Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Thế kỷ 21 thuộc về ai?

Mạnh Kim
Đã bốn năm từ khi bài này của tôi được đăng (trong một số Xuân 2010) nhưng những ý chính vẫn không thay đổi. Trung Quốc vẫn cứ là một anh tiền nong rủng rỉnh nhưng nghèo mạt về chính trị (điều này sẽ được bàn trong một bài khác) trong khi Mỹ vẫn đủng đỉnh với chiến thuật xoay trục và ngày càng thành công trong việc cô lập Bắc Kinh. Thử đọc lại và đối chiếu với tình hình thực tế sẽ có cái nhìn thực chất về “sức mạnh Trung Quốc” và “sự suy tàn Mỹ” (bài đã đăng khá dài, hơn 3.500 từ; ở đây tóm lại một số chi tiết chính)...
“(Một) thập niên mà thế giới nghiêng về phía Đông” – đó là tựa bài bình luận ngắn tổng kết thập niên đầu tiên thế kỷ 21 của sử gia Niall Ferguson (Đại học Harvard) trên Financial Times (27-12-2009); và nếu qui chiếu theo trục quan điểm trên hẳn người ta có thể chẳng hồ nghi gì rằng thập niên kế tiếp hẳn thế giới không chỉ tiếp tục bị kéo về mà còn bị chi phối bởi hấp lực từ bên Mặt trời mọc. Điều đó cũng có nghĩa sức mạnh phương Tây (sẽ) được sang tay cho châu Á. Ý kiến này thật ra chẳng mới mẻ. Trước thềm thế kỷ 21, từng có vô số bài nhận định tương tự; nhưng 10 năm trôi qua, thực tế vẫn cho thấy sự mơ hồ của lập luận trên. Thế còn 10 năm kế tiếp?

Diều hâu gãy cánh?

Cứ theo các con số thống kê kinh tế, không ít người không phải không có lý khi nghĩ rằng thập niên kế tiếp hẳn thuộc về Trung Quốc trong khi Mỹ đang ở thời kỳ suy tàn dẫn đến suy vong trong tương lai gần. Tuy nhiên, việc xét đến khả năng liệu có phải thật sự diều hâu Mỹ đang gãy cánh và rồng Trung Quốc đang thăng thiên cần phải quan sát kỹ hơn. “Dự báo” về sự sụp đổ của “đế quốc” Mỹ trong thực tế chẳng phải xảy ra gần đây. Cuối thập niên 1950, báo chí Mỹ từng phác họa viễn cảnh đen tối của Mỹ trước sự lớn mạnh Liên Xô.
Thậm chí vào thập niên 1980, sau khi Mỹ gượng dậy từ thất bại cuộc chiến Việt Nam, sử gia Paul Kennedy (Đại học Yale) vẫn dự báo về “cái chết đau đớn” của nước Mỹ, bởi chính sách quân sự hóa ở nước ngoài trong khi không kiềm chế tiêu xài trong nước. Và từ cuối thập niên 1990 đến nay, những “sấm truyền” tương tự vẫn liên tục xuất hiện với tần suất dày đặc trên mặt báo và truyền thông Mỹ (cuối năm 2009, hai tác giả Brad Delong và Stephen Cohen còn tung ra quyển The End of Influence - Dấu chấm hết của ảnh hưởng – nói về sự kết thúc của ảnh hưởng Mỹ với thế giới).

