Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

Ấm ớ

Hôm nay có hội thảo tranh chấp về Biển Đông ở Mỹ, đã từng có hai hội thảo một ở Pháp và một ở VN tới giờ phút chót cả hai hội thảo đều bị huỷ bỏ, lý do tại sao thì chỉ có ... đảng biết. May là hội thảo ở Mỹ không bị ảnh hưởng, có lẽ vì theo như TS Vũ Quang Việt nói:

"Tôi biết có trường hợp học giả Hoàng Việt ở TP Hồ Chí Minh định qua đây dự hội thảo, nhưng lại không được phép của hiệu trưởng. Lý do vì sao thì tôi không rõ, vì chính phủ Việt Nam không có cản trở gì chuyện này."


"Thạc sĩ Hoàng Việt cho biết, sau khi nhận được Thư Mời chính thức của BTC Hội thảo (đề ngày 24/4/2010), ông đã gặp Bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Luật Tp Hồ Chí Minh báo cáo và xin phép được đi dự Hội thảo, nói rõ kinh phí là do ông tự thu xếp. Bà Mai Hồng Quỳ đã trả lời không cho ông đi, với lý do: Ông Việt không phải là Đảng viên; chuyện tranh chấp Biển Đông là chuyện phức tạp, nhạy cảm, nếu có đoàn của Bộ Ngoại giao đi ông đi cùng thì được. Một mình đi thì không được."


Đọc lý do rất là kỳ lạ, chắc bà hiệu trưởng có vấn đề, chả lẽ quy vào câu nói của bà thì bao nhiêu lâu nay bao nhiêu người sang Mỹ mua nhà sắm sửa, đầu tư, ca hát, rồi kết luận họ là đảng viên hết. 

Hay là đi làm việc cá nhân thì khỏi cần là đảng viên hay không, nhưng làm việc hội thảo để gìn giữ nước không phải đảng viên thì khỏi tham dự khỏi đi đâu hết.  Mà bấy lâu nay không biết có ông đảng viên nào sang Mỹ hợp tác với cộng đồng người Việt ở hải ngoại làm cái gì cho VN không nhỉ? 

Thắc mắc cho vui vậy thôi chứ biết hỏi ai bây giờ ?

 

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

"Chỉ có sự thật"

"Anh bạn chúng tôi có 5 đứa con, cộng hai vợ chồng là 7 người, mỗi sáng Chủ nhật anh chị dẫn bầy con đi tập thể dục tại công viên cách nhà hơn cây số . Đoàn rồng rắn tí hon của anh chị không thể đi thành một hàng, mà phải bí mật xé lẻ thành hai tốp, anh dẫn 3 đứa con, chị dẫn 2 đứa con giả vờ không quen biết nhau, đi vào hai lề đường khác nhau, sợ đi chung sẽ bị công an bắt… Anh bạn này tâm sự: ra Quốc lộ số 1, qua một số đường phố ở các thành phố nhỏ, thấy trâu bò được ung dung đi thành bầy đàn hàng mấy chục con trên đường mà không bị công an bắt? Sao kiếp người ở Việt Nam lại tủi hổ hơn kiếp bò: con bò còn được tự do tụ tập, tự do nghênh ngang rồng rắn trên đường, được Đảng và nhà nước đối xử tử tế hơn hẳn con người… là sao hở các ông trời con?"

Đoạn văn trên là do tác giả Trần Mạnh Hảo viết, ông viết một tham luận "Chỉ có sự thật" rất dài trong Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII được đăng ở trang của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đọc xong chả hiểu ông TMH có được nói hết hôm đó, và trang báo của ông NTT rồi có bị sập hay bài có bị kéo xuống không?
Những điều một ông nói và một ông đăng thì toàn dân đã biết, chỉ là lâu lâu mới thấy mấy ông "nhà thơ, nhà văn" dám liều mình nói lên sự thật dùm dân. Nhưng tôi chỉ dám khen ông "nhà nước" dám cho đăng, chứng tỏ nền dân chủ VN đang hình thành?  

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Tin tức ở Bắc Giang

Vụ việc công an đánh dân đến chết, báo chí loan tin khắp nơi nhưng đọc xong mấy bản tin  thì đâm ra bực mình, dân bất mãn uất ức đập phá lại cứ viết là bức xúc như tin của BBC, bức xúc nghĩa là chưa tới mức trầm trọng phải đập phá để đổ lỗi tại "thành phần quá khích"? điểm đặc biệt là dân tung tin thì đầy hình ảnh bạo động còn chẳng thấy báo trong nước đăng tin ngoài tờ báo ViệtNamPlus này thì không thấy một bức hình nào hết. Các báo chí còn lo đăng vụ dẫm đạp chết người ở Đức. Chuyện đồng bào mình thì miễn. Thật ra có vài tờ đăng nhưng chỉ trong chớp nhoáng là bị xoá hết.  Mà hễ tin nào bị xoá thì người dân phải đặt nghi vấn, chuyện này lại đảng làm sai cho nên sẽ chỉ xử nội bộ, dân không được quyền biết đến chuyện gì đã xảy ra cho đồng bào, một xã hội được "định hướng" như thế, hỏi sao lòng người chẳng trở nên vô cảm?

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

HS-TS-VN

Sáng thứ Hai vào xem cái video rất có giá trị, giá trị ở đây theo tôi là do những người trẻ trong nước có lòng với tổ quốc đã thực hiện. Do đó phần nào chúng ta có thể tin tưởng một thế hệ khác sẽ không ngủ yên trong tháp ngà do đảng CS xây dựng. Một thế hệ sẽ không chỉ biết ăn chơi đua đòi, chỉ biết kiếm tiền. Họ sẽ đứng lên xây dựng lại đất nước Việt Nam.
Đó là một niềm hy vọng cho ngày đầu tuần của tôi.




TP Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 7 năm 2010

Nhóm Thanh niên Hành động vì Đất nước

Những người đang hy sinh cho lý tưởng

Hãy dành một phút trong thời gian quí báu trong đời sống an bình của bạn để tìm hiểuxem có bao nhiêu người đã và đang tiếp tục hy sinh cuộc đời họ trong nhà tù chính trị ở VN cho lý tưởng tự do dân chủ.

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

Ai xử ông Tô?

Đọc cái tin mà thấy có lẽ lạ lùng nhất thế giới.  Chuyện ông Tô vi phạm tình dục, báo chí đăng rồi thì
Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng, đề nghị cấp có thẩm quyền bãi nhiệm đại biểu HĐND và cách chức chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang

Uỷ ban kiểm tra trung ương này là ai, là người của đảng ở trung ương hay là bên Tư Pháp? Ông ta đã được ra toà xử và toà đưa phán quyết ngưng mọi chức vụ?
Hay là đảng ông (thay mặt Tư Pháp) cách chức ông, cho ông hạ cánh về hưu an trí an toàn ở đâu đó, khỏi ra toà? Ông khỏi vào tù như hai cô bé ở Hà Giang chờ đợi điều tra như các vụ bắt người vô tù trước rồi tính sau như Công An vẫn thường làm.
Lạ, làm quan ở VN không có chuyện "bình đẳng" như người dân.  Không có quyền "tự do" được mời đi làm việc với công an.
Chuyện chỉ xảy ở CHXHCNVN ???

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

Bảo lưu (cái gì)

Bài viết sau cho thấy có rất nhiều người ở trong nước quan tâm đến tình trạng Tự Do Nhân Quyền của VN, nhưng họ vẫn phải chịu thua cái ...cơ chế của đảng họ. Đọc nguyên bài chỉ mỗi hai chữ "bảo lưu" là tôi không hiểu nghĩa, lại phải đi dò tìm, mà dò cũng không hiểu đó thực sự nghĩa là gì. Tiếng Việt của tôi sao nghèo nàn quá. Bảo lưu là giữ lại, là kềm hãm lại ? Là bảo trì, bảo tồn, lưu giữ lại cái chi đó ?

Đọc đoạn văn sau thì tôi chỉ đóan mò, bảo lưu có nghĩa là kềm hãm, chứ có nghĩa là bảo tồn gìn giữ nhân quyền thì là điều tốt, đâu có gì đáng phải bàn nữa. Nhưng ở đây tác giả viết trong ngoặc kép chắc là với cái ý "kềm hãm". Có khi vì vậy mà người dân VN nghe cứ tưởng nhà nước đang bảo tồn gìn giữ cho họ, rồi trẻ con gân cổ lên cãi "chúng tôi có đầy đủ các thứ quyền, không cần ai phải tranh đấu cho chúng tôi". Cứ nói rõ là là kềm hãm thì có phải là hay hơn không nhỉ.

"Anh Nguyễn Kiến Giang gợi ý hai chúng tôi cùng giở lại Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hiệp quốc mà trước đó 13 năm Nhà nước Việt Nam đã gia nhập, xem chúng ta còn "bảo lưu" những gì. Buồn thay, hầu như chúng ta "bảo lưu" hầu hết những quyền cơ bản của con người mà chính Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đặt ra sớm hơn hàng chục năm so với các Công ước và Tuyên bố nói trên của Liên hiệp quốc."

Tống Văn Công - Độc thoại nhân quyền

Ngày 14-7-2010 báo chí trong, ngoài nước đều đưa tin Chính phủ Việt Nam ra mắt tạp chí Nhân quyền Việt Nam với sự có mặt và phát biểu ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Trưởng ban chỉ đạo về nhân quyền. Có lẽ đây là một tạp chí được ra mắt long trọng nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam. Tôi hết sức quan tâm ba nhiệm vụ của tạp chí này do Phó thủ tướng chỉ đạo:

1 – Tuyên truyền các thành tựu đạt được trong lĩnh vực nhân quyền;

2 – Đấu tranh chống các thế lực thù địch vẫn không ngừng lợi dụng các vấn đề dân chủ nhân quyền, tôn giáo, dân tộc để vu cáo xuyên tạc, can thiệp vàò sự phát triển của Việt Nam;

3 – Kênh thông tin chủ lực nhằm phổ biến các quan điểm chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền.

Phải chi ông Phó thủ tướng chỉ đạo thêm cho tạp chí sớm mở mục thảo luận: Nhân quyền là gì? Tại sao lại gọi là nhân quyền phương Tây và nhân quyền Việt Nam, nó cơ bản khác nhau chỗ nào? Nội dung nhân quyền trong 8 yêu sách của Nguyễn Ái Quốc ở Hội nghị Versailles có gì khác với quan điểm của Đảng ta ngày nay? Nếu không có gì khác thì tại sao chúng ta không thực hiện? Quan điểm đúng đắn về nhân quyền của Nhà nước ta còn có những chỗ yếu nào, lổ hổng nào khiến cho hàng chục năm nay cứ bị kẻ thù lợi dụng xuyên tạc? Và chúng ta cũng nên tìm những bài học thực hiện nhân quyền của những quốc gia luôn luôn được dư luận quốc tế tặng điểm son xem họ đã làm thế nào mà giỏi thế? Như vậy sẽ thiết thực và tạo điều kiện để mong ước của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh phải thành sự thật?

Mới đây, ông Michael W. Michalak Đại sứ Mỹ trả lời nhà báo Nguyễn Anh Tuấn của Tuần Việt Nam, đã ca ngợi quan hệ Việt – Mỹ phát triển hết sức tốt đẹp, kể cả về quốc phòng, đã đạt tới "đối tác chiến lược". Sau đó, ông ấy thẳng thừng trả lời rằng, tuy vậy vẫn chưa thể trao vũ khí cho Việt Nam được, vì bị "ảnh hưởng của vấn đề nhân quyền"! Ông cũng thẳng thắn cho rằng Mỹ chưa thể tính tới việc trở thành đồng minh của Việt Nam, vì đã là đồng minh thì phải chịu trách nhiệm về an ninh cho nhau mà Mỹ và Việt Nam thì hãy còn những khác biệt về thế giới quan, khác biệt về dân chủ, về tự do báo chí…

Vậy thì những lời đáp hết sức thẳng thắn và công khai của ông Đại sứ Mỹ, chúng ta nên coi đó là lời thiện chí của bạn bè hay phải coi là âm mưu của bọn thù địch?

Cách đây hơn nửa năm, ngày 10-10-2009, trong diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương Đảng của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh có câu: "Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển". Ông cho biết "Hội nghị biểu thị sự đồng tình cao" nội dung này trong văn kiện sẽ trình Đại hội Đảng.

Đọc xong, tôi không khỏi băn khoăn. Dù được đặt ở địa vị "chủ thể", "mục tiêu", nhưng khi đã gọi là "nhân tố" (Có nghĩa là "Yêu cầu cần thiết, gây ra, tạo ra cái gì đó" – Từ Điển tiếng Việt) thì dù được "phát huy tối đa", con người vẫn chỉ là công cụ? Không! Con người là "đối tượng thụ hưởng chủ yếu và tham gia vào quá trình thực hiện những quyền này (nhân quyền) và các quyền tự do".

Mới đây, trong buổi gặp gỡ những người có công với đất nước, nhân ngày Thương binh Liệt sĩ, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhắc nhở rằng "Để tỏ lòng nhớ ơn những anh hùng liệt sĩ, việc đầu tiên là phải bảo vệ vững chắc chế độ xã hôi chủ nghĩa". Tôi những muốn ông nói thêm rằng, việc đầu tiên trong đổi mới xã hội chủ nghĩa là tích cực thực hiện đầy đủ nhân quyền cho nhân dân Việt Nam đã quá nhiều đau khổ hy sinh phải được mở mày mở mặt như thiên hạ đang sống ở các quốc gia văn minh tiến bộ .

Trong những ngày ở tù Hồ Chí Minh dù chịu muôn vàn gian khổ thiếu thốn vật chất, nhưng ông chỉ khao khát tự do: "Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do" ; "Còn lại trong tù khách tự do"; "Tự do tiên khách trên trời/Biết chăng trong ngục có người khách tiên"; "Trên đời ngàn van điều cay đắng/Cay đắng chi bằng mất tự do!"…

Năm 1950, khi đang học ở trường trung học giữa rừng U Minh an toàn, hưởng ứng lệnh chuẩn bị tổng phản công, tôi đã cùng hàng trăm đồng học làm đơn xin đóng cửa trường để được gia nhập Vệ quốc đoàn, giành quyền sống cho con người Việt Nam mất nước. Niềm tự hào là thành viên của lực lượng giải phóng dân tộc, giải phóng con người trong chúng tôi được nâng lên không ngừng: xóa bỏ bóc lột, đem lại bình đẳng… Rời tay súng, tôi tập tành cầm bút với niềm tin viết để bênh vực cho công nhân lao động, những con người thấp cổ bé họng; viết ca ngợi sự nghiệp độc lập, tự do, hạnh phúc đã đơm bông kết trái; viết để làm sáng lên chân lý "Việt Nam là lương tri của cả loài người tiến bộ".

Tháng 6 năm 1993, Hội nghị Nhân quyền thế giới họp ở Vienna, thủ đô nước Áo, có 6.000 đại biểu của 183 nước tham dự. Một đoàn người Việt ở nước ngoài cầm cờ vàng ba sọc đỏ kéo tới trước nơi họp phản đối đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam, đòi thực hiện nhân quyền cho nhân dân Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi đó là ông Lê Mai tuyên bố rằng, những người Việt ấy "làm chính trị chứ không phải làm nhân quyền". Nhất trí với nhận xét của ông, tôi đã viết bài báo có tựa đề là "Đối thoại nhân quyền" với bút danh Thuận Lý, đăng trên trang nhất báo Lao động ngày 24-6-1993, trước khi Hội nghị bế mạc một ngày. Bài viết có những câu "Những kẻ toan tính đè bẹp chúng ta trong chiếc bẫy nhân quyền đã không chịu hiểu rằng, hơn nửa thế kỷ qua, nhân quyền luôn luôn là mục tiêu nhằm đạt tới của toàn Đảng, toàn dân ta. Từ năm 1925, Bác Hồ đã viết "Công nông mình cứu lấy mình/ Sửa sang thế đạọ, kinh dinh nhân quyền"; "Trước đây, nhân quyền cao nhất là "Không có gì quý hơn độc lập tự do", còn ngày nay: "Đầu tiên là công việc đối với con người". Ít lâu sau, tôi mới nhận ra câu này tôi trích từ bản Di chúc ông cụ viết năm 1968, nhưng đã bị bỏ đi. Trong bản Di chúc được công bố thì "Trước hết nói về Đảng"!

Sau ngày báo phát hành, anh Nguyễn Kiến Giang đến tòa báo gặp tôi, nói: "Mình xem Tống văn Công là người bạn tốt. Còn ông Tổng biên tập Tống văn Công thì dù đã dám đưa mình vào danh sách cộng tác có trả lương hàng tháng, mình vẫn phải thẳng thắn nói rằng, bài vừa rồi không thể gọi là "Đối thoại nhân quyền" mà phải nói, Tống văn Công chỉ "độc thoại"!

Nếu nhận xét đó là của một người nào khác thì chắc tôi không thể ngồi im. Nhưng đây là Nguyễn Kiến Giang, người khi tuổi lên 3 phải theo mẹ tới nhà tù Lao Bảo thăm bố là tù cộng sản, 16 tuổi được đặc cách kết nạp vào Đảng khi cuộc kháng Pháp tới gần, 20 tuổi vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo một vùng đất được nhạc sĩ Nguyễn văn Thương vinh danh trong bài hát "Bình-Trị-Thiên khói lửa". Vậy mà, chỉ vì dám bảo vệ quan điểm chống sùng bái cá nhân, đề nghị thực hiện dân chủ trong Đảng và trong xã hội, bênh vực quyền tự do tư tưởng, anh đã bị giam vào trại tù cải tạo nhiều năm không qua xét xử. (Cùng bị giam với anh còn có hằng chục đảng viên khác). Lời nói của anh có sức nặng của cả đoạn đời tươi đẹp nhất bị mất trắng và những giọt nước mắt của vợ con anh suốt mấy ngàn ngày. Bản thân anh là một bài học sống của một người dám hy sinh để đạt tới nhân quyền! Tôi phải nghiêm túc lắng nghe, thành tâm trao đổi ý kiến với anh. Và tôi chợt tỉnh như một người mãi đi theo quán tính mà không nhận ra rằng khi đã đi hết đoạn đường giành Độc lập thì phải rẽ vào bước ngoặt của con đường để tiến tới Tự do, Hạnh phúc. Hồ Chí Minh chẳng đã cảnh báo rằng "Nếu nước được độc lập mà dân không có tự do hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì" đó sao?

