Alexander L. Vuving
Lê Hoàng Giang chuyển ngữ
Lê Hoàng Giang chuyển ngữ
Yếu tố then chốt đang thay đổi cục diện trò chơi của các quốc gia
khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là gì? Dựa theo những quan điểm có ảnh
hưởng nhất trên các phương tiện truyền thông thì câu trả lời có vẻ là sự
trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy bề ngoài hiển nhiên là vậy, song đây lại
là câu trả lời sai. Dù sự trỗi dậy của Trung Quốc đang gây ra những thay
đổi lớn nhất về lượng trong cục diện an ninh Châu Á – Thái Bình Dương, việc Trung Quốc chuyển hướng ra biển mới là bước phát triển có tầm quan trọng nhất về chất.
Trung Quốc đã vươn lên đứng đầu châu Á nhiều lần trong quá khứ,
nhưng việc nước này chuyển hướng chiến lược sang phía biển trong thời
gian gần đây thì chưa từng có tiền lệ. Nếu quả thực tương lai là do quá
khứ định đoạt, thì sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không thực sự ảnh hưởng
đến ưu thế tuyệt đối về hải quân của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương,
và sự tranh giành bá quyền giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ không xảy ra.
Quan điểm này chính là cốt lõi của chiến lược “cân bằng ngoài khơi” (offshore balancing
– đứng từ xa giữ cân bằng quyền lực trong một khu vực mà không can
thiệp trực tiếp vào khu vực đó) đang thịnh hành tại nước Mỹ ngày nay và
được nhiều người cho là chiến lược lớn mà Tổng thống Barack Obama đang
theo đuổi.
Cứ theo như quan điểm này thì vì Trung Quốc là cường quốc lục địa
nên sự trỗi dậy của nước này sẽ khiến nó trở thành một con voi khổng lồ.
Trong khi đó, nước Mỹ, với tư cách một cường quốc biển, lại giống như
một con cá voi lớn. Dù cả hai đều rất mạnh, nhưng mỗi bên chỉ mạnh trong
lãnh địa riêng của mình, và không bên nào có đủ khả năng vật chất hay ý
chí chính trị để định đoạt tình hình trong lãnh địa của bên kia. Từ đây
suy ra, nếu Washington chấp nhận ưu thế của Bắc Kinh trên lục địa châu
Á, thì Mỹ có thể tránh được một cuộc xung đột không cần thiết với Trung
Quốc trong khi vẫn duy trì vai trò chi phối của mình ở khu vực hải dương
của châu Á.
Một người ủng hộ mạnh mẽ quan điểm này là cựu Cố vấn An ninh Quốc
gia Hoa Kỳ Zbigniew Brzezinski. Brzezinski cũng là người cổ võ cho khái
niệm về một nhóm G-2 gồm Mỹ và Trung Quốc. Có tin cho rằng ông đã mang ý
tưởng này sang đề xuất với Trung Quốc trong tư cách phái viên không
chính thức của Obama chỉ vài ngày trước khi Obama nhậm chức tổng thống.
Trong cuốn sách Tầm nhìn Chiến lược: Nước Mỹ và Cuộc Khủng hoảng Quyền lực Toàn cầu (Strategic Vision: America and the Crisis of Global Power),
Brzezinski cho rằng cuộc tranh giành quyền lực tối cao ở châu Á sẽ
không diễn ra giữa con cá voi Mỹ và con voi Trung Quốc, mà giữa hai con
voi châu Á với nhau là Trung Quốc và Ấn Độ. Do cường quốc biển có những
hạn chế cố hữu trong một cuộc tranh đua trên đất liền như vậy, ông ta
khuyên nước Mỹ nên đứng bên ngoài và không liên kết chiến lược với Ấn Độ
để tránh bị lôi kéo vào một cam kết quan trọng trên đất liền. Cách tiếp
cận giữ khoảng cách như vậy sẽ khiến Mỹ trở thành tác nhân cân bằng
ngoài khơi theo đúng nghĩa, có thể tuỳ cơ mà ủng hộ nước này chống lại
nước kia, hoặc “toạ sơn quan hổ đấu” từ xa đứng nhìn Trung Quốc và Ấn Độ
đấu nhau đến mệt nhừ trong khi Washington đứng ngoài và tiết kiệm sức
mạnh của mình.
Chiến lược khôn khéo như vậy quả là hấp dẫn trong thời đại mà sự
kiệm sức được ưu tiên, và nếu để trực giác quyết định thì đây sẽ là lựa
chọn số một của một nước Mỹ đã mệt mỏi với những cuộc can thiệp ở hải
ngoại. Thế nhưng, ý tưởng cốt lõi của chiến lược này lại dựa trên một
cách hiểu sai lầm về các xu hướng địa chính trị trong thế kỷ vừa qua.
