Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Sách vở và hạnh phúc!

Tạp ghi Huy Phương
Tôi có một người bạn rất yêu văn chương, suốt cuộc đời ông, tuy là một người lính trận, tay súng tay viết, ông viết văn làm thơ. Yêu văn chương tất nhiên là phải yêu sách vở. Lúc về già, ra hải ngoại, ông hết mình bỏ công sức sưu tập tài liệu về văn học và tự xây dựng một nhà in bỏ túi, tự in lấy sách mình và của bạn bè. Ông có một cái tên do cha mẹ, kỳ vọng nơi con sẽ là người yêu sách, tên ông là Trần Quí Sách. Lớn lên khi biết yêu văn chương, thích sách vở, ông đặt bút hiệu cho mình là Trần Hoài Thư theo chí hướng “quí sách” của đấng sinh thành đã kỳ vọng nơi ông.

Ðộc giả đọc sách trong một nhà sách ở Hà Nội, Việt Nam. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Tôi lớn lên trong buổi giao thời của Hán-Nôm và chữ quốc ngữ. Sách vở thời ấy còn hiếm và đắt, không phải ai cũng có sách trong tay, học sinh đến trường có được một vài cuốn sách giáo khoa đã là quý. Theo quan niệm cổ lỗ của bà nội tôi, sách là tư tưởng của thánh hiền phải đem lòng kính trọng, những trang sách chữ Hán không dùng thì đem đốt trong lò hương (khác với dùng để nhúm lò hay làm đóm thuốc lào) hay tốt hơn hết là nhai rồi nuốt vào bụng!

