Thứ Năm, 15 tháng 7, 2010

Câu chuyện người tù Trương Văn Sương

Tối qua đọc bản tin phỏng vấn ông, post lại mấy bản tin sau về ông.

Bản tin của RFA, ông chỉ tạm đình chỉ (ở tù) 12 tháng



Monday, July 12, 2010

HÀ NỘI (NV) - Theo nguồn tin riêng của Người Việt, 4 giờ sáng ngày hôm nay, 12 tháng 7 năm 2010, Hà Nội đã quyết định phóng thích người tù chính trị nổi tiếng Trương Văn Sương từ trại giam Ba Sao, Nam Hà. Ông Sương được xem là tù nhân có thời gian thụ án dài nhất Việt Nam, tổng cộng 33 năm từ sau năm 1975, liên quan đến vụ án từ Thái Lan về Việt Nam kháng chiến chống Cộng.

Ông Trương Văn Sương sinh năm 1943 tại Mỹ Tú, Sóc Trăng. Ông mang hai dòng máu, cha là người Hoa và mẹ người Khmer. Trước năm 1975 mang cấp bậc trung úy, giữ chức vụ phân chi khu trưởng chi khu Mỹ Tú, Ba Xuyên tức Sóc Trăng ngày nay. Sau năm 75 ông bị đưa đi cải tạo tổng cộng 6 năm từ 1975 đến 1981 tại Quảng Bình. Sau khi ra trại, ông vượt biên sang Thái Lan và tham gia tổ chức của Trần Văn Bá, Lê Quốc Túy để xâm nhập vào Việt Nam nhằm tìm cách gây dựng những cơ sở đấu tranh ở trong nước vũ trang chống lại Hà Nội.

Tin tức tiết lộ sau khi vụ án xảy ra cho thấy, tổ chức này bị tình báo CSVN gài người vào ngay trên đất Thái vì vậy khi họ về tới biên giới hoạt động liền bị phát hiện. Các thành viên tham gia trong tổ chức kháng chiến đều bị bắt vào năm 1983 trong đó có ông Trương Văn Sương. Nhiều người trong nhóm đã bị kết án tử hình như Trần Văn Bá, Trần Thái Bạch, Lê Quốc Quân... riêng ông Sương bị kết án chung thân vì tội gián điệp.

Từ khi bản án được tuyên, ông Sương bị đưa qua nhiều nhà tù, từ miền Trung như Suối Máu thuộc tình Ðồng Nai, sau đó ra trại giam Quy Nhơn và lần lượt những năm sau ông bị giải đi thụ án ở nhiều trại giam miền Bắc và cuối cùng là trại Ba Sao, Nam Hà.

Trương Văn Sương là người tù chính trị có số năm bị giam giữ lâu nhất trong lịch sử trại giam Việt Nam sau năm 1975. Ông bị giam tổng cộng 33 năm kể cả 6 năm bị tập trung cải tạo vì là sĩ quan quân đội của QLVNCH.

Trong thời gian bị tù đày, ông không chịu nhận tội và viết bản kiểm điểm theo sự ép buộc của công an trại giam. Ông bị biệt giam nhiều năm vì chống lại ban quản lý trại giam và cuối cùng thì họ cũng buộc phải làm ngơ trước thái độ chống đối không khoan nhượng của ông. Rất nhiều lần ban giám thị trại giam Nam Hà đề nghị ông viết đơn xin khoan hồng trong các dịp lễ lớn nhưng đều bị ông từ chối.

Hoàn cảnh gia đình ông Trương Văn Sương rất bi đát. Từ nhiều chục năm qua sống đạm bạc trong một căn nhà chỉ 12 mét vuông tại số 124/9 khóm 2 phường 3 đường 30/4 thị xã Sóc Trăng. Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn (bị vu cho tội gián điệp vì gửi tin tức hình ảnh dân oan khiếu kiện ra nước ngoài) từng có thời gian thụ án tù chung trại từ năm 2003 tới 2006 kể lại rằng ông Trương Văn Sương là người tù bất khuất nhất mà nhà văn từng gặp. Ông Sương từng phanh ngực thách thức công an trong trại yêu cầu hãy bắn ông và hô vang những khẩu hiệu chống Cộng, chống chế độ Cộng Sản.

Cách đây một tháng ban giám thị trại giam Ba Sao đã gửi công văn về cho gia đình ông tại tỉnh Sóc Trăng thông báo ông bị suy tim cấp 3 cộng với huyết áp cao. Trại giam Nam Hà quyết định đưa ông ra Phủ Lý là khu chữa trị đặc biệt, nơi Linh Mục Nguyễn Văn Lý cũng được điều trị trước đây.