Những lát cắt chi tiết hơn của vấn đề

Trong thực tế, dù bị bầm giập bởi suy thoái, kinh tế Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với trị giá 14,3 ngàn tỉ USD; gấp ba so với nền kinh tế thứ hai thế giới là Nhật; và chỉ thấp hơn một chút so với nền kinh tế của bốn siêu cường là Nhật, Trung Quốc, Đức và Pháp. Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới hiện đại lại chứng kiến khoảng cách lớn như vậy giữa các siêu cường. Cuối Thế chiến thứ nhất, những quốc gia chính trên bàn cân quyền lực châu Âu có sức mạnh (kinh tế-quân sự) gần như bằng nhau. Cụ thể, kinh tế Đức với GDP trị giá 237 tỉ USD chỉ nhỉnh hơn Anh một chút với 225 tỉ USD (Pháp với 144 tỉ USD và Nga với 230 tỉ USD).
Mỹ hiện cũng đứng đầu thế giới xét về thu nhập bình quân đầu người – 47.000 USD; so với 44.000 USD của Pháp và Đức; 38.000 USD của Nhật; 11.000 của Nga; 2.900 USD của Trung Quốc và 1.000 USD của Ấn Độ. Cần biết, nếu xét đến yếu tố dân số, Mỹ với hơn 300 triệu so với 1,4 tỉ Trung Quốc, khoảng cách giữa hai con số thu nhập giữa Mỹ và Trung Quốc thật ra còn cách xa đến nhiều lần. Với sự chênh lệch như vậy, bao giờ Trung Quốc mới bắt kịp Mỹ về thu nhập đầu người – một trong những tiêu chí để đánh giá sự giàu có của một quốc gia – còn là vấn đề ở thì tương lai bất định…
Sản lượng kinh tế (hàng hóa-dịch vụ…) của Mỹ cũng gần như luôn ở tỉ lệ ổn định trong nhiều năm (chiếm 32% tổng sản lượng kinh tế thế giới năm 1913; 26% năm 1960; 22% năm 1980; 27% năm 2000; 26% năm 2007…). Không chỉ có “độ vênh” ở khoảng cách kinh tế, Mỹ còn bỏ xa nhiều nước xét về sức mạnh quân sự. Năm 2008, Mỹ chi 607 tỉ USD cho quốc phòng, chiếm gần ½ tổng ngân sách quốc phòng thế giới. Chi tiêu quốc phòng Mỹ hiện chiếm 4,1% GDP, thấp hơn mức được chi trong hầu hết giai đoạn chiến tranh lạnh (thời Dwight Eisenhower, ngân sách quốc phòng chiếm đến 10% GDP). Không như nhiều ý kiến từng nhận định, rằng hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan sẽ làm phá sản Mỹ, ngân sách cho hai cuộc chiến trên hiện khoảng 125 tỉ USD/năm, tức không đến 1% GDP (thời chiến tranh Việt Nam, ngân sách quốc phòng Mỹ chiếm 1,6% GDP).