Tuyên bố Vienna và Chương trình hành động, được Hội nghị Nhân quyền thế giới thông qua ngày 26-6-1993 cho rằng "bảo vệ các quyền con người và quyền tự do cơ bản trên bình diện quốc gia và quốc tế cần mang tính phổ cập và được thực hiện vô điều kiện". Ở điều 5 của chương 2, viết: "Hội nghị Nhân quyền khuyến khích các quốc gia xem xét hạn chế mức độ các bảo lưu của họ đối với các công ước quốc tế về nhân quyền, các bảo lưu cần chính xác và hẹp tới mức có thể bảo đảm rằng không có bảo lưu nào không phù hợp với các mục đích và mục tiêu của Công ước liên quan và thường xuyên xem xét lại các bảo lưu nhằm rút bỏ chúng".

Anh Nguyễn Kiến Giang gợi ý hai chúng tôi cùng giở lại Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hiệp quốc mà trước đó 13 năm Nhà nước Việt Nam đã gia nhập, xem chúng ta còn "bảo lưu" những gì. Buồn thay, hầu như chúng ta "bảo lưu" hầu hết những quyền cơ bản của con người mà chính Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã đặt ra sớm hơn hàng chục năm so với các Công ước và Tuyên bố nói trên của Liên hiệp quốc.

Càng nguy hiểm hơn khi chúng ta không gọi là "bảo lưu" mà cho rằng thực hiện nhân quyền phải thích hợp với truyền thống văn hóa; rằng thực hiện quyền con người phải gắn với lợi ích dân tộc, gắn với an ninh Tổ quốc, gắn với quyền làm chủ của nhân dân". Tức là theo Đảng và Nhà nước Việt Nam, trên đời này có 2 thứ nhân quyền rất rạch ròi, của ta và của Tây, mỗi bên cứ biết phận mình đừng ai xía vào chuyện ai! Nếu vậy thì liệu có thể lấy gì để đo, đếm, để nhận sau khi Tổ quốc thống nhất con người Việt Nam đã được hưởng nhân quyền và các quyền tự do hơn ngày xưa hoặc hơn các dân tộc khác hay không? Xin thưa cũng có phép đo rất chính xác đấy!

Khi con người tự thấy mình phải được hưởng các quyền tự do mà Tạo hóa đã ban cho thì người ta sẽ thoát khỏi mọi nổi sợ hãi, người ta sẽ rất tự tin nói lên điều mình nhận biết khác hẳn mọi người, giống như Galileo kêu lên quả đất tròn. Con người tự do sẽ đầy sức sáng tạo, làm ra sản phẩm vật chất và tinh thần cho mình và cho đất nước. Vậy con người Việt Nam 50 năm, 30 năm và hiện nay ra sao?

Con người Việt Nam, đặc biệt là những đảng viên cộng sản Việt Nam luôn tự hào đã kiên cường đối mặt với "hai đế quốc to", sau khi được sống trong Nhà nước của dân, do dân vì dân thì càng ngày càng co rúm lại, không ai dám nói những điều mình nhận thấy! Bởi trước mắt họ nhà cách mạng Nguyễn Hữu Đang chỉ đề nghị "pháp trị" đã lập tức trở thành tên phản động. Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, nguyên Chính ủy Hà Minh Tuân viết tiểu thuyết Vào đời đã phải trở thành anh cưa gỗ. Việt Phương viết một câu thơ "Bùn đã vấy đến chín tầng mây, đã phải rời Văn phòng Thủ tướng đi lao động ở nông trường!… Tôi chỉ xin nêu ra đây vài điều thổ lộ âm thầm của một số nhân vật có vị trí cao trong Đảng và trong xã hội.

Nhà văn Nguyễn Tuân một người nổi tiếng tài hoa và sống ngay thật đã từng nói với bạn bè "Mình tồn tại tới giờ là do biết sợ".

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết nhật ký, ngày 18-3-1958: "Bây giờ đã đến cảnh không ai dám nói thật với ai, sợ rồi một ngày kia người ta đem ra liên hệ". Ngày 10-7-1959 ông viết: "Thấy không khí vẫn có cái gì nằng nặng. Không ai nói một ý gì khác. Ít ai suy nghĩ. Trên bảo thế nào cứ y thế. It ai ra khỏi cái khuôn sáo của công thức".

Nhà văn Nguyễn Khải viết năm 2006 (Nhưng dặn con chỉ công bố khi ông đã qua đời!): "Được gặp gỡ các nhà văn nhà báo, các nghệ sĩ chế độ cũ mà thèm. Họ sống thoải mái quá, cử chỉ khoáng đạt,như chưa từng biết sợ ai. Còn mình thì đủ thứ sợ, sợ gặp người thân vì không biết họ có liên quan gì với Mỹ, ngụy? Nói cũng sợ vì nói thế đúng hay sai? Đến vẻ mặt cũng phải canh chừng, vui quá sợ mất cảnh giác, khen quá có thể ăn bả của nền kinh tế tư bản".

Còn bao nhiêu người khác không phải nhà văn, họ không viết ra, nhưng chắc chắn biết bao sợ hãi cất giấu trong lòng. Có người thắc mắc, tại sao những đảng viên cộng sản rất kiên cường trong nhà tù đế quốc, lại tỏ ra quá hèn kém sợ hãi trước Đảng? Theo tôi, đó là vì họ chưa bao giờ nhìn Đảng như nhìn kẻ địch, họ luôn nghĩ, nếu Đảng có phạm sai lầm thì cũng chỉ là tạm thời, rồi Đảng sẽ nhận ra, sẽ sửa sai. Thậm chí có nhiều người trước khi bị đội cải cách ruộng đất xử bắn vẫn hô to: "Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!" Gần đây những dân oan đi biểu tình cũng hô như thế! (Tuy nhiên ngày nay đã có khác xưa: Nhiều người chỉ tìm cách để đối phó!).

Phranklin D. Roosevelt, trong diễn văn nhậm chức Tổng thống Mỹ đã nói một câu rất sâu sắc: "Điều duy nhất đáng sợ chính là bản thân sự sợ hãi". Câu nói đó đã khuyến khích người dân Mỹ tự do tranh cãi tìm hướng đi cho nước Mỹ vượt qua thời kỳ khủng hoảng để phát triển. Họ chất vấn Tổng thống có định đưa đất nước vào con đường xã hội chủ nghĩa hay không? Họ tranh cãi: Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Dân chủ xã hội cái nào tốt hơn, cái nào đem lại phúc lợi xã hội nhiều hơn. Trong một thông điệp hằng năm, ông viết: "Dân chủ là một khế ước giữa những con người tự do". Tự do đã gắn kết người dân gồm nhiều chủng tộc vào hợp chủng quốc đoàn kết, đồng lòng hợp sức còn hơn nhiều quốc gia chỉ có dân tộc thuần chủng mà lại thiếu Tự do. Tự do đã đưa nước Mỹ, một quốc gia sinh sau đẻ muộn nhanh chóng trở thành siêu cường, có vai trò dẫn đầu thế giới. Tự do đúng như nhà bác học Einstein nói: "Không có tự do sẽ không có Shakespeare, không có Goethe, Newton, không có Faraday và Pasteur… Vì chỉ con người tự do mới làm ra những khám phá và giá trị tinh thần, những thứ làm cho cuộc sống của chúng ta, những con người hiện đại, trở nên đáng sống" (Einstein, do Nguyễn Xuân Xanh biên soạn). Có thể nói thêm là không có tự do thì cũng không có EInstein! Có phải vì thiếu tự do mà các Giáo sư, Tiến sĩ Việt Nam có số công trình, bài viết hàng chục lần ít hơn và thấp kém hơn các đồng nghiệp trong vùng?

Einstein còn tiên đoán hơn nửa thế kỷ về những trở ngại khó vượt qua của chủ nghĩa xã hội. Ông nói: "Chủ nghĩa xã hội phải đối mặt với một vấn đề chính trị – xã hội không dễ giải quyết: Làm sao, trong một sự tập trung rộng lớn quyền lực chính trị và kinh tế, ngăn ngừa được việc bộ máy quan liêu quá lớn lao, quá phình lên, đến nỗi cá nhân teo lại về chính trị và với nó, cái đối trọng dân chủ trước quyền lực của bộ máy quan liêu cũng teo theo luôn"! Như vậy theo Einstein, con người cá nhân bị teo lại, làm mất "đối trọng dân chủ", như vậy không phải khiến cho nhà nước xã hội chủ nghĩa mạnh lên mà khiến cho nó lâm vào tình trạng nguy hiểm! Ba mươi lăm năm sau ngày Einstein qua đời, lời ông nói ở trên đã được ứng nghiệm với sự sụp đổ phe xã hội chủ nghĩa. Chẳng lẽ chúng ta không học được gì từ cảm nhận tiên tri của con người vĩ đại ấy cho bài học nhân quyền, cho sự nghiệp đổi mới xã hội chủ nghĩa? Tại sao chúng ta không thể thực hiện tự do báo chí đúng như điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hiệp quốc mà Nhà nước ta từ ngày 24-9-1982 đã cam kết thực hiện, để người dân Việt Nam được "tận hưởng tự do về dân sự và chính trị, không bị sợ hãi"? (Lời nói đầu Công ước). Sợ địch lợi dụng ư? Vậy thì xin nhắc lại rằng: Ngày 22-7-1938 tại số nhà 43 đường Hamelin (nay là Lê thị Hồng Gấm), Sài Ggòn, tờ báo Dân chúng của Đảng Cộng sản Đông Dương xuất bản số đầu tiên không xin phép và sau đó được chính quyền thuộc địa chấp nhận, trở thành tờ báo mở đầu cho nền tự do báo chí ở nước Việt Nam thuộc địa, nhân dân đang sống trong thân phận nô lệ. Chẳng lẽ một Nhà nước thống nhất vững mạnh hơn bất kỳ thời kỳ nào lại sợ hãi một kẻ địch vô hình hơn cả thực dân Pháp sợ một đảng cách mạng của một nhân dân đang bị chúng nô dịch? Hay vì cho rằng dân trí Việt Nam còn quá thấp chưa đủ bản lĩnh phân biệt đúng sai? Coi chừng luận điệu ấy phạm vào tội coi khinh quần chúng cách mạng Việt Nam đã đổ bao xương máu cho Tổ quốc và cho sự trưởng thành của Đảng Cộng sản. Và hãy nhìn sang Cam puchia, người anh em mà chúng ta hằng tự hào đã giúp cho họ thoát nạn diệt chủng, đã làm cố vấn cho họ nhiều mặt, nay họ đã thực hiện tự do báo chí đầy đủ theo điều 19 của Công ước quốc tế, hơn hẳn chúng ta. Chẳng lẽ dân trí Việt Nam đã thua sút hẳn Campuchia?

Cách đây gần 20 năm, cụ Nguyễn Văn Trấn, nhà báo Việt Nam lỗi lạc, thành viên Ban biên tập của báo Dân chúng từ số đầu tiên, và phải ngồi tù khi sắp nổ ra chiến tranh thế giới, chính quyền thuộc địa giở trò phát xít, đã phải kêu lên: "Xin Quốc hội thực hiện quyền tự do báo chí cho nước ta bằng với chế độ thực dân Pháp!"

Chao ơi, sao mà đến nông nổi này!

Còn tự do lập hội? Chính Cụ Tôn Đức Thắng đã lập Công hội không xin phép ở Ba Son từ năm 1920. Cụ bị bắt không phải vì tội lập hội. Ra đời dưới chế độ thuộc địa còn có thể kể hai Hội nữa, hội của nhà văn là Tự lực văn đoàn (Có người cho rằng trong lịch sử cho đến nay, các nhà văn Việt Nam chưa có một hội đoàn nào sánh kịp Tự lực văn đoàn về dân chủ, về hiệu quả hoạt động) và hội của nhà giáo là Hội Truyền bá quốc ngữ lập ra đều không phải xin phép nhà cầm quyền. Nhớ lại năm 1992, khi tôi có dịp ra Quảng Ninh, nhà báo Ngô Mai Phong có đưa anh Nguyễn Văn Dũng Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh này đến thăm tôi ở khách sạn Hạ Long. Sau khi nâng ly bia ới anh, máu nghề nghiệp nổi lên, tôi đề nghị anh cho tôi làm một cuộc phỏng vấn. Anh ngạc nhiên: "Có gì bức thiết mà đang nhậu vui anh Công lại đòi phỏng vấn?" Tôi nói: "Trong báo cáo tổng kết hằng năm, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có nhận xét rằng hệ thống công đoàn tỉnh Quảng Ninh rất yếu. Cách đây gần 30 năm, trong hội nghị tổng kết hoạt động công đoàn tại Trường Công đoàn Trung ương, tôi được chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh gay gắt hỏi ông Lê Bùi Chủ tịch Công đoàn Quảng Ninh: "Hằng ngày chú làm gì mà công nhân khổ sở kêu mãi không thấu tai chú?". Vậy là sự yếu kém quá lâu! Tôi muốn đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, phân tích nguyên nhân của sự yếu kém kéo quá dài đó". Anh Dũng cười, thoải mái đáp: "Tôi trả lời được, nhưng e rằng anh Công lại không đăng được!" Tôi quả quyết: "Anh dám nói thì tôi dám đăng. Tôi biết tôn trọng quyền tự do ngôn luận của anh mà!" Anh Dũng với vẻ mặt nghiêm hẳn, lên giọng: "Lý do đơn giản thôi, vì hệ thống công đoàn của chúng tôi được tiếng là đại diện cho hàng vạn công nhân vùng mỏ giàu truyền thống cách mạng, nó tự hào tới mức kiêu căng, trong khi đó một mình một chợ, nó không có tổ chức công đoàn nào khác cạnh tranh, để người công nhân được quyền chọn lựa vào công đoàn nào bảo vệ mình tốt hơn. Trong tình hình đó nó không yếu kém thì mới lạ! "Dứt câu anh nhìn tôi chờ phản ứng. Tôi cất máy ghi âm vào túi, nâng ly bia với anh, cười thẳng thắn: "Tôi xin chịu thua! Thôi ta chỉ nhậu, không nói chính trị nữa!". Tôi tự biết mình không đủ sức bảo vệ quyền tự do ngôn luận của anh Dũng như vừa mới hứa. Bởi cách đó không lâu, tôi có ý kiến với Đảng đoàn Tổng liên đoàn lao động, xin cho Chủ tịch Công đoàn các cấp đứng ngoài Ban thường vụ và Ban chấp hành của Đảng cùng cấp, để giữ được tính độc lập của tổ chức Công đoàn. Sự tôn trọng tổ chức công đoàn chỉ cần có quy định cho Ban thường vụ Đảng họp thì phải mời Chủ tịch Công đoàn. Nếu hai bên trái ý nhau thì chuyển vấn đề lên cấp trên. Vì ý kiến ấy tôi đã bị không ít người cho rằng, đó là mầm mống của tư tưởng đòi Công đoàn thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, trở thành một thứ Công đoàn Đoàn Kết. Qua chuyện phỏng vấn hôm đó tôi và anh Dũng hiểu nhau, quý trọng nhau mãi cho tới giờ.

Sau Đại hội 6 – Đổi mới, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, có Nghị quyết 8B về đổi mới các đoàn thể quần chúng: "Trong giai đoạn mới cần thành lập các Hội đáp ứng nhu cầu chính đáng về nghề nghiệp và đời sống của nhân dân, hoạt đông theo hướng ích nước lợi nhà, tương thân tương ái. Các tổ chức này được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản và tự trang trải về tài chính trong khuôn khổ pháp luật". Nhờ có Nghị quyết 8B, các nhà nghiên cứu đã dám mạnh dạn phân tích sự trì trệ lâu nay của các đoàn thể. Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Viện nghiên cứu xã hội viết: "Từ năm 1975 đến 1985 hầu hết các tổ chức xã hội dân sự chính thức đều bị hành chính hóa, được bao cấp và kiểm soát chặt chẽ bởi Nhà nước. Trong cơ chế này các tổ chức xã hội dân sự hầu như mất đi vai trò năng động và tự chủ của mình trong việc huy động các nguồn lực cho xã hội, cũng như đại điện cho lợi ích của các thành phần trong xã hội". Tiếc thay Nghị quyết 8B về đoàn thể quần chúng cũng chịu yểu mệnh như Nghị quyết 5 về tự do sáng tác của văn nghệ sĩ. Bởi vì sau sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa các thế lực bảo thủ muốn gò ép trở lại.

Thử đem bức tranh về các tổ chức xã hội dân sự mà tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường phác họa khá chính xác cách đây 25 năm so lại với các đoàn thể hôm nay, từ Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Nông hội, Nhà báo, Nhà văn … có phải vẫn còn y nguyên bộ mặt "hành chính hóa" của ngày hôm qua?

Nhân quyền! Con đường dằng dặc của nhân loại đi tìm sự tự khẳng định mình. Từ sự thờ cúng vật linh tới thờ cúng thần thánh có hình ảnh giống mình là một bước giải phóng đầu tiên. Từ thờ cúng thần thánh con người tìm ra Thượng đế và trước Thượng đế con người tự thấy mình là những cá nhân bình đẳng, đó là một cuộc giải phóng quan trọng tiếp theo. Rồi cuộc cách mạng vĩ đại về thế giới quan xảy ra ở thời kỳ Phục hưng đã hoán vị con người vào vị trí của Thượng đế. Chính bước nhảy vọt phi thường này đã đặt nền móng cho chủ nghĩa nhân văn ở thế kỷ Ánh sáng. Không phải thần thánh, không phải Thượng đế mà là Con người có những quyền tự nhiên do tạo hóa ban cho, với lý tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Quyền con người và chủ nghĩa dân chủ đã được thực hiện trong cuộc Cách mạng Mỹ 1776 và Đại cách mạng Pháp 1789. Ở các quốc gia này, con người được sống trong xã hội công dân, mỗi cá nhân là một chủ thể bình đẳng về các quyền tự do, quyền sở hữu tài sản và được bảo vệ bởi pháp luật. Đâu phải vô cớ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập nước ta bằng những câu về Nhân quyền, Dân quyền trích từ hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp:

- "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

- "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".