Thỉnh thoảng, nhà cầm quyền CSVN “đặc xá” cho một số tù nhân khi thấy những người này bệnh hoạn gần tới ngày chết, để họ đừng chết trong nhà tù.

Con của của ông Trương Văn Sương là Trương Văn Dũng đã ra tới trại giam Nam Hà săn sóc cho cha khi nhận được yêu cầu của công an. Cán bộ của Tổng Cục An Ninh cho gia đình ông Sương biết là họ có chủ trương sẽ thả ông từ nay đến cuối năm và yêu cầu ông làm đơn xin ân giảm. Tuy nhiên một lần nữa ông vẫn tiếp tục giữ ý kiến không làm đơn xin ân xá và cuối cùng thì trại giam đã thả ông vô điều kiện.

Ông cũng có một yêu cầu mà chưa có người tù nào đưa ra trước đây, đó là đòi hỏi công an phải chữa bệnh cho ông trước khi trả tự do về nhà vì gia đình ông quá nghèo, không có khả năng thanh toán tiền bệnh viện cũng như thuốc men.

Ông được chữa bệnh tại Phủ Lý và theo lời con ông cho biết tuy công an vẫn canh gác nghiêm nhặt, nhưng ông Sương được bác sĩ theo dõi và chăm sóc hàng ngày khá chu đáo.

Sáng hôm Thứ Hai, 12 tháng 7 năm 2010 ông Sương và con được công an trại giam chở về Sóc Trăng và tình trạng sức khỏe của ông đã tạm ổn định phần nào.

Theo nhóm điều hành “Quỹ Tù Nhân Lương Tâm” (www.qtnlt.blogspot.com) ông Trương Văn Sương mong mỏi được lên Sài Gòn chữa bệnh tiếp, nhưng tiền thuốc men, y phí của ông là cả một vấn đề lớn mà gia đình ông không thể gánh vác.


Phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Toàn về người tù Trương Văn Sương

Tuesday, July 13, 2010

Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt


Sáng 12 tháng 7, 2010, nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội phóng thích một tù nhân chính trị nổi tiếng, là ông Trương Văn Sương, từ trại giam Ba Sao, Nam Hà. Ông Trương Văn Sương là tù nhân có thời gian bị cầm tù dài nhất Việt Nam, tổng cộng 33 năm từ sau năm 1975 đến nay, vì ông liên quan đến một lực lượng kháng chiến xâm nhập từ Thái Lan về Việt Nam nhằm mục đích lật đổ nhà cầm quyền Hà Nội.

Trước năm 1975, ông mang cấp bậc trung úy, giữ chức vụ phân chi khu trưởng chi khu Mỹ Tú, Ba Xuyên. Sau năm 1975, ông bị đưa đi tập trung cải tạo sáu năm, từ 1975 tới năm 1981 tại Quảng Bình. Sau khi ra khỏi trại, ông vượt biên sang Thái Lan và tham gia tổ chức của ông Trần Văn Bá, ông Lê Quốc Túy và Hồ Thái Bạch, xâm nhập vào Việt Nam nhằm xây dựng những cơ sở đấu tranh vũ trang chống lại nhà cầm quyền.

Tổ chức của ông bị công an khám phá, ba người bị tử hình là Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch; riêng ông Mai Văn Hạnh thì được giảm án từ tử hình xuống chung thân và sau đó do áp lực của quốc tế, ông Hạnh được thả và về sinh sống tại Pháp.

Ðể tìm hiểu chân dung của người tù Trương Văn Sương trong suốt thời gian bị giam cầm, Người Việt liên lạc bằng điện thoại với nhà tranh đấu cho dân chủ Việt Nam hiện đang sống tại Hà Nội là ông Nguyễn Khắc Toàn. Ông Toàn từng có thời gian ở tù chung với ông Trương Văn Sương. Cuộc phỏng vấn do Ðinh Quang Anh Thái thực hiện.

- ÐQAThái (NV): Ông ở tù chung với ông Trương Văn Sương trong những giai đoạn nào?

- Nguyễn Khắc Toàn: Năm 2003, sau khi bị xử xong cả án sơ thẩm và phúc thẩm, tôi bị kết án 12 năm và bị đưa đến trại giam Ba Sao Nam Hà phân trại 3, cục số 6. Tại đây tôi gặp một số tù nhân, chẳng hạn anh Tung, anh Ðồng, anh Khiêm, là những tù nhân phạm tội an ninh quốc gia, những người này bán tài liệu cho Trung Quốc nên bị kết án nhiều năm tù; và họ từng ở trực tiếp với anh Trương Văn Sương ở buồng số 6, phân trại 1 trại giam Nam Hà. Họ kể cho tôi nghe về trường hợp tù nhân Trương Văn Sương, rất dũng cảm và bất khuất, trong suốt thời gian bị giam giữ.

