Tương Lai
Liêm Nguyễn lược dịch
Liêm Nguyễn lược dịch
Việt Nam là một nước nhỏ. Người Việt không thể và không được phép đặt
tương lai của mình vào tay của bất kỳ ai khác, nhưng vào lúc này Việt
Nam cần có các đồng minh chiến lược để đánh bại kẻ thù trước mắt là TQ.
Việc TQ mang giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào thềm lục địa Việt Nam
vào tháng 5, và các tuyên bố ngạo mạn tại hội nghị thượng đỉnh an ninh
châu Á “Đối thoại Shangri-La” vào tháng 6, đã cho thế giới thấy được bản
chất cướp biển của TQ. Những động thái này cũng là lời cảnh báo cho
những ai ở Việt Nam vẫn còn tin vào mối tình đồng chí huyễn hoặc với TQ.
Nhưng một mình Việt Nam không thể chống lại sự xâm lược của TQ. Sự cô
lập chính trị trong một thế giới toàn cầu hoá là tự sát cho Việt Nam
vào lúc này. Và đồng minh chính yếu của Việt Nam hiện nay phải là Hoa Kỳ
– một liên minh mà trớ trêu thay chính chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt
Nam đã muốn có từ lâu.
Dân tộc Việt Nam đã phải đấu tranh hàng ngàn năm để có được một nền
văn hoá và độc lập dưới cái bóng của người hàng xóm khổng lồ. Thế nhưng,
chính sự thiển cận và ngu dốt triền miên đã đầu độc những thế hệ lãnh
đạo Việt Nam, ngay cả khi các “đồng chí” TQ của họ ngang nhiên tấn công
vào biên giới Việt Nam vào năm 1979, hay khi TQ xâm lược và chiếm đóng
quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và quần đảo Trường Sa vào năm 1988 –
những quần đảo mà Việt Nam đã làm chủ trong nhiều thế kỷ. Ngay sau các
cuộc cách mạng ở Đông Âu vào năm 1989, lãnh đạo Việt Nam đã cố gắng
chống đỡ để chủ nghĩa cộng sản không bị sụp đổ một cách đau đớn ở Đông
Nam Á. Tại một hội nghị đầy ô nhục ở Thành Đô, Trung Quốc, vào năm 1990,
các nhà lãnh đạo Việt Nam đã ký các thỏa thuận làm cho Việt Nam trở
thành phụ thuộc nhiều hơn vào TQ – một sự phản bội lợi ích dân tộc và
một nỗi nhục cho đất nước.
Vì lợi ích cá nhân, một số người Việt thậm chí trở thành kẻ phản bội,
phục tùng TQ một cách mù quáng. Họ làm người Việt nhớ tới Lê Chiêu
Thống, vị vua cuối cùng của triều đại nhà Lê vào thế kỷ 18, kẻ bị dân
tộc Việt Nam nguyền rủa và phải vong thân ở TQ. Nhưng sự hèn nhát của
lãnh đạo Việt Nam chưa bao giờ trơ trẽn như trong vòng 25 năm qua. Chính
quyền Việt Nam đã đặt tình hữu nghị cộng sản-XHCN với TQ lên trên lợi
ích quốc gia và hạnh phúc của người dân. Các nhà lãnh đạo của Việt Nam
đã xem kẻ xâm lược đất nước như bè bạn.
Những xâm chiếm lãnh hải gần đây và sự coi thường luật pháp quốc tế
của TQ đã thức tỉnh dân tộc Việt Nam. Nếu không nhanh chóng có những
điều chỉnh chiến lược quan trọng, TQ sẽ thôn tính hết các vùng hải đảo
của tổ quốc. Việt Nam phải vứt bỏ các huyền thoại của tình hữu nghị với
TQ và quay trở về với những gì mà HCM đã tha thiết mong muốn sau thế
chiến II: đó là một liên minh Mỹ-Việt ở châu Á.
Sự đồng cảm của HCM với Hoa Kỳ và các lý tưởng của Hoa Kỳ về quyền tự
quyết cho tất cả các dân tộc đã bắt nguồn từ Hiệp định Hòa bình Paris
sau thế chiến I. Từ đầu thế chiến II, người Mỹ là quân đội nước ngoài
duy nhất đã chiến đấu bên cạnh HCM để chống lại chủ nghĩa phát xít ở
Đông Dương; Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS (tiền thân của CIA) từng
giúp huấn luyện và thành lập đơn vị du kích Mỹ-Việt đầu tiên vào cuối
năm 1944.
