẽ tuyên bố thì có vẻ cứng rắn nhưng hành động thực tế thì lại rất nhu nhược – đó là điều tôi vẫn thường nói đi nói lại trong các bài viết của tôi. Vậy nhưng khi ở Pháp, tình cờ tôi đọc được một thông tin (1) làm lóe ra một tia hy vọng. Theo nguồn tin này, tôi được biết Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi dề xuất: “Cần có quĩ ủng hộ ngư dân đánh bắt cá ở Hoàng Sa”. Và tôi vui mừng khi đọc đoạn ông Nguyễn Chu Hồi, phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo tuyên bố rằng: “Trong bốn ngành kinh tế biển chỉ có ngư dân là lực lượng mà đặc thù phải bám biển, hoạt động trên diện rộng trong toàn bộ các vùng biển có chủ quyền lãnh thổ. Vì bản chất của ngư dân là phải bám biển nên đây là lực lượng không thay thế được, ngay cả trong tổ chức chiến tranh nhân dân trên biển. Ngoài chuyện mưu sinh của ngư dân, sự có mặt của ngư dân trên biển còn góp phần khẳng định chủ quyềnhọ chính là lực lượng đang tham gia việc bảo vệ chủ quyền”. “Quỹ này sẽ hỗ trợ ngư dân gặp rủi ro khi đánh bắt xa bờ như: gặp bão tố, bị “ tàu lạ” đâm chìm, bị người nước ngoài bắt và tịch thu tàu bè, ngư cụ…”
Cuối cùng thì cũng đã có được một cái gì đó, khá rõ ràng đúng đắn và một lời kêu gọi đoàn kết hành động trong đó có vấn đề “sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài”. Các tỉnh Miền Trung như Quảng Ngãi chẳng hạn, đã có thể hình dung được những hoạt động hỗ trợ này. Còn theo lời tuyên bố của ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (2) thì:
Ngư dân sẽ được miễn phí neo đậu, sửa chữa tàu thuyền, cung cấp nước ngọt. Ngư dân được mua nước đá và bán thủy sản bằng giá họ bán trong bờ. Ngư dân sẽ được hỗ trợ nhiều hơn, từ việc bảo vệ an toàn trong hoạt động trên biển, cung cấp các dịch vụ nghề cá, mua bảo hiểm thuyền viên, cung cấp thiết bị phục vụ đánh bắt…”. Dựa vào những lời tuyên bố đó và dựa vào quốc tịch Việt Nam của mình (tôi đã chính thức nhập quốc tịch), tôi quyết định thử làm một việc vừa có thể hỗ trợ cụ thể cho ngư dân vừa có ý nghĩa với lợi ích của đất nước Việt Nam – cũng là để góp phần làm cho lời hứa hẹn của các quan chức nói trên chóng thành hiện thực.
Trước tiên tôi viết một bài đang trên báo mạng (3), vì tôi e rằng báo nhà nước sẽ không đăng được trọn vẹn. Và tôi lập kế hoạch: đến địa bàn đảo Lý Sơn, tìm hiểu lịch sử hằng trăm năm của hải đảo với truyền thống tự hào của Hải đội Hoàng Sa – Trường Sa. Gặp gỡ ngư dân ở làng An Vĩnh – dưới thời các Chúa Nguyễn, làng này đã từng cung cấp những thế hệ trai tráng sung vào binh ngạch đồn trú ở hai quần đảo nhằm bảo vệ tài nguyên và chủ quyền vùng biển đảo đầy hiểm nghèo của Việt Nam. Theo ngư dân ra vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Thăm các gia đình ngư dân, nhất là những gia đình có thân nhân bị hải quân Trung Quốc xâm hại. Đánh giá hậu quả vật chất và tâm lý do những hành động dã man, coi thường luật lệ quốc tế do đối phương gây ra. Gặp các quan chức địa phương để đề nghị họ cung cấp cho một bản danh sách các nạn nhân được chính quyền xác nhận. Được vậy, tôi sẽ tập hợp mọi yếu tố cần thiết để làm một báo cáo – phóng sự sinh động và thuyết phục khả dĩ có thể phổ biến trước công luận ở Pháp và châu Âu một cách khách quan, tạo được sự đồng cảm và đồng tình của công chúng trước vấn đề nghiêm trọng này. Tôi dự định sẽ tiếp xúc với ngư dân ở miền Nam nước Pháp, ngư dân vùng Bretagne, những thủy thủ lão luyện – thiết lập quan hệ giữa họ và ngư dân Lý Sơn, vận động họ ủng hộ Lý Sơn trong lãnh vực nghề nghiệp với tinh thần bạn bè.