Tôi ở đây đến cuối tháng 12, 2003 thì bị chuyển về phân trại 1 trại Ba Sao Nam Hà, ở cùng phân trại của anh Trương Văn Sương, nhưng khác buồng giam.


- NV: Trong thời gian ở cùng trại giam, ông có những ghi nhận gì về ông Trường Văn Sương?

- Nguyễn Khắc Toàn: Tên tuổi tù nhân Trương Văn Sương thì cả trại giam Nam Hà ba phân trại gồm gần 4 nghìn tù nhân ai cũng biết, vì anh ta có một khí phách đấu tranh rất can đảm rất dũng cảm, bất khuất.

Mỗi một lần ban giám thị trại giam Nam Hà cho tù nhân viết kiểm điểm để nhận tội thì không bao giờ anh Trương Văn Sương nhận tội, và anh viết thẳng vào trong bản kiểm điểm mà ban giám thị đã phát sẵn cho tù nhân rằng anh là người đấu tranh cho lý tưởng tự do dân chủ, cho chính nghĩa quốc gia, không bao giờ có tội; và sẽ đấu tranh đến cùng để giải thể chế độ độc tài của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Mỗi lần viết như vậy, anh lại bị công an, quản giáo báo cáo với ban giám thị để đưa đi cùm, biệt giam. Khi đội cưỡng chế đưa anh xuống khu biệt giam thì anh hô vang những khẩu hiệu “Ðả đảo đảng Cộng Sản Việt Nam, đả đảo chế độ độc tài, Trương Văn Sương này suốt đời đấu tranh cho lý tưởng dân chủ tự do, cho chính nghĩa quốc gia, các cán bộ có giỏi thì hãy bắn thẳng vào ngực Trương Văn Sương đây;” rồi anh phanh ngực ra.

Trước những lời hô bất khuất và dõng dạc như vậy, cán bộ công an rất tức giận và sợ. Có những trường hợp không kềm chế được thì công an xông vào bịt mồm anh, đánh đập anh. Tấm gương đấu tranh của anh như vậy làm cho hàng ngàn tù hình sự và rất nhiều tù chính trị của chúng tôi khâm phục.

Việc này lập đi lập lại không phải một hai lần mà kéo dài trong hàng chục năm ở tất cả các trại giam anh từng đặt chân đến, như trại Suối Máu, Xuân Lộc Ðồng Nai, ở trại Quy Nhơn, ở Thanh Hóa và cuối cùng là trại giam Ba Sao Nam Hà. Mà cũng không phải trong một năm anh bị cùm một lần hai lần mà ba bốn lần, đó là điều chúng tôi hết sức khâm phục ngưỡng mộ tinh thần đấu tranh của anh Trương Văn Sương.

Một điểm nữa tôi muốn nhấn mạnh là Tổng Cục An Ninh là cơ quan quản lý theo dõi các án tù chính trị ở trại giam Ba Sao Nam Hà nhiều lần đến làm việc với anh ở trại giam Ba Sao, yêu cầu anh ấy chỉ cần viết đơn xin khoan hồng, xin giảm án thì nhà nước sẽ tha tù nhưng anh trả lời thẳng với cán bộ là Trương Văn Sương này một là sẽ ở lại đến chết trong tù và hai là sẽ chờ đến ngày đa nguyên đa đảng có tự do dân chủ sẽ được tự phóng thích ra khỏi tù chứ không bao giờ đầu hàng, nhận tội.

Ðấy là anh Trương Văn Sương. Ngoài ra anh ấy còn cầm đầu các cuộc đấu tranh trong buồng giam số 6, phân trại 1 trại giam Nam Hà đòi cải thiện chế độ lao tù, thí dụ không ăn cơm khi nấu cháy khê hoặc nấu sống không đủ định lượng, hai là phát những đồ đựng thức ăn cho những tù nhân ở tù chính trị nhưng thiếu tôn trọng họ như là bát đũa, xô chậu bị méo mó không sạch sẽ, anh cương quyết đấu tranh không nhận khẩu phần ăn, nên ban giám thị ở đây họ hết sức kiêng nể và tôn trọng những yêu sách của tù nhân buồng số 6 do anh Trương Văn Sương dẫn đầu.