Thời “cách mạng,” sách là nọc độc. Sách Tây sách Anh là sản phẩm đế quốc, sách tiếng Việt là tàn dư của văn hóa đồi trụy, không thì cũng là của “bọn biệt kích văn hóa.” Cộng Sản Bắc Việt bắt chước bạo chúa Tần Thủy Hoàng, đốt sách và cầm tù kẻ sĩ. Sách đốt không hết thì xé vụn đem cân ký lô hay dấm dúi bán rẻ cho bà bán xôi, bán mắm phục vụ quần chúng. Ðó là thời sách vở tan nát dưới bàn tay bạo chúa, nhân dân phải chịu ngu dốt một thời gian mói phục hồi được trí tuệ, do đó mấy người biết yêu quí sách vở, thứ văn hóa đó khó mà gột rửa.
Nếu hoa hậu Singapore, Pilar Carmelita Arlando, hiện là sinh viên đại học ngành du lịch, vừa bị gán biệt danh là “óc bã đậu” khi trả lời sai ngay cả những kiến thức sơ đẳng về đất nước mình, thì thí sinh tham dự Hoa Hậu Ðại Dương của Việt Nam với câu trả lời ngô nghê: “Em muốn người Trung Quốc hãy... mở giàn khoan đó ra... để cho đất nước Việt Nam của em ngày càng xinh đẹp hơn!” làm thiên hạ cười lăn. Nếu nhà báo, nhà văn, sinh viên, đảng viên hay viên chức chính phủ coi thường sách, chúng ta cũng nên thông cảm vì ở đời có nhiều thứ quý hơn sách, như điện thoại đời mới, xe đắt tiền, chỗ làm thơm, gái đẹp, đô la. Ðến như hoa hậu, thì đâu còn cần đến sách, họ cần y phục, phấn son, tước vị, đại diện cho các công ty mỹ phẩm và... đại gia.
Mới đây, lại có chuyện liên hệ giữa sách và hoa hậu. Số là một bức ảnh chụp cảnh đạo diễn Lê Hoàng và hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Triệu Thị Hà, ngồi đối thoại với nhau trên hai chiếc ghế kê bằng các cuốn sách lộ ra ngoài, khiến khán giả “yêu sách” cảm thấy bất bình. Hoa hậu thì phân bua không có trách nhiệm (đương nhiên) vì quá vội vàng, vì sau đó phải bay đi Hà Nội, rồi để sau đó về Cao Bằng thăm nhà (hoa hậu nào trên trái đất này mà không bận rộn). Ông đạo diễn thì ngụy biện “đây chưa phải là thành phẩm, chưa phát hình mà chỉ như một bản nháp (nghĩa là chưa được edit, cắt xén) thì không thể phán xét, phê bình.
Nghĩa là ông có thể ngồi xổm lên sách vở, miễn là trước khi đoạn phim đem ra trình làng, không ai thấy cảnh ấy là được! Như vậy, nghĩa là chúng ta có thể làm bất cứ điều gì, miễn là đừng cho ai trông thấy.
Không ai trông thấy thì không có gì phải hổ thẹn. Dư luận lên án họ là “vô học,” “vô văn hóa,” “vô đạo đức”... rất nhiều bình luận phẫn nộ nhắm vào hành động dùng sách thay cho cục gạch kê bốn chân ghế.
Lẽ cố nhiên các cuốn sách này không phải là của các tác giả làm trong đài truyền hình, mà của các nhà văn cầu cạnh muốn gửi sách đến cho đài, để đài giới thiệu hay tặng cho nhân viên trong đài, không phải nơi và là đối tượng để tặng sách, cuối cùng không có giá trị bằng một cục gạch, nhân viên đài truyền hình dùng để đệm ghế cho hoa hậu ngồi. Kinh nghiệm này giúp cho các tác giả thận trọng khi hạ bút ký sách tặng cho đài phát thanh, truyền hình, đạo diễn, ca sĩ, xướng ngôn viên và nhất là các hoa hậu.
Khổng Tử nói, “Quân tử ba ngày không đọc sách, soi gương mặt mũi đáng ghét, nói chuyện nhạt nhẽo khó nghe,” nhưng thời nay, cỡ hoa hậu son phấn che lấp, dung nhan kiều diễm, nói nhăng nói cuộc cũng lắm người nghe!
Báo Công An Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Ðảng Ủy Công An Trung Ương và Bộ Công An, đã viết một câu nguyên văn như sau, “Ðội tuyển Anh là đội bóng mà tôi rất yêu thích. Thế nhưng, cái cách mà đội tuyển Anh thi đấu, lại khiến tôi nhớ đến câu nói rất cũ của người Trung Hoa: “Quân tử ba ngày không đọc sách, lời nói đã nhạt. Quân tử ba ngày không soi gương, mặt mũi đáng ghét.” Ban biên tập này cũng là loại chê sách hay loại viết càn, không chịu tra cứu, phịa lời Không Tử là “ba ngày không soi gương, mặt mũi đáng ghét.” Như vậy, theo lời khuyên của Ðảng Ủy Công An Trung Ương, hoa hậu chỉ cần soi gương mỗi ngày, đâu có cần đọc sách!
Thực tế là theo thống kê của Petrotimes Việt Nam, thì người Việt mỗi năm không đọc nổi được một cuốn sách. Cụ thể, dựa trên báo cáo hàng năm của các thư viện gửi về Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, trung bình người Việt đọc 0.8 cuốn sách mỗi năm trong khi đó ngay tại các thư viện công cộng tỷ lệ này cũng chỉ đạt 0.38 cuốn.
Nhưng sách vở mà làm chi, sách đôi khi là kẻ thù của chế độ.
Theo Trần Thành Nam trên Blog Danlambao, thì lý do dân ít đọc sách do nhà nước: “Chỉ hơn nửa thế kỷ qua chính quyền này đã làm hỏng dân tộc ta, đã tạo ra xã hội rẻ rúng sách, dị ứng sách như hiện nay.”
Người Việt càng lười đọc sách, chế độ ta hôm nay càng an toàn. Cũng như, vì chúng ta ít đọc sách mà xã hội ta đã có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới đó thôi?
Ðọc sách đòi hỏi tư duy. Tôi tư duy nên tôi tồn tại. Chúng ta có tư duy không nhỉ? Có, chúng ta đang phải và được phép tư duy trung bình với tốc độ 0.8 lần trong một năm!
Người Việt sẽ giữ vững ngôi đầu bảng hạnh phúc trên thế giới vì tốc độ tư duy đó. Mỗi năm chỉ cần phải tư duy gần một lần thôi, còn lại là chúng ta hạnh phúc!
Thì ra không đọc sách, cuộc đời này hạnh phúc biết mấy! Càng ngu si lại càng hưởng thái bình!
Người đẹp Triệu Thị Hà sau đó xin lỗi về chuyện “ngồi lên sách” và nói bức ảnh có cô ngồi trên chiếc ghế kê bằng các cuốn sách trong một buổi ghi hình là bài học lớn để cô phải quan sát mọi thứ trước khi làm việc.
Mới đây, chia sẻ với VnExpress, Triệu Thị Hà cho biết, mấy ngày qua khi bức ảnh lan truyền trên mạng với những lời chỉ trích của mọi người, cô rất buồn.
“Mấy tuần trước, tôi được mời đến ghi hình cho chương trình 'Ðối mặt.' Tôi và anh Lê Hoàng rất tập trung vào cuộc trò chuyện xoay quanh các chủ đề về cuộc sống. Buổi ghi hình cũng chỉ diễn ra khoảng 30 phút,” Hoa Hậu Triệu Thị Hà kể.
Người đẹp cho biết, cô là người rất yêu quý, nâng niu sách và thường mua sách về đọc nên không thể nào có chuyện cô cố tình biết mà vẫn làm. Triệu Thị Hà xem đây là sơ suất của bản thân khi đã không quan sát, để ý đến điều kiện làm việc.
Mới đây, một biên tập viên của chương trình talkshow này giải thích với báo chí, trong ngày ghi hình, do hai chiếc ghế của khách mời thấp hơn so với máy quay, và ngoài trời đang mưa nên bộ phận thiết kế không thể tìm được đồ vật để kê ghế lên, đành dùng các cuốn sách. Biên tập viên này cũng thay mặt ê kíp sản xuất chương trình nói lời xin lỗi khán giả.
Chương trình “Ðối mặt” cũng mới quay bản thử đầu tiên và chưa có lịch phát sóng.
Năm 2012, hình ảnh ca sĩ Phương Thanh mặc váy sặc sỡ, mang giày cao gót đạp lên chồng sách cũng khiến nhiều người bức xúc. Sau đó, nữ ca sĩ cho biết đây là hình ảnh ghép chứ không phải ảnh thật.
Phương Thanh đã giải thích: “Tôi rất quý chữ nghĩa và trọng việc đọc sách, báo nói chung. Khi tôi đọc, dù chỉ là một mẩu tin ngắn trên báo hay một trang sách nào đó, nếu ấn tượng thì tất cả sẽ đi vào đầu tôi, nằm ở trong tim tôi chứ không còn nằm ở trên xác chữ, xác giấy.”

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"