Không thể xét đến sức mạnh của một quốc gia mà không bàn đến giáo dục - nền tảng của mọi nền tảng cho phát triển bền vững. Năm 2005, Viện hàn lâm khoa học Hoa Kỳ tung ra báo cáo (mang tính cảnh báo) cho biết, Mỹ chẳng lâu nữa sẽ bị mất thế dẫn đầu về khoa học. Báo cáo cho biết, năm 2004, có 600.000 kỹ sư tốt nghiệp ở Trung Quốc, 350.000 tại Ấn Độ, và Mỹ chỉ có 70.000; trong khi đào tạo tại Mỹ lại tốn kém (chi phí đào tạo một nhà hóa học hoặc kỹ sư Mỹ có thể dùng để thuê 5 nhà hóa học Trung Quốc hoặc 11 kỹ sư Ấn Độ). Tuy nhiên, nói đến giáo dục, chất lượng mới là điều đáng bàn. Hơn nữa, cách “đếm” của Trung Quốc và Ấn Độ cũng là điều nên đề cập, khi mà những người tốt nghiệp trung cấp hai năm tại hai nước này cũng được gọi là “kỹ sư”. Năm 2005, Viện toàn cầu McKinsey từng công bố khảo sát thị trường lao động và nhận thấy tỉ lệ thỏa mãn trình độ và kiến thức chuyên môn của sinh viên tốt nghiệp tại 28 nước đang phát triển là rất thấp (theo Viện McKinsey, giới quản trị nhân sự tại các công ty đa quốc gia đánh giá rằng chỉ 10% kỹ sư Trung Quốc và 25% kỹ sư Ấn Độ là “có thể được sử dụng” so với 81% kỹ sư Mỹ). Cần biết, Mỹ đầu tư đến 2,6% GDP cho giáo dục nâng cao so với 1,2% tại châu Âu và 1,1% tại Nhật. Tại Ấn Độ, hệ thống đại học mỗi năm cho tốt nghiệp 35-50 tiến sĩ khoa học máy tính; trong khi đó, tại Mỹ là 1.000.
Trong danh sách 10 đại học hàng đầu thế giới năm 2009 không có đại học châu Á nào và chỉ duy nhất một trường châu Á, Đại học Tokyo, lọt vào top 20. Trong 30 năm qua, chỉ có 8 người châu Á (mà 7 là Nhật) được trao các giải Nobel khoa học. Hệ thống thi cử nặng nề còn là một trong những nguyên nhân bóp chết giáo dục châu Á. Gút lại, để có cái nhìn tổng quát (và so sánh) về giáo dục Mỹ với châu Á, có thể lấy ý kiến Bộ trưởng giáo dục Singapore Tharman Shanmugaratnam làm kết luận: “Cả hai nước Mỹ-Singapore đều theo chính sách trọng dụng chất xám. Của quí vị (Mỹ) là chính sách trọng dụng người tài và của chúng tôi là trọng dụng thi cử. Chúng tôi biết cách đào tạo người để đi thi trong khi quí vị biết cách tận dụng và phát huy tối đa tài năng. Cả hai đều quan trọng nhưng ở vài góc độ khi xét đến vấn đề chất xám, chúng tôi (Singapore) lại không thể kiểm nghiệm tốt nhân tài (bằng Mỹ) – chẳng hạn tính sáng tạo, óc tò mò, lòng ham muốn khám phá, tham vọng. Trên hết tất cả, Mỹ là một nền văn hóa tiếp thu dám thách thức những ý tưởng truyền thống, thậm chí khi điều đó đồng nghĩa với việc thách thức nhà cầm quyền”.