Trong những năm cuối cùng trước khi tôi rồi rời trại vào tháng 1 năm 2006 thì anh Trương Văn Sương là một trong những người “cứng đầu” nên công an đưa anh ấy xuống khu giam riêng gọi là buồng 17 nơi Linh Mục Nguyễn Văn Lý và nhiều những tù nhân chính trị, trọng án bị giam ở đây như ông Huy, Bùi Thúc Du, Phan Văn Bàng...

- NV: Phía công an trông coi trại giam đánh giá thế nào về người tù nhân bất khuất này?

- Nguyễn Khắc Toàn: Ðối với quản giáo của trại giam Nam Hà, ví dụ như ông Hoàng Xuân Nam là trung tá, người được ban giám thị và Tổng Cục An Ninh phân công chuyên theo dõi các buồng giam tù chính trị và án tù nhân tôn giáo như buồng số 1, 2, 6 và buồng 17 trong đó có anh Trương Văn Sương và nhiều những tù chính trị, và ông quản giáo thứ hai là Trung Tá Nguyễn Văn Tiên người trực tiếp quản lý những buồng giam này, họ coi trường hợp Trương Văn Sương là một người đấu tranh đối kháng kiên cường, họ rất nể trọng cho nên từng lời ăn tiếng nói đối với anh Trương Văn Sương và những tù nhân tại buồng này, họ hết sức dè chừng và tỏ ra cũng có một phần nào kính trọng các vị này; bởi vì họ cho đó là những tù nhân không thể khuất phục được.

- NV: Là một người đã từng ở tù chung với ông Trương Văn Sương, bây giờ nếu được gặp nhau thì ông sẽ thể hiện cảm xúc của ông ra sao và ông sẽ nói gì với ông Sương?

- Nguyễn Khắc Toàn: Cách đây hơn bốn năm, tôi đã viết trong một bài sau khi ra tù, tựa đề bài đó là “Tù nhân Trương Văn Sương, một Nelson Mandela của Việt Nam”, tôi ngợi ca, mến phục, biểu dương khí phách đấu tranh của anh Sương. Nếu như bây giờ tôi được gặp anh Trương Văn Sương thì tôi sẽ chúc mừng một trong những người anh hùng của chúng ta đã bất khuất không hề lùi bước trước đòn roi và nhiều chục năm tù đày của chế độ.

- NV: Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.


Người tù Trương Văn Sương kể chuyện

Ông Trương văn Sương sinh năm 1943. Trước năm 1975 Ông là Trung Úy quân đội Việt Nam Công Hòa, chức vụ Phân Chi khu trưởng huyện Mỹ Tú, tỉnh Ba xuyên. Thời gian ông đi tù dài gần bằng thời gian từ khi thống nhất đất nước tới nay. Gần đây, nhiều người bạn tù của ông được ra trước đã kể và viết về trường hợp của ông, qua đó dư luận, nhất là các tổ chức nhân quyền lên tiếng đòi trả tự do cho ông. Trước đó, ít ai biết tới cái tên Trương Văn Sương.

Hôm 12/7 vừa rồi, người tù ấy đã được công an trại giam Nam Hà áp tải về tận quê nhà ở Sóc Trăng. Hiện ông đang sống cùng con trai, Trương Văn Dũng tại thành phố Sóc Trăng. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện và thăm hỏi ông, xin gửi tới quý bạn đọc.

Mạc Việt Hồng (MVH): Xin chào ông, được biết ông mới ra tù hôm 12/7 chúng tôi muốn hỏi ông vài câu liên quan tới cuộc sống trong tù. Nhiều bạn đọc chưa biết rõ về trường hợp của ông, vậy xin ông cho biết, ông bị bắt trong trường hợp nào?

Ô Sương bên di ảnh vợ trong căn nhà rách nát của con trai. Ảnh do gia đình gửi.

Ông Trương Văn Sương (TVS): Vào ngày 30/4/1975 tôi là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa không đầu hàng nên bị bắt ngay và bị đưa vào trại giam nhốt cho đến 1981 tức là 6 năm tù cải tạo.

Sau khi được ra khỏi tù, tôi vượt biên qua Thái Lan vào trại tỵ nạn. Khi tổ chức của Lê Quốc Túy tuyển nạp người về phục quốc, tôi đã tham gia từ 6/1982 và được huấn luyện tại Thái Lan cho tới 1/3/1983.

Tôi dẫn một toán xâm nhập vào Cà Mau và bị bắt ngay sau đó. Kể từ 1/3/1983 tới nay, tôi đã ở tù hơn 27 năm.

MVH: Ông bị kết án chung thân?

TVS: Vâng, tôi và 5 người nữa bị án chung thân, một số người trong đó có ông Trần Văn Bá bị xử tử hình. Nhiều người khác mang những bản án nhẹ hơn…

MVH: Những người cùng bị kết án chung thân với ông hiện nay ra sao?