clip_image004
Tượng đài Đội Hoàng Sa Kiêm Quản Bắc Hải tại trung tâm huyện Lý Sơn. Ảnh: Hồ Cương Quyết
Sau khi thu xếp việc gia đình tạm ổn, tôi lên đường sang Việt Nam rồi ra đảo Lý Sơn. Mặc kệ cái tài khoản của tôi trong ngân hàng nhiều ít ra sao, chỉ cần cái tài khoản trong trái tim tôi đầy ắp nhiệt tình như thế này là tốt rồi.
Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 21 tháng 9 ở bến tàu cao tốc từ Sa Kỳ đi Lý Sơn. Mặc dầu hộ chiếu và chứng minh nhân dân của tôi đều ghi quốc tịch Việt Nam, tôi vẫn phải trải qua cuộc thẩm vấn đầu tiên ở trạm Hải quan. Những câu hỏi khô khan: Từ đâu đến? Tính ở lại mấy ngày?. Tôi trình bày mọi dự định trong kế hoạch, không giấu giếm điều gì. Viên sĩ quan ghi chép cẩn thận – theo cách làm việc đó, tôi đoán là mình sẽ được phép lên tàu. Sau một giờ đồng hồ trên biển, tàu đến đảo Lý Sơn. Ở đấy đã có hai ông hải quan chờ sẵn rồi một ông sĩ quan mời tôi theo ông ta đến trụ sở ở cách đó khoảng 300m. Lúc ấy tôi phải mang hai túi xách và một cái vali khá nặng nhưng ông ta không mảy may quan tâm giúp đỡ tôi một tay. Vào trụ sở, ông ta thẩm vấn tôi bằng những câu giống hệt trong đất liền. Ông ta chép tay lại cả cái quyết định nhập quốc tịch Việt Nam của tôi vì vậy rất mất thời gian. Chuông điện thoại di động của ông ta réo nhiều lần và ông ta trả lời điện thoại rất vắn tắt và kính cẩn: “đang làm, đang làm. Dạ… dạ. Vâng…”. Tôi chờ đợi sốt cả ruột. Làm xong báo cáo, ông ta dẫn tôi đến chỗ xe ôm. Tay xe ôm đưa tôi từ xã An Hải đến xã An Vĩnh qua những cánh đồng trồng hành và tỏi, theo những con đường mòn cặp bờ biển xanh. Vào khách sạn, việc liên hệ với ngư dân không mấy khó khăn. Sau khi nghe tôi tự giới thiệu và nói rõ mục đích yêu cầu của chuyến đi này, khuôn mặt của bà con ngư dân từ vẻ ngạc nhiên tò mò ban đầu chuyển sang vui vẻ cởi mở. Người ta dẫn tôi đến gặp ông Thoại – người rất ham sưu tầm mọi thứ hiện vật và tài liệu cổ, trong đó có một vài món là chứng tích lịch sử rất xa xưa của các thủy thủ và quần đảo Hoàng Sa. Sau đó tôi được mời đi dự một lễ tế vào dịp Tết Trung Thu dành cho các “Chiến sĩ trận vong Hoàng Sa – Trường Sa” ở ngôi chùa Âm Linh Tự, nơi xuất phát hải đội Hoàng Sa cách nay 300 năm. Tôi cũng đã gặp những ngư dân từng bị hải quân Trung Quốc bắt giam nhiều tuần lễ và phạt tiền vào tháng 12 năm ngoái. Một người trong số đó từ chối không chịu trở lại vùng biển Hoàng Sa vì quá nguy hiểm và không được bảo vệ. Từ rày trở đi, anh ta chỉ dám đi Trường Sa mà thôi. Nhưng có một người khác – người này từng bị quân Tàu dộng nòng súng AK lên ngực, đá mũi giày vào ba sườn – sẵn sàng đưa tôi ra khơi nếu tôi chịu đài thọ mọi phí tổn. Cuộc thương lượng ngã ngũ, mặc dù các khoảng chi phí đều