Nhân quyền và dân quyền đâu phải chỉ là giá trị của văn minh phương Tây, đó là giá trị văn minh của toàn nhân loại! Chẳng lẽ những người công kích nhân quyền phương Tây không thấy rằng đó là sự xúc phạm Cụ Hồ?

Ngày nay hàng trăm dân tộc đã sánh bước trên trên con đường tự do – dân chủ. Trong tự do, Thomas L. Friedman nhìn ra thế giới phẳng, ở đó con người cá nhân có đủ điều kiện vươn ra toàn cầu tìm chỗ đứng cho mình. Cũng trong tự do, Naomi Klein bảo rằng thế giới không phẳng, toàn cầu hóa còn có những mặt khuất và bà kêu to: "Hãy đặt con người lên trước lợi nhuận"! Con người Việt Nam chịu quá nhiều đau khổ hiện đang ở mặt khuất nào trong thế giới vừa phẳng vừa không phẳng này đây?

Tôi tha thiết mong rằng tạp chí Nhân quyền Việt Nam, khuôn mặt trẻ nhất, mới nhất, thời đại nhất của nền báo chí Việt Nam đã có hơn 150 năm tuổi, phải xứng đáng là ngọn đuốc soi sáng những mặt khuất của Nhân quyền Việt Nam. Trước hết hãy làm sáng tỏ để thực hiện cho kỳ được 2 điều trong 8 điều mà cách đây gần tròn 100 năm Nguyễn Ái Quốc đã đòi cho nhân dân Việt Nam:

- Tự do báo chí và Tự do ngôn luân. Điều mà sau ngày độc lập cụ đã diễn đạt một cách nôm na: " Dân chủ là mọi người dân được mở miệng".

- Tự do lập hội và tự do hội họp.

Cả 2 điều ấy cần phải được hiểu và được thực hiện đúng với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt Nam đã gia nhập từ 24-9-1982 và cam kết thực hiện.

Đó là điều 19:

1 – Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào.

2 – Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận, và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng chữ viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ.

3 – Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó có thể dẫn đến một số hạn chế nhất định, tuy nhiên những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để:

- Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác.

- Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng.

Điều 22:

1- Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình.

2 – Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định và những hạn chế này là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc các quyền và tự do của các người khác. Điều này không ngăn cản việc hạn chế hợp pháp đối với những người trong các lực lượng vũ trang và cảnh sát.

3 – Không một quy định nào của điều này cho phép các nước tham gia Công ước 1948 của Tổ chức lao động quốc tế về tự do lập hội và bảo vệ quyền được tổ chức hội được tiến hành những biện pháp lập pháp, hoặc áp dụng luật làm phương hại đến những đảm bảo nêu trong Công ước đó.

Làm được những điều ấy, tạp chí Nhân quyền Việt Nam sẽ góp phần đáng trân trọng, làm bừng lên ước vọng tự do, dân chủ, tạo ra sức mạnh chấn hưng dân khí, mở mang dân trí, đưa Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam ta lên ngang tầm thời đại.

Ngày 18-7-2010

TVC

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010

Nguyễn văn Hưởng ???

Cả buổi sáng đọc bài viết Hãy hiểu đúng về Nhân Quyền Việt Nam! của ông Thượng tướng công an Nguyễn văn Hưởng thế là tôi chả làm ăn gì được, cứ nghĩ tới "anh H." trưởng lớp ngày xưa. Cứ lâu lâu đọc cái tên của ông tướng này tôi lại không khỏi nghĩ ngợi, không biết ông có phải là "anh H." , người mà thủa lớp chín, cả lớp chúng tôi gọi là anh H. vì anh là trưởng lớp và còn lớn hơn cả chúng tôi đến mấy tuổi, không hiểu vì lẽ gì mà anh học chậm với chúng tôi, nhưng anh học giỏi, anh cũng rất đàng hoàng đứng đắn trong lớp, nên ai cũng gọi bằng cái tên "anh H." vì anh tên là Nguyễn Văn H. Điều tôi không quên "anh H." là vì năm ấy gần cuối năm, anh  H. viết cho tôi một lá thư dầy cộm bằng mấy tờ giấy mỏng. Hình như tôi đọc mà ...chả hiểu gì, cho nên cũng không nhớ có trả lời gì không hay là ôm luôn lá thư ngâm từ ngày đó, và sau đó tôi không còn gặp mặt "anh H.". Tôi vốn không nhớ tên ai cả, nhưng vì  nhớ lá thư rất dầy hồi đó, nên cứ lâu lâu nghe nhắc tới tên tôi lại thắc mắc, có phải vì tôi không trả lời thư nên anh mất tích không trở lại lớp học năm sau, anh đi lính, hay anh đi bưng hồi đó. Chả hiểu!

Vì thế bây giờ mỗi khi đọc bài viết nào của ông Tướng NVH, tôi lại thắc mắc, vì đọc xong lại vẫn .. chả hiểu. Mà không biết ông này với "anh H." có phải là một hay không? Chẳng biết ông tướng này người ở đâu, ông bao nhiêu tuổi chứ không thì có khi tôi cũng phải thư tới hỏi xem ông là ai mà viết sao giống người trưởng lớp ngày xưa, có điều hồi xưa tôi không trả lời vì chả hiểu, chứ thời đại bây giờ thì mọi điều ông tướng này viết tôi để có thể chẻ chữ làm đôi ra mà cãi, nhưng mà đã có người khác "cãi" thay dùm tôi rồi.

Thế giới người ta định nghĩa "Nhân quyền" thế này.

Nhân Quyền là những quyền tự do và những quyền căn bản khác của con người. Như quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu, tự do đi lại và cư trú, tự do hội họp và lập hội, quyền sở hữu, quyền tham gia chính quyền, quyền được hưởng giáo dục miễn phí, v.v...

Nhân Quyền không phải do ai ban phát mà có. Nhân Quyền là những quyền mà mọi người sinh ra đã có và đều có. Không ai có quyền tước đoạt nhân quyền của chúng ta.

Thế nhưng ông tướng Hưởng nói vòng vo tam quốc rồi thì cũng lại bảo Nhân Quyền của người VN là do những thành tựu mí lị phấn đấu, chứ chả phải là tự nhiên mà có


Đảng và Nhà nước ta phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh và mọi người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…  (khỏi cần có tự do)

Mỗi công dân hãy biết quý trọng giá trị, bản sắc của dân tộc mình và hãy nhìn ra nước ngoài để thấy rõ hơn những thành tựu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong lĩnh vực Nhân quyền.

Nhân quyền ở Việt Nam là như vậy!

Hồi xưa đọc thư "anh H." tôi im, anh bỏ đi đâu mất. Bây giờ đọc văn ông tướng, thì dân như tôi phải bỏ đi (tìm tự do) thôi.
Chắc ông chưa quên hơn 1 triệu người chằng cần ăn, uống đã liều mình vượt biển của hơn 30 năm trước, cho nên đời sống đâu chỉ no cơm, áo mặc đã là đủ.

Thứ Hai, 19 tháng 7, 2010

Thư cảm tạ của tù nhân Trương Văn Sương

Kính thưa Qúy Đồng Bào Việt Nam trong nước và hải ngoại.

Tôi là Trương Văn Sương, người vừa được nhà nước CSVN ra lệnh tạm tha ra khỏi trại tù 12 tháng để chữa bệnh sau khi đã ở trong tù từ năm 1975 tổng cộng là 33 năm 4 tháng với bản án chung thân vì bị nhà nước CSVN kết tội là “gián điệp”.

Trong suốt thời gian bị tù đày, dù bị đọa đày cùm kẹp biệt giam đến như thế nào đi nữa thì tôi vẫn luôn luôn khẳng định với nhà cầm quyền CSVN là mình vô tội vì những công việc tôi đã làm đều là vươn tới mục tiêu đấu tranh cho nhân quyền, tự do, dân chủ cho VN.

Hôm nay tôi viết thư này để nói lên những lời cảm tạ của tôi và gia đình đối với tất cả những người đã có lòng quan tâm đến hoàn cảnh của cá nhân và gia đình tôi trong thời gian qua.

Trong những ngày vừa qua, tôi rất là cảm kích khi nhận được những lời thăm hỏi qua trực tiếp gặp mặt, qua điện thoại và qua những cuộc phỏng vấn trực tuyến. Qua những sự kiện này, tôi biết rằng đồng bào trong và ngoài nước không bao giờ quên tôi, không bao giờ bỏ rơi tôi và gia đình tôi.

Nhân đây tôi cũng xin gởi lời cảm tạ riêng đến các anh Nguyễn Khắc Toàn và Phạm Văn Thành là những người đã thông báo hoàn cảnh tù đày của tôi đến mọi người . Tôi và gia đình tôi cũng xin đặc biệt gởi lời cảm tạ nhóm Yểm Trợ Dân Chủ Oregon (Hoa Kỳ) và anh Nguyễn Bắc Truyển đã hết lòng giúp đỡ gia đình tôi vượt qua những khó khăn nhất định trong thời gian qua và hướng dẫn cho các con tôi ra miền Bắc làm đón tôi về. Cảm ơn BiênTập Viên Thanh Quang, cảm ơn Đài Á Châu Tự Do đã kịp thời thông tin liên quan đến cá nhân tôi và tình cảnh gia đình tôi đến quý thính giả của đài trên toàn cầu để nhiều gười đã có lời thăm hỏi, động viên và giúp đỡ cho tôi trong mấy ngày qua.

Nhân đây, tôi cũng xin trân trọng cảm ơn tất cả các báo đài, các trang mạng của Người Việt Quốc Gia ở Hải Ngoại đã không ngừng thông tin về cảnh tù đày lao lý của chúng tôi trong suốt nhiều năm qua, xin chân thành cảm ơn các tác giả đã có những bài viết về tôi cũng như về những người tù chúng tôi mà đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chính những qúy vị này trong từng cương vị khác nhau đã đóng góp rất nhiều cho sự kiện được tạm tha ra khỏi nhà tù của tôi. Tôi cũng xin được tỏ lòng cảm ơn người đã làm việc không mệt mõi trên mạng để chuyển tải thư cảm ơn này của tôi đến quý vị, mà vì lý do đặc biệt tôi không tiện nêu tên ở đây.

Hiện nay vì tình hình tạm tha, vì những chứng bệnh trầm trọng đang mang trong người, nên cá nhân tôi chỉ có thể thể hiện được lòng tri ân của tôi và gia đình đến tất cả đồng bào trong và ngoài nước cũng như những quý vị nêu trên qua gởi lá thư cảm tạ ngắn ngủi này. Một lần nữa, xin chân thành gởi đến tất cả quý vị lòng cảm kích sâu xa của tôi và gia đình.

Sau cùng xin được cầu chúc mọi sự an lành đến với tất cả quý vị. Xin cầu mong đất nước Việt Nam của chúng ta sớm có được TỰ DO – DÂN CHỦ.

Kính thư,

Trương Văn Sương

Địa chỉ: 102/7B đường 30/4, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam.

Điện thoại: (+84) 939 4606 57

Chuyện từ thiện

Hôm qua đi chợ, nghe một người hỏi người thu tiền đường để ở đâu. Thế rồi câu chuyện về đường chuyển sang những thức ăn thiếu thốn của thời bao cấp.  Tự nhiên ba người đàn bà xa lạ hình như cùng sinh sống trong một thời đại, nên hiểu rõ nguời kia nói gì, người này nói
- Hồi đó cơm không có mà ăn, ăn bo bo thì nói chi tới đường
Người này phụ họa:
- Ờ, ăn bo bo ăn bột riết phải đi đổi cái bánh gì ăn đó nhớ không? 
Cô thâu tiền cười thành tiếng nhớ lại một thời "hoàng kim" đã qua
- Bây giờ đâu còn những thứ đó, bây giờ họ giàu quá rồi
- Đúng đâu có như  mình ở đây cực chết bà đi, họ giàu hơn mình rất nhiều.
Tôi đứng nghe mà không khỏi mỉm cười theo, họ là ai mà giàu thế, là toàn dân VN, là đất nước Việt Nam hay là một nhóm người nào đó.  Những ông bà giàu có mua xe, mua tàu thuỷ, máy bay riêng đó có lập ra một cái hội từ thiện nào như những người giàu có ở xứ tư bản không? Tôi không biết nhưng tôi nghe rất nhiều hội từ thiện của người VN ở hải ngoại thành lập với mục đích chính là giúp cho những người nghèo ở VN.  Nhưng tôi chưa nghe có cái hội từ thiện nào ở hải ngoại này chỉ để cứu giúp người VN ở hải ngoại, hội hoạt động xã hội giúp cho người ở VN ở hải ngoại thì cũng có nhưng từ thiện thì không?
Cho nên đọc bài báo này, cũng đáng để suy nghĩ, những người đang cần sự giúp đỡ của công đồng ngay chính tại Mỹ là những người VN đang ở vùng vịnh bị ảnh hưởng bởi giếng dầu loang trong mấy tháng vừa qua.  Có lẽ mỗi  người trong mỗi cộng đồng hải ngoại phải tự hỏi mình đã làm được gì cho chính cộng đồng mình, cộng đồng (làng) mình có mạnh thì mới (đại diện) lo chuyện quốc gia được chứ phải không? 
Gõ là gõ thế cho vui, chứ tôi chỉ dám hỏi tôi sau khi đọc lá thư qua email chứ ai dám "múa riù qua mắt thợ" !!!

VN đâu cần các anh làm Từ Thiện.

Nguyễn Từ Thiện

Lời ngườì VC: "VN đâu cần các anh làm Từ Thiện".

Hôm nay, tiền thu lợi hàng năm đã có :

- 500.000 Việt Kiều về nước & mỗi ngưòi mang theo trung bình 2.000USD = 10 tỷ đô la Mỹ.
- Người Việt hải ngoại gửi về nước 8 tỷ Mỹ kim thống kê được, nếu kể thêm số không thống kê được ít nhất 2 tỷ nữa, chúng ta có con số tròn 10 tỷ Mỹ kim.
- Mỗi năm Việt Nam nhận các khoản viện trợ nước ngoài và LHQ trên 3 tỷ Mỹ kim.
Tổng cộng gần 25 tỷ đô la.

Miền Nam Việt Nam (MNVN) trước 1975, không có sản xuất quan trọng, không mỏ dầu, chỉ nhận trung bình 700 triệu Mỹ kim một năm nuôi 17 triệu người và gồng gánh bộ máy chiến tranh. Trung bình 42USD/người /năm.
Thế nhưng, MNVN là con rồng Đông Nam Á.
Trường học MNVN từ mẫu giáo đến Đại học đều được hưởng quy chế miễn học phí.
Người bệnh vào bệnh viện từ xã phường đến trung ương đều được miễn phí.
Thiên tai năm nào cũng có nhưng cả nước đùm bọc lấy nhau. MNVN không cần ngửa tay xin tiền ngoại quốc.

Ngày nay không cần làm gì mỗi năm Việt Nam vẫn nhận đều khoảng 25 tỷ đô la. Tính trung bình 287USD/người /năm.
Thế nhưng học sinh mẫu giáo đến đại học đều đóng học phí cắt cổ.
Bệnh viện từ xã đến trung ương đều thu lệ phí rất cao. Dù cấp cứu, không tiền không được nhập viện.
Từ 1989 đến nay đã 20 năm nay, VN vẫn lẽo đẽo phía sau các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á. Tụt hậu 35 năm so với VNCH năm 1975.


Việt Nam ngày nay ở vào thời đại WTO, thời đại mở cửa, không còn là thời đại thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ thuở trước 1989. Trước 1989 việc cứu trợ thiên tai tại VN là việc cần. Sau thời đại mở cửa 20 năm nay, VN phát triển vượt bực. Nhũng người về VN đều thấy việc hàng quán đầy đường, người xe kín lối, nhà chọc trời đầy dẫy, tất cả các nhà hàng đều đông nghẹt, khách sạn giá quốc tế, địa ốc ngang tầm hay mắc hơn cả Tokyo, Sydney, Whasington DC, ....
Mọi người đều biết triệu phú USD ở Việt Nam nhiều hơn triệu phú trong Cộng đồng người Việt Hải ngoại.
Số tiền trong nước đổ ra nước ngoài mỗi năm rất lớn đều tuôn vào các ngân hàng và các trương mục tư bản đỏ.Do vậy việc cứu trợ và từ thiện Việt Nam đã đến lúc cần được xét lại một cách đúng mức.
Giúp đỡ thương phế binh VNCH bị bỏ rơi tại VN là cần.
Giúp đỡ những cơn bệnh hiểm nghèo VN không có phương tiện chữa trị là không thể bỏ.
Giúp đỡ những trường hợp cá biệt là cần.
Giúp đỡ những nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân và dân quyền là không thể thiếu.

Tuy nhiên việc tổ chức thành những phong trào rầm rộ dưới hình thức từ thiện mang tiền về nước cống nạp cho CSVN là chuyện phải chống vì vi phạm luật lệ VN và không phục vụ lợi ích đích thực của cộng đồng hải ngoại. Luật lệ CHXHVN ghi rõ không tổ chức nào trong nước và ngoài được phân phối tiền cứu trợ tại Việt Nam ngoại trừ cơ quan Cứu trợ có thẩm quyền từ Trung Ương tới địa phương do Mặt Trận Tổ quốc lãnh đạo (Thông tư số 72/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính &  Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ). Những tổ chức vận động lạc quyên hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn mà nói rằng có thể mang về mua quà cứu trợ trao tận tay nạn nhân hết số tiền này, đó là vấn đề cần đưọc các tổ chức khác nhau trong Cộng đồng Người Việt Hải Ngoại nghiên cứu và tìm hiểu thích đáng.