TVS: Họ đã ra tù trước tôi cả rồi.

MVH: Vậy, vì sao ông lại được ra muộn như vậy?

TVS: Tôi không chịu viết đơn xin khoan hồng và nhận tội, trong tù tôi cũng luôn tranh đấu đòi cải thiện đời sống tù nhân và đòi nhân quyền… Họ cho rằng tôi cứng đầu, nên không cho tôi ra.

MVH: Vậy lần này, vì lý do gì ông được trả tự do, thưa ông?

TVS: Tôi không có được trả tự do mà chỉ được tạm hoãn thi hành án vì lý do sức khỏe. Mấy năm vừa rồi, tôi đau yếu, huyết áp cao. Chỉ đánh răng thôi có khi cũng mệt, phải ngồi nghỉ một lúc rồi mới đứng dậy để rửa mặt được. Rồi tôi bị suy tim, chết lúc nào không biết. Họ gọi con trai tôi lên, bảo cháu làm đơn bảo lãnh, rồi họ ký giấy cho tạm hoãn thi hành án. Họ sợ, nhỡ tôi chết ra đó thì phiền cho họ. Bây giờ tôi về rồi, nhỡ có chết là chuyện của gia đình.

MVH: Khi ông đi tù, ở nhà gia đình sống ra sao, có ảnh hưởng gì không?

TVS: Họ phân biệt đối xử với gia đình tôi, với vợ con tôi, đá (1) vào bàn thờ của gia đình tôi. Rồi vợ con bị gây khó dễ, không làm ăn được.

MVH: Còn cuộc sống trong tù của ông?

TVS: Thời gian đầu, tôi phải kéo cày thay trâu. Họ nói, tôi ở ngoài là sĩ quan ngụy, ăn sung mặc sướng nên giờ phải lao động để biết quý trọng sức lao động của nhân dân, biết người ta làm ra hạt thóc, hạt gạo như thế nào, để trả nợ cho nhân dân.

Sau này thì thường xuyên tôi bị cùm riêng, có khi tới 6 tháng trong một năm.

MVH: Ông có nhớ bao nhiêu lần bị biệt giam trong xà lim và cùm chân như vậy không?

TVS: Chỉ tính riêng thời gian tôi bị giam ở trại Nam Hà, từ năm 2001 tới năm 2008, mỗi năm thường tôi bị biệt giam 2 lần, nửa tháng có, 3 tháng có, 6 tháng cũng có.

MVH: Ông có nhớ mình đã qua bao nhiêu nhà tù trong ngần ấy năm không?

TVS: Tôi đã ở các nhà tù trong cả 3 miền Nam- Trung – Bắc. Ở miền Nam tôi đã ở Hậu Giang, rồi trại Biên Hòa. Trại Biên Hòa là một trại giam đặc biệt, bí mật và vô cùng khắc nghiệt vì lúc đó tôi là biệt kích xâm nhập từ nước ngoài về nên họ giam chúng tôi ở đó.

Sau khi xử án xong thì họ chuyển chúng tôi ra trại Xuân Phước. Đây cũng là trại giam kinh khủng mà nhiều người đã bỏ mạng.

Năm 1995, lúc có phái đoàn Liên Hiệp Quốc tới thăm, họ đem giấu chúng tôi đi. Sau khi phái đoàn về, chúng tôi nổi dậy đòi nhân quyền. Họ đem dùi cui, hơi cay khủng bố chúng tôi. Sau vụ này, chúng tôi bị thanh lọc và tôi bị chuyển ra Bắc, đó là tháng 9/1995.


Ở ngoài Bắc, tôi qua 2 trại. Đầu tiên là Thanh Hóa. Tới năm 2000 thì họ chuyển tôi về trại Nam Hà và giam giữ cho tới nay.

MVH: Trong quá trình bị giam giữ như vậy, ông có bị đánh đập, tra tấn gì không?

TVS: Thời gian đầu thì có nhưng sau này khi Việt Nam ký bang giao với Mỹ và ký các Công ước Quốc tế thì không bị nữa nhưng họ vẫn còng tay chân, nhốt vào những chuồng chật hẹp, chỉ có vài cái lỗ nhỏ để thở nên mùa nóng rất ngột ngạt, khó chịu, nằm không có chỗ nằm, rất khổ…

MVH: Việc thăm nuôi ông ở trong tù ra sao, thưa ông?