Đến lúc cờ đến tay Trung Quốc chưa?

Giữa năm 2008, báo cáo ngân hàng Merrill Lynch cho biết Trung Quốc có nhiều triệu phú hơn cả Pháp. Tính đến cuối năm 2007, Trung Quốc có tổng cộng 414.900 người với tài sản hơn 1 triệu USD (chỉ sau Mỹ, Nhật, Đức và Anh). Tuy nhiên, thống kê Chính phủ Trung Quốc cho thấy nông dân nước này chỉ kiếm được không bằng 1/3 so với dân thành thị; và nhà xã hội học nổi tiếng Tôn Lập Bình (Sun Liping) thuộc Đại học Thanh Hoa nói rằng chuẩn sống giữa thành thị và nông thôn Trung Quốc khác nhau đến 6 lần...
Tính hiệu quả của kinh tế cũng là điều cần đề cập. Từ năm 1991-1995, theo nhà nghiên cứu gốc Hoa Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei; thuộc Viện nghiên cứu Carnegie Endowment), 100 triệu tệ trong đầu tư vào các nguồn tài sản cố định của Trung Quốc mang lại lợi nhuận 66,2 triệu tệ cho GDP và tạo ra 400 việc làm mới; 10 năm sau, cũng theo họ Bùi, số tiền đầu tư tương tự chỉ mang lại 28,6 triệu tệ cho GDP và 170 việc làm. Trên World Politics Review (25-12-2009), tác giả John Lee (Trung tâm nghiên cứu độc lập tại Sydney, Úc) còn chỉ thêm rằng, chính sách kinh tế ưu ái hệ thống doanh nghiệp thuộc quản lý nhà nước là một trong những nguy cơ đe dọa kinh tế nước này trước mắt cũng như lâu dài. Năm 1978, số công ty nhà nước làm ăn không lãi là 19%; tăng lên 40% năm 1997 rồi 51% năm 2006…
Một mối lo lớn nữa đối với sinh mạng kinh tế Trung Quốc là khoảng cách giàu nghèo. Hệ số Gini (do nhà thống kê học Corrado Gini đưa ra đầu thế kỷ 20; một cách tính phân phối nguồn thu nhập, với 0 có nghĩa công bằng hoàn hảo và 1 có nghĩa bất bình đẳng tuyệt đối) tại Trung Quốc đã tăng từ 0,25 thập niên 1980 lên khoảng 0,5 hiện nay (cao nhất châu Á). Dù GDP quốc gia tăng phi mã nhưng khoảng 400 triệu người Trung Quốc đang chứng kiến tình trạng lương không tăng hoặc thậm chí giảm trong một thập niên qua (khảo sát Ngân hàng Thế giới-WB cho biết thu nhập 10% người nghèo nhất Trung Quốc giảm 2,4%/năm từ đầu thế kỷ 21 đến nay).
Tập đoàn ngân hàng-tài chính toàn cầu Goldman Sachs từng dự báo Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ năm 2050 để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới với giá trị GDP 45 ngàn tỉ USD so với 35 ngàn tỉ USD của Mỹ. Tuy nhiên, đến thời điểm “huy hoàng” đó, tỉ lệ người lao động tại Mỹ tăng khoảng 30% trong khi Trung Quốc giảm 3%. Tại sao? Dự báo WB cho biết, đến năm 2015 sẽ có nhiều người Trung Quốc rời lực lượng lao động hơn so với tỉ lệ được thay thế và tình hình càng u ám vào năm 2030, khi 1/4 dân số Trung Quốc sẽ vượt quá 60 tuổi, so với 10% hiện nay. Dân số đông luôn dẫn đến nhiều mặt trái nan giải: tài nguyên bị khai thác ráo riết hơn; môi trường bị đối xử tệ hơn; nguồn nước ngọt (và sạch) khan hiếm hơn; ô nhiễm nặng nề hơn (không khí ô nhiễm làm thiệt mạng gần 400.000 người Trung Quốc mỗi năm). Ngân sách nuôi 329 triệu người già vào năm 2050 của Trung Quốc chắc chắn chiếm tỉ lệ không nhỏ trong GDP…
Giả dụ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc duy trì ổn định với 7%/năm (gấp đôi so với Mỹ) thì GDP Trung Quốc sẽ gấp đôi từ năm 2007-2015, tức từ 3,3 ngàn tỉ USD lên 6,6 ngàn tỉ USD; rồi lại gấp đôi vào trước năm 2025, lên 13,2 ngàn tỉ USD. Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm mà GDP Mỹ lên đến 28 ngàn tỉ USD (nếu kinh tế Mỹ tăng trung bình 3,5%/năm)! Đây mới là một thực tế, “thật” đến mức có thể “sờ mó” được, hơn là những dự báo chỉ dựa vào các con số “khủng” trong tỉ lệ tăng trưởng mà lại không xét đến nhiều yếu tố bất cập trong mô hình phát triển cũng như thực tế bất bình đẳng xã hội... Nói cách khác, trong thế kỷ 21 nói chung và thập niên kế tiếp nói riêng, hẳn sẽ có người còn tiếp tục mơ về “bao giờ cho đến cái ngày huy hoàng” khi họ nhảy lên vị trí số một thống trị thế giới. Muốn thay thế vị trí Mỹ, trước hết phải chặt đứt được toàn bộ hệ thống mắt xích liên kết toàn cầu chằng chịt của Mỹ, từ văn hóa, chính trị đến kinh tế trong đó có vị trí ngai vàng của đồng USD (chứ không chỉ bằng động thái đầu tư quân sự và ấp ủ tham vọng lấn chiếm khu vực theo kiểu “học làm siêu cường”). Điều này, (có lẽ) ít ra trong thế kỷ này, rõ ràng là bất khả thi!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"