hợp lý nhưng cũng khá nặng so với đồng lương hưu trí của tôi. Chúng tôi sẽ đi loanh quanh: hướng về đảo Tri Tôn ở cực Nam rồi chuyển lên hướng Bắc với các đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật (tên các chiến sĩ anh hùng đã hy sinh trong các chuyến đồn thú đầu tiên thời nhà Nguyễn). Tiếp đó, hướng về rặng san hô Đá Lồi, Bạch Quy, Đá Bông Bay, bãi Quảng Nghĩa, qua vùng ngoài khơi căn cứ Phú Lâm của Trung Quốc, nơi mà ngư dân thường bị quân Tàu giam giữ để đòi gia đình nộp tiền chuộc. Sau cùng trước khi quay về chúng tôi sẽ đến một hòn đảo nhỏ ở cực bắc gọi là bãi Đá Bắc. Dự trù cuộc hành trình mất khoảng từ 7 đến 10 ngày. Cần khởi hành nhanh chóng trước khi mùa mưa bão bắt đầu trong vài tuần tới. Mọi chuyện đều đã được chuẩn bị chu đáo. Người chủ ghe thuộc một gia đình nhiều đời làm ngư phủ ở xã An Vĩnh vốn rất thông thạo hải trình, hải đồ, con nước, hướng gió, đá ngầm và nhất là các vị trí có quân Tàu chiếm đóng. Trong trường hợp bị sa vào tay giặc, thì giấy tờ tùy thân duy nhất mà tôi mang theo là tấm hộ chiếu của Pháp có lẽ sẽ khiến cho các cấp chỉ huy của chúng phải dè dặt vì lý do tế nhị về mặt ngoại giao. Về phần các phương tiện chụp hình, ghi âm có thể bị tịch thu và ngay bản thân tôi có thể bị giam giữ, tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần ứng đối. Nhưng nếu anh bạn ngư dân của tôi bị giặc bắt thì gay go hơn nhiều vì là trường hợp tái phạm – chiếc ghe bị tịch thu, mọi ngư cụ khác bị phá hủy tại chỗ, người thì bị giam giữ để đòi tiền chuộc. Đó là những thủ đoạn quen thuộc của quân Tàu.
Chúng tôi thông báo kế hoạch nói trên cho chính quyền địa phương: giải trình với ông chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, với ông chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Bình là người có vẻ thiện cảm đối với tôi và ông hứa sẽ cung cấp danh sách các ngư dân bị thiên tai, địch họa. Chúng tôi đến gặp sĩ quan chỉ huy đồn Biên phòng. Ông ta tiếp đón chúng tôi khá niềm nở nhưng lại bắt chúng tôi phải quay về Quảng Ngãi để xin ý kiến của Bộ Chỉ huy Biên phòng của tỉnh. Khi nào cấp trên bật đèn xanh, ông ta sẽ hết lòng giúp đỡ. Chúng tôi chụp chung vài tấm hình kỷ niệm rồi qua ngày mốt sẽ lên đường. Tại Bộ Chỉ huy Biên phòng trên đường Hùng Vương – Thị xã Quảng Ngãi, tôi được một sĩ quan cấp thấp tiếp đón và tôi giải trình trường hợp của tôi một cách chi tiết. Ông ta không có vẻ ngạc nhiên. Ông ta mời tôi ngồi rồi lại thẩm vấn tôi bằng những câu hỏi mà các đồng nghiệp của ông ta đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Ông ta xem kỹ tấm hộ chiếu và giấy chứng minh nhân dân có quốc tịch Việt Nam của tôi, thẩm vấn người chủ ghe mà không cần xem hồ sơ hành nghề mà chủ ghe