TVS: Gia đình tôi ở xa, neo người, lại rất nghèo, làm không đủ ăn, nên thi thoảng mới có gửi cho tôi một, vài trăm ngàn. Được cái tôi sống rất hòa thuận với anh em tù, tôi rất siêng năng. Tôi cũng luôn giúp đỡ họ lúc đau ốm hay làm đỡ việc cho họ nên họ cũng nhường cơm xẻ áo cho tôi. Nếu không có sự giúp đỡ của họ, tôi không sống được tới hôm nay để trò chuyện với chị đâu. Anh em sống yêu thương nhau và tình nghĩa lắm.

MVH: Còn tin tức, báo chí trong tù ra sao, thưa ông?

TVS: Ở trong tù chỉ có xem tờ báo Nhân Dân. Ngoài tờ đó ra, không có tờ gì khác. Cũng có lúc anh em qua thăm nuôi biết được thêm tin tức hay nghe lén được đài nước ngoài mà biết tin nọ, tin kia thì chúng tôi rỉ tai cho nhau, mừng vui lắm.

MVH: Cuộc sống của ông hiện giờ ra sao?

TVS: Tôi hiện sống với con trai. Ngày tôi đi tù thì mẹ tôi chết, rồi cha tôi chết. Giờ thì vợ tôi đã mất, con gái cũng mất rồi. Vợ tôi mất năm 2008, con trai giấu tôi, nên giờ tôi mới biết. Cuộc sống của các con cũng nhiều khó khăn, tôi không có chế độ gì cả. Giờ vừa về cũng còn đang vui nên chưa có nghĩ gì.

MVH: Tờ báo của chúng tôi cũng có những lần đưa tin, bài về ông, qua đó, góp phần nào truyền tải những thông tin về trường hợp của ông tới bạn đọc. Nhân đây, ông có muốn nhắn gửi gì không?

TVS: Tôi muốn nói rằng, tôi không có thù oán gì. Chế độ nào, chính sách nào cũng có thể sai lầm, trường hợp của tôi, thôi cứ để cho lịch sử phán xét. Tôi mong nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước cùng đoàn kết đòi thực thi nhân quyền, đòi dân chủ để đưa đất nước ta tiến lên.

Chỉ mới 'tạm phóng thích 12 tháng'


Lữ Tống/Người Việt

LTS: Ông Trương Văn Sương, năm nay 67 tuổi, người tù chính trị được xem là bị nhà nuớc Cộng Sản Việt Nam bắt giam lâu nhất kể từ năm 1975 trở lại đây. Ông bị tù hai lần trong chế độ Cộng Sản. Khi miền Nam thất thủ, ông bị “cải tạo” sáu năm. Ra tù, năm 1981, ông vượt biên sang Thái, tham gia cùng nhóm Lê Quốc Túy, Trần Văn Bá quay trở lại Việt Nam kháng chiến. Nhóm của ông bị đặc tình an ninh Việt Nam cài người vào nên bị bắt ở tỉnh Minh Hải (Cà Mau) năm 1983. Ngày 13 tháng 7 vừa qua, ông Sương được nhà cầm quyền cho xe chở về nhà con trai ở đường 30 tháng 4, khóm 2, phường 3, thị xã Sóc Trăng, Việt Nam.

Phóng viên Lữ Tống của Người Việt đã liên lạc được với ông Trương Văn Sương, qua đường điện thoại, và được ông dành cho cuộc phỏng vấn sau đây.

Lữ Tống (Người Việt): Xin cám ơn ông cho phép tôi có cuộc nói chuyện hôm nay. Trước tiên xin ông cho biết tình trạng sức khỏe của ông hiện nay?

Trương Văn Sương: Rất yếu. Tôi bị suy tim cấp 3, cộng với các thứ bệnh do mấy chục năm trong tù gây ra. Nhiều khi không có thuốc tôi chỉ nằm thở mong cho mau qua cơn mà thôi. Bây giờ thì tạm ổn. Tôi được phát thuốc uống đầy đủ và công an trại giam trước khi chở tôi về nhà đã chữa trị cho tôi một thời gian. Bây giờ thì những cơn nguy hiểm đã qua, nhưng còn những bệnh mãn tính thì vẫn còn hành dữ lắm.

Người Việt: Theo chúng tôi được biết, ông bị kêu án chung thân vì tội gián điệp. Với bản án này, người thi hành án phải được lệnh ân xá từ chủ tịch nước. Trường hợp của ông có phải ngoại lệ?

Trương Văn Sương: Tôi xin nhắc lại cho rõ là họ không trả tự do cho tôi mà chỉ tạm hoãn thi hành án 12 tháng mà thôi. Họ bắt con trai tôi ký giấy bảo lãnh cho tôi mới được về chữa bệnh chứ không phải họ chính thức trả tự do cho tôi.