Thay vì mang tiền về! Chúng ta chỉ giải quyết ngọn mà không giải quyết gốc.
Tại sao chúng ta không vận động chính phủ, vận động các nhà hảo tâm, vận động các nhà tư bản đỏ trong nước để họ tự đùm bọc giúp đỡ nhau?
Tại sao không vận động chính phủ tổ chức cứu trợ đúng mức cho nạn nhân trong nước?
Việc cứu trợ có thể giải quyết thỏa đáng bằng quy hoạch của chính phủ chứ không bằng các vận động ồn ào bòn rút của cải hải ngoại. VN trước 1975 không cần xin hải ngoại như hiện nay để giải quyết thiên tai, thế nhưng người dân vẫn no ấm và “phồn vinh giả tạo”.
35 năm qua chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm của chúng ta đối với đồng bào ruột thịt của mình tại hải ngoại và cho tổ quốc mới của chúng ta.
Đừng nên quá ôm đồm.
Cộng đồng VN hải ngoại còn nhiều người “mù vi tính”. VN sắp sang giai đoạn xoá mù vi tính.
Cộng đồng VN hải ngoại chưa dám mơ mọi người tốt nghiệp cử nhân. VN đã tính chuyện mọi nhân viên Bộ Sở trung ương từ quét dọn trở lên phải đạt bằng Tiến Sĩ.
Cộng đồng VN hải ngoại đang trên đà tụt hậu so với sự tiến bộ vượt bực trong nước.
Chúng ta đã giúp VN từ 1975 đến nay.
35 năm cũng đã quá tròn tình nghĩa đối với người đã đưa tiễn chúng ta khi ra đi bằng đại liên trực xạ và trìu mến gọi ta bằng “ngụy quân, ngụy quyền, ham mê bơ thừa sữa cặn của đế quốc, chây lười lao động, vượt biên phản quốc, ...”
Đã qua thời 20 năm mở cửa (1989 – 2010).
Chúng ta đã làm đủ mọi thứ cho Việt Nam .
Xây cầu. Cất trường. Nuôi dạy trẻ mồ côi. Nuôi dưỡng người tàn tật. Giúp đỡ người nghèo, người bệnh. Xây chùa, nhà thờ, ...
Thời gian 35 năm qua Bộ Thương Binh Xã hội VN đã báo cáo nhiều thành tích tốt mà không cần động đến móng tay và không cần quan tâm chăm sóc phúc lợi người dân trong nước vì ... mọi thứ đã có “bò sữa” hải ngoại chăm lo. Thời gian qua đảng Cộng Sản Việt Nam bồi dưỡng sức mình tung Nghị Quyết 36, cán bộ, đảng viên, tu sĩ vào Cộng đồng hải ngoại (CĐHN) để rồi ngày nay CĐHN đang dần dần tan ra từng mảnh. Đổi khách thành chủ. CSVN đang dần nắm ưu thế trong nhiều lãnh vực tại căn cứ địa vững chắc của chúng ta.
Nếu không khéo, chỉ mươi năm sau, chúng ta không còn con đường để vượt biên lần thứ hai!
Nhìn chung, theo quan điểm những nhà “pro-VietNam” hiện chúng ta còn hai việc lớn chúng ta chưa làm.
Một là dồn sức hải ngoại về VN, mỗi ngày hốt rác từ Bắc vào Nam để tư bản đỏ và cán bộ đảng viên mỗi chiều bia rượu cho thơm miệng.
Hai là tiếp tay nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam dâng nốt mảnh đất còn lại cho Hán triều để tổ quốc Việt Nam thêm một lần nữa nghìn năm nô lệ giặc Tàu.

35 năm qua đã đủ dài để chúng ta nên nhìn lại, phản tỉnh.
Chúng ta không nên ôm đồm làm thay mà cần nên giao trách nhiệm chăm sóc phúc lợi xã hội trong nước cho Đảng và Chính phủ “bách chiến bách thắng” của Việt Nam làm tròn sứ mạng của mình đối với đất nước và dân tộc mà họ muốn dành độc quyền cai trị.

Chúng ta cần làm tốt hơn vai trò đòn bẩy để giúp VN tiến nhanh tiến mạnh trên con đường mở cửa, hội nhập WTO và hội nhập trào lưu tự do - dân chủ - nhân quyền đang rộ nở trên mọi ngỏ ngách của địa cầu ngõ hầu cứu thoát Việt Nam một tai họa nghìn năm bắc thuộc lần thứ hai và chúng ta cũng không phải vượt biên thêm một lần nữa từ hải ngoại.

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

Người tù Trương Văn Sương

Không biết còn bao nhiêu người tù có tinh thần bất khuất như ông còn sống trong tù và bị lãng quên?
Nhưng ít nhất cũng mừng cho ông Trương Văn Sương.
Cô em tôi là người ít khi để ý chuyện trong nước thế mà hôm nay không dưng cô gọi cô bảo ông TVS là ai, cô hỏi có ai biết địa chỉ của ông để cô gửi tiền về biếu ông.
Có lẽ sẽ rất nhiều người sẽ nghĩ đến ông như cô em tôi.   Mong là như thế, ông xứng đáng được mọi người tạ ơn ông, đã hết một đời vì đất nước.
Điểm đáng nói cha ông là một người gốc Hoa mẹ ông là gốc Khmer.

Xin chờ một chút cho màn hình audio hiện ra

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

Ban tuyên giáo trung ương là ai?

Đến khổ, cũng nhờ mấy chuyện linh tinh ở VN mà tôi cũng học hỏi được rất nhiều về những chuyện ai làm lớn làm láo ở VN, này nhé, sáng đọc lá thư (1, 2, 3) của văn phòng Đoàn Luật Sư Hà Nội gửi ông Tô Huy Rứa, tôi mới thắc mắc ông ni là ai rứa. Lâu nay cứ tưởng người ta gọi đùa tên ông, rồi lại thắc mắc ban Tuyên Giáo Trung Ương là cái ban gì, làm gì, dốt chữ nghĩa nên phải tìm hiểu. Hoá ra là cái gì của đảng là cái ban này "tham mưu" chỉ đạo hết.

Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và một số lĩnh vực xã hội; đồng thời là cơ quan chuyên môn - nghiệp vụ về các lĩnh vực công tác này của Đảng

Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính Trị - Bí thư Trung ương Đảng; nguyên giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Ờ thì chuyện hủ hoá trong đảng với nhau thì họ "tham mưu" cũng phải thôi, nhưng nếu dính tới dân thì phải làm sao? Dân có phải là đảng đâu nhỉ, mà bảo người ta im tiếng? Cho nên ông luật sư Triển của đòan luật sư HN, có đại diện cho dân mà kiện đảng hay đúng ra kiện cái ông Rứa của đảng kia cũng là đúng thôi. Bây giờ đảng chỉ cần lôi ông luật sư nào của đảng ra bào chữa thế là xong, hai luật sư đại diện cho mỗi bên tha hồ mà kiện cáo/bào chữa, kỳ này để cho dân/đảng cùng xem hiến pháp và luật pháp ở VN ta chính đáng sáng sủa ra sao?
Đây mới là chuyện mơ tào lao giữa ngày thứ Sáu của tôi đó thôi.

Thứ Năm, 15 tháng 7, 2010

Câu chuyện người tù Trương Văn Sương

Tối qua đọc bản tin phỏng vấn ông, post lại mấy bản tin sau về ông.

Bản tin của RFA, ông chỉ tạm đình chỉ (ở tù) 12 tháng



Monday, July 12, 2010

HÀ NỘI (NV) - Theo nguồn tin riêng của Người Việt, 4 giờ sáng ngày hôm nay, 12 tháng 7 năm 2010, Hà Nội đã quyết định phóng thích người tù chính trị nổi tiếng Trương Văn Sương từ trại giam Ba Sao, Nam Hà. Ông Sương được xem là tù nhân có thời gian thụ án dài nhất Việt Nam, tổng cộng 33 năm từ sau năm 1975, liên quan đến vụ án từ Thái Lan về Việt Nam kháng chiến chống Cộng.

Ông Trương Văn Sương sinh năm 1943 tại Mỹ Tú, Sóc Trăng. Ông mang hai dòng máu, cha là người Hoa và mẹ người Khmer. Trước năm 1975 mang cấp bậc trung úy, giữ chức vụ phân chi khu trưởng chi khu Mỹ Tú, Ba Xuyên tức Sóc Trăng ngày nay. Sau năm 75 ông bị đưa đi cải tạo tổng cộng 6 năm từ 1975 đến 1981 tại Quảng Bình. Sau khi ra trại, ông vượt biên sang Thái Lan và tham gia tổ chức của Trần Văn Bá, Lê Quốc Túy để xâm nhập vào Việt Nam nhằm tìm cách gây dựng những cơ sở đấu tranh ở trong nước vũ trang chống lại Hà Nội.

Tin tức tiết lộ sau khi vụ án xảy ra cho thấy, tổ chức này bị tình báo CSVN gài người vào ngay trên đất Thái vì vậy khi họ về tới biên giới hoạt động liền bị phát hiện. Các thành viên tham gia trong tổ chức kháng chiến đều bị bắt vào năm 1983 trong đó có ông Trương Văn Sương. Nhiều người trong nhóm đã bị kết án tử hình như Trần Văn Bá, Trần Thái Bạch, Lê Quốc Quân... riêng ông Sương bị kết án chung thân vì tội gián điệp.

Từ khi bản án được tuyên, ông Sương bị đưa qua nhiều nhà tù, từ miền Trung như Suối Máu thuộc tình Ðồng Nai, sau đó ra trại giam Quy Nhơn và lần lượt những năm sau ông bị giải đi thụ án ở nhiều trại giam miền Bắc và cuối cùng là trại Ba Sao, Nam Hà.

Trương Văn Sương là người tù chính trị có số năm bị giam giữ lâu nhất trong lịch sử trại giam Việt Nam sau năm 1975. Ông bị giam tổng cộng 33 năm kể cả 6 năm bị tập trung cải tạo vì là sĩ quan quân đội của QLVNCH.

Trong thời gian bị tù đày, ông không chịu nhận tội và viết bản kiểm điểm theo sự ép buộc của công an trại giam. Ông bị biệt giam nhiều năm vì chống lại ban quản lý trại giam và cuối cùng thì họ cũng buộc phải làm ngơ trước thái độ chống đối không khoan nhượng của ông. Rất nhiều lần ban giám thị trại giam Nam Hà đề nghị ông viết đơn xin khoan hồng trong các dịp lễ lớn nhưng đều bị ông từ chối.

Hoàn cảnh gia đình ông Trương Văn Sương rất bi đát. Từ nhiều chục năm qua sống đạm bạc trong một căn nhà chỉ 12 mét vuông tại số 124/9 khóm 2 phường 3 đường 30/4 thị xã Sóc Trăng. Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn (bị vu cho tội gián điệp vì gửi tin tức hình ảnh dân oan khiếu kiện ra nước ngoài) từng có thời gian thụ án tù chung trại từ năm 2003 tới 2006 kể lại rằng ông Trương Văn Sương là người tù bất khuất nhất mà nhà văn từng gặp. Ông Sương từng phanh ngực thách thức công an trong trại yêu cầu hãy bắn ông và hô vang những khẩu hiệu chống Cộng, chống chế độ Cộng Sản.

Cách đây một tháng ban giám thị trại giam Ba Sao đã gửi công văn về cho gia đình ông tại tỉnh Sóc Trăng thông báo ông bị suy tim cấp 3 cộng với huyết áp cao. Trại giam Nam Hà quyết định đưa ông ra Phủ Lý là khu chữa trị đặc biệt, nơi Linh Mục Nguyễn Văn Lý cũng được điều trị trước đây.

Thỉnh thoảng, nhà cầm quyền CSVN “đặc xá” cho một số tù nhân khi thấy những người này bệnh hoạn gần tới ngày chết, để họ đừng chết trong nhà tù.

Con của của ông Trương Văn Sương là Trương Văn Dũng đã ra tới trại giam Nam Hà săn sóc cho cha khi nhận được yêu cầu của công an. Cán bộ của Tổng Cục An Ninh cho gia đình ông Sương biết là họ có chủ trương sẽ thả ông từ nay đến cuối năm và yêu cầu ông làm đơn xin ân giảm. Tuy nhiên một lần nữa ông vẫn tiếp tục giữ ý kiến không làm đơn xin ân xá và cuối cùng thì trại giam đã thả ông vô điều kiện.

Ông cũng có một yêu cầu mà chưa có người tù nào đưa ra trước đây, đó là đòi hỏi công an phải chữa bệnh cho ông trước khi trả tự do về nhà vì gia đình ông quá nghèo, không có khả năng thanh toán tiền bệnh viện cũng như thuốc men.

Ông được chữa bệnh tại Phủ Lý và theo lời con ông cho biết tuy công an vẫn canh gác nghiêm nhặt, nhưng ông Sương được bác sĩ theo dõi và chăm sóc hàng ngày khá chu đáo.

Sáng hôm Thứ Hai, 12 tháng 7 năm 2010 ông Sương và con được công an trại giam chở về Sóc Trăng và tình trạng sức khỏe của ông đã tạm ổn định phần nào.

Theo nhóm điều hành “Quỹ Tù Nhân Lương Tâm” (www.qtnlt.blogspot.com) ông Trương Văn Sương mong mỏi được lên Sài Gòn chữa bệnh tiếp, nhưng tiền thuốc men, y phí của ông là cả một vấn đề lớn mà gia đình ông không thể gánh vác.


Phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Toàn về người tù Trương Văn Sương

Tuesday, July 13, 2010

Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt


Sáng 12 tháng 7, 2010, nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội phóng thích một tù nhân chính trị nổi tiếng, là ông Trương Văn Sương, từ trại giam Ba Sao, Nam Hà. Ông Trương Văn Sương là tù nhân có thời gian bị cầm tù dài nhất Việt Nam, tổng cộng 33 năm từ sau năm 1975 đến nay, vì ông liên quan đến một lực lượng kháng chiến xâm nhập từ Thái Lan về Việt Nam nhằm mục đích lật đổ nhà cầm quyền Hà Nội.

Trước năm 1975, ông mang cấp bậc trung úy, giữ chức vụ phân chi khu trưởng chi khu Mỹ Tú, Ba Xuyên. Sau năm 1975, ông bị đưa đi tập trung cải tạo sáu năm, từ 1975 tới năm 1981 tại Quảng Bình. Sau khi ra khỏi trại, ông vượt biên sang Thái Lan và tham gia tổ chức của ông Trần Văn Bá, ông Lê Quốc Túy và Hồ Thái Bạch, xâm nhập vào Việt Nam nhằm xây dựng những cơ sở đấu tranh vũ trang chống lại nhà cầm quyền.

Tổ chức của ông bị công an khám phá, ba người bị tử hình là Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch; riêng ông Mai Văn Hạnh thì được giảm án từ tử hình xuống chung thân và sau đó do áp lực của quốc tế, ông Hạnh được thả và về sinh sống tại Pháp.

Ðể tìm hiểu chân dung của người tù Trương Văn Sương trong suốt thời gian bị giam cầm, Người Việt liên lạc bằng điện thoại với nhà tranh đấu cho dân chủ Việt Nam hiện đang sống tại Hà Nội là ông Nguyễn Khắc Toàn. Ông Toàn từng có thời gian ở tù chung với ông Trương Văn Sương. Cuộc phỏng vấn do Ðinh Quang Anh Thái thực hiện.

- ÐQAThái (NV): Ông ở tù chung với ông Trương Văn Sương trong những giai đoạn nào?

- Nguyễn Khắc Toàn: Năm 2003, sau khi bị xử xong cả án sơ thẩm và phúc thẩm, tôi bị kết án 12 năm và bị đưa đến trại giam Ba Sao Nam Hà phân trại 3, cục số 6. Tại đây tôi gặp một số tù nhân, chẳng hạn anh Tung, anh Ðồng, anh Khiêm, là những tù nhân phạm tội an ninh quốc gia, những người này bán tài liệu cho Trung Quốc nên bị kết án nhiều năm tù; và họ từng ở trực tiếp với anh Trương Văn Sương ở buồng số 6, phân trại 1 trại giam Nam Hà. Họ kể cho tôi nghe về trường hợp tù nhân Trương Văn Sương, rất dũng cảm và bất khuất, trong suốt thời gian bị giam giữ.

Tôi ở đây đến cuối tháng 12, 2003 thì bị chuyển về phân trại 1 trại Ba Sao Nam Hà, ở cùng phân trại của anh Trương Văn Sương, nhưng khác buồng giam.


- NV: Trong thời gian ở cùng trại giam, ông có những ghi nhận gì về ông Trường Văn Sương?

- Nguyễn Khắc Toàn: Tên tuổi tù nhân Trương Văn Sương thì cả trại giam Nam Hà ba phân trại gồm gần 4 nghìn tù nhân ai cũng biết, vì anh ta có một khí phách đấu tranh rất can đảm rất dũng cảm, bất khuất.

Mỗi một lần ban giám thị trại giam Nam Hà cho tù nhân viết kiểm điểm để nhận tội thì không bao giờ anh Trương Văn Sương nhận tội, và anh viết thẳng vào trong bản kiểm điểm mà ban giám thị đã phát sẵn cho tù nhân rằng anh là người đấu tranh cho lý tưởng tự do dân chủ, cho chính nghĩa quốc gia, không bao giờ có tội; và sẽ đấu tranh đến cùng để giải thể chế độ độc tài của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Mỗi lần viết như vậy, anh lại bị công an, quản giáo báo cáo với ban giám thị để đưa đi cùm, biệt giam. Khi đội cưỡng chế đưa anh xuống khu biệt giam thì anh hô vang những khẩu hiệu “Ðả đảo đảng Cộng Sản Việt Nam, đả đảo chế độ độc tài, Trương Văn Sương này suốt đời đấu tranh cho lý tưởng dân chủ tự do, cho chính nghĩa quốc gia, các cán bộ có giỏi thì hãy bắn thẳng vào ngực Trương Văn Sương đây;” rồi anh phanh ngực ra.

Trước những lời hô bất khuất và dõng dạc như vậy, cán bộ công an rất tức giận và sợ. Có những trường hợp không kềm chế được thì công an xông vào bịt mồm anh, đánh đập anh. Tấm gương đấu tranh của anh như vậy làm cho hàng ngàn tù hình sự và rất nhiều tù chính trị của chúng tôi khâm phục.

Việc này lập đi lập lại không phải một hai lần mà kéo dài trong hàng chục năm ở tất cả các trại giam anh từng đặt chân đến, như trại Suối Máu, Xuân Lộc Ðồng Nai, ở trại Quy Nhơn, ở Thanh Hóa và cuối cùng là trại giam Ba Sao Nam Hà. Mà cũng không phải trong một năm anh bị cùm một lần hai lần mà ba bốn lần, đó là điều chúng tôi hết sức khâm phục ngưỡng mộ tinh thần đấu tranh của anh Trương Văn Sương.