mang theo. Ông ta bảo chúng tôi ngồi chờ để ông ta báo cáo với chỉ huy. Năm phút sau, ông trở lại và nói: “Sếp đi vắng. Tôi nói rằng chúng tôi cần trở về Lý Sơn gấp. Ông ta cao giọng bảo tôi đến Ủy ban Nhân dân tỉnh mà giải quyết. Tôi cố năn nỉ rằng tôi từ xa đến, tự nguyện làm việc này vì lợi ích của ngư dân Việt Nam… Ông ta ngắt lời một cách khô khan: “Anh nói xong chưa? Anh có đến sở Ngoại Vụ chưa? Nếu không thì anh hãy đến UBND tỉnh Quảng Ngãi. Chờ xem ý kiến của họ như thế nào rồi sẽ tính.”. Đến lúc này thì tôi nhận ra rằng các cấp chính quyền ở đây coi tôi như quả bóng, cứ đá qua đá lại để đùn đẩy trách nhiệm cho nhau với cùng một kiểu cách: Không từ chối nhưng cũng không hề có văn bản chấp thuận. Chúng tôi đến chỗ UBND tỉnh lúc 11 giờ nhưng không vào được vì người trực ở cổng bảo rằng ông chủ tịch đi vắng. Chúng tôi đề nghị cho gặp người thư ký trực của Ủy ban. Anh ta không hề gọi điện thoại vào trong mà dặn chúng tôi 13 giờ hãy trở lại. Đến 13 giờ vẫn không có ai tiếp, chỉ thấy xe hơi, xe máy ra vào liên tục. Thất vọng, tôi gọi cho vài người bạn cựu tù chính trị dưới chế độ cũ hiện đang ở Quảng Ngãi. Vài phút sau, một người bạn là ông Ba đến. Ông Ba trách tôi sao không đăng ký trước để được Ủy ban tiếp. Ông bạn của tôi thử gọi điện thoại vào trong, nhưng rõ ràng là không có kết quả. Chúng tôi bèn đến chỗ sở Thông tin Văn hóa may ra có chỉ dẫn gì không. Ông Giám đốc sở vốn là người quen biết của ông Ba và người chủ ghe. Ông tiếp chúng tôi rất lịch sự và gọi qua cho sở Ngoại Vụ. Bên sở Ngoại Vụ giải thích rất rõ rằng một khi tôi đã có quốc tịch Việt Nam thì có quyền theo ngư dân đi bất cứ nơi nào trong lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam mà không cần giấy phép của ai cả. Kiểu này thì chắc tôi không thể xin được giấy tờ gì trong chiều nay. Trong bữa cơm thân mật, các bạn cựu tù hoan nghênh kế hoạch của tôi và chúc tôi thành công khi trở lại Lý Sơn. Về Lý Sơn, tôi đến nhà người chủ ghe để chuẩn bị cho chuyến hải trình được xác định là “không cần giấy phép”. Quyết định ngày 28-9 khởi hành. Trước khi đi, tôi tổ chức một buổi mặt với những ngư dân bị quân Tàu xâm hại trong thời gian gần đây để thực hiện một cuộc phỏng vấn. Nhưng cuộc phỏng vấn hầu như không thể thực hiện được trong không khí bia bọt ồn ào và tiếng loa phát nhạc đinh tai điếc óc, nghe muốn bệnh. Rồi ông chủ tịch xã An Bình đến. Ông nghe tôi trình bày kế hoạch có vẻ phấn khởi. Ông lại hứa cung cấp cho tôi bản danh sách xác nhận những gia đình ngư dân bị nạn nhưng rồi sau đó ông lặn mất tăm mà không hẹn lúc nào gặp lại. Số ngư dân được tôi mời phỏng vấn vẫn bia bọt tưng bừng Coi bộ không ai muốn rời bàn nhậu. Tôi hiểu rằng không phải lúc để phỏng vấn.