Người Việt: Trên chuyến xe cùng về, chắc ông và công an cũng có nhiều dịp nói chuyện với nhau. Họ có khuyên hay gợi ý cho ông tránh những việc làm như trả lời phỏng vấn với báo, đài ngoại quốc, hoặc không nên có những hành động mà họ gọi là chống phá cách mạng?

Trương Văn Sương: Tất nhiên. Họ bảo già rồi, về thì lo việc chữa bệnh, chăm sóc gia đình, đừng nghe bất cứ ai hết. Không làm bất cứ điều gì để chánh quyền địa phương phiền hà. Họ còn căn dặn rằng khi về nhà thì phải báo cáo cho Ủy ban Nhân dân phường đàng hoàng và không được có hành vi hay cử chỉ chống đối. Không được đi đâu mà không xin phép... Nói chung, coi như đang được tạm tha, muốn bắt lại hồi nào thì bắt...

Người Việt: Ðược biết ông là người tù lâu nhất trong trại giam Cộng Sản sau năm 1975. Ông có thể kể sơ qua một vài chi tiết về các hoạt động của ông, đã dẫn tới việc bắt giữ và tuyên án nặng nề như vậy?

Trương Văn Sương: Sau khi bị tập trung cải tạo sáu năm vì tôi là trung úy QLVNCH, ra tù, tôi vượt biên sang Thái Lan, gia nhập vào “Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam.”

Tôi làm trưởng toán, dẫn mười anh em nhập biên vào Hòn Ðá Bạc tại mũi Cà Mau. Ðến đó thì tôi và anh em cả toán đều bị bắt. Tôi bị kết án chung thân vào ngày 1 tháng 3, 1983. Tính đến nay, khi tôi được ra khỏi trại giam Nam Hà, thì đã 27 năm 4 tháng rưỡi.

Người Việt : Trong những đợt bắt bớ này, Hà Nội công khai đăng tải những thông tin mà họ nói là “gián điệp thâm nhập chống phá cách mạng.” Ông là người trong cuộc, xin cho biết một ít chi tiết về việc này.

Trương Văn Sương: Thật ra, rất nhiều đợt kháng chiến quân về Việt Nam. Mỗi đợt về có một toán, kéo dài tới ba năm như thế. Tôi làm trưởng toán dẫn 10 người về nước và tháng 12 năm 1980 có một toán đường bộ do thiếu úy Biệt Ðộng Quân tên Trần Dự dẫn về. Toán này cũng bị bắt vì không thành công. Sau này có nhiều toán xâm nhập bằng đường biển, vì đường bộ bị phát hiện nhiều quá. Từ năm 1981 cho đến 1985, rất nhiều toán quân thâm nhập vào Việt Nam. Số anh em bị nhốt chung với tôi ước lượng khoảng 200 người. Ða số bị bắt từ năm 1980 tới 1985.

Toán của tôi thì coi như họ đã được thả ra hết. Một số bị bệnh chết, một số vượt trại bị bắn chết, còn bao nhiêu người còn lại đều được thả hết, chỉ còn duy nhất một mình tôi ở cho đến hôm nay.

Người Việt: Ông nổi tiếng là người dám chống đối công an công khai trong trại giam. Xin ông kể cho vài chuyện liên quan đến ông.

Trương Văn Sương: Tại trại giam Nam Hà, tôi chống đối họ rất nhiều lần. Tất cả anh em đều cho tôi là người anh hùng, nhưng tôi không dám nhận danh từ này. Cứ sáu tháng thì tôi phải bị cùm, bị biệt giam kỷ luật một lần. Mỗi năm tôi bị bắt đi hai lần như vậy. Lý do là vì họ bắt tôi phải viết lại bản kiểm điểm vì bản kiểm điểm của tôi họ không vừa lòng.

Người Việt: Họ không vừa lòng ở điểm nào, thưa ông?

Trương Văn Sương: Bản kiểm điểm của tôi viết như vầy: “Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi vô tội và chúng tôi là những người có công với đất nước. Chúng tôi đã đem mồ hôi xương máu xây dựng và đấu tranh cho nhân quyền, tự do dân chủ cho Việt Nam. Còn với những người có tội thì chính đảng Cộng Sản Việt Nam mới là người có tội. Bằng chứng là các cuộc cải cách ruộng đất đã giết chết bao nhiêu người vô tội tại miền Bắc. Sau đó năm 1975, một lần nữa sau khi chiếm được miền Nam họ đã làm kiệt quệ kinh tế bằng các cuộc cải tạo tư sản. đánh tư bản, đẩy dân đi kinh tế mới, gây cho hàng triệu người vượt biên trong đó hàng trăm ngàn người đã chết. Họ đã buộc hàng trăm ngàn sĩ quan QLVNCH đi cải tạo và có biết bao người chết mà không biết thân xác bị vùi dập nơi đâu. Cán bộ thì tham nhũng, thối nát, hiếp đáp dân chúng trong hàng chục năm qua nhưng lại hèn nhát cúi đầu trước các vụ lấn đất, lấn biển của ngoại bang. Hoàng Sa, Trường Sa không được bảo vệ khiến đất nước cha ông đã và đang rơi vào tay quân giặc.”