Một điểm nữa tôi muốn nhấn mạnh là Tổng Cục An Ninh là cơ quan quản lý theo dõi các án tù chính trị ở trại giam Ba Sao Nam Hà nhiều lần đến làm việc với anh ở trại giam Ba Sao, yêu cầu anh ấy chỉ cần viết đơn xin khoan hồng, xin giảm án thì nhà nước sẽ tha tù nhưng anh trả lời thẳng với cán bộ là Trương Văn Sương này một là sẽ ở lại đến chết trong tù và hai là sẽ chờ đến ngày đa nguyên đa đảng có tự do dân chủ sẽ được tự phóng thích ra khỏi tù chứ không bao giờ đầu hàng, nhận tội.

Ðấy là anh Trương Văn Sương. Ngoài ra anh ấy còn cầm đầu các cuộc đấu tranh trong buồng giam số 6, phân trại 1 trại giam Nam Hà đòi cải thiện chế độ lao tù, thí dụ không ăn cơm khi nấu cháy khê hoặc nấu sống không đủ định lượng, hai là phát những đồ đựng thức ăn cho những tù nhân ở tù chính trị nhưng thiếu tôn trọng họ như là bát đũa, xô chậu bị méo mó không sạch sẽ, anh cương quyết đấu tranh không nhận khẩu phần ăn, nên ban giám thị ở đây họ hết sức kiêng nể và tôn trọng những yêu sách của tù nhân buồng số 6 do anh Trương Văn Sương dẫn đầu.

Trong những năm cuối cùng trước khi tôi rồi rời trại vào tháng 1 năm 2006 thì anh Trương Văn Sương là một trong những người “cứng đầu” nên công an đưa anh ấy xuống khu giam riêng gọi là buồng 17 nơi Linh Mục Nguyễn Văn Lý và nhiều những tù nhân chính trị, trọng án bị giam ở đây như ông Huy, Bùi Thúc Du, Phan Văn Bàng...

- NV: Phía công an trông coi trại giam đánh giá thế nào về người tù nhân bất khuất này?

- Nguyễn Khắc Toàn: Ðối với quản giáo của trại giam Nam Hà, ví dụ như ông Hoàng Xuân Nam là trung tá, người được ban giám thị và Tổng Cục An Ninh phân công chuyên theo dõi các buồng giam tù chính trị và án tù nhân tôn giáo như buồng số 1, 2, 6 và buồng 17 trong đó có anh Trương Văn Sương và nhiều những tù chính trị, và ông quản giáo thứ hai là Trung Tá Nguyễn Văn Tiên người trực tiếp quản lý những buồng giam này, họ coi trường hợp Trương Văn Sương là một người đấu tranh đối kháng kiên cường, họ rất nể trọng cho nên từng lời ăn tiếng nói đối với anh Trương Văn Sương và những tù nhân tại buồng này, họ hết sức dè chừng và tỏ ra cũng có một phần nào kính trọng các vị này; bởi vì họ cho đó là những tù nhân không thể khuất phục được.

- NV: Là một người đã từng ở tù chung với ông Trương Văn Sương, bây giờ nếu được gặp nhau thì ông sẽ thể hiện cảm xúc của ông ra sao và ông sẽ nói gì với ông Sương?

- Nguyễn Khắc Toàn: Cách đây hơn bốn năm, tôi đã viết trong một bài sau khi ra tù, tựa đề bài đó là “Tù nhân Trương Văn Sương, một Nelson Mandela của Việt Nam”, tôi ngợi ca, mến phục, biểu dương khí phách đấu tranh của anh Sương. Nếu như bây giờ tôi được gặp anh Trương Văn Sương thì tôi sẽ chúc mừng một trong những người anh hùng của chúng ta đã bất khuất không hề lùi bước trước đòn roi và nhiều chục năm tù đày của chế độ.

- NV: Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.


Người tù Trương Văn Sương kể chuyện

Ông Trương văn Sương sinh năm 1943. Trước năm 1975 Ông là Trung Úy quân đội Việt Nam Công Hòa, chức vụ Phân Chi khu trưởng huyện Mỹ Tú, tỉnh Ba xuyên. Thời gian ông đi tù dài gần bằng thời gian từ khi thống nhất đất nước tới nay. Gần đây, nhiều người bạn tù của ông được ra trước đã kể và viết về trường hợp của ông, qua đó dư luận, nhất là các tổ chức nhân quyền lên tiếng đòi trả tự do cho ông. Trước đó, ít ai biết tới cái tên Trương Văn Sương.

Hôm 12/7 vừa rồi, người tù ấy đã được công an trại giam Nam Hà áp tải về tận quê nhà ở Sóc Trăng. Hiện ông đang sống cùng con trai, Trương Văn Dũng tại thành phố Sóc Trăng. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện và thăm hỏi ông, xin gửi tới quý bạn đọc.

Mạc Việt Hồng (MVH): Xin chào ông, được biết ông mới ra tù hôm 12/7 chúng tôi muốn hỏi ông vài câu liên quan tới cuộc sống trong tù. Nhiều bạn đọc chưa biết rõ về trường hợp của ông, vậy xin ông cho biết, ông bị bắt trong trường hợp nào?

Ô Sương bên di ảnh vợ trong căn nhà rách nát của con trai. Ảnh do gia đình gửi.

Ông Trương Văn Sương (TVS): Vào ngày 30/4/1975 tôi là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa không đầu hàng nên bị bắt ngay và bị đưa vào trại giam nhốt cho đến 1981 tức là 6 năm tù cải tạo.

Sau khi được ra khỏi tù, tôi vượt biên qua Thái Lan vào trại tỵ nạn. Khi tổ chức của Lê Quốc Túy tuyển nạp người về phục quốc, tôi đã tham gia từ 6/1982 và được huấn luyện tại Thái Lan cho tới 1/3/1983.

Tôi dẫn một toán xâm nhập vào Cà Mau và bị bắt ngay sau đó. Kể từ 1/3/1983 tới nay, tôi đã ở tù hơn 27 năm.

MVH: Ông bị kết án chung thân?

TVS: Vâng, tôi và 5 người nữa bị án chung thân, một số người trong đó có ông Trần Văn Bá bị xử tử hình. Nhiều người khác mang những bản án nhẹ hơn…

MVH: Những người cùng bị kết án chung thân với ông hiện nay ra sao?

TVS: Họ đã ra tù trước tôi cả rồi.

MVH: Vậy, vì sao ông lại được ra muộn như vậy?

TVS: Tôi không chịu viết đơn xin khoan hồng và nhận tội, trong tù tôi cũng luôn tranh đấu đòi cải thiện đời sống tù nhân và đòi nhân quyền… Họ cho rằng tôi cứng đầu, nên không cho tôi ra.

MVH: Vậy lần này, vì lý do gì ông được trả tự do, thưa ông?

TVS: Tôi không có được trả tự do mà chỉ được tạm hoãn thi hành án vì lý do sức khỏe. Mấy năm vừa rồi, tôi đau yếu, huyết áp cao. Chỉ đánh răng thôi có khi cũng mệt, phải ngồi nghỉ một lúc rồi mới đứng dậy để rửa mặt được. Rồi tôi bị suy tim, chết lúc nào không biết. Họ gọi con trai tôi lên, bảo cháu làm đơn bảo lãnh, rồi họ ký giấy cho tạm hoãn thi hành án. Họ sợ, nhỡ tôi chết ra đó thì phiền cho họ. Bây giờ tôi về rồi, nhỡ có chết là chuyện của gia đình.

MVH: Khi ông đi tù, ở nhà gia đình sống ra sao, có ảnh hưởng gì không?

TVS: Họ phân biệt đối xử với gia đình tôi, với vợ con tôi, đá (1) vào bàn thờ của gia đình tôi. Rồi vợ con bị gây khó dễ, không làm ăn được.

MVH: Còn cuộc sống trong tù của ông?

TVS: Thời gian đầu, tôi phải kéo cày thay trâu. Họ nói, tôi ở ngoài là sĩ quan ngụy, ăn sung mặc sướng nên giờ phải lao động để biết quý trọng sức lao động của nhân dân, biết người ta làm ra hạt thóc, hạt gạo như thế nào, để trả nợ cho nhân dân.

Sau này thì thường xuyên tôi bị cùm riêng, có khi tới 6 tháng trong một năm.

MVH: Ông có nhớ bao nhiêu lần bị biệt giam trong xà lim và cùm chân như vậy không?

TVS: Chỉ tính riêng thời gian tôi bị giam ở trại Nam Hà, từ năm 2001 tới năm 2008, mỗi năm thường tôi bị biệt giam 2 lần, nửa tháng có, 3 tháng có, 6 tháng cũng có.

MVH: Ông có nhớ mình đã qua bao nhiêu nhà tù trong ngần ấy năm không?

TVS: Tôi đã ở các nhà tù trong cả 3 miền Nam- Trung – Bắc. Ở miền Nam tôi đã ở Hậu Giang, rồi trại Biên Hòa. Trại Biên Hòa là một trại giam đặc biệt, bí mật và vô cùng khắc nghiệt vì lúc đó tôi là biệt kích xâm nhập từ nước ngoài về nên họ giam chúng tôi ở đó.

Sau khi xử án xong thì họ chuyển chúng tôi ra trại Xuân Phước. Đây cũng là trại giam kinh khủng mà nhiều người đã bỏ mạng.

Năm 1995, lúc có phái đoàn Liên Hiệp Quốc tới thăm, họ đem giấu chúng tôi đi. Sau khi phái đoàn về, chúng tôi nổi dậy đòi nhân quyền. Họ đem dùi cui, hơi cay khủng bố chúng tôi. Sau vụ này, chúng tôi bị thanh lọc và tôi bị chuyển ra Bắc, đó là tháng 9/1995.


Ở ngoài Bắc, tôi qua 2 trại. Đầu tiên là Thanh Hóa. Tới năm 2000 thì họ chuyển tôi về trại Nam Hà và giam giữ cho tới nay.

MVH: Trong quá trình bị giam giữ như vậy, ông có bị đánh đập, tra tấn gì không?

TVS: Thời gian đầu thì có nhưng sau này khi Việt Nam ký bang giao với Mỹ và ký các Công ước Quốc tế thì không bị nữa nhưng họ vẫn còng tay chân, nhốt vào những chuồng chật hẹp, chỉ có vài cái lỗ nhỏ để thở nên mùa nóng rất ngột ngạt, khó chịu, nằm không có chỗ nằm, rất khổ…

MVH: Việc thăm nuôi ông ở trong tù ra sao, thưa ông?

TVS: Gia đình tôi ở xa, neo người, lại rất nghèo, làm không đủ ăn, nên thi thoảng mới có gửi cho tôi một, vài trăm ngàn. Được cái tôi sống rất hòa thuận với anh em tù, tôi rất siêng năng. Tôi cũng luôn giúp đỡ họ lúc đau ốm hay làm đỡ việc cho họ nên họ cũng nhường cơm xẻ áo cho tôi. Nếu không có sự giúp đỡ của họ, tôi không sống được tới hôm nay để trò chuyện với chị đâu. Anh em sống yêu thương nhau và tình nghĩa lắm.

MVH: Còn tin tức, báo chí trong tù ra sao, thưa ông?

TVS: Ở trong tù chỉ có xem tờ báo Nhân Dân. Ngoài tờ đó ra, không có tờ gì khác. Cũng có lúc anh em qua thăm nuôi biết được thêm tin tức hay nghe lén được đài nước ngoài mà biết tin nọ, tin kia thì chúng tôi rỉ tai cho nhau, mừng vui lắm.

MVH: Cuộc sống của ông hiện giờ ra sao?

TVS: Tôi hiện sống với con trai. Ngày tôi đi tù thì mẹ tôi chết, rồi cha tôi chết. Giờ thì vợ tôi đã mất, con gái cũng mất rồi. Vợ tôi mất năm 2008, con trai giấu tôi, nên giờ tôi mới biết. Cuộc sống của các con cũng nhiều khó khăn, tôi không có chế độ gì cả. Giờ vừa về cũng còn đang vui nên chưa có nghĩ gì.

MVH: Tờ báo của chúng tôi cũng có những lần đưa tin, bài về ông, qua đó, góp phần nào truyền tải những thông tin về trường hợp của ông tới bạn đọc. Nhân đây, ông có muốn nhắn gửi gì không?

TVS: Tôi muốn nói rằng, tôi không có thù oán gì. Chế độ nào, chính sách nào cũng có thể sai lầm, trường hợp của tôi, thôi cứ để cho lịch sử phán xét. Tôi mong nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước cùng đoàn kết đòi thực thi nhân quyền, đòi dân chủ để đưa đất nước ta tiến lên.

Chỉ mới 'tạm phóng thích 12 tháng'


Lữ Tống/Người Việt

LTS: Ông Trương Văn Sương, năm nay 67 tuổi, người tù chính trị được xem là bị nhà nuớc Cộng Sản Việt Nam bắt giam lâu nhất kể từ năm 1975 trở lại đây. Ông bị tù hai lần trong chế độ Cộng Sản. Khi miền Nam thất thủ, ông bị “cải tạo” sáu năm. Ra tù, năm 1981, ông vượt biên sang Thái, tham gia cùng nhóm Lê Quốc Túy, Trần Văn Bá quay trở lại Việt Nam kháng chiến. Nhóm của ông bị đặc tình an ninh Việt Nam cài người vào nên bị bắt ở tỉnh Minh Hải (Cà Mau) năm 1983. Ngày 13 tháng 7 vừa qua, ông Sương được nhà cầm quyền cho xe chở về nhà con trai ở đường 30 tháng 4, khóm 2, phường 3, thị xã Sóc Trăng, Việt Nam.

Phóng viên Lữ Tống của Người Việt đã liên lạc được với ông Trương Văn Sương, qua đường điện thoại, và được ông dành cho cuộc phỏng vấn sau đây.

Lữ Tống (Người Việt): Xin cám ơn ông cho phép tôi có cuộc nói chuyện hôm nay. Trước tiên xin ông cho biết tình trạng sức khỏe của ông hiện nay?

Trương Văn Sương: Rất yếu. Tôi bị suy tim cấp 3, cộng với các thứ bệnh do mấy chục năm trong tù gây ra. Nhiều khi không có thuốc tôi chỉ nằm thở mong cho mau qua cơn mà thôi. Bây giờ thì tạm ổn. Tôi được phát thuốc uống đầy đủ và công an trại giam trước khi chở tôi về nhà đã chữa trị cho tôi một thời gian. Bây giờ thì những cơn nguy hiểm đã qua, nhưng còn những bệnh mãn tính thì vẫn còn hành dữ lắm.

Người Việt: Theo chúng tôi được biết, ông bị kêu án chung thân vì tội gián điệp. Với bản án này, người thi hành án phải được lệnh ân xá từ chủ tịch nước. Trường hợp của ông có phải ngoại lệ?

Trương Văn Sương: Tôi xin nhắc lại cho rõ là họ không trả tự do cho tôi mà chỉ tạm hoãn thi hành án 12 tháng mà thôi. Họ bắt con trai tôi ký giấy bảo lãnh cho tôi mới được về chữa bệnh chứ không phải họ chính thức trả tự do cho tôi.

Người Việt: Trên chuyến xe cùng về, chắc ông và công an cũng có nhiều dịp nói chuyện với nhau. Họ có khuyên hay gợi ý cho ông tránh những việc làm như trả lời phỏng vấn với báo, đài ngoại quốc, hoặc không nên có những hành động mà họ gọi là chống phá cách mạng?

Trương Văn Sương: Tất nhiên. Họ bảo già rồi, về thì lo việc chữa bệnh, chăm sóc gia đình, đừng nghe bất cứ ai hết. Không làm bất cứ điều gì để chánh quyền địa phương phiền hà. Họ còn căn dặn rằng khi về nhà thì phải báo cáo cho Ủy ban Nhân dân phường đàng hoàng và không được có hành vi hay cử chỉ chống đối. Không được đi đâu mà không xin phép... Nói chung, coi như đang được tạm tha, muốn bắt lại hồi nào thì bắt...

Người Việt: Ðược biết ông là người tù lâu nhất trong trại giam Cộng Sản sau năm 1975. Ông có thể kể sơ qua một vài chi tiết về các hoạt động của ông, đã dẫn tới việc bắt giữ và tuyên án nặng nề như vậy?

Trương Văn Sương: Sau khi bị tập trung cải tạo sáu năm vì tôi là trung úy QLVNCH, ra tù, tôi vượt biên sang Thái Lan, gia nhập vào “Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam.”

Tôi làm trưởng toán, dẫn mười anh em nhập biên vào Hòn Ðá Bạc tại mũi Cà Mau. Ðến đó thì tôi và anh em cả toán đều bị bắt. Tôi bị kết án chung thân vào ngày 1 tháng 3, 1983. Tính đến nay, khi tôi được ra khỏi trại giam Nam Hà, thì đã 27 năm 4 tháng rưỡi.

Người Việt : Trong những đợt bắt bớ này, Hà Nội công khai đăng tải những thông tin mà họ nói là “gián điệp thâm nhập chống phá cách mạng.” Ông là người trong cuộc, xin cho biết một ít chi tiết về việc này.

Trương Văn Sương: Thật ra, rất nhiều đợt kháng chiến quân về Việt Nam. Mỗi đợt về có một toán, kéo dài tới ba năm như thế. Tôi làm trưởng toán dẫn 10 người về nước và tháng 12 năm 1980 có một toán đường bộ do thiếu úy Biệt Ðộng Quân tên Trần Dự dẫn về. Toán này cũng bị bắt vì không thành công. Sau này có nhiều toán xâm nhập bằng đường biển, vì đường bộ bị phát hiện nhiều quá. Từ năm 1981 cho đến 1985, rất nhiều toán quân thâm nhập vào Việt Nam. Số anh em bị nhốt chung với tôi ước lượng khoảng 200 người. Ða số bị bắt từ năm 1980 tới 1985.

Toán của tôi thì coi như họ đã được thả ra hết. Một số bị bệnh chết, một số vượt trại bị bắn chết, còn bao nhiêu người còn lại đều được thả hết, chỉ còn duy nhất một mình tôi ở cho đến hôm nay.