Quá trình công nghiệp hóa và toàn cầu hóa đã chuyển “trái tim” kinh tế
châu Á từ đất liền sang vùng biển. Cùng với xu hướng này, Trung Quốc
không còn là một đế chế tự cung tự cấp của ngày trước nữa; nền kinh tế
của Trung Quốc ngày nay đang lệ thuộc vào các tuyến đường buôn bán trên
các biển Đông Á. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc ngày càng
tin tưởng rằng để đoạt ngôi vị bá chủ châu Á thì trước hết phải làm chủ
được vùng biển của khu vực này. Hiểu được điều này, ta sẽ lý giải được
vì sao Trung Quốc gần đây đã có những động thái như tăng cường tranh
chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản và thiết lập vùng nhận diện
phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, cưỡng đoạt bãi cạn Scarborough từ
Philippines, đơn phương hạ đặt một giàn khoan dầu trị giá 1 tỷ USD tại
vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xây dựng những căn
cứ quân sự lớn trên những nơi vốn là đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa
và thường xuyên quấy nhiễu các tàu hải quân Mỹ hoạt động trên biển Đông.
Truyền thống chiến lược lớn của Trung Quốc là hướng vào lục địa.
Ngoại trừ một vài lần dưới thời nhà Nguyên và nhà Minh, nói chung đế chế
Trung Hoa vẫn chấp nhận để các thế lực khác chiếm ưu thế trên những
vùng biển ngoài khơi Trung Quốc. Sự cùng tồn tại của bá quyền Trung Quốc
trên đất liền và vai trò thống trị của ngoại bang trên biển là kết quả
của 3 điều kiện chủ yếu, và cả ba đều không còn tồn tại trong thời đại
ngày nay.
Trước thời kỳ công nghiệp hóa, Trung Quốc dễ bị tấn công nhất ở phía
Bắc và phía Tây, nơi họ phải đối mặt với những đội quân của người du
mục Trung Á là những đội quân cơ động nhất và giỏi đánh thọc sâu nhất
của thời bấy giờ. Những đội quân cưỡi ngựa, bắn cung này có thể lao tới,
xuyên qua và chinh phục toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Những hiểm họa từ
những đội quân du mục này lớn hơn hẳn những nguy hiểm từ dân đi biển ở
phía Đông và phía Nam, những người cùng lắm chỉ có thể cướp phá các
thành phố hay làng mạc dọc theo bờ biển Trung Quốc.
Nhưng kể từ thế kỷ 19, điểm yếu về quân sự của Trung Quốc đã chuyển
sang vùng bờ biển. Những đội quân cưỡi ngựa, bắn cung của ngày nay là
các tàu sân bay, tàu khu trục, và tàu ngầm được trang bị máy bay siêu
âm, máy bay tàng hình, máy bay không người lái và tên lửa hành trình.
Trong mắt các nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc ngày nay, việc
kiểm soát biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Đông đã trở nên tối quan
trọng đối với nền quốc phòng và an ninh của Trung Quốc.
Những vùng biển này cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế
đối với Trung Quốc. Trước thời kỳ công nghiệp hóa, Trung Quốc là một nền
kinh tế hoàn toàn tự cung tự cấp và không phải dựa vào ngoại thương để
phát triển. Nhưng tất cả đã là quá khứ. Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong
thời gian gần đây chủ yếu là nhờ hội nhập kinh tế với thế giới bên
ngoài. Từ khi phát động “cải cách và mở cửa” vào năm 1979, tỉ lệ phụ
thuộc vào ngoại thương của Trung Quốc, tính theo tỉ lệ ngoại thương
trong tổng sản phẩm quốc nội, đã tăng từ 10% lên tới hơn 70%. Bên cạnh
sự phụ thuộc này, kể từ năm 1998, Trung Quốc đã là một nước nhập siêu về
năng lượng. Ngân hàng Thế giới báo cáo rằng năng lượng nhập khẩu của
Trung Quốc đã chiếm tới 11% tổng năng lượng nước này sử dụng trong năm
2011. Những số liệu thống kê này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc cơ bản
sẽ sụp đổ nếu bị cắt đứt các liên kết thương mại với thế giới bên ngoài.
Điều khiến cho biển còn quan trọng hơn nữa đối với Trung Quốc là việc
phần lớn ngoại thương và năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc đều phải
vận chuyển qua biển Hoa Đông, biển Đông và eo biển Malacca.
