Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Tưởng niệm Oswaldo Payá, nhớ thầy giáo Đinh Đăng Định

Hoàng Triết
Người tranh đấu có thời nào không có?
Luận anh hùng, ai chịu khó hơn ai?
Đạp chông gai, sinh tử có xá gì
Thân ra đi, tinh thần kia sống mãi.
Vào ngày này hai năm trước trên một con đường vắng vẻ gần thành phố Bayamo thuộc tỉnh Granma, miền Đông Cuba, một chiếc xe ô tô màu xanh đã bị một xe khác mang biển số chính phủ liên tiếp húc vào từ phía sau, xoay vòng và tông vào lề đường, cướp đi mạng sống của nhà tranh đấu nổi tiếng nhất Cuba Oswaldo Payá và người phụ tá trẻ tuổi Harold Cepero. Thế là sau nhiều lần dọa giết, người ta đã thành công cướp đi sinh mạng của nhà sáng lập và dẫn đầu phong trào đối kháng đòi thay đổi chính trị ở Cuba.
Khi còn trẻ, Oswaldo là học sinh duy nhất ở trường từ chối không gia nhập Liên đoàn Cộng Sản. Năm 1969, ông bị kêu án 3 năm lao động khổ sai vì đã từ chối chuyên chở tù nhân chính trị trong lúc chấp hành nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Sau đó, ông lại từng bị đuổi học khỏi ĐH Havana vì tín ngưỡng tôn giáo. Ông đã phải bỏ ngành Vật Lý, đổi sang học lớp đêm và trở thành một kỹ sư trong lĩnh vực thông tin truyền thông. Oswaldo đã từ chối định cư ở nước ngoài trong cuộc di tản đồ sộ Mariel Boatlift năm 1980 và ở lại Cuba hoạt động để thay đổi đất nước.

Là một nhà hoạt động chính trị, Oswaldo Payá sáng lập Christian Liberation Movement (MCL - Phong trào Giải Phóng của Người Công Giáo) năm 1987 nhằm đối kháng sự độc tài toàn trị của Đảng Cộng Sản Cuba. Năm 1998, Oswaldo đã phát động Dự án Varela, thu thập chữ ký cho một bản đề xuất pháp lý ủng hộ cải cách chính trị dân chủ trong Cuba, cụ thể là cho thực thi quyền tự do lập hội, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do bầu cử, tự do tôn giáo, tự do kinh doanh tư nhân, và ân xá cho các tù nhân chính trị.
Theo Điều 88 Hiến pháp Cuba, Quốc hội Cuba phải tiếp nhận và xem xét dự thảo pháp lý do dân đề cử khi dự thảo này có sự ủng hộ của tối thiểu 10,000 cử tri. Và Dự án Varela của Oswaldo và tổ chức MCL của ông đã được người dân biết đến cũng như nhận được sự quan tâm của thế giới sau khi thu được 11,020 chữ ký. Dự án Varela đã bị Quốc hội Cuba trì hoãn và kháng lại bằng một nghị quyết đảm bảo Cuba là một quốc gia XHCN vĩnh viễn, một nghị quyết họ công bố có 99% cử tri ủng hộ. Tuy vậy, ai cũng hiểu là người dân Cuba đã bị áp lực ký tên ủng hộ kháng nghị mới này của Quốc Hội và phong trào tiếp nối Dự án Varela đã được sự ủng hộ rộng rãi của người Mỹ gốc Cuba cũng như chính quyền Hoa Kỳ. Oswaldo đã trình thêm 14,000 chữ ký vào tháng 10 năm 2003, nâng tổng số chữ ký thu thập được lên hơn 25,000. Chủ tịch đương nhiệm lúc bấy giờ, Fidel Castro, đã gọi dự án thu thập chữ ký này là một “âm mưu do Hoa Kỳ hỗ trợ nhằm lật đổ chính quyền của ông ta.” Các nhà tranh đấu hàng đầu đứng sau Dự án Varela bị chính quyền cáo buộc đã nhận sự giúp đỡ chính trị từ hải ngoại và một đợt càn quét đuổi bắt đã xảy ra năm 2003 với 75 nhà bất đồng chính kiến trong MCL bị bắt giam, phân nửa trong số đó là những người đứng sau Dự án Varela.
Tuy Oswaldo đã không bị bắt, ông vẫn tiếp tục có tiếng nói đối kháng, chỉ trính chính quyền Cuba trong thời gian chuyển quyền sang Raúl Castro. Oswaldo từ chối nhận sự ủng hộ tài chính của Hoa Kỳ và phản đối cấm vận của Hoa Kỳ đối với Cuba và đồng thời kêu gọi chính quyền Raúl thực hiện những thay đổi đòi hỏi trong bản dự thảo của Dự án Varela. Tuy hoạt động phản kháng của ông đã được nhân nhượng ở một mức độ nào đó, nhưng cả ông lẫn gia đình vẫn thường xuyên bị đe dọa sẽ “bị giết trước khi thể chế sụp đổ nếu không rời khỏi nước.” Và như thế, vào ngày 22 tháng 7 năm 2012, lời đe dọa đó đã thành sự thật. Ông đã ra đi cùng phụ tá Harold Cepero trong vụ ám sát được ngụy trang như một tại nạn giao thông, để lại sự nghiệp tranh đấu dang dở và trở thành lãnh tụ chính trị nổi bật nhất của phe đối kháng. Sự nghiệp dang dở này đã được con gái ông là Rosa Maria tiếp nối để tranh đấu cho đối mới chính trị ở Cuba.
image001_2.png
Có thể nói nhà hoạt động tranh đấu Oswaldo Payá đã trở thành cái gai trong mắt của chính quyền độc tài Cuba với 25,000 chữ ký kêu gọi cải tổ nhân quyền. Và vì thế đã bị hãm hại. Điều này khiến chúng ta nhớ đến thầy Đinh Đăng Định, người đã một mình một xe máy lặn lội khắp nơi để thu thập 3,000 chữ ký cho bản kiến nghị chống khai thác Bauxite. Hành động phát xuất từ lòng yêu nước thương dân đó của thầy Định đã bị cáo buộc là “sách động” và từ đó đã bị chính quyền tra vấn, hành tội, bỏ tù, đày đọa, và cướp đi mạng sống của ông bằng sự đọa đày của căn bệnh ung thư.
image002_14.jpg

Hưởng ứng lời kêu gọi chụp ảnh cùng biểu tượng Liberation của Oswaldo Payá.
Ngày hôm nay, sau khi được nghe tóm tắt về tiểu sử đấu tranh của hai nhà hoạt động xấu số Oswaldo và Herold này, những người quan tâm đến quyền con người và dân chủ tại Việt Nam, cũng như các thành viên CĐVN ở khắp nơi, đã nhanh chóng chia sẻ và hiệp thông bằng cách chụp hình của mình với dấu hiệu Liberación (tự do). Quyền Con Người là phổ quát khắp thế giới, và công cuộc tranh đấu đòi cải tổ nhân quyền không phân biệt ranh giới. Anh em tranh đấu Việt Nam sẵn lòng ủng hộ anh em tranh đấu Cuba tưởng niệm và giữ mãi tinh thần tranh đấu. Rồi đây anh em Cuba cũng sẽ sát cánh với chúng ta trong công cuộc này. Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên chọn ngày giỗ của thầy Định làm ngày vinh danh thầy hàng năm.
Người tranh đấu có thể chết, nhưng tinh thần tranh đấu của họ sống mãi.
Hoàng Triết,
22/7/14
“In memory of those who lay down their lives for the good of all others.”

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"