Người Việt: Ông nổi tiếng là người dám chống đối công an công khai trong trại giam. Xin ông kể cho vài chuyện liên quan đến ông.

Trương Văn Sương: Tại trại giam Nam Hà, tôi chống đối họ rất nhiều lần. Tất cả anh em đều cho tôi là người anh hùng, nhưng tôi không dám nhận danh từ này. Cứ sáu tháng thì tôi phải bị cùm, bị biệt giam kỷ luật một lần. Mỗi năm tôi bị bắt đi hai lần như vậy. Lý do là vì họ bắt tôi phải viết lại bản kiểm điểm vì bản kiểm điểm của tôi họ không vừa lòng.

Người Việt: Họ không vừa lòng ở điểm nào, thưa ông?

Trương Văn Sương: Bản kiểm điểm của tôi viết như vầy: “Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi vô tội và chúng tôi là những người có công với đất nước. Chúng tôi đã đem mồ hôi xương máu xây dựng và đấu tranh cho nhân quyền, tự do dân chủ cho Việt Nam. Còn với những người có tội thì chính đảng Cộng Sản Việt Nam mới là người có tội. Bằng chứng là các cuộc cải cách ruộng đất đã giết chết bao nhiêu người vô tội tại miền Bắc. Sau đó năm 1975, một lần nữa sau khi chiếm được miền Nam họ đã làm kiệt quệ kinh tế bằng các cuộc cải tạo tư sản. đánh tư bản, đẩy dân đi kinh tế mới, gây cho hàng triệu người vượt biên trong đó hàng trăm ngàn người đã chết. Họ đã buộc hàng trăm ngàn sĩ quan QLVNCH đi cải tạo và có biết bao người chết mà không biết thân xác bị vùi dập nơi đâu. Cán bộ thì tham nhũng, thối nát, hiếp đáp dân chúng trong hàng chục năm qua nhưng lại hèn nhát cúi đầu trước các vụ lấn đất, lấn biển của ngoại bang. Hoàng Sa, Trường Sa không được bảo vệ khiến đất nước cha ông đã và đang rơi vào tay quân giặc.”

Tôi viết như vậy mấy lần giống nhau, và khi họ thấy không ép tôi được nữa, họ kể như lơ luôn.

Người Việt: Riêng trường hợp họ đề nghị ông viết đơn xin ân xá thì ông trả lời ra sao?

Trương Văn Sương: Ban đầu, họ biểu tôi làm đơn xin ân xá nhưng tôi không chịu. Tôi là người có công với đất nước chớ đâu phải có tội như họ đâu mà xin ân xá. Người xin ân xá phải là họ chớ đâu phải tôi? Nhưng đến khi nghĩ lại, thời gian qua tôi đã chứng tỏ mình là người như thế nào rồi và hơn nữa tôi bệnh quá nặng, sợ không nhìn thấy được con cháu. Cuối cùng tôi nhượng bộ làm đơn xin ân xá. Tôi vẫn tin rằng lịch sử sẽ minh chứng cho tôi và mọi người anh em, bạn bè sẽ hiểu cho tôi sau này...

Người Việt: Những ngày cuối cùng trong trại giam trước khi được thả, công an đối xử với ông có khác trước hay không? Vì họ biết phải thả ông ra và không muốn lôi thôi nếu ông chết trong tù?

Trương Văn Sương: Phải nói là trong những ngày cuối cùng, kể từ đầu năm 2010 tới giờ, họ đối xử với tôi rất tử tế. Họ có vẻ kính trọng mình, nhất là qua đợt bệnh vừa rồi họ chăm sóc rất chu đáo. Mới đây nhất, trong chuyến đưa tôi từ miền Bắc vào Nam, họ ưu ái tôi không khác nào đối với một vị tướng vậy! (sic)

Nếu mà nói Cộng Sản xấu thì cũng không hẳn lắm. Bởi ở giai đoạn cuối họ đối xử với tôi rất khác lạ, phải nói là ưu đãi đủ mọi chuyện. Nhưng ngắn thôi, chừng một năm trở lại đây thôi, còn hai mươi mấy năm về trước họ coi tôi như con bọ, con dòi vậy, thua con vật xa... Chuyện này cho tôi hiểu như thế này: Họ biết họ phải thả mình nhưng nếu cứ đối xử với mình một cách tồi tệ như trước đây thì tất nhiên mình sẽ nói xấu họ. Ðó chẳng qua là một thủ đoạn. Ngày nào họ giẫm mình xuống bùn nhưng đến khi nhận thấy rằng giẫm mình không xuể thì họ vuốt mình mấy câu... Họ khen, rồi tắm rửa cho mình, lau chùi đánh bóng cho mình... để quảng cáo rằng: họ là những người tốt, là những ân nhân làm ơn cho mình...

Người Việt: Hoàn cảnh gia đình ông, theo chúng tôi biết, rất khó khăn. Ông chia sẻ gì về vấn đề này hay không?

Trương Văn Sương: Tôi có ba con, hai trai một gái. Bảy cháu nội và hai cháu ngoại nhưng không có đứa nào đi học đàng hoàng cả. Ðó là nỗi đau nhất của tôi từ xưa tới nay. Nghèo quá mà làm sao đi học cho được, hơn nữa cha của tụi nó ở tù vì tội phản cách mạng nên tụi nó đâu dám chường ra với người ta mà học hành đàng hoàng. Vừa nghèo vừa dốt nát... Kết quả sau bao nhiêu năm trong tù còn lại với gia đình tôi như thế.

Người Việt: Và cuối cùng thì ước nguyện của ông đối với đồng bào, dân tộc như thế nào?

Trương Văn Sương: Tôi vẫn muốn dân tộc Việt Nam bây giờ nên hướng về tương lai. Nên đối xử với nhau trong tinh thần nhân đạo. Hãy để quá khứ về quá khứ.

Người Việt: Xin cám ơn ông!

===========
Ông hiện ở với người con trai tên: Trương văn Dũng, 124/9 Phường 3 khóm 2 Đường 30-4 thị xã Sóc Trăng VN, số phone 3617269

Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010

Vì sao di cư?

Không biết có bao nhiêu gia đình di cư vào Nam những năm 54 kể lại cho con cháu nghe những gì đã xẩy ra và lý do tại sao họ phải bỏ tất cả của cải ruộng đồng, quê hương cha mẹ để vào Nam. Riêng tôi, chỉ biết cha là người con trai duy nhất vào Nam, để lại bao nhiêu khổ sở cho những người còn lại ở miền Bắc vì có thân nhân vào Nam. Mẹ tôi là người buôn bán, và buôn bán thì không thể sinh sống ở miền Bắc cho nên rồi cũng vào Nam. Họ gặp nhau sinh ra đàn con, đưá nói tiếng Bắc, đứa nói tiếng Nam pha Trung chả giống ai cả.

Mãi đến 75 nhận được tấm thiệp của họ hàng gửi trở vào để nhận nhau tôi mới biết tôi có ông bà, cô chú bác ở ngoài Bắc. Đó lại là tấm thiệp cha tôi gửi ra miền Bắc cho ông bà báo tin đã có hai cô con gái. Rồi thì ông bác lặn lội từ miền Bắc, ông cũng bỏ tất cả dắt theo đàn con gái chạy vào Nam ngay sau 75 để sinh sống. Ông đã hụt đi từ năm 54, cho nên ông nhất quyết không thể để hụt lần nữa. Thấm thoát đã 35 năm, các bà chị họ của chúng tôi đã sinh sống ở Sàigòn còn dài hơn thời gian tôi lớn lên ở miền Nam.

Một lần về quê, tôi bắt gặp một giọng nói rất đặc trưng của miền Bắc ở mãi cuối tận Rạch Giá, nghe rất lạ. Tự nhiên thấy thương cho người VN, sách vở nói người VN yêu quê hương làng mạc của họ, có người cả đời chẳng bao giờ đi ra khỏi ngôi làng của họ, nhưng ngày nay tất cả đã thay đổi, họ phải đi rất xa, họ là những người tiên phong đi khai khẩn núi rừng, đi tìm đất sống, họ đi tìm tự do. Bao giờ VN có dân chủ chắc phải làm một cuộc thống kê, bao nhiêu người dân đã đi Nam, đã ra biển, đã rời quê hương nhỏ/lớn? Bao nhiêu người đã trở về đã đi ngược ra Bắc?

Do đó tôi rất thích đọc những câu chuyện về "lịch sử" về sự chuyển động của con người VN. Họ đã đi đâu về đâu, vì sao? Ngày nay đất nước "thanh bình" nhưng hàng ngàn người vẫn bỏ nước ra đi với nhiều lý do khác nhau. Câu hỏi vẫn là vì sao?


Nhà bác cả ở lại với Việt Minh từ ngày hai bên ký kết hiệp định Genève chia đôi đất nước đến nay đã được nửa năm, bây giờ họ nhất quyết ra đi.

Cái tết đơn sơ nghèo nàn đã trôi qua được gần một tháng. Chị Thoa đưa hai người em Vân và Khoa đi trước, anh chị em đã bàn với nhau nên đi từ từ để chúng nó khỏi nghi. Họ ghé La Khê quê ngoại để chào bà, các cậu mợ, các bác… trước khi bỏ xứ ra đi. Ba chị em ra Hà Đông rồi đi xe điện lên Hà Nội ngủ lại nhà dì Hai một đêm sáng sớm hôm sau ra ga xe hỏa mua vé đi Hải Phòng. Lúc lên tầu trời còn tối, anh công an cầm giấy thông hành bấm đèn bin soi sơ qua một lúc rồi đưa trả lại cho Khoa, Vân, cũng may nhờ trời tối nó không biết giấy thật hay giả.

Tầu bắt đầu chuyển bánh, Khoa nhìn ra cửa sổ, Hà Nội đang lùi lại phía sau, nơi phồn hoa đô hội văn minh xinh đẹp ngày nào nay chỉ là một thành phố chết tiêu điều sầu thảm. Cậu đã được học trên tỉnh, thỉnh thoảng lên chơi Hà thành, quen nếp sống văn minh tân tiến nay tự nhiên lại thấy đau lòng trước cảnh nghèo nàn bệ rạc. Khoa ngồi tựa tay lên thành cửa miên man suy nghĩ, cậu và Phúc trước hay nghe những bản nhạc ngợi khen Sài gòn viên ngọc trân châu trên Á Đông, đã ao ước được vào Nam để thấy thành phố ấy, nhưng nay khi lên đường đi Nam cậu lại thấy xúc động rạt rào. Hôm qua lúc chia tay, bà ngoại âu yếm cầm tay chị em cậu bảo.

-Các cháu vào trong ấy rồi nhớ viết thư cho bà, cho các cậu nhá, bà không biết bao giờ các cháu mới về thăm quê ngoại.

Nghe thế Khoa bèn hứa hẹn bà cụ mấy câu để cụ yên tâm.

-Cháu sẽ viết thư thăm bà và các cậu mợ, chúng cháu nhớ bà lắm chứ.

Bà cụ già bịn rịn cầm tay Khoa một lúc lâu, cách đây mấy năm, cậu đã ở trọ nhà bà ngoại gần một năm để đi học trên Hà Đông, hồi ấy cậu chưa biết đi xe đạp, bà chăm lo cho cơm nước cho cậu, là niềm an ủi của cậu lúc xa nhà. Khoa bùi ngùi cảm động biết rằng chẳng bao giờ còn có dịp gặp lại bà, hình như bà cũng linh cảm như thế vì cậu ta chợt thấy một giọt lệ long lanh trên mắt cụ. Các cậu mợ và các em cũng đứng ngoài sân chia tay chị em cậu, nhớ lại cảnh chia ly Khoa thở dài tự nhủ.

-Biết bao giờ mới gặp lại bà, biết bao giờ gặp được các cậu mợ, các em, bèo hợp rồi tan, người đi kẻ ở, ai gây nên nỗi.

Nhưng một lúc sau nghĩ đến Hải Phòng, đến chế độ Quốc Gia Tự Do mà mình đã sống trước đây, cậu ta lại phấn khởi tinh thần vì chỉ trong ngày hôm nay chị em cậu sẽ thoát khỏi bàn tay của chế độ hà khắc để được trở lại cuộc sống tự do. Tầu chạy mãi đến chiều thì sang địa phận Quốc Gia, rồi tới Hải Phòng, ba chị em đi bộ một lúc về ngõ Cô Ba Chìa, đến hiệu thợ may bên trong rồi lên tầng trên nơi gia đình bác hai Chương thuê tạm một, hai tháng chờ đi.

Bác Hai và các anh chị mừng rỡ tiếp đón mấy người em họ đã thoát được xuống đến đây, anh Hiền tươi cười bảo.

-Các em đi được như thế anh cũng mừng cho, còn chú thím, các em kia chắc nay mai cũng xuống đây, khi nào xuống đầy đủ cả nhà thì lên Hội Đồng Di Cư Bắc Việt ghi tên xin vé tầu, đi tầu bay thì phải chờ lâu hơn, muốn nhanh thì đi tầu thủy.

Chị Thoa đưa hai em xuống Hải Phòng rồi lại trở về làng để lo cho mấy đứa kia. Hàng xóm láng giềng đoán là nhà bác Cả sẽ đi Nam nhưng họ cũng không tò mò hỏi han, nhà bác Cả vẫn lặng lẽ sinh sống bên trong lũy tre xanh.


Mấy hôm sau chị bảo ba đứa em Phúc, Thùy, Dung.

-Chiều nay chị đưa các em ra bà ngoại, mai sẽ lên Hà Đông, không đứa nào được nói gì với ai nhá, ai có hỏi thì nói ra bà ngoại ăn cỗ.

Bọn trẻ vâng vâng dạ dạ chứ chẳng ra vẻ buồn bã tí nào, dù đây là chuyến đi bỏ làng bỏ xứ nhưng chúng vẫn tỏ ra thản nhiên như không. Hồi trước tết chị đã đưa ba đứa ra nhà bà ngoại chờ đi nhưng sau nhà đổi ý nên lại đưa chúng trở về, lần này cả nhà đã nhất quyết ra đi, nước đến chân bây giờ mới nhẩy, nhưng thà trễ vẫn còn hơn không.


Chiều hôm ấy các cô cậu chuẩn bị lên đường, tất cả chỉ đi người không, quần áo đã được chị đưa đi từ tuần trước. Lúc sắp xuất hành, ba đứa đứng ở nhà ngang, Phúc bảo các em.

-Mình nhìn lại nhà gác lần cuối nhá.

Rồi cả ba đứa quay mặt nhìn căn nhà gác hai tầng một lúc từ bậc thềm phía trước lên đến mái ngói mầu đỏ sậm, nhìn các cửa kính sáng choang. Căn nhà này các cụ, kỵ ngày xưa đã xây lên để lại cho con cháu, nhưng thế sự đổi thay, con cháu phải vĩnh biệt nó ra đi không bao giờ trở lại, tài sản các cụ để lại nay đã tan đi như mây khói.

Chị Thoa khi ấy đã đứng ở bên kia vườn đưa tay vẫy bọn trẻ đi theo, mấy chị em băng qua cái cửa hẹp cuối hàng rào cây ổ dô rồi ra một con đường gạch tiểu lộ, họ đi quanh co một lúc thì đến bìa làng. Phúc và các em bước ra khỏi lũy tre xanh không bao giờ trở lại, chiều nay ánh nắng vàng úa đang tàn dần trên cánh đồng cuối đông, một vài bác nông phu đang căm cụi bên luống khoai, mấy đứa trẻ chăn trâu ngước mắt thản nhiên nhìn anh em Phúc đi ngang qua.

Đi được một quãng xa, Phúc ngoái cổ nhìn lại lũy tre xanh, nóc nhà gác vẫn còn hiện ra trên nền trời chiều xanh nhạt, cậu chẳng thấy buồn gì cho lắm, cậu biết rằng thầy mẹ đã cùng đường phải bỏ hết cả để ra đi, cậu cũng chẳng thấy tha thiết gì đến mái nhà ấm cúng, đến quê cha đất tổ.

Bốn chị em đi theo con đường đất qua hai ba làng thì đến nhà bà ngoại ngủ nhờ một đêm để hôm sau đăng trình. Tối ấy bác Hai La ở làng bên được tin cũng ghé thăm các cháu, bác nói.

-Bác đã hết lòng với nhà cháu rồi đấy nhá, bác chúc các cháu may mắn thượng lộ bình yên.

Cậu Mai bảo.

-Các cháu vào trong ấy, mai kia có tổng tuyển cử thống nhất đất nước lại bầu cho chúng nó.

Bọn trẻ chẳng để ý đến chuyện ấy chúng chỉ biết gia đình đã nhất quyết ra đi từ bỏ tất cả. Môt lúc sau cậu hỏi.

-Vào trong ấy lấy gì mà sống?

Thùy bảo.

-Anh chị cháu nói nó nuôi mình sáu tháng.

Cậu Mai thích Việt Minh nên không tin.

-Ối giời ơi, nó mà nuôi cho sáu tháng, tiền đâu nó nuôi mình?

Phúc cầm cuốn vở lớp ba của con trai cậu Mai đọc lướt qua một bài học thuộc lòng.

“ Đừng nghe lời thằng Diệm

Thằng Diệm nói Chúa đã vào Nam

Chúa đây không phải xóm làng riêng ta.

Chúa là chung của mọi nhà.

Người đâu Chúa đấy ai mà chẳng hay”.

Trước kia Phúc đã mê Việt Minh một thời, bây giờ nghe Việt Minh nói nó lại không tin họ như trước nữa. Chiều hôm sau Chị Thoa và các em lên Hà Đông, cậu Mai ôn tồn nhắn nhủ các cháu.

-Cậu không biết nói gì hơn là chúc cho các cháu ra đi bình yên, khi nào đất nước thống nhất, các cháu sẽ về quê ngoại thăm bà và các cậu.

Bà ngoại, cậu Mai tiễn các cháu ra tận ngoài đầu ngõ. Phúc chân bước đi mặt còn ngoảnh lại, đi quá cái quán đầu làng rồi nó thấy bà và cậu Mai vẫn đứng trông theo, mãi cho tới khi bà và cậu khuất sau bụi chuối Phúc mới tiến bước đi nhanh theo chị, ôi cảnh biệt ly sao mà buồn thay. Thế là cậu và các em đã bước chân ra khỏi lũy tre xanh làng La Khê không bao giờ trở lại.