Không chỉ có một mình Trung Quốc phải phụ thuộc vào các tuyến đường
giao lưu trên các vùng biển này. Thực ra, các biển Đông Á này là huyết
mạch của cả châu Á. Hơn một nửa thương mại hàng hóa của khu vực, khoảng
một nửa ngoại thương của Trung Quốc, Ấn Độ và Australia, khoảng 80%
lượng dầu và khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc, 60% nguồn cung năng lượng
của Nhật Bản, và 2/3 nguồn cung năng lượng của Hàn Quốc phải đi qua các
vùng biển này. Tầmquan trọng về kinh tế và quân sự của các vùng biển
Đông Á đảm bảo rằng không một quốc gia nào ở châu Á ngày nay có thể đạt
được uy thế tuyệt đối trong khu vực trước khi trở thành kẻ mạnh nhất về
hải quân trên vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Có 3 lý do để Trung Quốc trong quá khứ vẫn để cho các nước khác
thống lĩnh các vùng biển ngoài khơi của họ. Đôi lúc là do Trung Quốc còn
quá yếu không thể thách thức được các cường quốc biển. Nhưng nói chung,
những vùng biển này không hề có ý nghĩa quan trọng với Trung Quốc cả về
quân sự lẫn kinh tế. Hơn nữa, các thế lực thống trị vùng biển đều chủ
động tạo lập quan hệ chư hầu và triều cống với Trung Quốc.
Không một điều kiện nào trong số này là hiện thực của ngày hôm nay
và ngày mai. Theo dự đoán, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh
tế lớn nhất thế giới vào cuối thập kỷ này. Trong khi đó, ngân sách quân
sự của Trung Quốc còn tăng trưởng nhanh hơn cả nền kinh tế. Các biển bao
quanh Trung Quốc đã trở nên thiết yếu cho sự phát triển và phòng vệ của
nước này. Và Hoa Kỳ, cường quốc thống trị trên biển châu Á, sẽ không dễ
gì chấp nhận đứng dưới trong một trật tự thế giới do Trung Quốc đứng
đầu.
Nhờ có toàn cầu hóa và những công nghệ vũ khí mới, biển cả và đất
liền nay đã cùng nằm trong một địa thế chiến lược đơn nhất tại châu Á.
Uy thế hải quân đã trở thành điều kiện tiên quyết của sự thống
lĩnh khu vực. Về phần Trung Quốc, sự gia tăng phát đạt của nước này sẽ
phụ thuộc nhiều vào khả năng tiếp cận với biển hơn là việc sở hữu thị
trường trên đất liền. Nhận thức rõ được những điều này, các nhà lãnh đạo
Trung Quốc, bao gồm cả cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Chủ tịch đương nhiệm
Tập Cận Bình, đã quyết định rằng Trung Quốc cần trở thành “cường quốc
biển ở cấp độ toàn cầu”.
600 năm trước, Trung Quốc đã phái một hạm đội khổng lồ dưới sự chỉ
huy của viên thái giám người Hồi là Trịnh Hòa đi vào biển Đông và Ấn Độ
Dương để áp đặtkiểm soát lên luồng thương mại Ấn Độ Dương – Thái Bình
Dương và mở rộng hệ thống chư hầu cho đế chế. Dù rất thành công, các
cuộc viễn chinh này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian chưa đến 3 thập
kỷ và đã được chứng tỏ là không hề nằm trong quy luật của lịch sử Trung
Quốc. Cuối cùng thì Trung Quốc vẫn là một đế chế nông nghiệp, và nhiệm
vụ chính của các chuyến đi của Trịnh Hòa chỉ là để phô trương trước
những người ngoại bang trong vùng lòng chảo Ấn Độ Dương – Thái Bình
Dương.
Ngày nay, Trung Quốc quay ra hướng biển do sự cần thiết khách quan
hơn là vì ý đồ chủ quan muốn phô trương thế lực. Do vậy, sự thay đổi này
sâu rễ bền gốc hơn rất nhiều so với các chuyến du hành từ 6 thế kỷ
trước. So với những chuyến đi của Trịnh Hòa, sự chuyển hướng nhìn sang
phía biển của Trung Quốc hiện giờ sẽ hứa hẹn có nhiều bạo lực hơn và
cũng có nhiều ý nghĩa lịch sử hơn. Sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc
bản thân nó không nhất thiết sẽ gây nên mối đe dọa cho sự thống trị của
Mỹ trên các vùng biển châu Á cũng như vai trò của Mỹ trong khu vực.
Nhưng việc gã khổng lồ châu Á này xoay trục ra biển có thể sẽ đặt dấu
chấm hết cho uy lực hải quân tuyệt đối của Mỹ trên vùng biển Ấn Độ Dương
– Thái Bình Dương mà hệ quả là làm suy yếu trật tự toàn cầu do Mỹ đứng
đầu.
Tiến sĩ Alexander L. Vuving là Phó Giáo sư tại Trung tâm Nghiên
cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương tại Honolulu, Hoa Kỳ. Quan điểm
trong bài viết này là của riêng ông và không thể hiện quan điểm của nơi
ông làm việc.