Tôi viết như vậy mấy lần giống nhau, và khi họ thấy không ép tôi được nữa, họ kể như lơ luôn.

Người Việt: Riêng trường hợp họ đề nghị ông viết đơn xin ân xá thì ông trả lời ra sao?

Trương Văn Sương: Ban đầu, họ biểu tôi làm đơn xin ân xá nhưng tôi không chịu. Tôi là người có công với đất nước chớ đâu phải có tội như họ đâu mà xin ân xá. Người xin ân xá phải là họ chớ đâu phải tôi? Nhưng đến khi nghĩ lại, thời gian qua tôi đã chứng tỏ mình là người như thế nào rồi và hơn nữa tôi bệnh quá nặng, sợ không nhìn thấy được con cháu. Cuối cùng tôi nhượng bộ làm đơn xin ân xá. Tôi vẫn tin rằng lịch sử sẽ minh chứng cho tôi và mọi người anh em, bạn bè sẽ hiểu cho tôi sau này...

Người Việt: Những ngày cuối cùng trong trại giam trước khi được thả, công an đối xử với ông có khác trước hay không? Vì họ biết phải thả ông ra và không muốn lôi thôi nếu ông chết trong tù?

Trương Văn Sương: Phải nói là trong những ngày cuối cùng, kể từ đầu năm 2010 tới giờ, họ đối xử với tôi rất tử tế. Họ có vẻ kính trọng mình, nhất là qua đợt bệnh vừa rồi họ chăm sóc rất chu đáo. Mới đây nhất, trong chuyến đưa tôi từ miền Bắc vào Nam, họ ưu ái tôi không khác nào đối với một vị tướng vậy! (sic)

Nếu mà nói Cộng Sản xấu thì cũng không hẳn lắm. Bởi ở giai đoạn cuối họ đối xử với tôi rất khác lạ, phải nói là ưu đãi đủ mọi chuyện. Nhưng ngắn thôi, chừng một năm trở lại đây thôi, còn hai mươi mấy năm về trước họ coi tôi như con bọ, con dòi vậy, thua con vật xa... Chuyện này cho tôi hiểu như thế này: Họ biết họ phải thả mình nhưng nếu cứ đối xử với mình một cách tồi tệ như trước đây thì tất nhiên mình sẽ nói xấu họ. Ðó chẳng qua là một thủ đoạn. Ngày nào họ giẫm mình xuống bùn nhưng đến khi nhận thấy rằng giẫm mình không xuể thì họ vuốt mình mấy câu... Họ khen, rồi tắm rửa cho mình, lau chùi đánh bóng cho mình... để quảng cáo rằng: họ là những người tốt, là những ân nhân làm ơn cho mình...

Người Việt: Hoàn cảnh gia đình ông, theo chúng tôi biết, rất khó khăn. Ông chia sẻ gì về vấn đề này hay không?

Trương Văn Sương: Tôi có ba con, hai trai một gái. Bảy cháu nội và hai cháu ngoại nhưng không có đứa nào đi học đàng hoàng cả. Ðó là nỗi đau nhất của tôi từ xưa tới nay. Nghèo quá mà làm sao đi học cho được, hơn nữa cha của tụi nó ở tù vì tội phản cách mạng nên tụi nó đâu dám chường ra với người ta mà học hành đàng hoàng. Vừa nghèo vừa dốt nát... Kết quả sau bao nhiêu năm trong tù còn lại với gia đình tôi như thế.

Người Việt: Và cuối cùng thì ước nguyện của ông đối với đồng bào, dân tộc như thế nào?

Trương Văn Sương: Tôi vẫn muốn dân tộc Việt Nam bây giờ nên hướng về tương lai. Nên đối xử với nhau trong tinh thần nhân đạo. Hãy để quá khứ về quá khứ.

Người Việt: Xin cám ơn ông!

===========
Ông hiện ở với người con trai tên: Trương văn Dũng, 124/9 Phường 3 khóm 2 Đường 30-4 thị xã Sóc Trăng VN, số phone 3617269

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"