Đi bộ chừng nửa ki lô mét là tới Hà Đông, Thoa ghé nhà bà Lan, một người chị họ để đưa chị ấy cùng đi Nam theo chồng đã đi trước đây. Chiều hôm ấy họ lên tầu điện đi Hà Nội, chừng hơn một giờ là tới nơi. thành phố bây giờ ngủ yên dưới bóng đêm buồn tẻ, tịnh không nghe thấy một tiếng động cơ nào ngoài phố xá. Ngủ nhờ nhà dì Hai một đêm, chị em thuê xe ra nhà ga Hàng Cỏ.

Trời còn tối đen, mấy ngọn đèn vàng nhạt chiếu ánh sáng mờ mờ xuống đường phố, sân ga. Một bà cụ bán xối ghé lại gần Phúc, Thùy bảo.

-Cậu ăn một trăm xôi nhá! Cô ăn một trăm xôi nhá!

Phúc lắc đầu, cậu vẫn còn vương vấn nghĩ đến buổi tiễn đưa đầy xúc động ở nhà bà ngoại tối qua. Cậu nhìn theo bà hàng xôi trong lòng ái ngại, sáng tinh mơ đi quanh sân ga bán không biết được bao nhiêu gói giữa khi chẳng ai có tiền bạc là bao. Chị Thoa dắt tay các cô cậu lên xe hỏa, một lúc sau trời đã sáng hẳn, tầu từ từ chuyển bánh, Phúc nhìn ra cửa sổ phía xa xa, nó thấy cảnh vật cứ quay tròn lại, lần đầu tiên trong đời đi xe hoả, cậu thấy nhiều cảnh lạ. Một anh hát xẩm mù tay kéo nhị, miệng lên giọng hát bài than vãn cho thân phận những người đi Nam.

“ . . bán con như thể bán trâu, năm trăm hai đứa còn đâu gia đình…”

Hình chụp vào tháng 9 năm 1954 với một số người Bắc di cư trên tàu USS Bayfield khi tàu vừa cặp bến Saigon. Sau Hiệp Định Geneve, tàu USS Bayfield là một trong những vận-chuyển hạm của Hải Quân Hoa Kỳ được giao phó nhiệm vụ chở người tị nạn từ Bắc vào Nam. (HÌNH ẢNH: Trung Tâm Quân Sử Hải Quân Hoa Kỳ). Ảnh: flickr

Chị Lan nhìn Thoa mỉm cười cái trò tuyên truyền hạng bét ấy đánh lừa được ai, người ta đặt ra những truyện ghê sợ để doạ những người di cư, nào là vào Nam để bón cao su, nghe lời thằng Diệm rồi cũng đi ăn mày… Phúc vẫn nhìn qua cửa sổ, cảnh vật vẫn quay tròn xa xa, cậu bé biết rằng nhà mình đang đi trốn Việt Minh để đi Nam, dù không thù ghét Việt Minh nhưng cậu cũng biết rằng nhà mình đang bị Việt Minh đe dọa.

Tầu vẫn chạy vùn vụt về phương đông mang theo những kẻ chạy trốn chế độ độc tài hà khắc, chạy trốn cái chết, họ bỏ lại sau lưng những bức chân dung các ông chủ tịt vĩ đại, bỏ lại ngọn cờ đỏ sao vàng, cờ hồng Liên Sô, cờ hồng Trung Quốc. .

Đến chiều chị Thoa bỗng cúi xuống nói nhỏvới các em.

-Khi nào đến Phạm Xá là sang địa phận Quốc Gia, cũng sắp tới rồi.

Các cô cậu trong lòng khấp khởi mừng thầm, Phúc nghe xong khẽ gật đầu ra ý đã hiểu, cậu không dám hé răng hỏi chị thêm cậu nào. Tầu vẫn chạy đều đều, tiếng bánh xe lăn trên đường sắt vẫn lạch lạch như vô tận, một lúc lâu sau còi tầu rít lên một tiếng hú rất lớn rồi tầu từ từ ngừng lại. Thoa nhìn chị Lan, nhìn các em ra ý tầu đã sang địa phận Quốc Gia, sắp thay đổi người lái, thay đổi lá cờ cắm trên toa đầu. Mọi người hồi hộp, cái giây phút quyết định cuộc đời của họ bây giờ đã đến.

Tầu ngừng lại chừng nửa giờ rồi lại chạy vụt đi, qua khung cửa Phúc và các em đưa mắt nhìn ngọn cờ vàng của quân đội Quốc Gia xa xa, niềm hân hoan hiện rõ trên nét mặt, cậu biết rằng anh em mình đã thoát được sang địa phận Quốc Gia. Phúc nhớ lại bẩy tám tháng trước đây, hồi quân đội Quốc gia đóng tại nhà mình, cậu đã theo mấy ông sĩ quan xuống đền bắn chim và bây giờ cậu có cảm tưởng như gặp lại những người bạn cũ.

Tầu chạy một lúc lâu sau thì vào đến nhà ga Hải Phòng, chị Thoa dắt tay các em xuống, bọn trẻ ngơ ngác nhìn sân ga đông nghẹt những người. Phúc nhìn quanh quẩn, chưa bao giờ cậu được thấy một đám người đông như thế, những ngày hội hè đình đám ở làng Đông Lao cũng chưa bao giờ đông ghê gớm như cậu thấy trong ngày hôm nay. Người ta từ trên tầu bước xuống sân y như nước chảy, một số đi buôn hàng mua qua bán lại kiếm ăn trên đường Hải Phòng Hà Nội, nhưng đa phần là những kẻ thập phương tứ chiếng từ khắp mọi nơi trên đất Bắc vội vã đổ về đây, một thành phố cuối cùng của Thế Giới Tự Do tại Bắc Việt để được thở hít cái không khí Tự Do.

Bây giờ là tháng hai, chỉ còn vài tháng nữa là hết hạn ba trăm ngày vào Nam ra Bắc. Trong những ngày tháng cuối cùng của thời hạn di cư, những kẻ từ Hà Đông, Hà Nội, Ninh Bình, Kiến An, Hải Dương, Phủ Lý, Hà Nam… những kẻ từ khắp các nẻo đường miền Bắc đổ về đây hàng nghìn, hàng vạn người mỗi ngày để tìm đường dẫn đến Thế Giới Tự Do, ai nấy tươi cười hớn hở, chẳng cần nói thành lời, thoạt trông cũng biết họ mừng như mở cờ trong bụng, họ đã tìm lại được Tự Do.

Những kẻ đã nồng nhiệt đón chào Việt Minh trở về khi hoà bình trở lại Đông Dương, đã sống với Việt Minh độ nửa năm và nay đã thấy rõ cái bộ mặt ghê tởm của Việt Minh, họ không còn đường nào khác hơn là từ bỏ tất cả quê cha đất tổ, mồ mả ông bà để ra đi dù là với hai bàn tay trắng. Chị Lan, Phúc, hai cô em có cảm tưởng mọi người đều tử tế, ai nấy niềm vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt, hình như ai cũng phúc hậu cả, ai cũng cùng chung một một điều mong ước và nay niềm mong ước của họ đã thành sự thật. Ai cũng ra vẻ tươi cười hớn hở với nhau, cùng biểu lộ một niềm chân tình, hoài bão. Phúc thấy sân ga vui quá, niềm vui như tràn trề lai láng đổ ra khắp nơi, cậu cũng nghe thấy những tiếng cười ròn rã của những kẻ đã tìm thấy cuộc sống Tự Do. Phúc nhìn lá cờ vàng ba vạch đỏ phất phới bay cậu có cảm tưởng như lâu ngày gặp lại bạn cũ, cậu nhìn lên bức tường phía trước đọc mấy hàng khẩu hiệu viết bằng chữ in thật lớn.

“Cụ Ngô thống nhất sơn hà

Già Hồ chia sẻ nước nhà làm hai”.

Bức tường bên phải thì viết.

“Ai vô Nam đợi mấy tôi cùng.

Để tôi còn gỡ cái chòng Việt Minh”.

Phúc không hiểu nghĩa chữ “vô Nam” là gì nhưng cũng không muốn hỏi chị, cậu biết đó là những khẩu hiệu tố Cộng, ngoảnh sang bên trái cậu bé lại thấy một biển ngữ bằng vải to dài cũng có hai hàng chữ.

“Đường tầu hỏa Mục Nam quan

Vơ vét thóc gạo đem sang cúng Tầu”.

Một niềm hân hoan sung sướng tự nhiên nổi lên trong lòng Phúc và chị em cậu, Phúc thấy lòng vui lâng lâng, từ thuở bé đến giờ lần đầu cậu được thấy một nơi xa lạ với những tình cảm sung sướng dạt dào như thế. Cách đây bốn năm được lên Hà Nội chơi cậu cũng không thấy súc động nhiều như bây giờ vì nơi đây sẽ thay đổi toàn diện cuộc đời của mọi người trong gia đình cậu, nó sẽ đưa cả nhà thoát khỏi nơi tối tăm u ám lên chỗ thanh cao sáng lạn.

Chị Thoa dẫn các em đi bộ hơn một ki lô mét thì đến ngõ Cô ba Chìa, họ vào ngõ rồi đi tới một hiệu may thì rẽ vào rồi bước lên gác. Tại đây nhà bác hai Chương đã đi gần hết chỉ còn một hai người, bác nói chị em Thoa cứù ở đây vì bác đã trả tiền nhà cho chủ rồi, phòng bên ngoài dành cho các cháu.

Thoa đưa các em xuống Hải Phòng rồi lại về làng để đón thầy mẹ đi, xong chuyến này là cả nhà sẽ đi thoát hết. Gần một tuần sau khi đưa các em, cô trở về nhà nói cho thầy mẹ biết mọi việc đã xong xuôi, nhà còn vợ chồng bác cả và Hoàng con trai lớn. Thoa và Hoàng bàn cả nhà đi vào lúc chiều tối, cậu đi trước để người ta khỏi nghi, còn thầy mẹ và Thoa sẽ đi làm hai đợt ra quê ngoại.

Chiều hôm ấy bác Cả sai con mời vợ chồng nhà Cả Khiêm hiện ở nhờ tại khu vườn nhà bác phía sau nhà. Trước đây mỗi khi nhà có giỗ hai vợ chồng Khiêm đều sang làm giúp, lần này họ cũng đoán là có việc quan trọng nên vội sang ngay, bác Cả đi ngay vào đề.

-Vợ chồng bác đối với chúng tôi cũng như chỗ người nhà, chẳng dấu gì hai bác gia, đình tôi đi Nam dần dần từ mấy tuần nay, chiều nay chúng tôi sẽ đi sau cùng. Tôi cũng chẳng còn gì chỉ có một ít quần áo, bát đĩa để lại cho hai bác và các cháu, không biết bao giờ mới trở về, nhờ bác trông nom hộ nhà cửa vườn tược được ngày nào hay ngày nấy, ai có hỏi gì cứ nói chắc nhà ông bà ấy đi ăn giỗ ngoài La Khê hay nói không biết thì cũng được.
Cả Khiêm tỏ vẻ cảm động đáp.

-Chúng cháu chịu ơn ông bà cũng nhiều, ông bà cho nhà cháu ở nhờ từ bao lâu nay chúng cháu không quên ơn, xin ông bà cứ yên tâm chúng cháu sẽ giữ kín mọi chuyện, chúng cháu sẽ làm theo y như nhời ông bà đã dặn.

-Ngày mai bác sang đây xem có thích cái gì thì cứ đem về, bác cũng biết chúng tôi bây giờ tiền bạc chẳng còn gì nữa, nếu có thì cũng chẳng tiếc bác.

-Không biết bao giờ chúng cháu mới gặp lại ông bà, chúng cháu xin chúc ông bà các cô các cậu đi cho may mắn.

Bác gái tiễn vợ chồng Cả Khiêm ra tận cửa hông bên hàng rào cây ổi rô, người nô bộc trung thành chắp tay cúi chào bà chủ một cách chân tình, nước mắt chảy vòng quanh, biết rằng hai bên chẳng có ngày gặp lại.

Hình chụp tại Saigon vào tháng 10 năm 1954 trong một trại định cư với hàng trăm căn lều. Lúc đó, một trong những trại định cư lớn nhất ở Saigon là trại Phú Thọ Lều được thiết lập tại Quận 10 sát bên trường đưa Phú Thọ. Trại này có lúc đã chứa đến 10,000 người di cư. Ảnh: flickr

Thoa đi trước một lúc lâu rồi hai vợ chồng bác Cả cũng nhẹ nhàng khép cửa đi ra ngoài vườn, băng qua hàng rào ổi rô ra con tiểu lộ để lần mò ra đồng, lúc ấy trời đã sâm sẩm tối. Bước chân đi, bác Cả cảm thấy một nỗi buồn tê tái nổi lên trong lòng, ruộng nương, vườn tược, nhà thờ, nhà gác của ông bà cha mẹ để lại bây giờ tự nhiên tuột khỏi tầm tay bác. Thời thế đổi thay nhanh như trong một cái chớp mắt, sự nghiệp ông cha để lại bây giờ tan biến đi như cơn gió thoảng, nay cả nhà ra đi với hai bàn tay trắng, bác đưa tay gạt mấy giọt nước mắt rồi nhanh chân bước cho chóng đến La Khê quê vợ.

Băng qua cánh đồng dưới ánh trăng lờ mờ, qua hai ba làng vợ chồng bác đến quê ngoại của các con. Tối ấy bác gái và bà cụ thủ thỉ tâm tình với nhau trong những giây phút cuối cùng mẹ con còn ở bên nhau.

Hôm sau lúc Thoa và thầy mẹ cô xách cái túi nhỏ lên vai ra sân gạch để lên Hà Đông cho kịp giờ tầu điện, bà ngoại và hai cậu đi theo ra tận cổng. Cậu Tùy than thở với anh chị.

-Chúng em chúc anh chị ra đi may mắn, thời thế xoay vần nghiệt ngã quá, chị em, cậu cháu mỗi người một phương không có ngày gặp lại.

Họ ngoại của Thoa chỉ có một mình gia đình cô đi Nam, tất cả đều ở lại, đường ai nấy đi, âu cũng là tại cái số trời, các dì các bác, cậu mỗi người giúp cho một ít tiền Đông dương, của ít lòng nhiều. Người đi kẻ ở chia tay bịn rịn một lúc lâu, anh chị em cùng một cha mẹ sinh ra nay bỗng kẻ bắc người nam, mỗi người một ngả, bèo hợp rồi tan . Bà ngoại khóc đỏ hoe cả mắt nhất định đưa con cháu ra tận đầu làng, bà đi theo mãi cho đến tận quãng đưỡng lên tỉnh mới chịu thôi. Con cháu chân bước đi mặt còn ngoảnh lại, ai nấy ruột gan sót sa như muối đổ trong lòng, nay mới thấm thía cái ý nghĩa cao cả của giây phút sinh ly chia cách, cảnh bể dâu con tạo thật cay đắng tàn nhẫn thay.

Tại Hải Phòng, chiều nào cũng vậy, anh em Khoa Phúc lại rủ nhau ra ga xe lửa đón thầy mẹ từ quê nhà xuống đây, ba bốn hôm liên tiếp, chẳng thấy ai các cậu lại thở dài bảo.

-Hôm nay thầy mẹ, anh chị lại không đến rồi.

Cả hai lại lủi thủi về nhà, lòng dạ bồn chồn không yên. Hiện năm người con bác cả đã đến được Hải Phòng, chỉ còn hai bác và hai người con lớn là đủ cả để lên tầu vào Nam. Rồi một hôm đẹp trời, nắng vàng phủ xuống sân ga, Phúc Khoa lại ra ga đón thầy mẹ như mọi lần, Phúc thấy Hoàng mặc áo sơ mi xanh trên tầu, anh ngồi sát cửa, cậu vội kêu lên.

-Kìa anh Hoàng, cả thầy mẹ nữa.

Mấy anh em chen chân vào tận cửa toa mừng rỡ kêu ầm lên.

-Mẹ! mẹ, anh Hoàng. .

Bác gái ra vẻ bực bội nói.

-Yên nào, người ta đang mệt gần chết đây.

Thật ra bác mệt mỏi vì tinh thần hơn vì thể xác, cuộc viễn du đầy phiêu lưu gian khổ khiến cho vợ chồng bác xúc động lo âu mặc dù đó là con đường duy nhất, không còn đường nào khác. Hơn nửa năm trước đây bác Cả chấp nhận ở lại với kháng chiến thành công tưởng rằng nay đất nước đã giành được độc lập, đánh đuổi được giặc Tây ra khỏi giang sơn, nhưng sự thật phũ phàng đã làm bác và biết bao gia đình thất vọng, bây giờ mọi người đã thấy rõ bộ mặt thật ghê tởm của Việt Minh Kháng Chiến và cuộc phiêu lưu biệt xứ đã diễn ra bi thảm như thế này đây.

Khoa, Phúc dẫn thầy mẹ anh chị về ngõ Cô ba Chìa, leo lên gác ra phòng ngoài, cả nhà bác hai Chương đã đi Nam mấy hôm trước, bác dặn các cháu cứ ớ đây vì bác đã trả tiền nhà cho đến hết tháng ba. Phòng trong nay có một gia đình giầu mới ở Hà Nội dọn xuống, ông bà Lưu và năm sáu người con đã trốn thoát xuống đây để theo đoàn di cư lánh nạn.

Bây giờ là gần cuối tháng hai, chỉ con vài tháng nữa là hết hạn ba trăm ngày di cư, Việt Minh sẽ về tiếp thu Hải Phòng. Anh em Hoàng, Khoa bèn vội lên Hội Đồng Di Cư Bắc Việt để xin vé đi Nam vì cả nhà đã tề tựu đông đủ rồi, đi tầu bay phải chờ lâu nên nhà muốn đi tầu thủy cho nhanh. Ngay hôm sau Hoàng, Khoa ghi tên cho gia đình đi tầu thủy, họ phát vé đi vào giữa tháng ba, khoảng hai tháng trước ngày hết hạn di cư, chuyến này do tầu Mỹ Marine Adder chuyên chở . Đây là một chiếc tầu chở quân khổng lồ của Hạm Đội Thứ Bẩy, mỗi chuyến trọng tải năm nghìn người, ngoài ra mỗi ngày cũng có mấy chục chuyến máy bay vận tải Dakota chở người vào Nam cho kịp thời hạn di cư.