clip_image006
Panô cổ động tại Lý Sơn. Ảnh: Hồ Cương Quyết
Bỗng người chủ ghe đến chỗ tôi và bất ngờ báo tin rằng bà xã ông không đồng ý cho ông thực hiện kế hoạch này nếu không có giấy phép của chính quyền địa phương. Ông ta trả lại cho tôi nguyên vẹn số tiền mà tôi đã đưa đêm qua, chúc tôi trở về bình an rồi đi mất. Tôi đoán là anh ta đã bị ai đó làm áp lực quá nặng chứ không, một người can trường và chân chất như anh ta, sao có thể bỏ cuộc ngang xương như thế được. Tôi bực mình cỡi xe máy ra ngoài hít thở bầu không khí biển khơi. Hai giờ sau tôi mới trở về khách sạn. Số ngư dân vẫn còn tiếp tục ngồi nhậu, mặt mày đỏ gay. Thấy tôi, họ mời cụng ly nhưng tôi từ chối. Thật đáng tiếc cho những người dày dạn phong ba như vầy mà lại cam chịu trước số phận. Quá ngán ngẩm, tôi đành chuẩn bị về thôi. Nhân có một ông già đi qua, thấy tôi có vẻ buồn bã, ông ta bèn thổ lộ: “Mọi chuyện này đều có thể thấy trước. Các quan chức ở đây đã không còn biết xúc cảm. Điều mà họ quan tâm là những “cái ghế” và lợi lộc của gia đình họ chứ không phải số phận con người. Một người không có ghế thì chẳng có thể làm gì được. Họ sợ nhất là cái đó. Việc làm của anh tuy xuất phát từ lương tâm nhưng có những hệ lụy về chính trị. Và ở xứ này thứ chính trị từ trên lệnh xuống là thống soái chứ không phải là con người sống trên mặt đất. Nhà chức trách đã làm kế hoạch của anh thất bại bằng cách họ không làm gì cả. Tuy nhiên đừng quá khổ tâm, bởi vì Lý Sơn này rất nhỏ. Mọi người đều quen biết nhau nên tin tức loan truyền rất nhanh. Nhiều người đã hiểu điều anh muốn làm và rất quí mến anh”. Tôi hỏi ông bạn này xem ông ta nghĩ gì về tương lai. Ông ta nói: “Phần lớn ngư dân không đi Hoàng Sa nữa vì quá nguy hiểm và không được bảo vệ. Mấy năm nay bọn Tàu đã hoàn toàn làm chủ cả đảo lẫn biển. Rồi đây đến lượt Trường Sa và không chừng cả… Lý Sơn. Nghĩ cũng buồn nhưng biết làm sao!”
Tôi đến nơi này với tinh thần tự nguyện, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ công bình cho ngư dân và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam – điều mà các vị lãnh đạo vẫn thường lớn tiếng khẳng định. Thế nhưng các ngài quan chức địa phương này đã khôn khéo đưa đẩy tôi vào chỗ “bó tay” chỉ vì sức ỳ của họ. Hoan hô các ngài quan chức! Các ngài chơi trò xiếc đi dây rất thiện nghệ! Các “sư phụ” ở Trung Quốc e cũng không thể làm trò này giỏi hơn.
Sáng 27-9 những người bạn khả ái ở khách sạn lại buồn bã tiễn đưa tôi ra bến tàu. Trời mưa như thác đổ, sấm vang chớp giật như thử đất trời kia cũng muốn chia sẻ những tình cảm bi phẫn trong lòng tôi. Con đường chính nối liền hai xã An Vĩnh và An Hải ngập ngụa trong bùn nước cuồn cuộn chảy. Những lá cờ treo trước cửa bị ướt đẫm, không thể tung bay. Cờ thì có hơi phai màu và tôi thì vẫn còn chút ảo tưởng. Tính tôi xưa nay vốn rất lạc quan, cứng đầu và cuồng nhiệt. Tôi sẽ trở lại Lý Sơn khi nào các sếp trả lời rằng họ không đi vắng.

H. C. Q.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"