Không phải tình cờ mà bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam mà HCM đọc
vào 09/1945 đã tham khảo bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ. Ông đã nhìn thấy
những giá trị cao quý của dân chủ, tự do, bình đẳng và công lý như những
kim chỉ nam cho Việt Nam.
Trong một loạt 8 lá thư và điện tín mà HCM gửi cho Tổng thống Harry
S. Truman, và 3 cái khác gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao James F. Byrnes từ
1945-1946, ông đã lên án chủ nghĩa thực dân Pháp và tuyên bố rõ ràng
“Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với
Hoa Kỳ”, ông cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ của người Việt Nam đối với “dân
tộc Mỹ vì sự đấu tranh cho những lý tưởng cao đẹp của Công lý và Nhân
đạo quốc tế, vì những thành tựu kỹ thuật hiện đại mà người Việt Nam cảm
thấy bị lôi cuốn”.
Thật đáng tiếc, hầu hết những lá thư của HCM đã không được đáp trả.
Lịch sử cho thấy rất nhiều những cơ hội đã bị bỏ lỡ như vậy. Trong
trường hợp này, chúng đã đưa đến những hậu quả tai hại.
Khi những thanh niên Mỹ chỉa súng vào người Việt Nam ở một đất nước
nhỏ bé ở phía bên kia Thái Bình Dương, họ đã tin rằng đó là nhiệm vụ của
họ để ngăn chặn “làn sóng đỏ.” Về phía mình, những thanh niên nam nữ
Việt Nam cũng đã anh dũng hy sinh mạng sống trên đường mòn Hồ Chí Minh
với súng và xe tăng được cung cấp bởi Liên Xô và Trung Quốc – cái gọi là
anh em xã hội chủ nghĩa thân yêu một thời của Việt Nam. Nhưng bi kịch
thường bắt đầu với ý thức hệ sai lầm và ảo tưởng về tình bạn. Một hiệp
ước hòa bình với Liên Xô ký vào năm 1978 đã không giúp gì cho Việt Nam
khi chiến tranh biên giới với TQ nổ ra năm 1979.
Vấn đề cơ bản đối với Việt Nam hiện nay là sự lựa chọn đúng đắn các
đối tác chiến lược. Nhật Bản, và ở một mức độ thấp hơn, Hàn Quốc, Đài
Loan, Singapore và các nước châu Á nhỏ khác là các đối tượng nên được
xem xét. Mặc dù quả bom nguyên tử của Mỹ đã tàn phá Hiroshima và
Nagasaki, nhưng sau chiến tranh Nhật Bản vẫn chọn Hoa Kỳ là đồng minh và
đối tác kinh tế quan trọng, Nhật cũng đã thu nhận các giá trị Mỹ như
các nguyên tắc dẫn đường của mình.
Trong các khía cạnh về phát triển kinh tế và xã hội, sự lựa chọn giữa
các mô hình của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore hay của Bắc
Triều Tiên, Cuba và Lào thì đã quá rõ.
Đạo đức giả và chính sách hai mặt của chính quyền TQ đã quá nổi
tiếng và được ghi nhận. Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, gần đây
đã nói một cách thẳng thắn: “Việt Nam luôn muốn hòa bình, hữu nghị với
TQ. Nhưng chúng tôi không thể đánh đổi độc lập và chủ quyền thiêng liêng
cho một thứ hòa bình hữu nghị viển vông và lệ thuộc”. Những từ ngữ mạnh
mẽ của ông dự báo một cách đối phó mới của Việt Nam với TQ. Tuy nhiên
Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa.
Lãnh đạo Việt Nam cần quyết đoán hơn trong việc lên án TQ trước tòa
án quốc tế, và dứt khoát một lần cho xong, vứt bỏ mối quan hệ về ý thức
hệ với TQ vào xọt rác lịch sử. Việt Nam phải thực hiện một cách đầy đủ
và đi theo lý tưởng thực sự của bản Tuyên ngôn Độc lập mà HCM đã viết
vào năm 1945. Và điều đó có nghĩa là sau cùng thì Viêt Nam cũng thiết
lập được các mối quan hệ kinh tế và quân sự chặt chẽ với Hoa Kỳ như HCM
đã mong muốn từ sau chiến tranh thế giới II.
Đó là cách duy nhất để đánh bại chủ nghĩa bành trướng kiểu mới của TQ
mà Tập Cận Bình đang theo đuổi, điều đó cũng sẽ giúp cho Việt Nam gia
nhập với thế giới văn minh, với những lý tưởng về dân chủ, tự do và công
bằng cho tất cả.
Liêm Nguyễn lược dịch theo The New York Times