Khoa, Phúc và mấy cậu con ông Lưu hàng ngày rủ nhau lên nhà hát lớn, phòng thông tin, Hội đồng di cư xem triển lãm tranh ảnh, buổi chiều hoặc tối đi nghe đội lính kèn hoà nhạc, diễn kịch tố Cộng. Các cậu rong chơi vui vẻ trong những ngày còn còn ở lại Hải Phòng. Tại phòng thông tin người ta trưng bày những hình ảnh đấu tố man rợ bên Trung Hoa đỏ, cảnh những người địa chủ bị trói giật cánh khuỷu hai tay ra sau trước họng súng của đội hành quyết để cho người dân thấy bộ mặt thật của Thiên Đường Cộng Sản.

Buổi tối nọ, ban quân nhạc trình tấu xong bản nhạc hùng, một sĩ quan quân đội Quốc Gia lên trước loa nói lớn.

-Tôi nghĩ trong đám khán giả này có nhiều anh Việt Minh, các anh hãy vểnh tai lên mà nghe tôi nói đây. .

Khán giả cũng thừa biết như vậy, Việt Minh đã cho hàng nghìn người xuống Hải Phòng giả làm nhà buôn, đạp xích lô, bán hàng quà bánh. . để nghe ngóng tin tức, làm gián điệp và nhất là để tuyên truyền xúi dục đồng bào di cư bỏ cuộc trở về. Có người đã lên tầu há mồm rồi bị mắc tuyên truyền còn nhảy xuống nước bơi vào bờ.

Họ hàng vào Nam đã viết thư ra liên lạc, nào chú Hai, chú Khang con ông Năm, Kính con bác Ba Thu… Ngoài ra Chú cả Hiên, bác Năm Tuấn vợ con còn ở Đông Lao đã viết thư ra nhờ nhà bác Cả nhắn tin và đưa hộ xuống Hải Phòng , cô Thoa lại đi Hà Nội để nhắn giúp cho họ hàng và mấy người bạn bè quen biết.

Thấm thoát đã gần đến ngày lên tầu đi Nam, còn hai hôm nữa làgia đình bác Cả sẽ rời Hải Phòng mà vẫn chưa thấy Thoa về, chị ta trở lại Hà Nội để nhắn hộ mấy người thân thuộc, trước khi ấy thầy mẹ đã dặn nhớ phải về trước ngày mười lăm tây tháng ba như đã ghi trong vé đi tầu Mỹ, Thoa vâng vâng dạ dạ mà nay ngày đi đã gần kề vẫn chưa thấy tăm hơi cô đâu cả.

Thế rồi ngày mai sẽ phải lên đường mà Thoa vẫn chưa về, ai nấy đã chuẩn bị khăn gói xong xuôi cả chỉ còn thiếu cô ấy thôi. Suốt từ sáng đến chiều hôm ấy, hai vợ chồng bác Cả nóng lòng nóng ruột cứ như lửa đốt, các em cô cũng sốt cả ruột gan mà chẳng thấy tăm hơi chị đâu cả, thầy mẹ cô lại sợ có chuyện chẳng lành, ông bố than thở.

-Giời ơi chắc nó về làng nhắn tin hộ chú Cả, bác Năm đấy, nó mật sứ gan lim mà, ối giời ơi.

Chiều tối hôm ấy cả nhà ngồi phòng ngoài chờ đợi người về từng giây từng phút, bên phòng trong nhà ông Lưu cũng sốt ruột hộ, họ cũng ra cửa ngóng xem có thấy tăm hơi gì không. Ngày mai dù Thoa không về cả nhà cũng vẫn phải đi Nam không thể chần chờ được vì thời hạn di cư chỉ còn chừng một tháng rưỡi nữa là cùng. Ai nấy ngồi than vắn thở dài.

Trời đã tối mù mịt, ai nấy rối bời cả ruột gan thì bỗng bà Lưu ở phòng ngoài cười lớn tiếng bảo.

-Ơ cô ấy về đây rồi!

Nhà ông Lưu cũng cười rộ lên vì mừng, Thoa chào ông bà rồi bước mau ra phòng ngoài, thầy mẹ Thoa mừng quá quên cả mắng nhiếc con, ai nấy thở phào nhẹ nhõm như qua được một thử thách cam go.

Tờ mờ sáng hôm sau cả gia đình khăn gói xuống trước nhà thuê xe xích lô đến địa điểm tập trung trước Hội đồng di cư , ông Lưu cũng xuống tiễn đưa, hai bên hẹn sẽ gặp nhau ở miền đất hứa. Mấy người phu xe kỳ kèo đòi thêm tiền một lúc mới chịu đi.

Tới nơi trời vẫn còn tối mịt, hàng mấy chục xe cam nhông đã đợi sẵn để chở đồng bào ra bến tầu. Hoàng trình vé làm thủ tục cho cả nhà xong mọi người vội leo lên xe, dưới ánh đèn điện lờ mờ mấy chiếc xe cam nhông đầy những người đã nổ máy sẵn sàng chuyển bánh, một ông cha mặc áo dài đen, cầm mi crô nói đôi lời tiễn biệt.

-Thưa đồng bào, đã đến giờ khởi hành, tôi xin có mấy lời cùng đồng bào, vào trong Nam đồng bào sẽ được chính phủ tiếp đón giúp đỡ nơi cư ngụ tạm và trợ cấp bước đầu, trước giờ phút chia tay xin chúc đồng bào may mắn thượng lộ bình yên.

Chiếc xe bên cạnh đã bắt đầu chuyển bánh, bác gái bảo con.

-Kìa! nhìn kìa.

Mọi người đứng nhìn chiếc xe từ từ chạy, đằng sau vài người đàn bà chạy bộ theo tay cầm nón lá vẫy, miệng khóc mếu máo.

-Thôi đi nhá, khi nào đến nơi viết thư về nhá. .

Thân nhân họ trên xe cũng mếu máo nói đôi lời vĩnh biệt, người đi kẻ ở, bịn rịn chia tay, nhà bác cả trông theo mà thấy se sắt cõi lòng. Bãi xe ngày càng trở nên ồn ào hơn trước, tiếng động cơ, tiếng người tiễn đưa, tiếng khóc như hòa thành một bản nhạc não nùng bi thảm.

Xe chạy đến bến tầu thì trời đã sáng rõ, một người lính Pháp tay cầm dùi cui điều khiển các xe đậu theo thứ tự. Đồng bào bắt đầu xuống xe đi bộ một quãng rồi lên tầu há mồm của Tây, nhà bác Cả bước vào miệng tầu rồi lên boong. Tầu há mồm là loại tầu nhỏ chở đồng bào ra tầu Mỹ đậu ngoài khơi. Trên boong tầu Phúc ngước nhìn mấy người thủy thủ Pháp ăn bánh vui đùa nhau, cậu bé lần đầu được thấy những cảnh khác lạ trong đời. Gia đình kẻ đứng người ngồi quây quần trên sàn tầu, bên cạnh đấy mấy người thanh niên ăn mặc com lê lịch sự, mấy cô mặc áo dài đang cắt bánh chưng ăn, họ nói cười vui vẻ chắc là sinh viên đại học.

Tầu há mồm bắt đầu chạy qua vịnh Hạ Long, nhà bác Cả lấy bánh chưng cắt ra chia nhau ăn, Phúc thấy chị Thoa vừa ăn vừa thầm lặng khóc, bác gái cũng ứa hai hàng lệ, trên sân boong có nhiều người tự nhiên ứa lệ khóc cho thân phận hẩm hiu đen bạc của mình. Thật vậy, suốt đời họ chưa bao giờ gặp cảnh gian truân thảm thiết đến thế, ngay cả những ngày trong thời tao loạn quân Pháp tấn công đốt phá khắp nơi, họ cũng bám chặt không rời quê cha đất tổ, nhưng nay thời thế quá phũ phàng đã sô đẩy họ vào bước đường cùng, chẳng ai mà ngờ gặp phải cái thời kỳ tàn nhẫn đến thế. Một cơn gió nhẹ thổi qua khe núi lên sàn tầu không đủ lau khô những giọt lệ xót xa của đám người biệt xứ.

Tầu đã vào địa phận Vịnh Hạ Long, hàng nghìn hàng vạn ngọn núi như những hòn non bộ chọc thủng mắt nước nhô lên, mỗi ngọn đều có cây cỏ xanh tươi đứng soi mình trên mặt nước trong xanh, tầu chạy gần một ngọn cao , Phúc lấy tay chỉ hỏi anh.

-Nó có đường đi lên ngọn, chắc trên ấy có người ở.

Thật vậy, bên hông núi có một đường đất mòn nho nhỏ uốn quanh sườn núi trông thật thi vị nên thơ, nó chạy dài từ chân lên gần ngọn. Tầu há mồm yên lặng chạy trên mặt nước phẳng lặng như tờ, tịnh không một tiếng sóng vỗ hay tiếng cá quẫy, chim kêu, chỉ thỉnh thoảng có tiếng còi tầu bin bin não nuột. Các ngọn núi như dạt ra hai bên tránh lối cho tầu đi qua, thoáng trông người ta có cảm tưởng nó như bức tranh thủy mạc của Tầu, một bức tranh vĩ đại, vô cùng mỹ lệ của thiên nhiên trải rộng ra trước mặt đoàn người biệt xứ. Nhưng dù cảnh trí xinh đẹp, núi non hữu tình đến đâu cũng không thể nào khuây khoả được nỗi chua xót của đoàn hành khách bất hạnh trên tầu, những kẻ ra đi với tấm vé một chiều trên tay.

Khoa nhìn những ngọn núi hai bên hỏi anh.

-Núi nhiều thế mà sao nó biết cũng đường đi nhỉ, sao nó không lạc mới tài?

Hoàng đáp.

-Nó có bản đồ chứ, nó cứ theo đó mà chạy.

Phúc nhìn một chiếc thuyền bên cạnh, hai đứa trẻ con bị buộc chân trên mũi thuyền, bác thuyền chài ngơ ngác nhìn tầu đi qua, làn nước xanh biếc y như nước hồ lơ quần áo hiện rõ trên mái chèo, thỉnh thoảng tầu lại gặp một hai chiếc thuyền gỗ của dân chài, Phúc nhìn theo, cậu ra liên tưởng đến cuộc đời vô định, những kiếp người lênh đênh trên sóng nước. Tầu vẫn lặng lẽ trôi đi giữa những ngọn núi đá dàn thành hình chữ nhất phía trước, nhưng khi tầu tiến lên thì những núi đá thiên nhiên lại tự động tránh lối cho tầu di qua.

Nước non vẫn vắng lặng và êm tĩnh lạ thường, một sự yên lặng thê lương bi đát y như tâm trạng của bọn người lìa xứ, những ngọn núi xinh đẹp như hòn non bộ vẫn yên lặng đứng soi mình trên mặt bể, tầu vẫn từ từ tiến lên như không bao giờ vượt qua khỏi cánh rừng non bộ nên thơ, thỉnh thoảng một ngọn gió nhẹ của vịnh lướt qua boong tầu như một cánh tay vuốt ve an ủi những kẻ ly hương bất hạnh.

Tầu Pháp chạy giữa rừng non bộ đến xế trưa thì tới tầu Mỹ Marine.Adder, một tầu khổng lồ đứng sừng sững ngay trên mặt bể. Tầu Pháp ghé sát tầu Mỹ, một cái thang sắt từ boong tầu Mỹ bắc xuống tầu há mồm để đồng bào leo lên. Mọi người bắt đầu lên thang, một lúc sau nhà bác Cả cũng theo đoàn người lên tầu Mỹ. Phúc vịn tay anh bước theo, khi đến bậc trên cùng sắp bước vào tầu thì một người thủy thủ Mỹ đứng ngay đấy dúi vào tay cậu một túi giấy trong có một quả cam, cái trứng luộc và gói cơm trắng, ai cũng được một túi như thế. Đứng trên tầu Mỹ nhìn xuống người ta thấy tầu Pháp bé tí như chiếc thuyền con.

Nhà bác Cả được người ta hướng dẫn xuống tầu đi qua hai ba cầu thang, qua hai ba phòng đến một phòng rộng đầy những giường vải cái nọ chồng lên trên cái kia. Các phòng đều có bắc loa, độ một lúc lại có người gọi loa tiếng Việt để thông báo đồng bào cử đại diện đi lãnh cơm, hay những hòm xiểng của đồng bào trên boong cần phải buộc lại cho chặt. Chiều tối hôm ấy họ phát cơm và đậu hộp xào cho mọi người, cơm nát và nhão nhẹt ăn chẳng được.

Chiều hôm sau Phúc theo chị Thoa lên boong để mua mực của thuyền chài, dân di cư xúm xít phía mũi tầu, phía dưới một chiếc thuyền lại gần tầu Mỹ, người dân chài ngước lên nói thật to.

-Bỏ tiền vào hòn đá ném xuống trước, tôi ném mực luộc lên sau.

Nói rồi anh ta ném hòn đá có buộc dây lên, người trên boong buộc tiền vào ném xuống, Thoa chờ lâu mãi không mua được may có người không thích mực bán lại, một người thủy thủ Mỹ vội lấy vòi rồng phun nước xuống thuyền ào ào, anh thuyền chài tối tăm mặt mũi. Có người nói.

-Nó không cho mua bán qua lại.

Anh lính Mỹ vẫn phun nước ào ạt xuống, thuyền vội quay đầu chạy, anh lính thủy vẫn phun theo, Phúc thấy vậy than.

-Nó ác thế, chìm thuyền người ta thì sao.

Hai chị em vẫn chưa xuống phòng, Phúc nhìn người lính thủy Mỹ đổ thùng cam xuống biển, có người nói.

-Nó mở thùng ra thấy một quả bị thối là nó đổ luôn cả thùng.

Những quả cam đỏ ối nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Khi ấy người thuyền chài lại mon men đến gần để vớt, anh ta cầm cái vợt lén lén múc từng quả một, Phúc theo dõi diễn tiến không dời mắt, anh lính Mỹ lại lấy vòi rồng phun xuống ào ào như thác lên đầu lên cổ anh thuyền chài, một ông đứng gần đấy bảo.

-Nó không cho vớt, cam đổ đi không được vớt.

Thoa bảo.

-Sao nó ác thế, đổ đi rồi mà cũng không cho người ta lấy.

Người thủy thủ hình như đùa cợt trên sự khổ sở của anh thuyền chài chứ không có ý cảnh cáo hay ngăn cấm, anh ta nhe răng ra, tay cầm vòi tiếp tục sối nước lên đầu anh thuyền chài.

Hôm sau lúc mọi người mới ăn cơm xong thì tầu chuyển động mạnh, giường nằm bỗng nhiên lắc lư như đưa võng, một ông bên cạïnh bảo.

-Tầu bắt đầu chạy đấy, ba ngày nữa thì đến Sài Gòn.

Khi ấy loa ở các góc phòng vang lên, người ta nhắn đồng bào hãy buộc lại những hòm xiểng trên boong cho chặt vì tầu bị sóng đánh ngả nghiêng có thể rơi xuống bể, tối ấy lúc con tầu bồng bềnh trên làn sóng nước, đồng bào ai nấy đều yên giấc cả.

Ngày hôm sau tầu đã chạy một đoạn đường xa nhưng vẫn đi dọc theo duyên hải, anh em Khoa, Phúc rủ nhau lên boong xem cảnh bể cả mênh mông, hai cậïu đi qua các phòng, một phòng đồng bào bên giáo đang đọc kinh nghe buồn bã, tầu rộng rãi to lớn như một tòa lâu đài, đi qua hai ba cái cầu thang mới lên tới boong.

Trên boong vắng người, hai cậu bé đi vòng vòng từ hông tầu bên phải sang bên kia, từ đằng mũi xuống đằng đuôi tầu, Khoa bảo.

-Bây giờ chỉ có trời với nước thôi!

Thật vậy, bầu trời u ám như cái vung vĩ đại úp lên trên mặt bể mênh mông bát ngát không còn biết đâu là bến bờ, trong khoảnh khắc hai cậu thiếu niên tự thấy mình bé nhỏ li ti như con kiến trước cảnh vĩ đại mênh mông của tạo hóa. Từng đàn cá bay vọt lên mặt bể là đà trên không rồi lại chui xuống nước. Tầu vẫn lặng lẽ xé nước chạy xuôi về phương Nam mang theo những người đi tìm Tự Do, Đất Hứa.

Hàng nghìn hàng vạn người mỗi ngày theo đường hàng không, hàng hải tiến về phương Nam đi tìm một cuộc đời mới, nơi mà con người được quyền nói điều mình muốn nói, được ở những nơi mình muốn ở, được làm những công việc mình muốn làm. Đó là cuộc di cư vĩ đại nhất trong lịch sử nước nhà đánh dấu sự thắng lợi to lớn của Thế Giới Tự Do, một trong những biến cố lớn nhất trên thế giới trong năm.

Khoa đứng nhìn những chiếc ca nô treo bên hông tầu gần sát boong ra vẻ hiểu biết nói với cậu em.

-Đó là những ca nô cấp cứu phòng khi tầu bị đắm, hồi xưa cách đây bốn chục năm tầu Titanic đụng phải tảng đá băng lớn chìm ngay, chỉ có một ít người được cứu sống.

Nói rồi cậu miên man nghĩ tới gia đình mình, tới nghìn vạn những người di cư khác, số phận của gia đình cậu, của muôn vạn người khác đã gắn liền vào số phận của đất nước y như những chiếc ca nô treo trên thành tầu.

Gió vi vút thổi từ ngàn khơi, Phúc nhìn đại dương mênh mông bát ngát nhớ lại những ngày chạy loạn xa xưa, những ngày rong chơi của tuổi thơ bên đồng lúa chín, dưới bóng cây đa cây bàng trường học, bên dòng sông Đáy êm đềm phẳng lặng … cậu thấy đời người cũng y như trong một giấc mơ. Trước mắt bây giờ chỉ có trời với nước.

Sóng bể vẫn rì rầm vỗ nhẹ vào thân tầu.

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt





Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"